Từ Kỳ Diệu nổi tiếng là quan tham Trung Quốc giữ kỷ lục về số lượng người tình, thậm chí quan hệ cùng lúc với cả hai mẹ con, không ngần ngại khoe chiến tích.
“Làm quan là vì lợi nhuận, không những phải nói dối mà còn phải nói hay… Mọi luật lệ, quy định, chính sách và hệ thống đều cần vận dụng một cách linh hoạt, phải hiểu rằng nịnh nọt là một nghệ thuật cao cấp ”, đây là những lời trong bức thư dạy con của Từ Kỳ Diệu, cựu Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Giảng Tô (Trung Quốc).
Chẳng ai nghĩ những lời này lại đến từ một vị quan chức từng đứng đầu trong trận lũ khủng khiếp 28 ngày ở thành phố Diêm Thành năm 1991, nỗ lực vì sự an toàn của người dân.
Từng là vị quan hết lòng vì dân
Từ Kỳ Diệu sinh năm 1943, trong một gia đình có cha là liệt sĩ ở huyện Tân Hải, tỉnh Giang Tô. Sự anh dũng của người cha đã truyền cảm hứng và tin thần cho Từ Kỳ Diệu vững bước trên con đường chính trị, hết lòng phục vụ nhân dân.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Từ Kỳ Diệu thăng tiến nhanh trên quan trường nhờ tài năng và nhiệt huyết, trở thành thị trưởng thành phố Diêm Thành năm 1990.
So với Diêm Thành thịnh vượng ngày nay, Diêm Thành lúc đó chỉ có thể miêu tả là cũ kỹ và lạc hậu. Tuy nhiên, dưới sự hướng dẫn về chính sách mở cửa của chính quyền nhà nước Trung Quốc khi đó, Từ Kỳ Diệu đã giúp Diêm Thành thay đổi bộ mặt kinh tế, GDP tăng 198,8% sau 5 năm.
Khi Diêm Thành bị lũ lụt tấn công năm 1991, Từ Kỳ Diệu không quan tâm đến bản thân, 28 ngày liền không về nhà mà cùng người dân kiên trì chống lũ, đến mức đổ bệnh nhập viện. Điều này cũng khiến người dân Diêm Thành hết lời khen ngợi. Danh tiếng tốt của Từ Kỳ Diệu nhanh chóng lan rộng khắp cả nước, trở thành hình mẫu để nhiều cán bộ học tập.
Với nhiều năm thành tích chính trị và uy tín trong nhân dân, Từ Kỳ Diệu đã được thăng chức làm Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Giang Tô vào năm 1997.
Bản tính tham lam bộc lộ
Ngay từ năm 1993, Từ Kỳ Diệu đã dính líu đến tham nhũng. Khi đó, Đinh Ngọc Minh, một ông chủ dầu mỏ và khí hóa lỏng địa phương, đã tìm đến Từ Kỳ Diệu vì một dự án dầu mỏ và tặng cho ông ta 10.000 USD.
Vào đầu những năm 1990, đây là một số tiền rất lớn và ngay cả một thị trưởng như Từ Kỳ Diệu cũng không thể dễ dàng tiết kiệm được. Dù tim đập chân run nhưng Từ Kỳ Diệu vươn tay nhận lấy số tiền, đương nhiên cũng dùng quyền lực trong tay giúp Đinh Ngọc Minh giải quyết yêu cầu.
Sau khi có tiền lệ, ngày càng nhiều ông chủ tìm đến Từ Kỳ Diệu và dùng tiền nói chuyện. Theo thời gian, vị quan tưởng chừng thanh liêm dần bị mê hoặc bởi mùi tiền.
Sau khi trở thành Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Giang Tô, một trong những người đầu tiên tiếp cận Từ Kỳ Diệu là ông chủ họ Nữu. Người này mới mở công ty bất động sản và gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động. Để vượt qua khó khăn, Nữu đang nhờ người liên hệ với Từ Kỳ Diệu.
Nghĩ rằng Nữu là một người hào phóng và có thể kiếm được rất nhiều tiền, Từ Kỳ Diệu đã đồng ý giúp đỡ mà không hề suy nghĩ gì. Mặc dù cuộc gặp giữa hai bên mất nhiều thời gian và phải thông qua trung gian, nhưng Từ Kỳ Diệu cảm thấy mọi thứ đều xứng đáng khi nhận được 1,2 triệu nhân dân tệ (gần 4 tỷ đồng với tỷ giá hiện tại).
Năm 1997, trong lần đến một nhà máy địa phương để khảo sát, Từ Kỳ Diệu lại tỏ ra vô cùng thích thú với đồ nội thất trong phòng họp của nhà máy. Ông ta nói nửa đùa thật: “Nhìn nội thất ở đây, tôi lại nghĩ tới những đồ đạc trong nhà mình, đúng là cũ và lạc hậu quá, không theo kịp thời đại”.
Ông chủ nhà máy nhanh chóng hiểu vấn đề. Một tuần sau, bộ nội thất bằng gỗ gụ trị giá hơn 100.000 nhân dân tệ (hơn 320 triệu đồng) đã được đặt trong nhà của Từ Kỳ Diệu.
Năm 1998, Từ Kỳ Diệu ký thông qua một dự án nhà ở thương mại, sau khi dùng “bữa tiệc trà” trị giá 50.000 nhân dân tệ (khoảng 164 triệu đồng) với chủ đầu tư.
Cùng năm, đơn vị thi công một khu phố mới tại Diêm Thành, mang 2.000 nhân dân tệ, đến nhờ Từ Kỳ Diệu giúp cho công việc được hanh thông. Khi nhìn thấy số tiền, Từ Kỳ Diệu chỉ cười nhẹ, viết mấy chữ nhờ gửi cho người phụ trách thi công. Vài ngày sau, cuốn sổ tiết kiệm trị giá 120.000 nhân dân tệ (gần 400 triệu đồng) được gửi tới văn phòng của vị quan tham họ Từ.
Vị quan hoang đàng
Tiền do quyền lực mang lại khiến Từ Kỳ Diệu ngày càng biến chất, bất kể là ai đến cửa, cho dù là người thân, ông ta cũng căn cứ vào quan hệ gia đình mà đặt ra những mức giá khác nhau. Không chỉ vậy, người vợ tần tảo đã không còn trong mắt Từ Kỳ Diệu nữa, ông ta cảm thấy mình xứng đáng có được người phụ nữ trẻ đẹp hơn.
Từ Kỳ Diệu nổi tiếng là tham quan giữ kỷ lục về số người tình. Khi khám xét nhà của tham quan này, các nhân viên điều tra đã phát hiện trong ổ cứng máy tính có chứa tên và một số hình ảnh nhạy cảm của 146 người tình.
Thậm chí, tham quan họ Từ còn có một cuốn “nhật ký mây mưa”, thuật lại chi tiết tên tuổi, đặc điểm cơ thể và những lần vui vẻ bên nhân tình. Đáng chú ý nhất là mối quan hệ của Từ Kỳ Diệu với hai mẹ con bà Vương Tú Lệ.
Theo điều tra, năm 1990, Từ Kỳ Diệu khi đó vẫn đang là thị trưởng của Diêm Thành, một lần bị ốm nhập viện và được y tá Vương Tú Lệ truyền nước. Dù thời điểm đã 40 tuổi, nhưng nhan sắc kiều diễm và mặn mà của Vương Tú Lệ vẫn khiến tham quan họ Từ say đắm.
Thời gian sau đó, dù không bệnh tật gì nhưng Từ Kỳ Diệu vẫn kiếm cớ đến bệnh viện để yêu cầu nữ y tá họ Vương chăm sóc. Vương Tú Lệ còn được gọi trực tiếp đến văn phòng của Từ Kỳ Diệu để đo huyết áp nhưng thực chất là thỏa mãn ham muốn.
Lợi dụng tình cảm mặn nồng, Tú Lệ nhờ tình nhân giúp đỡ bố trí công việc cho con gái tên là Lưu Lan mới tốt nghiệp đại học. Ngay lần đầu gặp con gái nhân tình, Từ Kỳ Diệu đã bị mê hoặc bởi nhan sắc xinh đẹp của cô gái trẻ.
Lưu Lan sau đó được nhận vào làm việc tại đài truyền hình của thành phố, một công việc trong mơ đối với cô gái trẻ đam mê nghệ thuật và ca hát. Vương Tú Lệ quá đỗi vui mừng mà không nhận ra, mình đã đẩy cô con gái xinh đẹp vào “miệng cọp”. Kết quả là chỉ trong một năm, Lưu Lan phải phá thai tới 2 lần, nhưng cô không dám kể với mẹ mình.
Càng ghê tởm hơn là Từ Kỳ Diệu luôn sự việc trên là “chiến tích vẻ vang”, mang ra khoe trên bàn nhậu với bạn bè, thậm chí không ngần ngại so sánh kỹ năng giường chiếu của hai mẹ con.
Ngoài hai mẹ con Vương Tú Lệ, Từ Kỳ Diệu còn quan hệ với cả vợ của cấp dưới trong thời gian mới nhận chức Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Giang Tô.
Dấu chấm hết của một tham quan
Giấy không gói được lửa, Từ Kỳ Diệu bị chính cấp dưới đâm đơn tố cáo lên Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật tỉnh Giang Tô. Một nhân viên nhà khách thành phố cũng viết đơn nặc danh, tố cáo Từ Kỳ Diệu quan hệ bất chính với nhiều gái mại dâm.
Năm 2000, một kẻ lừa đảo chuyên mạo danh thư ký của lãnh đạo đã bị cơ quan công an của một thành phố điều tra và trừng phạt. Trong trại giam, để được hưởng khoan hồng, người này không chỉ thú nhận tội ác của mình mà còn khai nhận mối quan hệ với Từ Kỳ Diệu, khai ra hàng loạt vấn đề về việc Từ Kỳ Diệu nhận hối lộ và lối sống hoang dâm vô độ.
“Từ Kỳ Diệu là người ham tiền và háo sắc. Chỉ khi nào làm ông ta vui sướng thì bạn mới có thể làm mọi việc dễ dàng” , người này tiết lộ.
Cùng năm đó, khi một người phụ trách Đại hội nhân dân thành phố Diêm Thành bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật địa phương điều tra vì nghi phạm tội kinh tế. Người này sau đó thú nhận hành vi hối lộ Từ Kỳ Diệu.
Một số lượng lớn manh mối về hành vi vi phạm kỷ luật, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật tỉnh Giang Tô cùng với Viện Kiểm sát tỉnh và Công an tỉnh đã mở một cuộc điều tra toàn diện về các vấn đề của Từ Kỳ Diệu.
Tháng 10/2000, Từ Kỳ Diệu bị bắt về các tội danh nhận hối lộ nghiêm trọng và lạm dụng chức quyền. Kết quả điều tra cho thấy, từ năm 1992 – 1997, Từ Kỳ Diệu đã có 46 lần nhận hối lộ với tổng số tiền 20 triệu nhân dân tệ (khoảng 66 tỷ đồng).
Tháng 10/2001, Từ Kỳ Diệu bị tòa án tuyến bố tử hình, được hoãn thi hành 2 năm, tước quyền lợi chính trị và tịch thu toàn bộ tài sản cá nhân.
T.P