Cuộc đảo chính ở Gabon vào cuối tháng 8 là “gáo nước lạnh” cho nỗ lực của Pháp trong việc duy trì kiểm soát các cựu thuộc địa.
Trong 3 năm qua, quân đội đã tiến hành đảo chính, lật đổ chính quyền của các tổng thống ở Burkina Faso, Mali, Guinea, Chad, Niger và mới nhất là Gabon ngày 30.8. Cả 6 quốc gia này đều có điểm chung: toàn bộ đều là cựu thuộc địa của Pháp.
Di sản lịch sử
Trong giai đoạn thực dân hóa, Pháp đã để lại di sản lịch sử phức tạp ở châu lục đen. Di sản này khởi đầu với việc chính quyền Paris đưa quân vào Algiers, thủ đô Algeria, năm 1830, mở màn cho quá trình thực dân hóa của Pháp tại châu Phi. Đến thập niên 1960, làn sóng độc lập trỗi dậy khắp châu lục. Trong đó, khoảng 14 cựu thuộc địa của Pháp ở tây Phi, trung Phi và Madagascar lần lượt tuyên bố giành độc lập trong một thời gian ngắn, theo Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (trụ sở Washington D.C, Mỹ).
TS Ndongo Samba Sylla, Giám đốc Chương trình và Nghiên cứu của Viện Chính sách Rosa Luxemburg (trụ sở Berlin, Đức), phân tích rằng người Pháp lúc đó biết rõ phong trào độc lập ở châu Phi là không thể tránh khỏi. Vì thế, năm 1958, Pháp đề xuất phương án khôi phục quyền độc lập cho các nước thuộc địa, thông qua việc ký kết “các thỏa thuận hợp tác đặc biệt” với chính quyền Paris.
Còn theo nhà báo người Pháp Fanny Pigeaud, những nhân vật được Pháp ủng hộ đã trở thành các nguyên thủ đầu tiên của các nước cộng hòa còn non trẻ, từ Madagascar, Benin, Niger Burkina Faso, Côte d’Ivoire, CH Trung Phi, CH Congo, Gabon, Senegal đến Mali. Đó là lý do các chính quyền mới có mối liên hệ vô cùng chặt chẽ và xây dựng các chính sách phù hợp với Pháp và phương Tây. “Nếu nhân vật (lãnh đạo) nào tìm cách hành xử khác đi, họ tất yếu đối mặt hậu quả”, nhà báo Pigeaud cho biết.
Mạng lưới Françafrique
DW dẫn lời nhà nghiên cứu Paul Melly của Viện Chính sách Chatham House (trụ sở tại London, Anh) kể lại vào năm 1962, Tổng thống Pháp Charles de Gaulle đã giao nhiệm vụ cho cố vấn Jacques Foccart xây dựng cái gọi là Françafrique (chỉ mạng lưới ảnh hưởng của Pháp tại các cựu thuộc địa châu Phi). Và ông Foccart đã sáng kiến các hiệp ước mà đến nay vẫn còn hiệu lực giữa Pháp và nhiều nước châu Phi.
Để đổi lại sự bảo vệ quân sự trước nguy cơ đảo chính, các lãnh đạo châu Phi thực hiện cam kết cho phép các công ty Pháp được quyền tiếp cận những nguồn tài nguyên chiến lược như kim cương, quặng các loại, uranium, gas và khí đốt. Những thỏa thuận trên đã thiết lập nên sự hiện diện vững chắc của Pháp ở châu lục, thể hiện qua 1.100 công ty, khoảng 2.100 công ty con và thu hút nguồn đầu tư lớn thứ 3 tại châu lục, chỉ sau Anh và Mỹ.
Pháp là phía đầu tiên có quyền tham gia khai thác mọi nguồn tài nguyên thiên nhiên ở các cựu thuộc địa, và có quyền ưu tiên tiếp cận các hợp đồng của chính phủ. Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương các quốc gia Tây Phi (BCEAO) của 8 nước khu vực đến năm 2020 vẫn phải nộp đến 65% số dự trữ ngoại tệ cho kho bạc Pháp. “Nghe qua thật khó tin nhưng các chính phủ Tây Phi trước đây không nắm rõ mỗi quốc gia sở hữu bao nhiêu tiền trong kho bạc”, DW dẫn lời nhà nghiên cứu Ian Taylor, giáo sư của Đại học St. Andrews tại Scotland. Hiện cơ chế này đã chấm dứt.
Những chiến dịch gìn giữ hòa bình
Chính quyền Paris cũng duy trì sự hiện diện quân sự đáng kể ở châu Phi. Quân đội Pháp đang dẫn đầu chiến dịch Barkhane chống các tổ chức Hồi giáo ở vùng Sahel, khu vực rộng lớn ngăn cách sa mạc Sahara ở phía bắc và các thảo nguyên ở phía nam. Theo nhật báo The New York Times, gần phân nửa lực lượng gìn giữ hòa bình của Pháp (12.000 binh sĩ) được đặt ở châu Phi, thực thi các sứ mệnh duy trì an ninh cho các cựu thuộc địa.
Còn Hãng tin AFP ghi nhận tính từ thập niên 1960 đến nay, Pháp có khoảng 40 lần đưa quân đến châu Phi để gìn giữ hòa bình. Chẳng hạn, năm 2013, Pháp triển khai chiến dịch Serval đẩy lùi các tay súng Hồi giáo khỏi miền bắc Mali. Năm sau, chiến dịch Serval được thay thế bằng sứ mệnh quy mô lớn hơn là Barkhane, ở Chad, Burkina Faso, Mali, Mauritania và Niger.
Năm 2011, trong khuôn khổ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Pháp cùng với Anh và Mỹ mở màn chiến dịch Harmattan, đưa liên quân đến Libya và lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Riêng Pháp đã điều động lực lượng gồm 4.200 binh sĩ, 40 máy bay, khoảng 20 trực thăng, 27 tàu hải quân trong chiến dịch này.
Chính quyền quân sự ở Niger, quốc gia vừa nổ ra binh biến vào ngày 26.7, đang gây áp lực buộc chính quyền Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đóng căn cứ quân sự gần thủ đô Niamey và rút lực lượng 1.500 lính về nước. Trước khi xảy ra đảo chính, Niger cung cấp đến 20% lượng uranium mà Pháp cần để vận hành các nhà máy điện hạt nhân và cho mục đích quân sự. Các công ty Pháp đã khai thác uranium ở Niger hơn 40 năm qua.
Trong bài phân tích gần đây, chuyên gia Michaël Tanchum của Đại học Navarra (Tây Ban Nha) cho rằng những gì xảy ra ở Niger là dấu chấm hết cho nỗ lực của Pháp nhằm duy trì sự ảnh hưởng kinh tế và quân sự khắp Tây Phi.
Cựu Thủ tướng Ý cáo buộc Pháp bắn nhầm máy bay dân sự khi ám sát ông Gaddafi
Trong bài phỏng vấn đăng trên nhật báo Repubblica ngày 2.9, ông Giuliano Amato, người từng 2 lần làm thủ tướng Ý, cáo buộc chính quyền Paris ngày 27.6.1980 đã phát đi mệnh lệnh bắn hạ máy bay quân sự được cho chở nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi của Libya. Tuy nhiên, Không quân Pháp đã bắn nhầm tên lửa vào chuyến bay IH 870 nội địa của Hãng hàng không Itavia đang trên đường từ Bologna đến Palermo (Ý). Máy bay đã rơi xuống Địa Trung Hải, và toàn bộ 81 người trên máy bay đều tử nạn. Bà Giorgia Meloni, Thủ tướng Ý đương nhiệm, nói rằng cáo buộc của người tiền nhiệm cũng đáng để lưu ý, nhưng ông nên cung cấp bằng chứng cụ thể về lập luận của mình.
Dù thừa nhận không nắm trong tay bằng chứng nào cho thấy Pháp đứng sau vụ rơi máy bay, cựu Thủ tướng Amato vẫn đề nghị Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hãy đưa ra phản hồi chính thức về vụ việc.
T.P