Sunday, December 22, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiToàn cảnh quần đảo tiền tiêu Cô Tô

Toàn cảnh quần đảo tiền tiêu Cô Tô

Cô Tô là một huyện đảo nằm ở vùng biển phía Đông Bắc của Việt Nam, thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Quảng Ninh. Về vị trí, huyện này nằm ở phía Đông, Vịnh Bái Tử Long, cách thành phố Cẩm Phả khoảng 60 km về phía Đông, cách trung tâm thành phố Móng Cái khoảng 32 km về phía Nam, cách thành phố Bắc Hải thuộc khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây của Trung Quốc khoảng 115 km về phía Tây.

Tổng quan huyện đảo Cô Tô

Huyện đảo Cô Tô có diện tích tự nhiên chỉ là 50,1 km2, dân số khoảng 6.800 người theo số liệu năm 2022. Thành phần dân cư trên đảo tương đối đa dạng với 13 dân tộc anh em chung sống như người Kinh, người Thái, người Tày, người Mường… Họ là những người dân từ nhiều tỉnh thành trong cả nước ra đây để xây dựng kinh tế và an cư lạc nghiệp.
Huyện bao gồm 30 hòn đảo lớn nhỏ, với ba hòn đảo lớn nhất là đảo Cô Tô Lớn, đảo Thanh Lân và đảo Trần. Đảo Cô Tô Lớn và đảo Thanh Lân nằm gần nhau, xung quanh là các hòn đảo nhỏ như là đảo Cô Tô Con, Hòn Đông Nam, Hòn Ngang, Hòn Núi Nhọ, Hòn Ngựa… Hiện đảo Cô Tô Lớn và Thanh Lân là nơi sinh sống chủ yếu của người dân. Riêng đảo Trần (còn gọi là đảo Trần hay Chàng Tây) là hòn đảo có người sinh sống lập xa nhất ở phía Đông Bắc.

Đây còn là một trong những tiền đồn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng với quốc phòng an ninh, có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế biển, du lịch và giao lưu kinh tế quốc tế trên vùng biển Đông Bắc của Việt Nam.

Khái quát lịch sử huyện đảo Cô Tô

Huyện đảo Cô Tô có tên cổ là Chàng Sơn hay Núi Chàng. Từ lâu đời, đây đã là nơi cư trú của thuyền bè ngư dân vùng Đông Bắc, song chưa hình thành nơi định cư vì luôn bị những toán cướp biển Trung Quốc quậy phá.

Năm 1832, Nguyễn Công Trứ, với cương vị là Tổng đốc Hải An (tức là Hải Dương – An Quảng) đã xin triều đình cho thành lập làng xã và cắt cử người ra cai quản. Làng đầu tiên ở đây được Nguyễn Công Trứ đặt tên là Làng Hướng Hóa. Ít lâu sau thì nhà Nguyễn cho thu thuế và lập đồn Hướng Hóa để canh chừng giặc biển. Từ đó thì cư dân tập trung đông dần, tất cả đều có nguồn gốc từ những dân tộc thiểu số ở vùng ven biển phía Đông Nam của Trung Quốc như là tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến và đảo Hải Nam. Thời kỳ Pháp thuộc Cô Tô là một Tổng có 5 xã thuộc Châu Hà Cối, phủ Hải Đông, tỉnh Hải Ninh.

Tháng 11/1946, đại đội Ký Con Giải Phóng quân dùng tàu chiến Le Creyac mới chiếm được của Hải quân Pháp từ Hòn Gai ra giải phóng Cô Tô nhưng không thành công. Đến cuối năm 1955, thực hiện hiệp định Giơ-ne-vơ, quân Pháp mới rút khỏi, Cô Tô được giải phóng. Năm 1954, Việt Nam thành lập 2 xã là xã Cô Tô và Xã Thanh Lân thuộc huyện Móng Cái. Sau đó, 2 xã thành xã đặc biệt trực thuộc tỉnh nhưng từ 16/07/1964, lại được sáp nhập vào huyện Cẩm Phả, thành xã trực thuộc huyện.

Nhìn chung, giai đoạn sau giải phóng quần đảo Cô Tô, Thanh Lân nhanh chóng trở thành một vùng đảo sầm uất. Trước năm 1978, dân số ở đây có tới 6.740 người, bao gồm gần 1.100 hộ gia đình. Khoảng một nửa trong số đó sống bằng nông nghiệp và một nửa sống bằng nghề đánh bắt cá. Nhưng do sự kiện năm 1978 và cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, đến nửa cuối năm 1978, người gốc Hoa đã về Trung Quốc. Trên đảo chỉ còn lại 10% dân số, mọi hoạt động sản xuất suy giảm.

Vào ngày 2 /3/1994, Chính phủ Việt Nam ban Nghị định số 28/CP đổi tên huyện Cẩm Phả thành huyện Vân Đồn, đồng thời tách hai xã Thanh Lân và Cô Tô (vốn thuộc huyện Cẩm Phả) để thành lập huyện mới là huyện Cô Tô. Hai năm sau đó, ngày 28 /10 /1996, đảo Trần (thuộc huyện Hải Ninh) được giao về huyện Cô Tô quản lý và thuộc địa phận xã Thanh Lân. Ngày 25 /8/1999 tiếp tục chia xã Cô Tô thành hai đơn vị hành chính là thị trấn Cô Tô và xã Đồng Tiến. Từ đó đến nay, huyện đảo Cô Tô gồm có ba đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc bao gồm; thị trấn Cô Tô cùng hai xã Đồng Tiến và Thanh Lân.

Cô Tô là huyện đảo chiến lược ở vùng biển Đông Bắc.

Dù là huyện đảo nhưng Cô Tô có địa hình đồi núi chủ yếu và khá phức tạp, với phần giữa nhô cao và thấp dần ra biển. Trong khi ven các đảo là các bãi cát, bãi đá và vịnh nhỏ, đất đai chủ yếu là đất đỏ vàng trên sa thạch. Gần một nửa diện tích toàn huyện là rừng nguyên sinh rậm rạp được bảo tồn gần như nguyên vẹn, với những cây cổ thụ lâu năm, dây leo chằng chịt cùng hệ thực vật và động vật phong phú. Có khoảng một phần tư diện tích của huyện là đất trồng lúa, hoa màu, cây ăn quả và chăn thả gia súc. Đặc biệt, đảo Thanh Lân nổi tiếng là nơi trồng cam, quýt và chuối nhiều nhất huyện.

Dù có nhiều tiềm năng, nhưng trước năm 2010 kinh tế ở Cô Tô chưa phát triển do hạn chế về cơ sở hạ tầng, thiếu điện, thiếu nước ngọt và thiếu tàu ra đảo. Huyện Cô Tô không có điện lưới, nguồn điện chủ yếu là từ những chiếc máy nổ chạy bằng dầu. Một ngày chỉ cấp điện đến 20-21 giờ tối là phải ngắt.

Sau này tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam đã quan tâm và tập trung nhiều nguồn lực đầu tư cho Cô Tô về cả cơ sở hạ tầng và các thiết chế văn hóa tạo nên một diện mạo mới cho huyện đảo tiền tiêu này.

Điện lưới quốc gia đã kéo đến từng hộ gia đình Cô Tô vào ngày 16/ 10/ 2013 với tổng chi phí gần 1.100 tỷ đồng.
Đây là công trình địa lưới vượt biển lớn nhất của nước ta thời điểm đó. Được đầu tư theo hình thức xã hội hóa, có tổng chi phí gần 1.100 tỷ đồng.

Nước ngọt của huyện này trước đây cũng gặp nhiều khó khăn. Dù có nhiều hồ chứa nhưng đa phần là các hồ nhỏ. Năm 2013, công trình hồ chứa nước Thường Xuân với dung tích chứa 170.000 mét khối đã được đưa vào sử dụng tại đảo Cô Tô Lớn, là công trình trữ nước lớn nhất của huyện khi đó. Đồng thời cung cấp đủ nước sinh hoạt và sản xuất cho toàn bộ thị trấn Cô Tô cùng một phần của xã Đồng Tiến. Hồ chứa nước Chiến Thắng có dung tích 76.700 m3 trên đảo Thanh Lân cũng được nâng cấp và cải tạo để đáp ứng nhu cầu nước ngọt của người dân trên đảo.

Nhưng vào những năm hạn hán gần đây như năm 2019-2020 các hồ nước ngọt trên đảo đã gần như cạn kiệt và cơ bản không đáp ứng đủ nhu cầu nước cho người dân và hoạt động du lịch cũng như sản xuất trên huyện đảo. Năm 2022, hồ nước ngọt C22 tiếp tục được cải tạo và nâng cấp, cuối năm 2023 sẽ hoàn thành, nâng dung tích của hồ lên 300.000 m3.

Bên cạnh đó, các tuyến đường xuyên đảo và hệ thống đường xương cá cũng được kiên cố và bê tông hóa. Các âu tàu và bến cảng cũng được đầu tư nâng cấp hơn, tất cả đã tạo cho huyện đảo này một bộ mặt hoàn toàn mới với hai mục tiêu phát triển chính là du lịch và xây dựng trung tâm hậu cần nghề cá.

Một trong những điểm nhấn đó là việc xây dựng Trung tâm Dịch vụ Hậu Cần Nghề Cá Vịnh Bắc Bộ ở phía Nam đảo Cô Tô Lớn với kinh phí khoảng 470 tỷ đồng. Nó sẽ là nơi đảm bảo cho các hoạt động tránh trú bão của tàu thuyền có hoạt động khai thác hải sản ở vịnh Bắc Bộ, đặc biệt là khu vực gần Cô Tô, là nơi cung ứng các mặt hàng thiết yếu trong ngư dân như là nhiên liệu, nước ngọt, kho bãi, hàng đông lạnh, lương thực, vật tư ngư nghiệp, tiêu thụ, sơ chế hải sản, là đầu mối vận tải hàng hóa lớn đặt nền tảng cho phát triển ngành nghề chế biến hải sản của huyện đảo.

Còn với lĩnh vực du lịch, từ một huyện đảo “5-0” không đường, không điện, không trường, không trạm xá, không công trình văn hóa, hiện Cô Tô đang nổi lên như một thiên đường du lịch ở vùng biển Đông Bắc và trở thành một ngành mũi nhọn của huyện. Địa phương này đã đón trên 162.000 lượt khách, doanh thu ước đạt trên 405 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022.

Với phát triển hạ tầng kinh tế, hạ tầng du lịch ở Cô Tô cũng đang được đầu tư mạnh mẽ. Trên địa bàn huyện có 220 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 44 khách sạn từ 1 đến 3 sao, tổng số gần 3.000 phòng, đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng dịch vụ phục vụ du khách.

Để tạo bứt phá cho du lịch Cô Tô, xây dựng thương hiệu thiên đường nghỉ dưỡng và sinh thái biển đảo mới ở Việt Nam, huyện Cô Tô đang hướng tới việc nâng cao khả năng tiếp cận và kết nối của đảo với các trung tâm du lịch khác thông qua việc tăng cường cải thiện chất lượng và phát triển hệ thống giao thông đường biển, đường hàng không, có xem xét đến sức chứa, khả năng đáp ứng về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật của địa phương và phân khúc thị trường cao cấp để níu chân khách du lịch lưu trú tại Cô Tô dài ngày hơn.

Hiện huyện đảo cũng đã có 27 tàu cao tốc kết nối các cảng tàu khách ở Tuần Châu (thuộc Hạ Long), Vũng Đục (thuộc Cẩm Phả) và Cái Rồng (thuộc Vân Đồn), đáp ứng tốt việc vận chuyển hành khách kể cả dịp cao điểm.

Mới đây theo hồ sơ quy hoạch của tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Ninh đã định hướng quy hoạch mới sân bay chuyên dụng Cô Tô giai đoạn 2030-2050. Dự án này được dự kiến xây dựng trên diện tích trên 130ha, đường băng dài 1.800 m, với các hạng mục như sân đỗ, khu vực quân sự, khu vực cảnh quan, hạ tầng kết nối… Việc triển khai đường bay này sẽ tạo thêm sản phẩm du lịch mới cho tỉnh, đồng thời góp phần phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, các hoạt động đảm bảo an ninh quốc phòng cho khu vực tiền tiêu của Việt Nam.

Để phát triển du lịch bền vững Cô Tô còn thí điểm áp dụng quy định du khách không mang chai nhựa, túi ni lông và các vật liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường khi đi du lịch Cô Tô từ ngày mùng 1/ 9/ 2022.

Đảo Thanh Lân – viên ngọc sáng của biển cả

Được ví như viên ngọc sáng của biển cả, đảo Thanh Lân trở thành một trong những điểm du lịch ấn tượng nhất của huyện đảo Cô Tô. Đảo có diện tích khoảng 18km2, là đảo lớn nhất nằm về phía Đông Bắc của huyện. Nhìn chung. các đảo ở đây được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho bờ biển dài cùng bãi cát trắng mịn, phong cảnh đẹp, không khí mát mẻ……. Chính điều này đã làm nên thế mạnh của du lịch Cô Tô, giúp phân biệt được với những nơi khác thông qua vẻ đẹp hoang sơ của những bãi biển cùng làn nước trong xanh do nằm xa đất liền, như bãi biển Ba Châu hay bãi Hải Quân…..

Rừng tự nhiên trên đảo cũng được bảo tồn gần như nguyên vẹn, hệ sinh thái rừng nhiệt đới trên đảo thuộc dạng quý hiếm, thuận lợi cho hoạt động du lịch khám phá, trekking và cắm trại. Đặc biệt là các rạn san hô ở đây đang được bảo vệ rất nghiêm ngặt và địa phương đang triển khai hoàn thiện các điều kiện cần thiết để phát triển thành sản phẩm du lịch chỉ có ở Thanh Lân.

Đảo Cô Tô Lớn – hòn đảo tiền tiêu

Nằm cách đảo Thanh Lân 2km về phía Tây, đảo Cô Tô Lớn với diện tích gần 17 km2 cũng sở hữu nhiều bãi tắm dài và nước biển trong vắt như bãi biển Tình Yêu hay còn gọi là bãi Tàu Đắm, bãi Vàng Trải, bãi Bắc Vàn Hãy hay bãi Hồng Vàng. Tại đảo còn có nhiều công trình chứa đựng những giá trị lịch sử và văn hóa đặc sắc. Một trong số đó là Hải Đăng Cô Tô được xây dựng từ thế kỷ 19, có nhiệm vụ đánh dấu các bãi cạn hoặc đường bờ biển nguy hiểm để dẫn đường cho tàu thuyền cập cảng an toàn. Bên cạnh đó, nó còn hỗ trợ định hướng đường bay cho phi cơ. Ngoài ra, đây cũng là địa điểm thu hút khách du lịch mỗi khi tới tham quan huyện đảo.

Không chỉ là hòn đảo tiền tiêu, trấn giữ vùng cửa ngõ Đông Bắc của Việt Nam, đảo Cô Tô Lớn còn là nơi duy nhất của Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh cho phép dựng tượng khi Người còn sống.

Năm 2005, huyện cũng đã xây dựng đền thờ Hồ Chí Minh trong khuôn viên ngay sau tượng đài. 5 năm sau đó Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được đầu tư tôn tạo nhiều hạng mục như khuôn viên tượng đài, vườn cây, ao cá, tường bao.

Nằm cách đảo Cô Tô Lớn khoảng 32 km về phía Đông Bắc và cách đảo Vĩnh Thực khoảng 13km về phía Nam, đảo Trần (với diện tích khoảng 5km2) là hòn đảo tiền tiêu có người sinh sống lập xa nhất ở phía Đông Bắc của huyện. Vì có vị trí đặc biệt về an ninh quốc phòng nên chính quyền nghiêm cấm mọi hoạt động du lịch tại đây.

Năm 2014, tỉnh Quảng Ninh chủ trương đưa dân ra đảo sinh sống. Đến nay, đã có hơn 15 hộ dân bán đảo sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản.

Nhiều năm trước đây, thì ngư dân và quân nhân trên đảo Trần sử dụng chủ yếu nguồn điện năng lượng mặt trời và nguồn điện sạc dự trữ từ bình ắc quy. Tháng 1/ 2020, dự án kéo lưới điện vượt biển ra hòn đảo này đã được triển khai và hoàn thành vào ngày mùng 2/ 9 cùng năm mức đầu tư là 397 tỷ đồng, cùng với điện, thì các hồ chứa nước, đường bê tông xuyên đảo, trường học và trạm viễn thông cũng được xây dựng nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống người dân. Nằm trên đỉnh đồi cao gần 200m và bao quát một vùng biển trời Đông Bắc của đảo là ngọn Hải Đăng Đảo Trần. Đây là ngọn hải đăng độc lập có chu kỳ chớp sáng 30 giây, tầm hiệu lực gần 21 hải lý, có nhiệm vụ giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển Quảng Ninh xác định được vị trí và phương hướng trong hành trình. Trên đảo cũng có Cột Cờ tại Đảo Trần với chiều cao 22,5m gồm phần bệ và phần cột được xây dựng vào đầu năm 2015.

Chùa Trúc Lâm trên Đảo Trần có diện tích 2,72ha với nhiều công trình chính và phụ trợ được làm từ chất liệu gỗ lim, đá và gạch nung đang được xây dựng. Công trình bao gồm cả Đền thờ Trần Hưng Đạo và các tướng thời Trần. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu về tín ngưỡng và tôn giáo của người dân, nhất là người dân vùng biển nơi xa xôi với đất liền, chùa còn là cột mốc văn hóa, cột mốc chủ quyền của Việt Nam, dự kiến Chùa Trúc Lâm sẽ được hoàn thành vào năm 2025.

Cô tô – Tấm khiên thép trên vùng biển Đông Bắc

Hiếm có huyện đảo nào mà có tới 3 Đồn Biên phòng đứng chân như huyện đảo Cô Tô. Đó chính là Đồn Biên phòng Cô Tô đóng tại Đảo Cô Tô Lớn, Đồn Biên phòng Thanh Lân và Đồn Biên phòng Đảo Trần.

Cùng đóng quân trên huyện đảo có vị trí đặc biệt quan trọng, các quân nhân của Tiểu đoàn Cô Tô, thuộc Lữ đoàn 242, Quân khu 3 những năm qua không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, trực sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới biển đảo mà còn tích cực tham gia giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Ngoài ra, đơn vị cũng thường xuyên phối hợp với cấp ủy và chính quyền địa phương trong việc nắm tình hình địa bàn và quản lý diện tích đất quốc phòng.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới