Saturday, December 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiViệt - Mỹ là Đối tác chiến lược toàn diện, nền kinh...

Việt – Mỹ là Đối tác chiến lược toàn diện, nền kinh tế hưởng lợi gì?

Sự kiện lịch sử Việt Nam – Mỹ đã chính thức công bố xác lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, được đánh giá sẽ mang lại nhiều lợi ích lớn cho hai nước, tạo ra “hành lang rộng mở” cho hợp tác kinh tế của hai nước.

Hai phái đoàn tại buổi hội đàm ở Văn phòng Trung ương Đảng chiều 10-9

Chiều tối 10-9, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có buổi họp báo chung về kết quả cuộc hội đàm giữa lãnh đạo hai nước, chính thức thông qua Tuyên bố chung nâng tầm quan hệ Việt Nam – Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững.

Trả lời phỏng vấn báo chí xung quanh kết quả và triển vọng phát triển, hợp tác của hai nước nhân sự kiện này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên bày tỏ: Bộ Công Thương đánh giá chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Joe Biden và sự kiện nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện sẽ tạo cơ hội chưa từng có.

Thúc đẩy xuất khẩu, hợp tác trong lĩnh vực mới
“Sự kiện này sẽ thúc đẩy những lĩnh vực hợp tác mới, mang tính đột phá, xây dựng nội lực để Việt Nam thực sự có mặt trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó tập trung vào việc đẩy mạnh sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện, thiết bị cho ngành năng lượng, hàng không, kinh tế số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo…”, ông Diên nhìn nhận.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, lợi ích mang lại trước hết là hoạt động xuất khẩu. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lạm phát tăng cao tại Mỹ khiến sức mua các mặt hàng tiêu dùng giảm đáng kể, song sự sụt giảm này chỉ mang tính thời điểm chứ không phải xu hướng chủ đạo.

Ông Diên nói xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng trở lại trong những tháng gần đây cho thấy sự khởi sắc đáng kỳ vọng năm 2023, khi niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đang phục hồi.

Theo đó, các mặt hàng xuất khẩu truyền thống và có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, đồ gỗ, da giày, điện tử… được đánh giá sẽ tiếp tục hồi phục với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tích cực.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, Việt Nam đã và đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu. Các doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất ra nhiều mặt hàng phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả và chất lượng ngày càng được cải thiện.

Sau đại dịch cũng như những bất ổn địa chính trị – kinh tế gần đây, nhiều tập đoàn, kênh phân phối bán lẻ, bán buôn đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, bảo đảm nguồn cung bền vững. Vì vậy, Việt Nam được lựa chọn là một trong địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Đây là cơ hội lớn. Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội cũng sẽ đòi hỏi nỗ lực lớn từ các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu” – ông Diên nói.

Nhiều lĩnh vực hợp tác triển vọng
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu của Việt Nam nói chung và Mỹ nói riêng đã xuất hiện nhiều xu hướng mới, đòi hỏi các doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng.

Đặc biệt là các yêu cầu, đòi hỏi về giá cả, chất lượng và các yêu cầu liên quan tới bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, tiêu chuẩn “sản xuất xanh”, chuỗi cung ứng “sạch và bền vững”.

Ông Diên cho rằng các lĩnh vực hợp tác triển vọng giữa hai nước sẽ là các lĩnh vực mang tính cốt lõi, chiến lược như năng lượng, hàng không, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi năng lượng, kinh tế số, sản xuất xanh…

Riêng với lĩnh vực năng lượng, ông Diên cho hay Mỹ và Việt Nam đã triển khai nhiều hợp tác, từ thăm dò, khai thác dầu khí, dịch vụ dầu khí, xây dựng và cung cấp các thiết bị nhà máy nhiệt điện, đến phát triển điện gió, hợp tác kỹ thuật trong các lĩnh vực chuyên sâu…

Hai bên cũng đã thiết lập cơ chế Đối thoại an ninh năng lượng Việt Nam – Mỹ. Theo đó, Việt Nam đề nghị Mỹ hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng, bao gồm tư vấn chính sách, đào tạo nhân lực, hỗ trợ hợp tác giữa các doanh nghiệp trong tiếp cận công nghệ mới, làm chủ công nghệ sản xuất thiết bị…

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới