Wednesday, January 1, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hội“Bệnh” đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm đã lây lan sang...

“Bệnh” đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm đã lây lan sang một số bộ ngành trung ương

“Bệnh” đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm do sợ sai của cán bộ, giờ không chỉ phổ biến ở các địa phương mà đã lây lan lên cấp Trung ương.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành nói về “bệnh” đùn đẩy, né tránh trách nhiệm của cán bộ.

“Tình hình nợ văn bản quy định chi tiết có xu hướng tăng có biểu hiện đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong tham mưu xây dựng thể chế và tổ chức thi hành pháp luật tại một số nơi; chất lượng văn bản dưới luật chưa cao”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành nói khi Thường trực Ủy ban Pháp luật thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023 ngày 8.9 tại Nhà Quốc hội.

Trước đó ngày 6.9, tại Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng thừa nhận là hiện đang có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh công việc trong tham mưu xây dựng thể chế và đùn đẩy trách nhiệm trong công tác xây dựng pháp luật ở một số đơn vị.

Cũng tại Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khoá XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định vẫn còn tình trạng đùn đẩy, không dám làm, sợ sai, né tránh trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức.

Và Chính phủ thì chưa kịp thời xác định, xử lý nghiêm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc để xảy ra tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết, ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật…

“Vết đau” đầu tiên của “căn bệnh” đùn đẩy, không dám làm, sợ sai, né tránh trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức bắt đầu “bộc phát” từ TPHCM hồi tháng 5 mới đây, khi Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết năm 2022, thành phố này có 584 văn bản hỏi ý kiến Bộ nhưng hầu hết các vấn đề được hỏi thuộc thẩm quyền của thành phố. “Bệnh” này sau đó được phát hiện, hoá ra rất phổ biến ở nhiều địa phương trong cả nước.

Thời gian qua, người đứng đầu các địa phương và các bộ, ngành cũng tích cực “điều chế thuốc” để điều trị “bệnh” đùn đẩy, không dám làm, sợ sai, né tránh trách nhiệm. Thậm chí Chủ tịch tỉnh Thanh Hoá còn ra cả chỉ thị “doạ” sẽ kiên quyết loại bỏ, điều chuyển những người không làm đúng chức trách nhiệm vụ…

Tuy vậy thì cho đến thời điểm này, chưa thấy có địa phương nào báo cáo về kết quả điều trị “bệnh” đùn đẩy, không dám làm, sợ sai, né tránh trách nhiệm của địa phương mình như thế nào, đã kiên quyết điều chuyển được những ai. Và thực tế cho thấy “bệnh” này hiện không chỉ có ở các địa phương mà đã lây lan lên một bộ phận cán bộ ở tuyến Trung ương.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát. Khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các vi phạm… là những yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội để chữa “bệnh” cán bộ đùn đẩy trách nhiệm trong thời gian tới.

Hy vọng yêu cầu “xử lý nghiêm” từ Chủ tịch Quốc hội sẽ là giới hạn, “phương thuốc” cuối cùng cho “căn bệnh” này. Bởi cứ để lây lan thế này, không sớm thì muộn, bộ máy công quyền nhiều nơi cũng sẽ rơi vào tình trạng trì trệ, thậm chí tê liệt!

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới