Saturday, January 11, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnMỹ đã công nhận Việt Nam là trung tâm sản xuất toàn...

Mỹ đã công nhận Việt Nam là trung tâm sản xuất toàn cầu, định hình Đông Nam Á

Các chuyên gia đồng tình rằng, đối với Washington, Việt Nam đã trở thành đối tác thân thiết ở Đông Nam Á và mối quan hệ này ngày càng được củng cố.

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joseph Biden sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 10 đến ngày 11/9/2023. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh năm 2023 đánh dấu 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước.

Với chuyến thăm này, ông Biden sẽ trở thành nguyên thủ Mỹ thứ hai kể từ năm 1995 đến Việt Nam ngay trong nhiệm kỳ đầu, và là Tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm nước ta theo lời mời của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chia sẻ với chúng tôi góc nhìn về sự kiện quan trọng này, bà Mercy A. Kuo – Phó Chủ tịch điều hành và Trưởng bộ phận phân tích tại công ty tư vấn Pamir (Mỹ), đồng thời là cây viết có tiếng trên tạp chí Diplomat nhận định, chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden tới Việt Nam đã biểu thị sự công nhận của Mỹ đối với vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong việc định hình bối cảnh khu vực Đông Nam Á.

Sự kiện này cũng xác nhận rằng, Việt Nam đã quyết định nâng cao vai trò quan trọng của mình trong việc hỗ trợ nỗ lực “sản xuất tại các quốc gia bằng hữu” (friend-shoring) của Mỹ nhằm xây dựng chuỗi cung ứng an toàn và đáng tin cậy.

Trong khi đó, theo Giáo sư – Tiến sĩ Khoa học Chính trị và Quan hệ Quốc tế Thitinan Pongsudhirak tại Thái Lan, chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden đã làm nổi bật một điều: “Đối với Washington, Việt Nam đã trở thành đối tác thân thiết mới ở Đông Nam Á”.

Mỗi cột mốc là một chỉ số quan trọng
Trên chặng đường hợp tác, mối quan hệ kinh tế Mỹ – Việt đã đạt được nhiều cột mốc quan trọng. Tiêu biểu như, kể từ khi bình thường hóa quan hệ, kim ngạch thương mại song phương giữa hai phía đã tăng hơn 240 lần, từ 451 triệu USD năm 1995 lên hơn 123 tỷ USD năm 2022.

Nhìn lại quá trình hợp tác trong 10 năm trở lại đây, Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam vượt mốc 100 tỷ USD, đồng thời Việt Nam hiện đang là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ. Ngoài ra, tính đến tháng 2/2023, lũy kế tổng vốn đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Việt Nam đạt 11,42 tỷ USD, đứng thứ 11 trong số các nước đầu tư vào Việt Nam.

Đáng nói, trong năm 2023, có một số dấu mốc rất đáng chú ý như: Vào tháng 3, một phái đoàn gồm 52 doanh nghiệp Mỹ đã đến thăm Việt Nam để tìm hiểu thị trường địa phương và tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đầu tư. Đây là phái đoàn doanh nghiệp Mỹ lớn nhất tới Việt Nam từ trước tới nay.

Bên cạnh đó, hãng xe Việt Nam VinFast đã khởi công xây dựng nhà máy sản xuất xe điện trị giá 4 tỷ USD tại Bắc Carolina và vào ngày 15/8 năm nay. VinFast cũng rung chuông ra mắt trên sàn chứng khoán Nasdaq Global Select Market, chính thức trở thành công ty niêm yết đại chúng có tầm vóc toàn cầu. Đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp Việt Nam niêm yết trực tiếp trên sàn quốc tế.

Nhìn nhận về các cột mốc trên, ông Pongsudhirak cho rằng, Việt Nam là đối tác kinh tế đầu tư rất hấp dẫn, đặc biệt là trong bối cảnh các công ty Mỹ theo đuổi chiến lược “friend-shoring” với các đối tác, trong đó có Việt Nam.

Đồng quan điểm đó, bà Kuo nhận định, tất cả những cột mốc quan trọng này đã thúc đẩy tiến trình hợp tác Mỹ-Việt trong gần 3 thập kỷ qua. Chúng đóng vai trò như những biển chỉ dẫn trong quỹ đạo cam kết song phương, nhằm mở rộng quan hệ kinh tế, đầu tư, thương mại và công nghệ vì lợi ích của cả hai nước trên phạm vi quốc gia và khu vực.

Mỗi cột mốc là một chỉ số quan trọng cho thấy Washington và Hà Nội đang hợp tác như thế nào để thúc đẩy chương trình nghị sự về khả năng phục hồi kinh tế toàn diện ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Tín hiệu từ các tập đoàn Mỹ
Bình luận thêm về triển vọng hợp tác giữa hai phía trong tương lai, bà Kuo cho rằng, Việt Nam đang ngày càng trở thành nhân tố then chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong nhiều lĩnh vực, bao gồm sản phẩm công nghệ cao.

Bà Kuo đánh giá “sự công nhận từ các tập đoàn lớn khác của Mỹ, như Boeing, SpaceX, Meta… đối với Việt Nam trong vai trò ‘trung tâm sản xuất toàn cầu’” đang góp phần đẩy nhanh quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng tới Việt Nam trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến.

Trong khi đó, sự góp mặt của Việt Nam vào Nhóm các đối tác quốc tế cùng với Mỹ trong Thỏa thuận Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch ở Việt Nam.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới