Saturday, January 11, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiKinh tế TQ suy thoái, thế giới đối mặt với những biến...

Kinh tế TQ suy thoái, thế giới đối mặt với những biến số nào?

Ông Peter Berezin, chiến lược gia trưởng toàn cầu của công ty nghiên cứu BCA, nhận định giảm phát của Trung Quốc “không phải là điều xấu” đối với nền kinh tế toàn cầu. Nhưng với tư cách là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sự suy thoái kéo dài ở Trung Quốc sẽ gây tổn hại thay vì giúp ích cho phần còn lại của thế giới.

Kinh tế Trung Quốc giảm tốc như hiện nay sẽ tác động hạn chế với thế giới nhưng một kịch bản suy thoái sẽ là mối nguy chung, theo Economist.

Kinh tế Trung Quốc lao đao

Theo số liệu mới nhất vừa được Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố, thu nhập trong giai đoạn từ tháng 1 tới tháng 7 của các công ty công nghiệp Trung Quốc đã giảm 15,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Cũng trong giai đoạn này, lợi nhuận giảm mạnh ở 28 trong số 41 ngành công nghiệp chủ chốt, trong đó ngành luyện kim và chế biến kim loại màu ghi nhận mức sụt giảm sâu nhất lên tới 90,5%.

Tính riêng trong tháng 7, lợi nhuận tại các công ty công nghiệp của Trung Quốc đã giảm 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận 7 tháng giảm liên tiếp. Nguyên nhân được cho là do nhu cầu yếu gây áp lực lên các công ty khi quá trình phục hồi hậu đại dịch Covid-19 đang chậm lại.

Số liệu cũng cho thấy thu nhập của các doanh nghiệp nhà nước đã giảm 20,3% trong 7 tháng qua, các công ty nước ngoài giảm 12,4% và các công ty thuộc khu vực tư nhân ghi nhận mức giảm 10,7%.

Các tổ chức tài chính ở Phố Wall đã liên tục hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong năm nay xuống còn 5% khi quá trình phục hồi diễn ra chậm chạp do sự sụt giảm tài sản ngày càng tồi tệ, chi tiêu tiêu dùng yếu và tăng trưởng tín dụng giảm.

“Gióng hồi chuông cảnh báo” toàn cầu

Nền kinh tế Trung Quốc được kỳ vọng sẽ thúc đẩy 1/3 tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay, do đó, sự suy giảm đáng kể của nước này trong những tháng gần đây đang gióng lên hồi chuông cảnh báo trên toàn thế giới.

Các nhà hoạch định chính sách của các nước đã chuẩn bị tâm thế cho đòn giáng mạnh vào nền kinh tế của họ khi nhập khẩu mọi thứ từ vật liệu xây dựng đến đồ điện tử của Trung Quốc đều sụt giảm.

Caterpillar, nhà sản xuất thiết bị xây dựng lớn nhất thế giới, cho biết nhu cầu về máy móc sử dụng trên các công trường xây dựng của Trung Quốc sụt giảm đáng kể. Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi các vấn đề kinh tế của Trung Quốc là một “quả bom hẹn giờ”.

Các nhà đầu tư toàn cầu đã rút hơn 10 tỷ USD khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc, phần lớn thông qua việc bán các cổ phiếu blue-chip. Hai ngân hàng Goldman Sachs và Morgan Stanley mới đây khuyến nghị giảm mua cổ phiếu Trung Quốc, đồng thời cảnh báo về rủi ro đang lan rộng sang phần còn lại của khu vực.

Cho đến nay, các nền kinh tế châu Á được cho là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong tháng 7, xuất khẩu của Nhật Bản giảm lần đầu tiên trong hơn 2 năm sau khi Trung Quốc cắt giảm mua ô tô và chất bán dẫn (chip). Các thống đốc ngân hàng trung ương Hàn Quốc và Thái Lan tuần trước cho biết sự phục hồi yếu kém của Trung Quốc đã khiến họ phải hạ dự báo tăng trưởng.

Nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước ở châu Á, coi Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của họ cho mọi mặt hàng, từ linh kiện điện tử, thực phẩm đến kim loại và năng lượng.

Tuy nhiên, giá trị hàng nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm suốt 9 trong 10 tháng qua do nhu cầu đi xuống so với mức cao kỷ lục được thiết lập trong thời kỳ đại dịch. Giá trị hàng hoá xuất khẩu từ châu Phi, châu Á và Bắc Mỹ trong tháng 7 đều thấp hơn so với 1 năm trước.

Trong đó, châu Phi và châu Á bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với giá trị nhập khẩu giảm hơn 14% trong 7 tháng vừa qua. Một phần là do nhu cầu về các bộ phận điện tử từ Hàn Quốc và Đài Loan giảm, trong khi giá các mặt hàng như nhiên liệu hóa thạch giảm cũng tác động đến cước vận chuyển đến Trung Quốc.

Cho đến nay, khối lượng thực tế các mặt hàng như quặng sắt hoặc đồng xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn tăng. Nhưng nếu hoạt động sản xuất trong nước của Trung Quốc tiếp tục bị thu hẹp, số lượng đặt mua có thể bị ảnh hưởng, gây tác động tới các công ty khai thác ở Australia, Nam Mỹ và một số nơi khác trên thế giới.

Lĩnh vực du lịch cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Đại dịch và nền kinh tế yếu kém đã hạn chế thu nhập của người dân Trung Quốc khiến họ giảm bớt nhu cầu đi du lịch, đặc biệt là du lịch nước ngoài. Điều đó cho thấy có thể phải mất nhiều thời gian để du lịch nước ngoài phục hồi trở lại mức trước đại dịch, điều đó sẽ ảnh hưởng đến các quốc gia phụ thuộc vào du lịch ở Đông Nam Á như Thái Lan.

Khủng hoảng kinh tế của Trung Quốc đã đẩy đồng nội tệ của nước này giảm hơn 5% so với đồng USD trong năm nay. Dữ liệu của Bloomberg cho thấy sự mất giá của đồng nhân dân tệ ở nước ngoài đang có tác động lớn hơn đến các đồng tiền cùng loại khác ở châu Á, Mỹ Latinh, cũng như khối Trung và Đông Âu.

Theo Ngân hàng Barclays Bank, sự lan rộng tâm lý yếu kém có thể đè nặng lên các loại tiền tệ như đồng đôla Singapore, đồng baht Thái Lan, đồng peso Mexico và cả đồng đôla Australia.

Không hoàn toàn là màu xám

Tuy nhiên, không phải mọi tín hiệu đều là màu xám. Ở một khía cạnh khác, sự suy thoái của Trung Quốc sẽ kéo giá dầu toàn cầu đi xuống và giảm phát ở nước này đồng nghĩa với việc giá hàng hóa được vận chuyển trên toàn thế giới đang giảm. Đó là một lợi ích cho các quốc gia như Mỹ và Anh vẫn đang phải vật lộn với lạm phát cao.

Một số thị trường mới nổi như Ấn Độ cũng nhìn thấy cơ hội đón đầu làn sóng đầu tư nước ngoài khi một loạt tập đoàn toàn cầu đang rời khỏi Trung Quốc.

Giá sản xuất ở Trung Quốc đã giảm trong 10 tháng qua, có nghĩa là chi phí vận chuyển hàng hóa từ nước này đang giảm. Đó là tin đáng mừng cho người dân trên toàn cầu vẫn đang phải vật lộn với lạm phát cao.

Giá hàng hoá Trung Quốc tại các bến cảng của Mỹ cũng giảm trong năm nay và xu hướng này có thể tiếp diễn đến khi giá xuất xưởng ở Trung Quốc hồi phục. Các nhà kinh tế tại Wells Fargo ước tính, việc kinh tế Trung Quốc “hạ cánh cứng” có thể khiến lạm phát tiêu dùng của Mỹ năm 2025 giảm 0,7 điểm phần trăm xuống còn 1,4%.

Nhưng với tư cách là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sự suy thoái kéo dài ở Trung Quốc sẽ gây tổn hại thay vì giúp ích cho phần còn lại của thế giới.

Một phân tích từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã chỉ ra rằng khi tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc tăng 1 điểm phần trăm, thì tốc độ tăng trưởng toàn cầu được thúc đẩy thêm khoảng 0,3 điểm phần trăm.

Chiến lược gia trưởng toàn cầu của công ty nghiên cứu BCA, Peter Berezin, nhận định giảm phát của Trung Quốc “không phải là điều xấu” đối với nền kinh tế toàn cầu”.

“Nhưng nếu phần còn lại của thế giới, bao gồm Mỹ và châu Âu, cùng rơi vào suy thoái, trong khi nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn yếu, thì đó sẽ là một vấn đề không chỉ đối với Trung Quốc mà còn đối với toàn bộ nền kinh tế toàn cầu”, ông Berezin cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên Bloomberg TV.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới