Mỹ và Trung Quốc vẫn và sẽ tiếp tục hợp tác. Thông điệp này mang hàm ý chính sách quan trọng cho các nước, và cũng giải thích vì sao không một nước thứ ba nào muốn chọn phe!
Hôm 30-8, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo kết thúc chuyến thăm bốn ngày tới Trung Quốc.
Bà Raimondo là quan chức cấp cao thứ tư trong chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Trung Quốc chỉ trong ba tháng qua, sau Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Đặc phái viên về biến đổi khí hậu John Kerry.
Mỹ – Trung không “chia tách” kinh tế
Chuyến đi của bà Raimondo là nỗ lực mới nhất của Washington và Bắc Kinh trong việc tái lập các cuộc tiếp xúc cấp cao, giảm căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tại Trung Quốc, bà Raimondo có nhiệm vụ xử lý một trong những vấn đề gai góc nhất trong quan hệ song phương liên quan tới thương mại, các thách thức doanh nghiệp Mỹ gặp phải, đồng thời tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác tiềm năng.
Cũng như đa số các sự kiện tiếp xúc cấp cao khác, bà Raimondo thể hiện sự cởi mở, thẳng thắn khi nói về nội dung làm việc. Theo tường thuật của bà Raimondo, bà đã đề cập tới lo ngại về quyền sở hữu trí tuệ, luật phản gián… khi gặp giới chức Trung Quốc.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ còn tiết lộ bà đã nêu nhiều vấn đề của các công ty lớn như Intel, Boeing, Micron nhưng “không nhận được sự cam kết nào” của Bắc Kinh. Đáng chú ý, bà cũng nói thẳng bản thân đang càng lúc càng nghe nhiều doanh nghiệp Mỹ phàn nàn rằng “Trung Quốc không thể đầu tư được vì nước này trở nên quá rủi ro”.
Đại sứ quán Trung Quốc ở Mỹ phản ứng trước phát ngôn đó, nhấn mạnh Bắc Kinh đã và đang cố gắng giúp doanh nghiệp nước ngoài dễ dàng tiếp cận thị trường hơn, và rằng trong số 70.000 công ty Mỹ đang kinh doanh ở Trung Quốc hầu hết đều muốn ở lại nước này.
Tuy nhiên, đằng sau các biểu hiện cứng rắn bên ngoài, bà Raimondo vẫn khẳng định Mỹ không muốn cắt đứt quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Tại Bắc Kinh, bà trấn an phía Trung Quốc rằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ trong thương mại hai nước, và các cơ hội hợp tác kinh tế khác nên được ưu tiên.
“Vấn đề không phải chuyện chia tách kinh tế. Điều quan trọng là duy trì quan hệ thương mại tốt đẹp của chúng ta, vốn dĩ tốt cho nước Mỹ, tốt cho Trung Quốc và tốt cho thế giới. Một quan hệ kinh tế bất ổn giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ là điều không tốt cho thế giới”, bà nói.
Hãy nhớ về 700 tỉ USD!
Sau cuộc họp hôm đầu tuần ở Bắc Kinh, bà Raimondo có một tuyên bố sắc lẹm: “Giờ tôi muốn nói rõ: chúng tôi sẽ không thỏa hiệp hay đàm phán về những vấn đề thuộc an ninh quốc gia. Chấm hết”. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh việc đối thoại, tăng tính minh bạch và cung cấp thông tin rõ ràng cho phía Trung Quốc về việc thực thi kiểm soát xuất khẩu.
Thực tế Mỹ – Trung đã có những bước tiến trong đàm phán nối lại các chuyến bay cũng như khôi phục ngành du lịch. Dù các vấn đề nhạy cảm nhất chưa chứng kiến cam kết cụ thể, nhưng việc đối thoại đã mang tới nhiều tín hiệu tươi sáng hơn với nhiều điểm nhất trí về các cuộc gặp cấp cao sắp tới.
Báo giới Trung Quốc đưa tin tích cực về chuyến đi của bà Raimondo. Tờ Global Times dẫn lời một nhà phân tích cấp cao thuộc Học viện Thương mại quốc tế và Hợp tác kinh tế (Trung Quốc) nhận định: “Các trao đổi thẳng thắn rất quan trọng trong việc giảm thiểu hiểu lầm và những đánh giá sai, vì vậy hàng loạt cuộc họp lần này chắc chắn sẽ có ý nghĩa tích cực đối với quan hệ Trung – Mỹ trong tương lai”.
Căng thẳng từ thời cựu tổng thống Donald Trump cũng như đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực lên quan hệ thương mại Mỹ – Trung. Và dù mối quan hệ này cũng đã chứng kiến những leo thang căng thẳng mới dưới thời ông Biden, nhưng thương mại vẫn là lĩnh vực cho thấy không có biểu hiện nào gọi là “chiến tranh lạnh” giữa hai nước.
Thống kê của Mỹ cho thấy tăng trưởng thương mại hai nước đã tăng liên tiếp 3 năm, đạt một cột mốc mới trong năm 2022 là hơn 690 tỉ USD. Nói cách khác, dù các từ khóa như “chia tách” hay “giảm rủi ro” có xuất hiện trên mặt báo, Mỹ vẫn tăng xuất nhập khẩu từ Trung Quốc. Nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc vẫn có quy mô rất lớn, đồng nghĩa đóng vai trò đáng kể trong bức tranh kinh tế của đối phương.
Giới phân tích từ lâu đã khẳng định việc Mỹ “chia tách” khỏi Trung Quốc có thể là một sai lầm. Washington cũng lưu ý điều này, và đây là một trong những động cơ khiến Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen có điều chỉnh nhỏ trong câu chữ khi chuyển từ “chia tách” sang “giảm rủi ro”.
Dù thực tế diễn biến ra sao, Mỹ và Trung Quốc cũng sẽ dành sự quan tâm đặc biệt cho con số 700 tỉ USD đó. Họ vẫn tiếp tục phát triển quan hệ làm ăn quan trọng bậc nhất thế giới, và các nước khác không có lý do gì để “chọn phe” hay nghiêng về một bên nào.
T.P