Friday, January 10, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaChính sách thâu tóm đất đai ở TQ

Chính sách thâu tóm đất đai ở TQ

Việc đầu tiên để thâu tóm đất đai ở Trung Quốc là sử dụng bạo lực để biến tài sản tư nhân thành cái gọi là sở hữu công. Sau đó lại sử dụng quyền lực để biến sở hữu công thành quyền sở hữu tư nhân của các quan chức. Hai trò này được chính quyền Bắc Kinh gọi với cái tên mỹ miều là “giải phóng quần chúng lao động”. Hãy tìm hiểu qua màn lừa đảo lớn nhất của thế kỷ 20 mang tên “Người cày có ruộng”.

Màn lừa đảo ngọt ngào “Người cày có ruộng”

Với chủ trương “Người cày có ruộng”, vào thời cải cách ruộng đất, Trung Quốc đã cưỡng chiếm đất đai từ giới địa chủ, phân phối cho nông dân. Còn nông dân thì vui mừng khi nhận được giấy chứng nhận đất đai. Thế nhưng nhiều thập kỷ qua, người nông dân Trung Quốc đã sử dụng tài nguyên đất quý giá đó như thế nào?

Theo điều 27 của Cương lĩnh chung bảo vệ quyền sở hữu đất đai của nông dân, những người nông dân vui mừng chưa lâu thì chỉ nửa năm sau cải cách ruộng đất, vào 09/09/1951, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã triệu tập Hội nghị toàn quốc về hợp tác hỗ trợ nông nghiệp lần thứ nhất, đưa ra bản thiết kế hùng tráng cho chủ nghĩa xã hội để thu hồi lại ruộng đất.

Nông dân Trung Quốc không thể ngờ rằng chỉ sau một vài năm, họ không chỉ mất đất mà còn mất cả gia súc và công cụ nông nghiệp. Họ bị chế độ hộ khẩu hạn chế tự do di chuyển và làm việc, trở thành “nông nô cộng sản” trong cái lồng công xã nhân dân. Tất nhiên, còn có điều khác mà họ hoàn toàn không thể ngờ đến: hàng chục triệu người trong số họ rồi sẽ thay đổi từ “nông nô cộng sản” thành oan hồn chết đói trong chiến dịch Đại Nhảy Vọt vài năm sau. Số phận của họ được định đoạt bởi vì Đảng Cộng sản Trung Quốc đã học theo cách của Đảng Cộng sản Liên Xô.

Trước đó, Liên Xô đã thực hiện cưỡng chế hợp tác hóa vào đầu năm 1930. Trước sự đe dọa của chính quyền Stalin, người nông dân đã phải tham gia các nông trại tập thể. Trong cuốn sách “Hãy để lịch sử phán xét” của Roy Medvedev, trang 148, có viết:” Nhiều vùng đưa ra khẩu hiệu: “Ai không tham gia vào các trang trại tập thể sẽ là kẻ thù của chế độ Xô Viết”… Nhiều nơi thành lập không phải nông trang tập thể mà là công xã, sử dụng các phương pháp bắt buộc để công hữu hóa tất cả gia súc nhỏ, gia cầm và đất tư nhân của nông dân”.

Một trong những mục tiêu của Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc là xóa bỏ quyền sở hữu tư nhân. Đây là một mục tiêu mà Đảng không hề che giấu. Do đó, không thể cho nông dân sở hữu đất đai. Khẩu hiệu “Người cày có ruộng” chỉ là thủ đoạn để thâu đoạt lấy quyền lực. Một khi sự nghiệp lớn thành công thì chế độ sẽ công hữu mọi tài sản. Đảng Cộng sản Liên Xô đã buộc nông dân tham gia các trang trại tập thể, còn Đảng Cộng sản Trung Quốc đã buộc nông dân tham gia công xã nhân dân.

Hai năm sau khi tập thể hóa nông dân Liên Xô (năm 1932-1933), hàng triệu người đã bị chết đói. Hai năm sau khi công xã hóa nông dân Trung Quốc (năm 1959-1961), chết đói hàng chục triệu người. Sau nạn đói, Đảng Cộng sản Liên Xô đã tiến hành đấu tranh giai cấp quyết liệt với màn thanh trừng, bắt bớ, tàn sát. Còn Đảng Cộng sản Trung Quốc bấy giờ cũng thúc đẩy đấu tranh giai cấp, đưa toàn xã hội vào cảnh “nồi da xáo thịt”.

Chuyên gia kinh tế nông nghiệp Đồng Thời Tiến là một nhà dự báo thiên tài. Ông ta chạy khỏi Trung Quốc năm 1951 khi nông dân Trung Quốc vui vẻ được chia ruộng đất. Ông Đồng đã tiên đoán số phận bi thảm của nông dân Trung Quốc. Trong cuốn sách “Luận về cải cách ruộng đất của Đảng Cộng sản Trung Quốc”, ông chỉ ra rằng mục đích thực sự của chính quyền Mao trong việc tiến hành cải cách ruộng đất không phải là để cho người trồng trọt có đất đai canh tác, mà là để quốc hữu hóa đất đai, nhằm biến chính phủ thành đại địa chủ duy nhất, độc chiếm đất đai của cả nước.

Công hữu hóa toàn bộ đất tư nhân đô thị.

Năm 1958, sau khi công xã hóa nông dân ở nông thôn Trung Quốc, tất cả đất đai đã được tập thể hóa, khiến giấy chứng nhận đất trong tay nông dân trở thành một mớ giấy lộn. Còn đất đai đô thị thì sao?

Trong “ý kiến về Tình hình cơ bản bất động sản tư nhân đô thị và vấn đề thực hiện cải cách chủ nghĩa xã hội” được Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc phê duyệt năm 1956, quy định vấn đề: “Thông qua các biện pháp thích hợp để quốc hữu hóa tất cả đất đai đô thị do tư nhân chiếm giữ”. Thế nhưng, vụ cướp đất rõ ràng nhất thể hiện trong Hiến pháp năm 1982. Điều 10 Hiến pháp tuyên bố: “Tất cả đất đai đô thị thuộc sở hữu nhà nước”. Với một câu như vậy, chỉ sau một đêm, toàn bộ đất đai tư nhân của thành phố đã thuộc sở hữu nhà nước mà không có bất kỳ bồi thường thiệt hại nào.

Khi đất đô thị đã thuộc về sở hữu nhà nước, vậy hãy đô thị hóa nông thôn để đất đai trở thành tài sản của Nhà nước. Trước đó, đất ở nông thôn là thuộc sở hữu tập thể. Như trong thời Mao Trạch Đông, sở hữu tập thể này có thể được tính là của Đội sản xuất. Trong thời Đặng Tiểu Bình, thực hiện chế độ “thầu khoán”, đã tước quyền sở hữu tập thể và đổi thành quyền sử dụng đất của nông dân. Tiếp theo, thông qua chính sách “đô thị hóa”, Đảng Cộng sản Trung Quốc lại tiếp tục tước đoạt quyền sử dụng ấy. Bởi vì một khi được “đô thị hóa”, đất đai khi đó lại trở thành sở hữu nhà nước và nông dân không còn quyền sử dụng đất.

Niềm háo hức “đô thị hóa” của Đảng Cộng sản Trung Quốc là để đất đai trở thành tài sản của Nhà nước. Trong năm 2010, tất cả trường cao đẳng và đại học ở Trùng Khánh đã sử dụng các biện pháp hành chính để buộc sinh viên nông thôn chuyển đổi hộ khẩu của họ thành hộ khẩu đô thị, chính là vì loại hình “cướp bóc” này. Mặt khác, ngay cả khi đất chưa được “đô thị hóa”, nông dân cũng chỉ có quyền sử dụng mà không có quyền sở hữu.

Học giả Đông Phu chỉ ra rằng: “Kiểu cướp bóc này chưa bao giờ xuất hiện trong lịch sử Trung Quốc, ngay cả Liên Xô cũ cũng không làm điều đó”.

Sau nhiều lần cướp bóc tinh vi, đến khi Đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành cải cách kinh tế thì đã đầy đủ điều kiện làm cho họ và thế hệ con cháu họ “giàu lên trước”; vậy là khắp Trung Quốc dù thành thị hay nông thôn “không đâu không là đất của Nhà nước”!

Nguồn tài chính bất tận từ mua bán ruộng đất

Như vậy, thông qua “chế độ công hữu”, Nhà nước Trung Quốc đã trở thành ‘siêu địa chủ’. Trong sách “Trung Quốc, phản biện ở đây”, học giả Hùng Phi Tuấn đã viết: Yếu tố nào gây ra sự chênh lệch giàu nghèo cực độ ở Trung Quốc? Vì bản chất “ chế độ công hữu” là “chế độ quan hữu”! Trong chế độ công hữu nhóm người giàu nhất Trung Quốc chính là bọn quan lại.

Tại Trung Quốc ngày nay có cách làm giàu nhanh nhất, gọi là “quy hoạch đất đai”. Việc quản lý, xử lý và phân phối lợi ích của ‘đất đai thuộc sở hữu nhà nước’ nằm trong tay quan chức các cấp của nhà nước theo “chế độ công hữu”. Do đó, trên thực tế, “đất thuộc sở hữu nhà nước” chính là đất thuộc sở hữu quan chức.

Ngày 11/11/1986, nhà sử học Tân Hạo Liên đã nói trong một bài giảng tại Đại học Vũ Hán: “Chế độ công hữu của xã hội chủ nghĩa là chế độ sở hữu tư nhân lý tưởng nhất của tầng nhóm lợi ích cầm quyền tại Trung Quốc”, những địa chủ thời đại mới này có quyền quản lý, xử lý và phân chia lợi ích đất đai.

Trong vài thập kỷ qua, siêu địa chủ duy nhất trên mảnh đất Trung Hoa rộng lớn rốt cuộc đã thu về bao nhiêu tiền bạc bằng cách bán đất? Tại Diễn đàn Cấp cao Phát triển Trung Quốc ngày 23/3/2013, nhà kinh tế học Ngô Kính Miễn cho biết: “Trong vài thập kỷ qua, chính phủ đã kiếm được chênh lệch giá đất ít nhất 30.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 4.228,5 tỷ USD)”. Tại thành phố Trùng Khánh, nơi tác giả viết bài viết này sinh sống, Thị trưởng Hoàng Cơ Phàm cho biết: “Doanh thu bán đất của Trùng Khánh vào năm 2012 là 89,75 tỷ nhân dân tệ (khoảng 12,65 tỷ USD). Doanh thu từ đất đai nói chung chiếm 1/3 doanh thu tài chính địa phương và là nguồn tài chính quan trọng thứ hai”. Tuần báo Thời Đại Trung Quốc ngày 22/03/2013. Đó là con số vào năm 2013. Đến nay đã qua thêm 10 năm nữa, con số này hẳn là đã nhân lên gấp bội. Tiếc là chúng ta không có được số liệu thực tế cho hiện tại.

Đảng và Nhà nước trả tiền bồi thường cho những người dân có quyền sử dụng đất với giá cực thấp. Ai không chấp nhận sẽ cưỡng chế, thậm chí bỏ tù, bức hại. Sau đó bán đất đi với giá cực cao. Giá “trên trời” này đạt đến độ cao nào? Nhìn vào một dữ liệu: Ngày 4/09/2013, Bắc Kinh đã bán khu Cánh Đồng Bảo Tàng Đại Triển Lãm Nông Nghiệp Vành Đai Thứ 3 với doanh thu 4,324 tỷ nhân dân tệ. Bình quân mỗi mét vuông đất bán được hơn 730.000 nhân dân tệ. Nhà kinh tế Hà Thanh Liên đã chỉ ra trong bài báo “Khi nền kinh tế Trung Quốc chỉ còn bất động sản”. Ngày 16/09/2013: “Doanh thu bán đất của Bắc Kinh trong nửa đầu năm đã vượt quá 100 tỷ nhân dân tệ (14,1 tỷ USD), đã tăng thêm khoảng chục tỷ so với năm trước là 60 tỷ nhân dân tệ”. Có thể thấy, mức chênh lệch giá 30.000 tỷ nhân dân tệ là một khoản lợi nhuận khổng lồ của Nhà nước Trung Quốc.

Chính quyền địa phương của Trung Quốc chính là kẻ hưởng lợi lớn nhất từ giá nhà đất cao. Có thể thấy rằng hầu hết số tiền mà người dân đổ mồ hôi nước mắt kiếm được đã chảy vào túi Nhà nước. Địa chủ duy nhất ở Trung Quốc thời nay có gì khác bài ca “Địa chủ bóc lột tàn nhẫn” mà xưa kia Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn thường lên án. Các quan chức nhờ bán đất phát tài mà mua xe BMW, hưởng sơn hào hải vị, bao bồ nhí, cho con cái di dân. Có thể thấy, tài chính đất đai thực sự là miếng mồi béo bở của các quan chức Trung Quốc.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới