Mọi chính sách của Trung Quốc để vực dậy nền kinh tế bị nghẽn mạch máu bất động sản được ví như chữa bệnh ung thư bằng thuốc giảm đau. Các nhà đầu tư tiếp tục tháo chạy. Câu chuyện cổ tích tăng trưởng kinh tế nhờ mở rộng chính quyền và đầu tư công bất chấp đang tiến tới một kết thúc buồn.
Tháo chạy
Theo Bloomberg, trong một bài báo đăng ngày 28/8/2023, thị trường chứng khoán của Trung Quốc chứng kiến 10 tỷ USD vốn đầu tư ngoại tháo chạy từ đầu năm nay, bất chấp các chính sách tiền tệ mở rộng và giá rẻ.
Trên thị trường trái phiếu chính phủ, các nhà đầu tư ngoại cũng giảm tài sản nắm giữ tới 30 tỷ USD. TPCP Trung Quốc trở thành loại trái phiếu được các nhà đầu tư từ bỏ nhiều nhất trên thị trường TPCP toàn cầu.
Chính quyền của ông Tập Cận Bình trong hơn một năm trở lại đây đã tìm mọi cách để tạo ra tiền tệ rẻ nhất thế giới nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Bắc Kinh thậm chí đã buộc phải tỏ ra thân thiện với khu vực kinh tế tư nhân sau khi lộ ra “dã tâm” tăng cường kiểm soát tiền bạc, quốc hữu hoá tài sản của khu vực này. Ngoài ra, Trung Quốc cũng buộc phải từ bỏ chính sách giảm đòn bảy tài chính của các nhà phát triển bất động sản (BĐS) hay giảm cầu đầu cơ BĐS.
‘Tận lực’ khuyến khích đầu tư chứng khoán và BĐS
Trong vài ngày qua, Trung Quốc liên tiếp tung ra nhiều chính sách hỗ trợ bất động sản và thị trường tài chính. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) trong hai tuần qua liên tiếp tuyên bố giảm 0,1% lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm, giảm 0,15% lãi suất cho vay trung hạn. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng xoa dịu sự “hoảng hốt” của khu vực kinh tế tư nhân và nhà đầu tư ngoại khi tổ chức nhiều cuộc gặp với giới đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp BĐS trong nước, doanh nghiệp phi tài chính.
Các chính sách gần đây nhất của Bắc Kinh:
– Áp dụng mức lãi suất thấp hơn cho người mua nhà lần đầu;
– Gia hạn giảm thuế thu nhập cá nhân đến cuối năm 2025 cho người dân mua nhà mới trong vòng một năm sau khi bán nhà cũ;
– Cho phép các quỹ cổ phần tư nhân huy động vốn để phát triển bất động sản;
– Giảm một nửa thuế chước bạ giao dịch chứng khoán, giảm tỷ lệ ký quỹ margin cần thiết, giới hạn tỷ lệ cổ phiếu mà các cổ đông lớn được bán trong ngày, giảm cổ phần của cổ đông lớn.
– Phát tín hiệu sẽ khoanh nợ và hỗ trợ chính quyền địa phương xử lý nợ xấu của địa phương phát hành.
Phản ứng của thị trường?
Hôm qua, ngày 28/8/2023, ngay khi chính sách được công bố, mở phiên giao dịch thị trường chứng khoán Thượng Hải tăng 5,5% ngay khi gói chính sách được công bố. Nhưng đáng tiếc, các nhà đầu tư không duy trì tâm trạng hưng phấn được bao lâu; cuối phiên, thị trường chỉ tăng 1,13% so với phiên trước đó (theo Trading Economics); tức là thị trường đã giảm ngay hơn 4% sau cơn hưng phấn để đánh giá lại hiệu quả của gói chính sách này.
Trong phiên giao dịch hôm qua ở Thượng Hải, các nhà đầu tư ngoại vẫn tiếp tục bán ròng.
Đồng nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc vẫn duy trì mức mất giá nhiều nhất trong suốt 9 tháng qua; hiện ở mức 7,29 CNY cho mỗi USD.
Lý do nhà đầu tư và thị trường hầu như không phản ứng trước sự ‘hào phóng’ của chính quyền Bắc Kinh bởi vì các chính sách như vậy chỉ như tiêm thuốc giảm đau mà không hề trị tận gốc rễ bệnh của nền kinh tế. Các chính sách này rõ ràng đã không chạm tới vấn đề căn cơ nhất của Trung Quốc hiện nay: NỢ XẤU KHỔNG LỒ.
Thực tế, khi chính sách nhắm vào việc khuyến khích đầu cơ, trên cả thị trường chứng khoán và BĐS, thì chứng tỏ chính phủ đó đang hoàn toàn bất lực trước diễn biến của thị trường. Đầu cơ là mầm bệnh ung thu của bất kỳ nền kinh tế nào. Bất kỳ chính phủ nào cũng đưa ra khung khổ chính sách, thể chế, giám sát sao cho tối thiểu hoá hoặc ngăn chặn tận gốc hoạt động đầu cơ nền kinh tế. Đây là cách mà chính phủ bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ tài sản của dân cư trên đất nước họ.
Các chính sách liệt kê ở trên rõ ràng đã không hỗ trợ được tiền tươi bơm vào cho hệ thống NHTM của Trung Quốc để bù đắp cho khoản nợ không thể thu hồi, cũng như không giải quyết được sự bức bách của các doanh nghiệp không có khả năng thanh toán cho các khoản trái phiếu đến hạn của họ.
Bất lực bởi Nợ xấu và Nỗi sợ hãi
Nền kinh tế Trung Quốc lúc này cần dòng tiền khổng lồ cứu vãn; dòng tiền đó có thể đến từ 3 nguồn: (i) bởi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC); (ii) từ các khoản đầu cơ (vào thị trường BĐS của dân cư); (iii) và từ nhà đầu ngoại, cả vốn đầu tư trực tiếp (FDI) lẫn vốn đầu tư gián tiếp FII trên thị trường tài chính.
Thực tế Bắc Kinh đã và đang làm tất cả để khơi thông vốn từ 3 nguồn nói trên.
Với PBoC, tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) mà NHTW yêu cầu các NHTM phải thực thi đã được giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, về mức 5%; mới chỉ năm ngoái, con số này, theo Bloomberg, là 7,5%. Theo Reuters, mỗi lần PBoC cắt giảm 0,25% tỷ lệ RRR thì đã bơm 500 tỷ CNY tiền cơ sở cho các NHTM, tương đương với 4.000 tỷ CNY vào nền kinh tế. Chưa kể, PBoC liên tục cung cấp cho NHTM các khoản vay ngắn, trung, dài hạn với lãi suất thấp hơn.
Nhưng có vẻ như, dòng tiền từ PBoC không đủ sức để bù đắp cho các khoản nỡ xấu do BĐS gây nên. Nếu như toàn Trung Quốc có tới 50 thành phố ma, 64,5 triệu căn hộ ma và những nhà phát triển BĐS khổng lồ như Evergrande, Country Garden phá sản thì nợ xấu mà NHTM nắm giữ (theo chuẩn quốc tế) có thể gấp 15-20 lần nợ xấu mà các NHTM này báo cáo. Điều này giải thích lý do vì sao tiền bơm ra bởi PBoC vào hệ thống NHTM như đổ hố đen, không tạo ra hiệu quả mà Bắc Kinh chờ đợi.
Với cầu đầu cơ thì sao? Vì sao các nhà đầu tư trong và ngoài nước lại không còn hứng khởi đầu cơ tại Trung Quốc? Chẳng phải Trung Quốc từng là thị trường đầu cơ tốt nhất của họ sao? Lý do ở đây là sự hoảng sợ từ các thông điệp chính sách trước đó của Trung Quốc khi muốn một lần nữa tước đoạt của cải của khu vực kinh tế tư nhân. Trong năm 2020 – 2022, ông Tập đã liên tục tuyên bố về “Thịnh vượng chung”, về đưa chi bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc vào kiểm soát khu vực kinh tế tư nhân. Chưa kể, chương trình đàn áp các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc, tước đoạt và chiếm quyền sở hữu, quản trị đã khiến khu vực kinh tế tư nhân, nhà đầu tư trong và ngoài nước sợ hãi. Dòng tiền đầu tư lặng lẽ rời khỏi Trung Quốc.
Với người Trung Quốc, dù bị tẩy não kịch liệt đến mức nào thì họ cũng phải thức tỉnh trước bờ vực sinh tử. Suốt 3 năm thực thi chính sách ‘zero-Covid’, hao tổn nhân mạng, tiền bạc và mất hết nhân quyền khiến người Trung Quốc không còn niềm tin với tuyên truyền nữa. Dòng tiền khổng lồ từ nhóm dân cư trung lưu, từ giới tinh hoa đã rời khỏi Trung Quốc, đổ vào và làm nóng lên thị trường BĐS ở Singapore, Anh, EU, Thái Lan,… Không ai muốn đầu tư khi không có niềm tin và không thể đầu cơ khi hoảng sợ.
Dòng vốn ngoại trực tiếp và gián tiếp càng thấm thía hơn rủi ro được nêu ở trên. Dù tiền rẻ hơn nhiều so với đồng bạc xanh của Hoa Kỳ nhưng khi cả cầu thực và cầu ảo ở Trung Quốc đều bị bóp ghẹt bởi cơ cấu dân số suy giảm, bất cân đối, bởi niềm tin dành cho chính phủ không còn thì các nhà đầu tư ngoại không còn thấy cơ hội ở Trung Quốc như 10 năm trước nữa. Từ bỏ Trung Quốc để tìm về nơi trú ẩn an toàn hơn khi lãi suất USD tăng cao là quyết định hợp lý nhất trong bối cảnh này.
T.P