Tờ Financial Times dẫn những nguồn trong cuộc nói ngân hàng đầu tư Goldman Sachs đã sử dụng quỹ được thành lập chung với công ty nhà nước Trung Quốc để tiến hành mua thành công một số công ty quan trọng của Mỹ và Anh.
Financial Times mới đây tiết lộ Goldman Sachs đã sử dụng tiền vốn của nhà nước Trung Quốc để mua lại một số công ty công nghệ của Anh và Mỹ, liên quan đến các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và máy bay không người lái mà không tiết lộ nguồn gốc số tiền. Vụ việc cho thấy, sau khi phương Tây tăng cường quản chế giám sát, một số ngân hàng đầu tư đã trở thành “găng tay trắng” để giúp Trung Quốc gián tiếp đầu tư vào các ngành công nghiệp trọng điểm ở nước ngoài.
Theo đó, Goldman Sachs đã sử dụng “quỹ hợp tác” cổ phần tư nhân được thành lập chung với China Investment Corporation (CIC, Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc) vào năm 2017 để đạt được 7 vụ giao dịch. Mặc dù Goldman Sachs đã công bố các khoản đầu tư này nhưng không tiết lộ tiền để thực hiện các giao dịch này một phần là sử dụng từ quỹ của chính phủ Trung Quốc.
Những năm gần đây, mối quan hệ giữa Bắc Kinh và phương Tây ngày càng căng thẳng, các chính phủ phương Tây đã tăng cường giám sát đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc, trong khi Goldman Sachs đã tăng cường hoạt động của các quỹ, chỉ riêng trong năm 2021 thực hiện bốn khoản đầu tư và một vào năm ngoái. Tình hình này cho thấy Trung Quốc gián tiếp kiểm soát đối với các ngành công nghiệp then chốt thông qua các quỹ đầu tư tư nhân.
Goldman Sachs nhấn mạnh trong tuyên bố của mình rằng “Quỹ hợp tác” của họ phù hợp mọi luật pháp, họ sẽ tiếp tục đầu tư vào các công ty Mỹ và toàn cầu để giúp các công ty này tăng thị phần tại Trung Quốc.
China Investment Corporation (CIC, Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc) được thành lập vào năm 2007 để đầu tư tiền vốn của nhà nước Trung Quốc; tính đến cuối năm 2021 CIC có tài sản trị giá 1,35 nghìn tỉ USD. Theo trang web của họ, gần một nửa danh mục đầu tư toàn cầu của họ được đầu tư vào các tài sản như vốn cổ phần tư nhân.
Goldman Sachs đã luôn duy trì mối quan hệ hợp tác với CIC. Giám đốc điều hành Goldman Sachs David Solomon đã đến thăm Trung Quốc vào tháng 3 năm nay và gặp gỡ Phó chủ tịch điều hành CIC Tề Bân và Chủ tịch CIC Bành Thuần.
Trong “quỹ hợp tác” được thành lập chung với Goldman Sachs, Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc CIC đóng vai trò là thành viên của “Ủy ban tư vấn đối tác hữu hạn”, nghĩa là họ là nhà đầu tư quan trọng trong quỹ, mặc dù không đưa ra quyết sách đầu tư nhưng có thể đưa ra ý kiến tư vấn.
Tờ Financial Times trích dẫn lời một số người hiểu biết trực tiếp về quỹ và hoạt động của quỹ nói Goldman Sachs đã thành lập chung một “Quỹ hợp tác” đầu tư cổ phần tư nhân với CIC vào năm 2017. Quỹ này đã huy động được 2,5 tỉ USD vốn, Goldman Sachs đã sử dụng vốn từ quỹ này để hoàn thành 7 vụ giao dịch.
Các mục tiêu giao dịch bao gồm một công ty khởi nghiệp theo dõi chuỗi cung ứng toàn cầu, một công ty tư vấn điện toán đám mây, một công ty thử nghiệm dược phẩm, một nhà sản xuất hệ thống làm mát cho máy bay không người lái và pin xe điện…
Trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 11/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc và Goldman Sachs thành lập China-U.S. Industrial Cooperation Fund (Quỹ Hợp tác chế tạo Công nghiệp Trung Quốc-Mỹ), quỹ này sẽ chủ yếu đầu tư vào các công ty công nghiệp của Mỹ.
Tạp chí The Wall Street Journal tháng 9/2019 đưa tin rằng Quỹ Hợp tác chế tạo công nghiệp Trung – Mỹ đã thực hiện khoản đầu tư đầu tiên, nhưng CIC không tiết lộ chi tiết về khoản này. Vào thời điểm đó, Tổng Giám đốc CIC Cư Vĩ Dân cho biết cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ đã khiến quỹ tài sản có chủ quyền này thận trọng hơn khi đầu tư vào nước Mỹ.
The Financial Times chỉ ra rằng mặc dù trong những năm gần đây mối quan hệ giữa Bắc Kinh và phương Tây ngày càng trở nên căng thẳng, Goldman Sachs vẫn đẩy mạnh hoạt động của quỹ, thực hiện 4 khoản đầu tư vào năm 2021 và một khoản đầu tư vào năm ngoái. Một trong số đó là đầu tư vào Lawson Group (LRQA), công ty dịch vụ tư vấn, kiểm định và chứng nhận chất lượng của Anh.
Theo báo cáo, mặc dù trong các giao dịch với LRQA và các công ty khác, Goldman Sachs và China Investment Corporation đã cùng nhau đầu tư dưới hình thức quỹ đầu tư tư nhân và sự tham gia tài chính của chính phủ Trung Quốc tương đối nhỏ so với hầu hết các nhà đầu tư, nhưng quỹ tài sản chủ quyền và các công ty mua lại thường có mối quan hệ chặt chẽ hơn.
Theo Financial Times, quỹ do Goldman Sachs và CIC đồng sở hữu cũng đã đầu tư vào công ty tư vấn điện toán đám mây Cprime, công ty thử nghiệm thuốc Parexel, công ty khởi nghiệp theo dõi chuỗi cung ứng toàn cầu Project44, tập đoàn công nghệ bán lẻ Aptos, công ty chiếu sáng Visual Comfort & Co và Boyd Corporation, nhà sản xuất hệ thống làm mát máy dùng cho máy bay không người lái có trụ sở tại California.
T.P