Mỹ vừa thông qua gói hỗ trợ quân sự đặc biệt cho Đài Loan. Đây có thể là tín hiệu cho thấy căng thẳng Mỹ – Trung xung quanh vấn đề Đài Loan đang bước sang giai đoạn mới.
Trong thông báo gửi Quốc hội ngày 30-8, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden đã phê chuẩn gói thỏa thuận quốc phòng trị giá 80 triệu USD cho Đài Loan theo chương trình Tài trợ quân sự nước ngoài (FMF).
Vì sao Đài Loan nhạy cảm cho FMF?
Từ năm 1980, Mỹ đã duy trì quan hệ quốc phòng không chính thức với Đài Loan, và thường bán vũ khí cho hòn đảo này theo chương trình bán vũ khí nước ngoài (FMS).
Gói 80 triệu USD vừa qua là lần đầu tiên Washington chấp thuận chuyển vũ khí cho Đài Loan theo chương trình FMF.
Báo chí Mỹ cho rằng động thái này sẽ chọc giận Trung Quốc, vì FMF là chương trình được thiết kế dành cho đối tác là các quốc gia độc lập, có chủ quyền.
Trong khi đó, Bắc Kinh cực lực phản đối bất kỳ hành động nào có ý công nhận Đài Loan như một quốc gia độc lập, vì Trung Quốc coi đó là một tỉnh của họ. Mối quan hệ Mỹ – Trung “chạm đáy” hồi giữa năm 2022 cũng vì chủ tịch Hạ viện Mỹ khi đó – bà Nancy Pelosi – đến thăm Đài Loan.
FMS thực tế đã là một chương trình mua bán vũ khí có yếu tố quốc gia. Khi một quốc gia hay một tổ chức quốc tế muốn mua vũ khí từ Mỹ, ví dụ của Lockheed Martin, họ sẽ không giao dịch trực tiếp với Lockheed Martin.
Thay vào đó, chính quyền Mỹ sẽ đóng vai trò một trung gian hợp đồng giữa nhà thầu (ở đây là Lockheed Martin) và quốc gia đối tác. Đơn vị chịu trách nhiệm cụ thể là Cơ quan Hợp tác an ninh quốc phòng Mỹ (DSCA), trực thuộc Bộ Quốc phòng.
Trong khi đó, FMF là chương trình tài trợ mở rộng của chính quyền Mỹ dành cho một số nước đồng minh và tổ chức quốc tế. FMF có thể được thực hiện thông qua FMS hoặc chương trình bán trực tiếp (DSC).
Có thể thấy đối tượng của hai chương trình này không khác nhau. Các quan chức Mỹ vừa qua khẳng định các điều khoản trong gói FMF cho Đài Loan không đại diện cho một sự thay đổi chính sách nào của Mỹ.
Hai quan chức Mỹ lưu ý với AP rằng Washington đã cung cấp chương trình FMS cho Đài Loan nhiều năm nay.
Thông điệp mới về Đài Loan
Cả Bộ Ngoại giao lẫn Bộ Quốc phòng Trung Quốc trong ngày 31-8 đều lên tiếng cảnh báo động thái mới đây của Mỹ.
Tuy nhiên, ngoài việc khẳng định hành động của Mỹ tổn hại an ninh, hòa bình, ổn định, cũng như phản đối quan hệ quốc phòng Mỹ – Đài Loan, phía Trung Quốc có vẻ không nhắc gì tới yếu tố “quốc gia” như báo chí Mỹ phân tích về FMF.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa FMS và FMF nằm ở việc FMF là chương trình “tài trợ”, tức sẽ bán vũ khí cho nước ngoài theo dạng khoản vay hoặc tài trợ chính phủ, có thể hoàn lại hoặc không hoàn lại.
Nói cách khác, thông qua FMF, chính quyền ông Biden đang muốn hỗ trợ Đài Loan mua vũ khí dễ dàng hơn bằng việc sử dụng tiền thuế của dân Mỹ để tài trợ.
Trong tài liệu khảo cứu của Quốc hội Mỹ ngày 24-8, Đài Loan được cho là đang gặp nhiều khó khăn về khả năng phòng vệ, cũng như đối diện nhiều nguy cơ trong mối quan hệ căng thẳng với Trung Quốc đại lục.
Hiện nay, giới phân tích từ Mỹ cho rằng cần thúc đẩy các khuôn khổ hợp tác mới giúp Đài Loan tự vệ và dễ dàng mua vũ khí hơn, đặc biệt trong thời điểm chi tiêu quân sự của hòn đảo này còn khiêm tốn.
Vừa qua Đài Loan công bố kế hoạch tăng ngân sách chi tiêu quân sự lên mức kỷ lục 19,1 tỉ USD, tương đương 2,6% GDP. Nhưng Trung tâm nghiên cứu CFR (Mỹ) nhận định đây thực chất là mức chi tiêu rất… nhỏ, có mức tăng theo năm thấp nhất trong nửa thập niên qua.
Giới chức và học giả Mỹ đang ngày càng lo ngại về khả năng Trung Quốc sớm sử dụng vũ lực với Đài Loan, đồng nghĩa nhu cầu tăng tốc nâng cao khả năng tự vệ của Đài Loan sẽ lớn hơn. Tài liệu ngày 24-8 nêu trên cũng đề cập tới việc trao cơ chế “duyệt nhanh” các chương trình FMS truyền thống cho Đài Loan.
Mối lo ngại của Mỹ về khả năng đụng độ quân sự tại eo biển Đài Loan là động lực chính cho sự thay đổi chính sách quốc phòng của Mỹ, cụ thể lần này là FMF. Điều này gần như chắc chắn sẽ khiến vấn đề Đài Loan trở nên “nóng” hơn trong thời gian tới.