Thursday, December 19, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiNhìn lại lịch sử khám phá vũ trụ của Liên Xô và...

Nhìn lại lịch sử khám phá vũ trụ của Liên Xô và Nga

Sự cố khiến tàu thám hiểm Luna-25 của Nga đâm thẳng vào bề mặt mặt trăng chỉ là một trong những thất bại trong quá trình khám phá vũ trụ của quốc gia này. Tuy nhiên, dù chưa từng gửi phi hành gia lên mặt Trăng, nhưng họ đã giúp mở đường cho việc khám phá không gian của con người.

Tàu vũ trụ Soyuz TMA-12M được nhìn thấy khi nó khởi hành từ Trạm vũ trụ quốc tế ISS vào năm 2014.

Cách đây 62 năm, vào ngày 12.4.1961, phi hành gia Liên Xô Yuri Gagarin đã trở thành người đầu tiên đi ra khỏi bầu khí quyển trái đất, tiến vào không gian. Thành tựu này đã làm lay động thế giới, không chỉ khiến Mỹ phải nỗ lực trong việc khám phá vũ trụ, mà còn mở ra cánh cửa cho những khả năng vô tận của con người.

Mặc dù chưa từng gửi một phi hành gia nào lên ngoài quỹ đạo trái đất, Liên Xô và Liên bang Nga đã có một lịch sử phong phú về việc đưa người lên không gian, góp phần đáng kể cho việc khám phá không gian của con người. Trong quá khứ, Liên Xô đã gửi người đầu tiên lên không gian, tiến hành cuộc đi bộ không gian đầu tiên, gửi người phụ nữ đầu tiên lên không gian, lắp ráp trạm không gian dạng mô đun đầu tiên trên quỹ đạo trái đất. Hầu hết các thành tựu này đã đạt được bằng cùng một tàu vũ trụ được sử dụng trong những năm 1960.

Sau đây, hãy cùng nhìn lại lịch sử khám phá vũ trụ của Liên Xô và Nga, cũng như những đóng góp của họ cho công cuộc khám phá vũ trụ trong quá khứ.

Chương trình Vostok

Chương trình chuyến bay không gian có người lái đầu tiên của Liên Xô là Vostok. Chương trình đã đem lại một số thành tựu đầu tiên về chuyến bay không gian của con người, bắt đầu từ chuyến bay lịch sử của Yuri Gagarin trên tàu Vostok 1 vào ngày 12.4.1961. Với chuyến bay này, Gagarin không chỉ trở thành người đầu tiên đi vào vũ trụ, mà còn là người đầu tiên bay vòng quanh trái đất.

Vostok 2 được phóng lên vào ngày 6.8.1961 và mang theo Gherman Titov vào không gian, biến ông trở thành người đầu tiên trải qua một ngày trọn vẹn trong không gian. Ngày 11.8.1962, tàu Vostok 3 đưa Andriyan Nikolayev vào quỹ đạo chỉ một ngày trước khi Vostok 4 được phóng, đưa theo phi hành gia Pavel Popovich. Hai nhiệm vụ kết hợp này đã trở thành những chuyến bay đồng thời đầu tiên của hai tàu vũ trụ, với cả hai phi hành gia đều trở về trái đất an toàn vài ngày sau đó. Tàu Vostok 5 đã được phóng lên vào ngày 14.6.1963, mang theo phi hành gia Valery Bykovsky vào không gian trong gần 5 ngày, thiết lập kỷ lục cho chuyến bay đơn lâu nhất tại thời điểm đó. Vostok 5 cũng là một nhiệm vụ chung với Vostok 6, được phóng lên hai ngày sau đó, mang theo Valentina Tereshkova – nữ phi hành gia đầu tiên đi vào không gian.

Chương trình Voskhod

Dựa trên những thành công lịch sử của Vostok, Liên Xô tiếp tục với danh sách các thành tựu đầu tiên với chương trình Voskhod.

Nhiệm vụ Voskhod 1, được phóng lên vào ngày 12.10.1964, là tàu vũ trụ đầu tiên mang theo một phi hành đoàn nhiều người vào không gian, đưa Vladimir Komarov, Konstantin Feoktistov và Boris Yegorov vào quỹ đạo trong hơn một ngày. Tàu Voskhod 2 được phóng lên vào ngày 18.3.1965, mang theo Pavel Belyayev và Alexei Leonov vào không gian trong hơn một ngày. Trong chuyến bay này, phi hành gia Leonov cũng tiến hành cuộc đi bộ không gian đầu tiên trong lịch sử con người.

Chương trình Soyuz

Năm 1967 đánh dấu một bước ngoặt đối với chương trình vũ trụ của Liên Xô khi họ giới thiệu tàu vũ trụ Soyuz, con tàu hiện vẫn đang được Nga sử dụng.

Tuy nhiên, chương trình Soyuz đã bắt đầu không suôn sẻ khi Soyuz 1 rơi vào ngày 23.4.1967, kết quả của một lỗi thảm khốc với hệ thống dù. Vụ rơi đáng buồn này đã cướp đi sinh mạng của phi hành gia Vladimir Komarov, biến anh trở thành người đầu tiên qua đời trong một chuyến bay không gian.

Các nhiệm vụ Soyuz tiếp theo bao gồm các nhiệm vụ cập bến và chuyển đổi phi hành đoàn để chuẩn bị cho việc làm việc trên trạm không gian đầu tiên của nhân loại – Salyut 1 bằng tàu Soyuz 11, phóng lên vào ngày 6.6.1971.

Thật không may, trong khi 3 phi hành gia của Soyuz 11 đã thành công cập bến Salyut 1 và ở lại trong 23 ngày, họ đều qua đời trong khi trở về do tắc nghẽn hô hấp trước khi tái nhập khí quyển. Ba phi hành gia của Soyuz 11 – Georgi Dobrovolski, Vladislav Volkov và Viktor Patsayev – vẫn là 3 người du hành không gian duy nhất đã thực sự qua đời trong không gian khi chưa vượt qua ranh giới Kármán, nằm giữa khí quyển trái đất và vũ trụ.

Chương trình Salyut

Mặc dù mất một số phi hành gia trong các nhiệm vụ Soyuz, Liên Xô vẫn tiếp tục chương trình Salyut, xây dựng một loạt các trạm không gian được phóng từ năm 1971 đến năm 1982. Tất cả các trạm không gian Salyut được phóng lên đều là các thiết kế có thể chứa nhiều phi hành đoàn, cho phép họ tiến hành nhiều thí nghiệm khoa học và y học, cả quân sự và dân sự.

Trạm vũ trụ Mir

Xây dựng dựa trên những thành công của Salyut, Mir là trạm không gian lắp ráp đa mô đun đầu tiên trong lịch sử. Khi hoàn thành, Mir có 6 mô đun, có khả năng hỗ trợ 3 phi hành gia trong các nhiệm vụ lâu dài và nhiều phi hành gia hơn trong các nhiệm vụ ngắn hạn. Mir hoạt động từ năm 1986 đến năm 2001 và hỗ trợ các phi hành gia cho đến năm 2000. Khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, một phi hành gia có tên Sergei Krikalev đã bị mắc kẹt tạm thời trên Mir sau đó.

Trong khi Mir sống sót trong vài năm sau sự sụp đổ của Liên Xô, những thất bại liên tiếp trên trạm vũ trụ này cùng với việc xây dựng ISS đã buộc Nga cuối cùng phải cho Mir “nghỉ hưu” bằng thực hiện một cuộc tái nhập có kiểm soát vào bầu khí quyển trái đất vào ngày 23.3.2001.

Chương trình tàu vũ trụ Buran

Liên Xô đã cố gắng xây dựng hệ thống tàu vũ trụ có khả năng sử dụng lại riêng của mình với tàu vũ trụ Buran và tên lửa Energia. Buran chỉ thực hiện một chuyến bay, trong khi Energia chỉ thực hiện hai chuyến bay. Sự hạn chế về ngân sách cùng với sự sụp đổ của Liên Xô cuối cùng đã dẫn đến việc Nga hủy bỏ Buran và Energia.

Trạm vũ trụ quốc tế (ISS)

Sau sự “nghỉ hưu” của Mir, tàu vũ trụ Soyuz TM-31 đã thành công mang phi hành đoàn Expedition 1 đến trạm vũ trụ ISS vào tháng 10.2001. Điều này đã đánh dấu lần phóng thứ 84 của một tàu vũ trụ Soyuz.

Kể từ thời điểm đó, tàu Soyuz đã thăm ISS thành công tổng cộng 61 lần mà chỉ có một lần phóng thất bại nghiêm trọng. Soyuz MS-10, phóng lên vào ngày 11.10.2018, đã trải qua một sự cố về động cơ phóng. May mắn thay, toàn bộ phi hành đoàn đã sống sót qua thử thách này.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới