Monday, November 18, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnSự chuẩn bị chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh để...

Sự chuẩn bị chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh để ra đời Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Ngày 28/01/1941, sau gần 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh về tới Việt Nam. Bối cảnh thế giới lúc này khá thuận lợi cho cuộc Cách mạng giải phóng dân tộc khi thế chiến thứ hai đã bùng nổ. Đức Quốc xã tấn công và chiếm đóng nước Pháp vào mùa hè năm 1940. Tháng 9/1940, Nhật Bản xâm lược Đông Dương nhằm xây dựng căn cứ quân sự để chống lại phe Đồng Minh ở Đông Nam Á. Bối cảnh hỗn loạn này là thời điểm cho các nhóm cách mạng Việt Nam nổi lên mạnh mẽ, với mục tiêu lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật, mang lại độc lập cho dân tộc.

Các thành viên Hội đồng Chính phủ sau phiên họp tại Lập Binh, xã Bình Yên, Sơn Dương năm 1948.

Dù tình thế lịch sử đã mở ra cánh cửa cơ hội nhưng chỉ có Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh chớp được thời cơ này. Thành công có được nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng và những tính toán chiến lược tài tình của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Từ nước ngoài trở về với hai bàn tay trắng nhưng với tấm lòng yêu nước nồng nàn, Hồ Chủ tịch trong thời gian rất ngắn đã có những bước đi thần tốc ở cả ba mặt trận quan trọng: đất đai, quân đội và nhân dân. Từ ba nền tảng này, Người đã lãnh đạo đất nước làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám lịch sử. Thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn Việt Bắc làm căn cứ địa cho Cách mạng. Từ nước ngoài trở về, Bác đặt chân tới Cao Bằng là nơi có địa hình hiểm trở, rừng núi chiếm trên 90% diện tích, có nhiều núi cao, nhiều sông suối, thác ghềnh, rất thuận lợi cho các đội du kích, các cơ sở cách mạng hoạt động. Với tầm nhìn chiến lược của một vị lãnh tụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận ra đây nơi hội tụ đủ những điều cần thiết của một căn cứ địa cách mạng đầu tiên.

Pác Bó, Cao Bằng đã trở thành nơi ở và hoạt động cách mạng của Đảng và Bác Hồ giai đoạn 1941-1945. Tại Pác Bó, Bác Hồ đã mở nhiều lớp huấn luyện cán bộ cho phong trào Việt Minh, từng bước gieo mầm hạt giống Cách mạng về các thôn, xóm, bản làng, mở rộng không ngừng ảnh hưởng của Cách mạng trong nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng. Tại đây, Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (từ ngày 10 đến 19/5/1941), đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu và thành lập Mặt trận Việt Minh. Pác Bó cũng là nơi Người sáng lập báo Việt Nam độc lập – cơ quan tuyên truyền của Mặt trận Việt Minh, tổ chức các lớp tập huấn chính trị, quân sự…

Như vậy, Cao Bằng trở thành đại bản doanh của căn cứ địa Việt Bắc, trở thành chiếc nôi đầu tiên của cách mạng Việt Nam. Ngay từ cuối năm 1940, khi chính thức quyết định chọn Cao Bằng để xây dựng căn cứ địa cách mạng đầu tiên, Bác nói: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể công, lúc khó khăn có thể thủ”.

Từ Cao Bằng, Bác lãnh đạo nhân dân mở rộng vùng giải phóng dần sang các tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên, nối liền nhau, lập thành Khu giải phóng rộng lớn ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Tháng 5/1945, trước những biến chuyển mau lẹ của tình hình trong nước và thế giới cũng như yêu cầu cấp bách của cách mạng lúc bấy giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định lấy Tuyên Quang làm trung tâm của Khu Giải phóng, nơi đặt các cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến. Trên cơ sở những căn cứ địa cách mạng đã lần lượt thành lập ở Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra chỉ thị “chọn Tân Trào làm trung tâm căn cứ địa, bởi nơi đây hội đủ những điều kiện yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để trở thành Thủ đô Khu giải phóng”.

Bác nhận định với địa bàn núi sông hiểm trở, thế tiến công, phòng thủ đều thuận lợi, Tân Trào nằm giữa vùng núi non trùng điệp. Từ đây có thể dễ dàng lui về Bắc Cạn, Cao Bằng, Thái Nguyên, sang Yên Bái, lên Hà Giang, khi Nam tiến cũng rất dễ dàng mở rộng xuống Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Theo nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì mảnh đất Tuyên Quang hội tụ đủ 3 yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Quyết định thành lập Khu giải phóng, lấy Tân Trào làm trung tâm vào tháng 6 năm 1945 là quyết định lịch sử. Tân Trào trở thành “Thủ đô Khu giải phóng” và sau đó đã trở thành Thủ đô lâm thời của nước Việt Nam mới.

Thứ hai, có đất nhưng quan trọng không kém là phải có nhân dân. Ở Cao Bằng, Bác dành phần lớn thời gian để vận động, huấn luyện nhân dân, đưa họ vào hoạt động trong một tổ chức cách mạng. Người đã lập ra những hội cứu quốc gồm Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Phụ lão cứu quốc. Người kêu gọi: nhân dân ta phải mau mau tổ chức lại. Nông dân phải vào Nông dân cứu quốc hội, thanh niên phải vào Thanh niên cứu quốc hội, phụ nữ vào Phụ nữ cứu quốc hội, trẻ em vào Nhi đồng cứu quốc hội. Người cho rằng cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nên dù là già, trẻ, lớn, bé đều có thể tham gia cách mạng và làm công việc phù hợp.

Bác Hồ vận động các cụ già ở Pác Bó bằng những lời lẽ rất chí tình, chí lý: “Tôi già làm cách mạng được, các cụ làm cách mạng được, làm những việc hợp với mình. Bây giờ các tầng lớp nhân dân đều có đoàn thể cứu quốc rồi. Đây đủ ba cụ ta cũng có thể tổ chức thành một tổ phụ lão chứ? Nhưng tổ chức một tổ phụ lão chưa đủ đâu, các cụ về vận động các cụ ông, cụ bà khác trong bản có lòng ủng hộ cách mạng cũng vào tổ chức, không có người trong người ngoài lại sinh thắc mắc không lợi cho việc đoàn kết”.

Người dân Việt Bắc vẫn mãi nhớ hình ảnh “Ông Ké”, “Già Thu” với bộ quần áo Nùng bạc màu, chiếc mũ vải và đôi hài bằng lá mo, đến thăm, gặp gỡ và trò chuyện với nhân dân, động viên họ tham gia vào mặt trận. Nhờ làm tốt công tác dân vận, phong trào cách mạng Cao Bằng phát triển mạnh mẽ, nhiều cơ sở cách mạng nảy nở, hình thành và ngày càng trở nên vững chắc. Tháng 5/1941, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất lấy tên là Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) nhằm tập hợp những người yêu nước, cùng nhau đấu tranh cho dân tộc độc lập, vì sự sinh tồn. Từ Cao Bằng, Mặt trận Việt Minh phát triển rộng khắp khu Việt Bắc và đoàn kết mọi lực lượng yêu nước tiến bộ trong các dân tộc, chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để tổng khởi nghĩa khi thời cơ đến.

Phương pháp dân vận giản dị, đi vào lòng người, xuất phát từ lòng yêu nước, yêu nhân dân của Bác Hồ đã được áp dụng rộng rãi trong cả nước và góp phần tạo nên những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam sau này. Người nói: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Chính nhờ dân vận mà từ Tân Trào, tại đình Hồng Thái, trong hai ngày 16 và 17/8/1945, Bác đã triệu tập thành công Quốc dân Đại hội với 60 đại biểu khắp 3 miền đại diện cho các tầng lớp, đảng phái lúc bấy giờ. Đại hội đã bầu ra Ủy ban dân tộc giải phóng do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh, phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước đi đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945.

Thứ ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định từ rất sớm rằng giành độc lập không thể thiếu một lực lượng vũ trang mạnh. Tháng 5/1941, Đảng đã xác định: “Cuộc cách mạng Đông Dương phải kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa võ trang” và đã quyết định thành lập các đội tự vệ và các tổ du kích cứu quốc làm lực lượng xung kích trong phong trào cách mạng ở địa phương. Đây là nền tảng để toàn dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Từ thực tiễn hoạt động của các đội vũ trang du kích, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo Đảng nhận thấy các tổ chức vũ trang này còn hoạt động phân tán, chưa thống nhất trong phát triển lực lượng. Để khắc phục tình trạng trên, trên cơ sở lực lượng vũ trang nhân dân đang hình thành, Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp thi hành Chỉ thị này.

Bản Chỉ thị khẳng định: “Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, cho nên trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì lực lực lượng vũ trang trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện. Đội quân chủ lực trái lại có nhiệm vụ dìu dắt cán bộ vũ trang của các địa phương giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên”. Về chiến thuật: “vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực, nay đông mai tây, lai vô ảnh, khứ vô tung”.

Thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là bước chuyển chiến lược, tạo tiền thân cho quân đội Nhân dân Việt Nam sau này. Các nguyên tắc chỉ đạo từ thời điểm ban đầu vẫn còn nguyên tính đúng đắn cho tới ngày nay, bao gồm những vấn đề như đường lối quân sự của Đảng, kháng chiến toàn dân, động viên và vũ trang toàn dân, phương thức hoạt động kết hợp quân sự với chính trị của lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên tắc tác chiến và chiến thuật du kích của lực lượng vũ trang nhân dân.

Các nguyên tắc đã được áp dụng vào cuộc Cách mạng tháng 8 thành công. Khi được tin Nhật sắp đầu hàng đồng minh, Đảng và Bác nhận định, thời cơ giành chính quyền đã đến. Ngày 13/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập và ban hành “Quân lệnh số 01”, hạ lệnh Tổng khởi nghĩa, kêu gọi Quân giải phóng Việt Nam “hãy tập trung lực lượng, đánh vào các đô thị và trọng trấn của địch; đánh chẹn đường rút lui của chúng, tước võ khí của chúng.” Thực hiện sự chỉ đạo này, các đơn vị Giải phóng quân, du kích quân từ căn cứ địa Việt Bắc đến các chiến khu tổ chức tiến công địch, mở đường cho quần chúng vùng lên giành chính quyền.

Những quyết sách chiến lược như đã nói ở trên đã tạo dựng tiền đề cần thiết để khi Nhật đảo chính Pháp, Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý để thành lập Chính phủ. Khi thời cơ chín muồi cũng là lúc Việt Minh đã có nền tảng về lãnh thổ, có quân đội và sự ủng hộ của đông đảo nhân dân, là lực lượng hợp pháp duy nhất tại Việt Nam lúc này. Đó là những điều kiện phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế, để kiến lập một nhà nước mới ở khu vực Đông Nam Á.

Tóm lại, những bài học từ các quyết sách chiến lược của Chỉ tịch Hồ Chí Minh như đã nói ở trên vẫn còn nguyên giá trị trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước ngày nay. Chọn đúng vị trí chiến lược, vận động được sức mạnh quần chúng nhân dân, và xây dựng lực lượng vũ trang mạnh mẽ là ba yếu tố then chốt làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám lịch sử và những thành tựu sau này của đất nước ta.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới