“Đối tác Chiến lược Toàn diện” là cụm từ vang lên dõng dạc, mạnh mẽ, đàng hoàng, mở ra một chương mới trong quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ.
Không chỉ ở Việt Nam, ở Mỹ, ở châu Á mà 6 chữ này được truyền đi nhanh chóng trên khắp thế giới. Hầu như các cơ quan truyền thông đại chúng của các quốc gia đều thông tin nổi bật sự kiện quan trọng và có ý nghĩa lịch sử vừa diễn ra.
Các hãng truyền thông, các tờ báo lớn cũng nhấn mạnh rằng, chuyến thăm Việt Nam trong hai ngày 10 đến 11/9 của Tổng thống Mỹ Joe Biden là chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt được cả hai bên chờ đợi từ lâu. Nói là chuyến thăm đặc biệt bởi vì, Tổng thống Mỹ đến Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đây là lần đầu tiên cả Tổng thống và Phó Tổng thống Mỹ sang thăm Việt Nam trong cùng một nhiệm kỳ, kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995. Chuyến diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm tròn 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước (2013-2023).
Có được chuyến thăm này, Nhà Trắng đánh giá rất cao mối quan hệ với Việt Nam, khẳng định Việt Nam là một đối tác quan trọng trong chiến lược của Washington. Chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden là thời cơ mạnh mẽ để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác mang lại lợi ích cho người dân Mỹ, cũng như hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Trong cuộc hội đàm vào cuối giờ chiều 10/9 (giờ Việt Nam), hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng, thực tế đã qua cho thấy những yếu tố quan trọng hàng đầu đối với sự phát triển của quan hệ Việt Nam – Mỹ là việc tôn trọng đầy đủ những nguyên tắc cơ bản định hướng cho quan hệ hai nước, trong đó có tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
Ông Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh sự hiểu biết lẫn nhau, hoàn cảnh của nhau, tôn trọng các lợi ích chính đáng của nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau luôn có ý nghĩa quan trọng. Phương châm đặc thù cho sự phát triển quan hệ Việt Nam – Mỹ là “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”.
Ông Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao các nội dung được thỏa thuận giữa lãnh đạo hai nước về Tuyên bố chung về việc nâng tầm quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình, Hợp tác và Phát triển bền vững.
Đáp lại, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nhấn mạnh: Biển Đông có vị trí quan trọng đối với thịnh vượng, ổn định quốc tế và khẳng định lại quan điểm của Hoa Kỳ về Biển Đông. Hoa Kỳ hết sức coi trọng những mục tiêu của Khuôn khổ hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Hoa Kỳ đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam về phát triển, đóng góp vào công việc quốc tế và những đóng góp, vai trò lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nói tới các chương trình, mục tiêu cụ thể trong hợp tác, Ngài Tổng thống Hoa Kỳ bày tỏ sự ủng hộ đối với sự phát triển của Việt Nam, trong đó có hợp tác kinh tế và khoa học-nghệ trong giai đoạn mới, trong đó có việc phát triển công nghiệp điện tử, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng sạch.
Việc hai nước nâng cấp quan hệ lên quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện không chỉ có lợi cho hai nước mà còn mang lại lợi ích quốc tế chung.
Nhiều tờ báo quốc tế bình luận rằng, Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định đến Hà Nội sau khi bỏ qua hai cuộc gặp thượng đỉnh quan trọng trong khu vực liền trước đó mà Jakarta tổ chức: Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN và Thượng đỉnh Đông Á. Phó Tổng thống Kamala Harris đã dự các cuộc gặp thượng đỉnh đó thay cho ông Biden.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho rằng: “Khi Mỹ tìm cách làm sâu sắc thêm mối quan hệ với khu vực thì Việt Nam là một đối tác quan trọng”.
Đường dài mới biết ngựa hay. Nay mới bước chân vào chặng đường mới, theo các nhà phân tích, việc nâng cấp quan hệ với Mỹ sẽ mở đường cho Việt Nam tiếp cận công nghệ cũng như được giúp đỡ xây dựng nguồn nhân lực để chuyển đổi tăng trưởng sang hướng có chất lượng và bền vững hơn.
Trong nhiều năm qua, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Từ nay, Mỹ sẽ cùng Việt Nam tìm hiểu sâu hơn,tích cực hơn các cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tập trung vào công nghệ, lấy đổi mới sáng tạo làm động lực thúc đẩy, mở rộng giao lưu nhân dân thông qua các chương trình trao đổi giáo dục và phát triển nguồn nhân lực…
Lâu nay, kinh tế Việt Nam vẫn dựa chủ yếu vào việc khai thác lao động giá rẻ và tài nguyên thiên nhiên, cũng như gia công hàng xuất khẩu sang các nước Mỹ và châu Âu. Từ nay, Hà Nội sẽ hướng tới mục tiêu chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Và từ dấu mốc lịch sử này, nếu được sự hỗ trợ từ Mỹ trong việc phát triển con người, nâng cấp giáo dục đào tạo thì Việt Nam có thể tạo ra những công dân toàn cầu, nắm bắt kịp thời những xu hướng phát triển mới. Nếu chuyển đổi số thành công thì nền kinh tế của Việt Nam sẽ thay đổi ngoạn mục, nhất là về quản trị, cả trong quản trị nhà nước và quản trị doanh nghiệp.
Một tiềm năng lớn trong hội nhập kinh tế là xây dựng chuỗi cung ứng. Mỹ nhìn thấy rất rõ những nguồn lực để xây dựng chuỗi cung ứng ở xứ sở nhiệt đới bên bờ Biển Đông. Xây dựng chuỗi cung ứng có tính chống chịu hơn để giảm thiểu những rủi ro là một trong những ưu tiên lớn của Washington.
Từ Nam Á đến Đông Á và trong khối các nước ASEAN, Việt Nam ở vị trí trung tâm của khu vực. Từ Việt Nam chỉ mất 4 giờ bay là đến được Nhật Bản và Ấn Độ và toàn bộ khu vực Đông Á và Nam Á này – mộtkhu vực chiếm hơn một nửa dân số và GDP của thế giới.
Riêng trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn, theo các chuyên gia hàng đầu của Mỹ, Việt Nam không lo thiếu kỹ sư để phát triển ngành này, vì người dân Việt rất thông minh, có khả năng tiếp nhận kiến thức mới và công nghệ mới rất nhanh. Ấy là chưa nói, Việt Nam đặc biệt có những nguyên liệu cần thiết để sản xuất chất bán dẫn.
Hiện nay, tình hình kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn. Các lĩnh vực đầu tư nước ngoài hay xuất khẩu của Việt Nam đang vấp phải những giới hạn. Nếu không nhanh chóng chuyển đổi thì không có cách nào bứt phá để thực hiện khát vọng trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045 – kỷ niệm tròn thế kỷ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Từ mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, khi Việt Nam hợp tác với Mỹ để chuyển đổi nền kinh tế, các nước đồng minh của Mỹ như các nước châu Âu, Úc, Nhật Bản, hay Hàn Quốc sẽ sẵn sàng hơn bao giờ hết trong việc chung tay với Mỹ giúp đỡ Việt Nam phát triển.
Vẫn biết thời cơ bao giờ cũng đến cùng khó khăn, thách thức, nhưng ở Việt Nam, cơn gió lành đã đến, đúng như một câu thơ trong Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du: “Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”.
H.Đ