Monday, January 13, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnNhững bước đi khôn khéo của TQ trong việc thay thế đồng...

Những bước đi khôn khéo của TQ trong việc thay thế đồng đô la Mỹ

Cơ quan tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) có trụ sở tại làng Langley, McLean, Virginia, cách đó chỉ 20 phút đi về phía Đông là Nhà Trắng và 70 phút đi về phía Tây Nam là Trung tâm Dữ liệu Swift, một tổ chức có vai trò lưu lại các giao dịch trên hệ thống thanh toán toàn cầu. Không phải ngẫu nhiên mà các địa điểm này lại gần nhau đến như vậy. Kể từ 1944, Mỹ đã biến sức mạnh tài chính của mình trở thành thứ vũ khí chính trị vô cùng lợi hại, mà đại diện cho sức mạnh đó chính là đồng USD.

Ảnh minh họa.

Các mặt hàng như dầu mỏ, khí đốt và kim loại quý như vàng, bạc đều được định giá bằng đô la Mỹ. Chính phủ Mỹ cũng nắm quyền kiểm soát dòng tiền trên toàn thế giới và giám sát các giao dịch quốc tế bằng đồng đô la có tổng giá trị lên đến 1 triệu tỷ đô la mỗi năm. Từ đó, ngăn chặn các quốc gia đối đầu áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế đơn phương đối với Mỹ. Còn Mỹ thì có thể rảnh tay trừng phạt bất kỳ quốc gia nào khác. Đó chính là vấn đề: Đồng đô la Mỹ giữ vị thế bá chủ nghĩa là ưu thế của Mỹ luôn được đảm bảo.

Nhiều quốc gia đã nhận thấy tình trạng này và tìm cách phát triển các cơ sở hạ tầng tài chính thay thế khác nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng bạc xanh. Hiện nay trên thế giới, Trung Quốc là nền kinh tế duy nhất có quy mô đủ lớn để đối trọng với Hoa Kỳ. Tình trạng “đô la hóa” ngày càng lan rộng thông qua các thỏa thuận song phương, đa phương và giữa các tổ chức tài chính nói chung. Trung Quốc cũng đang tìm cách lật ngược tình thế.

Nước này hiện đang ký kết thỏa thuận với nhiều bên nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ. Trung Quốc và Brazil gần đây đã đạt được thỏa thuận song phương về giao dịch bằng đồng tiền nội tệ của cả hai nước. Điều thú vị là, chính Tổng thống Brazil Dilma Rousseff lại là người tiên phong trong công cuộc từ bỏ đồng đô la. Hiện bà là Chủ tịch Ngân hàng Phát triển mới (NDB) thuộc khối các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), trong đó có Trung Quốc, Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi.

NDB đang cố gắng thực hiện mục tiêu là cung ứng 1/3 các khoản vay bằng đồng nội tệ và hiện có tới 19 quốc gia đang quan tâm gia nhập khối BRICS.

Kể từ 1944, Mỹ đã khẳng định vị trí trung tâm quyền lực tiền tệ. Nguyên do là, sau Chiến tranh thế giới thứ II, nhiều quốc gia Tây Âu rơi vào tình trạng khủng hoảng và bị chia cắt với Đông Âu bởi “bức màn sắt”. Nhân cơ hội đó, Mỹ đã bơm một lượng tiền lớn cho châu Âu thông qua “kế hoạch Marshall”. Chủ nợ là Mỹ đã buộc Anh và Pháp phải mở cửa thị trường thương mại tại thuộc địa của cả hai đế quốc này cho Mỹ. Lợi dụng tình hình nhiều quốc gia cần vay nợ để tái thiết và phục hồi nền kinh tế, Mỹ đã đứng ra cho vay với điều kiện là các quốc gia này phải nhập khẩu thực phẩm và hàng hóa do Mỹ sản xuất. Đồng thời, Mỹ có quyền phủ quyết tại các tổ chức cho vay bao gồm IMF và Ngân hàng Thế giới World Bank.

Đây cũng chính là lúc mà hệ thống tiền tệ “Bretton Woods” ra đời với mục tiêu nâng cấp hệ thống tiền tệ của nền kinh tế thế giới. Trong đó, các quốc gia xây dựng chính sách ngang giá dựa trên đồng đô la Mỹ, còn đồng đô la Mỹ được định giá theo giá vàng với tỷ lệ là 35 đô la Mỹ trên một ounce vàng. Các quốc gia cam kết duy trì hệ thống tỷ giá hối đoái chỉ dao động trong khoảng cộng trừ 1% so với giá trị ngang giá đã thỏa thuận nhằm hạn chế sự biến động trong thị trường tài chính quốc tế. Điều đáng chú ý, hệ thống tiền tệ “Bretton Woods” quy định, đô la Mỹ là đơn vị tiền tệ duy nhất có khả năng chuyển đổi trực tiếp ra vàng. Do đó, các nước chỉ dùng vàng hoặc đô la Mỹ làm phương tiện thanh toán quốc tế.

Các công ty Mỹ có lợi thế cạnh tranh rất lớn, vì giá trị đồng đô la Mỹ giảm so với ngành công nghiệp của châu Âu. Trước tình hình này, các đồng minh của Mỹ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận quyền bá chủ của đồng đô la. Kể từ sau khi hệ thống “Bretton Woods” sụp đổ, đồng đô la trở thành một vấn đề của toàn thế giới. Mỹ không còn bị ràng buộc bởi việc chuyển đổi từ đô la sang vàng, nên đã tiếp tục chi ngân sách cho quân sự ở nước ngoài. Khoản tiền này sau khi gửi ra nước ngoài sẽ được đổi thành nội tệ, chảy vào ngân hàng trung ương tại nước sở tại hay là dự trữ ngoại hối quốc gia. Và sau đó, nó cũng quay trở lại Hoa Kỳ khi các nước này mua trái phiếu kho bạc Mỹ, hình thành nên một chu trình lưu thông tiền tệ vô hạn, trong đó Mỹ là nơi khởi nguồn và cũng là đích đến.

Việc các quốc gia trên thế giới đổi đồng đô la Mỹ ra thành trái phiếu đã khiến các khoản nợ của Mỹ ngày càng phình to. Rất nhiều lần, Mỹ sắp vỡ nợ thì họ lại tuyên bố nâng trần nợ công và lại in thêm tiền. Việc mua trái phiếu Mỹ không phải là việc đầu tư tài chính thông thường mà nó còn đóng một vai trò như một hình thức trợ cấp quân sự trong Mỹ. Mỹ có thể tận dụng vòng xoáy kinh tế này để xây đắp mạng lưới 800 căn cứ quân sự trên toàn cầu nhằm bao vây các kẻ thù đối địch như là Nga hay là Trung Quốc. Ngoài ra, nếu hệ thống tài chính quốc tế sụp đổ thì mọi quốc gia đều bị ảnh hưởng, nên chẳng nước nào muốn đưa ra những động thái mạnh mẽ để chống lại Mỹ. Chủ nợ và con nợ đều là Mỹ. Mỹ tiếp tục củng cố quyền lực nhờ vào đồng đô la mà không phải tuân theo các quy định kiểm soát kinh tế giống như các quốc gia mắc nợ khác phải chịu thông qua IMF và Ngân hàng Thế giới.

Khi dịch chuyển sản xuất sang Trung Quốc để tận dụng lợi thế lao động giá rẻ, Mỹ vốn coi đồng đô la là sức mạnh quốc gia bởi tỷ suất lợi mà các doanh nghiệp thu được ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, để xem liệu một quốc gia có thịnh vượng hay không, ta không thể căn cứ vào mỗi nguồn tiền đổ về mà còn phải đánh giá năng lực sản xuất. Khi Mỹ ngày càng phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc, xung đột đã nảy sinh giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới: một bên là Mỹ với ngành công nghiệp phát triển từ lâu và một bên là Trung Quốc với ngành công nghiệp mới phát triển và đang phát triển rất nhanh chóng.

Trung Quốc cũng ngày càng cảnh giác hơn khi mua trái phiếu kho bạc Mỹ, bởi càng mua nhiều thì Mỹ đang ngày càng siết chặt vòng vây đối với nước này. Vì vậy, Trung Quốc vẫn phải duy trì việc tham gia vào hệ thống tiền tệ và sử dụng đồng đô la, bởi Trung Quốc hiện nay là chủ nợ lớn nhất của Mỹ với khoản nợ lên đến 1.000 tỷ đô la. Nhật Bản là chủ nợ xếp thứ hai cũng với hơn 1.000 tỷ đô la. “Con nợ mà chết thì chủ nợ biết đòi tiền ai bây giờ”? Trung Quốc vẫn phải duy trì việc tham gia vào hệ thống tiền tệ sử dụng đồng đô la, nhưng các nước đối tác của Trung Quốc đã có sự biến chuyển. Họ đóng vai trò chính trong quá trình giảm phụ thuộc vào đồng đô la.

Kể từ những năm 2000, số lượng các lệnh trừng phạt của Mỹ đã tăng gấp 9 lần và tiếp tục leo thang sau khi Nga sáp nhập Crime. Không những thế, Mỹ còn áp đặt lệnh trừng phạt lan sang các công ty công nghệ của Trung Quốc, mà điển hình là trường hợp của Huawei. Ban đầu, hầu hết các nền kinh tế lớn đều chấp nhận các biện pháp trừng phạt của Mỹ, nhưng việc Mỹ đóng băng tài sản của Iran, Venezuela và Afghanistan đã đẩy căng thẳng lên đến đỉnh điểm. Chưa hết, năm 2022, Mỹ công bố kế hoạch tịch thu 300 tỷ đôla tài sản bị đóng băng của Nga và đề nghị sửa đổi luật để phân bổ số tiền này cho việc tài trợ Ukraine.

Những quyết định này như là lấy đá tự đập chân mình. Đập bỏ đi quyền bá chủ của đồng đô la, Mỹ đã đánh mất uy tín khi cho thấy việc giữ tiền trong các ngân hàng Mỹ và nắm giữ trái phiếu Mỹ không còn là an toàn. Cho dù Mỹ không tán thành việc Nga đánh Ukraina thì cũng không nên ăn cướp như vậy. Chẳng có ai muốn giao dịch với một người sẽ tịch thu tài sản của mình chỉ vì mình đi đánh nhau với người khác cả. Nhiều người dự đoán xung đột Mỹ – Trung sẽ sớm bùng nổ và cho rằng Trung Quốc đang nỗ lực, dù là muộn màng, trong việc hạn chế sử dụng đồng đô la nhằm tránh gặp phải những biện pháp trừng phạt giống như Nga đã từng trải qua. Giờ Mỹ mà phủi tay tuyên bố xí xóa món nợ 1.000 tỷ đô đối với Trung Quốc thì Trung Quốc biết phải làm sao?

Hiện tại, việc đạt được các thỏa thuận song phương và đa phương đã giúp Trung Quốc kiểm soát quá trình tách rời đồng đô la, đồng thời đem đến cho các nước như Nga và Iran chiếc phao cứu sinh nền kinh tế khi sử dụng đồng nhân dân tệ trong các giao dịch với Trung Quốc. Việc này cũng đã mở đường cho nhiều nước nhỏ hơn thực hiện việc phi-đô-la-hóa. Bộ Tài chính của Hoa Kỳ cũng đã thừa nhận nguồn dự trữ đô la của các ngân hàng trung ương đang giảm dần. Trong khi đó, các nước như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và EU đang tích cực xây dựng các hệ thống thanh toán để thay thế đồng đô la. Trung Quốc còn ký kết một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Argentina với tổng giá trị lên tới 130 tỷ nhân dân tệ (tương đương với khoảng 19 tỷ đô la). Theo thỏa thuận này Argentina sẽ không dùng đồng đô la mà sẽ lấy số nhân dân tệ này để thanh toán các khoản nợ với IMF.

Ngoài ra, Trung Quốc, với tư cách là nước nhập khẩu dầu mỏ và hóa chất hàng đầu thế giới, sẽ đóng vai trò trung gian trong thỏa thuận hòa giải giữa Iran và Ả Rập Xê Út. Hiện nay, Ả Rập Xê Út đang xem xét việc chuyển từ giao dịch dầu mỏ bằng đồng đô la sang đồng nhân dân tệ. Qatar cũng đã chấp nhận thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng nhân dân tệ. Theo thời gian, xu hướng dịch chuyển này có thể lan rộng sang các tổ chức quốc tế như OPEC hay Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Lượng dầu mỏ của OPEC vốn chiếm khoảng 44% sản lượng dầu trên toàn thế giới, còn Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) chiếm 1/5 GDP toàn cầu.

Tuy nhiên, tổ chức có tầm ảnh hưởng lớn nhất lại là BRICS, bởi tổ chức này hiện chiếm khoảng 2/5 dân số thế giới, 1/4 GDP và 16% thương mại toàn cầu. Các nước trong khối BRICS cũng công khai cam kết phi đô la hóa. Trong khối này có cặp bài trùng Trung Quốc – Brazil có mối quan hệ kinh tế đặc biệt quan trọng. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Brazil và Trung Quốc đã đạt 150 tỷ đô la trong năm 2022. Vào 03/2023, Brazil – Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận từ bỏ đồng đô la Mỹ trong giao dịch thương mại hai chiều. Hai nước thông qua khoản vay nội tệ chiếm 1/3 tổng khoản vay từ Ngân hàng Phát triển mới (NDB) để tạo điều kiện cho việc trả nợ. Đây là chương trình phi đô la hóa đầy tham vọng và đã có 19 quốc gia bày tỏ sự quan tâm. Trong đó có các nước như Argentina, Ai Cập và Indonesia đã chính thức xin gia nhập vào BRICS. Các nước có thể sử dụng các loại tiền nội tệ được phát hành bởi ngân hàng trung ương của mình để thực hiện các giao dịch và thanh toán mà không cần phải sử dụng đến đồng đô la Mỹ. Tuy nhiên, trước khi sử dụng tiền nội tệ cần phải tích lũy vàng để đảm bảo cho giá trị đồng tiền của mình.

Trung Quốc hiện đã ngừng mua trái phiếu kho bạc Mỹ và hướng tới tăng dự trữ vàng thêm 1800 tấn vào 04/2023. Việc tích lũy vàng chính là sự đảm bảo đáng tin cậy cho các tài sản và các kế hoạch thay thế đồng đô la của Trung Quốc nhằm tạo ra một hệ thống tài chính toàn cầu đa dạng và vững mạnh hơn. Trung Quốc đang triển khai kế hoạch thay thế đồng đô la một cách có tính toán và cẩn thận. Làm thế nào để vừa đạt được mục đích và vừa có thể hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế, chính trị và chiến lược? Việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ cũng có thể làm cho Trung Quốc trở thành mục tiêu cạnh tranh mới. Vì vậy, khi đồng nhân dân tệ càng phổ biến, giá trị của đồng đô la càng giảm.

Có một điều chắc chắn rằng, đồng nhân dân tệ không thể soán ngôi vương của đồng đô la Mỹ trong tương lai gần. Thứ hạng đồng tiền của một nước phản ánh cán cân quyền lực của nước đó trong hệ thống tài chính toàn cầu. Một hệ thống tiền tệ đa cực đã bắt đầu hình thành và trong tương lai sẽ có nhiều đồng tiền đóng vai trò quan trọng trong các giao dịch thương mại thế giới. Tuy không thể biến mất một cách đột ngột, nhưng đặc quyền vượt trội của đồng đô la Mỹ đang giảm dần. Mỹ không thể sử dụng đồng đô la như một công cụ kinh tế mạnh mẽ như trước, mà phải chuyển gánh nặng tài chính và chi tiêu quân sự sang đánh thuế người dân. Nếu quá trình phi đô la cứ diễn ra ổn định như hiện tại, nó sẽ thay đổi bức tranh tài chính toàn cầu, như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát biểu: “Hiện tại, thế giới đang trải qua những thay đổi mà chúng ta chưa từng thấy trong 100 năm qua”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới