Ông Phạm Quang Vinh – nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Mỹ đánh giá, hợp tác về kinh tế luôn là điểm sáng trong quan hệ Việt – Mỹ. Cách đây 10 năm, thương mại hai chiều mới đạt 35 tỉ USD, nay đã lên 123 tỉ USD, tăng gấp gần 4 lần.
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam từ ngày 10 đến 11/9. Đây là sự kiện quan trọng trong quan hệ song phương hai nước. Trong chuyến thăm, hai bên sẽ đẩy mạnh hơn nữa quan hệ Việt – Mỹ, trong đó, kinh tế sẽ là một trong những trọng tâm hợp tác.
Năm 2023 cũng là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam – Mỹ, kỷ niệm 10 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện (2013 – 2023).
Thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Mỹ 7 tháng năm 2023 đạt 53,09 tỷ USD. Tiếp tục đứng đầu trong các thị trường khác xuất khẩu của Việt Nam. Đây là vị trí đã được xác lập vững chắc trong hàng thập kỷ qua.
Tổng kim ngạch trao đổi thương mại song phương năm 2022 đạt xấp xỉ 123,9 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2021. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ 109,4 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm 2021, chiếm 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Trong thời kỳ 2011 đến nay, Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam. Tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ chiếm xấp xỉ 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, tăng so với mức 17,5% năm 2011.
Sự gia tăng xuất khẩu vào Mỹ chủ yếu là do tác động từ việc thực hiện BTA Việt Nam – Mỹ và quốc gia này nhanh chóng trở thành điểm tiếp nhận lớn nhất đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam ngay sau khi BTA có hiệu lực với các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng dệt may, giày dép, đồ nội thất, thủy sản, nông sản…
Đáng chú ý, Việt Nam thường xuyên đạt xuất siêu sang Hoa Kỳ. 7 tháng năm 2023 xuất siêu tới 45 tỷ USD.
Song đáng lưu ý, Mỹ là một trong những quốc gia thường xuyên sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) đối với hàng hoá các nước trên thế giới, trong đó có hàng hoá Việt Nam.
Tính đến hết tháng 12/2022, Hoa Kỳ đã điều tra 52 vụ việc PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, chiếm khoảng 23% tổng số vụ việc nước ngoài điều tra với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Trong năm 2022, Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra mới 12 vụ việc, trong đó chủ yếu là điều tra chống lẩn tránh thuế PVTM (11 vụ). Các mặt hàng bị điều tra gồm các sản phẩm thép, pin năng lượng mặt trời, tủ gỗ, ghim dập, thép dây…
Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng tiến hành rà soát một số biện pháp PVTM đã áp dụng trước đó, như rà soát hành chính thuế chống trợ cấp với lốp xe, rà soát hành chính thuế chống bán phá giá với cá tra, basa.
Công nghệ và kinh tế sáng tạo… cơ hội mới
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy: Tính đến hết năm 2022, doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư 1.216 dự án ở Việt Nam với tổng vốn đầu tư là 11,4 tỷ USD, đứng thứ 11 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam.
Ông Phạm Quang Vinh, Nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Mỹ đánh giá, hợp tác về kinh tế luôn là điểm sáng trong quan hệ Việt – Mỹ. Cách đây 10 năm, thương mại hai chiều mới đạt 35 tỉ USD, nay đã lên 123 tỉ USD, tăng gấp gần 4 lần.
Trong 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng thương mại luôn ở mức 2 con số, chứng tỏ quan hệ kinh tế – thương mại có tính bổ sung, hai bên cùng có lợi. Điều đó cũng cho thấy, Mỹ vẫn là thị trường hấp dẫn, có khả năng mở rộng hơn nữa trao đổi thương mại với Việt Nam. Điều đó cũng cho thấy rằng năng lực sản xuất, sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam tốt.
Theo ông Phạm Quang Vinh, nhân kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện và chuyến thăm của Tổng thống Mỹ tới Việt Nam lần này, hai bên sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương Việt – Mỹ, trong đó, kinh tế sẽ là một trong những trọng tâm hợp tác.
Ông Vinh nhận định, trong chuyến thăm lần này, những lĩnh vực hợp tác mới chắc chắn sẽ là câu chuyện hai bên nhấn mạnh hơn, trong đó có vấn đề chuyển đổi số, thúc đẩy hợp tác về công nghệ sáng tạo, chuyển đổi xanh, bao gồm những cam kết về thích ứng với biến đổi khí hậu, đi cùng là sử dụng năng lượng xanh, kinh tế xanh, hạ tầng xanh… Hai bên đều có tiềm năng trong những lĩnh vực đó để tăng cường hợp tác hơn nữa. Với lĩnh vực công nghệ, cơ hội rất nhiều, khả năng và đà hợp tác hai bên còn rất lớn. Việc triển khai thực hiện trong thời gian tới là rất quan trọng.
“Với Việt Nam, để có thể tranh thủ được luồng tài chính và đầu tư cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và sạch, bao gồm khoa học công nghệ liên quan, điều mà Chính phủ đang làm tập trung vào 3 khía cạnh: Cải thiện khung chính sách cho phù hợp hơn, nâng cao hơn nữa hạ tầng và nguồn nhân lực. Nếu cùng đồng thuận thực hiện sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác giữa hai nước” – ông Vinh kỳ vọng.
T.P