Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Đòn chuối”?

“Đòn chuối”?

Hàng trăm container hàng nông sản đưa ra cảng chuẩn bị xuất sang Trung Quốc, thì bất ngờ bị ách lại nơi bến cảng. Điều đó một lần nữa làm dấy lên những lo lắng về câu chuyện đầu ra cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Trung Quốc từng tung “đòn chuối” với Philippines.

Nông sản là nói chung. Còn cụ thể, bên trong các container chuẩn bị xuống tàu, là chuối, mít, sầu riêng, thanh long… – những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của bà con nông dân các tỉnh khu vực đồng bằng Sông Cửu Long và vùng Tây Nguyên.

Đành là việc bảo quản thời nay đã cải thiện nhiều nhờ các thiết bị làm lạnh, nhưng để sản phẩm không bị hư hỏng, thời gian vẫn chỉ có thể tính bằng ngày. Số lượng có ít đâu: hàng trăm container, nghĩa là phải tới hàng nghìn tấn hàng.

Chính thế, với nhiều chủ hàng, công văn yêu cầu “tạm ngừng xuất khẩu” được “đánh” xuống từ Cục Bảo vệ thực vật của Bộ NNPTNT có thể ví như tiếng “sét đánh ngang”. Chưa hết, tin này còn có thể gây hoang mang cho người trồng các loại cây cho sản phẩm trên. Bởi một khi chủ thầu mà khóc, khóc vì không xuất được hàng, thì nông dân cũng hết nước mắt, vì chủ hàng không mua thì bán cho ai?

Tình cảnh đó khiến nhiều người lo lắng, nghĩ tới thảm cảnh hàng nghìn xe hàng ùn ứ tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc vì không được thông quan một hai năm về trước.

Cái chết, là Cục Bảo vệ thực vật – cơ quan tham mưu, quản lý của Bộ NNPTNN Việt Nam cũng bị động khi bỗng dưng tiếp nhận được cái gọi là “Thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc” (GACC) về trường hợp phát hiện một số lô hàng bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật (KDTV) trên chuối, xoài, mít, sầu riêng, thanh long của Việt Nam xuất sang thị trường Trung Quốc…”. Cùng đó, GACC đưa ra một số “mã cơ sở đóng gói” bị tạm dừng vì “vi phạm qui định bảo vệ thực vật” (?).

Trong danh sách “mã cơ sở đóng gói”, có 74 mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói thông báo vi phạm lần đầu đề nghị tạm dừng xuất khẩu; có 47 mã số bị đề nghị thu hồi, trong đó có những doanh nghiệp xuất khẩu nông sản lớn của Việt Nam, như: Công ty CP Thương mại Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn, Công ty TNHH Huy Long An, Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Sofia Việt Nam…

“Mã cơ sở đóng gói” – ngỡ thế là cụ thể, vậy mà hóa ra không! Lãnh đạo Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 2 (của Bộ NNPTNT) cũng như lãnh đạo một số cơ quan quản lý địa phương (như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang chẳng hạn), khi được hỏi, đều khẳng định các lô hàng các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây Việt Nam sang Trung Quốc trước nay đều đảm bảo chất lượng.

Dù sao, đó vẫn là “người nhà”. Dẫn ý kiến “người nhà” e có người lại bảo “bênh nhau”. Thì đành nêu ý kiến của khách hàng Trung Quốc vậy.

Một doanh nghiệp xuất khẩu chuối ở Tây Nguyên sốt ruột, lo lắng cho số phận hàng vài chục tấn hàng hóa có thể bỏ đi, đã lần mò tiếp cận bằng được để hỏi, thì được nhiều khách hàng phía Trung Quốc cho biết: họ chưa từng thấy trường hợp phát hiện nhiễm côn trùng hoặc sâu bệnh từ sản phẩm nhập của doanh nghiệp này. Những người này còn khẳng định thêm: “Nếu có vấn đề về chất lượng, hải quan Trung Quốc đã trả lại hàng hoặc thực hiện tiêu hủy”.

Đến nước này thì các doanh nghiệp Việt Nam chỉ còn biết đành cắn răng chịu, chờ cái may sẽ đến khiến mọi việc trở lại hanh thông.

Câu chuyện hiện vẫn mới dừng ở đó. Nếu có gì mới, chỉ là gọi là chút thông tin rằng đâu như đang có những ý kiến eo xèo về cái sự “cầm đèn chạy trước ô tô” của cơ quan tham mưu và quản lý của Bộ NNPTNT Việt Nam là Cục Bảo vệ thực vật, khi cơ quan này “đánh” cái công văn không nêu rõ thời gian bắt đầu bị cấm hoặc thu hồi hàng hóa kéo dài trong bao lâu; cũng không đưa ra khuyến cáo trước để doanh nghiệp xuất khẩu nông sản rà soát lại…, khiến hàng đến cảng, doanh nghiệp mới biết và chẳng thể trở tay kịp…

Đó là chưa kể, trong ngạch kinh doanh xuất khẩu nông sản này, một khi đầu ra gặp khó thì không chỉ chủ mua, mà còn người trồng ra các loại hoa quả cũng phải biết để mà cùng xúm vào toan tính.

Tuy nhiên, những phân tích trên đây cũng chỉ là trong tầm quốc nội. Đó là chưa kể, khi bị chất vấn, bà Phó Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ NN&PTNT của Việt Nam cho biết, theo quy định, các tổ chức bảo vệ thực vật của các nước sẽ thông báo về tình trạng vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ thực vật cho nhau. Cục đề nghị tạm dừng xuất khẩu là để rà soát lại nguyên nhân vi phạm và thực hiện biện pháp khắc phục. Nghĩa là, có thật việc Cục Bảo vệ Thực vật Việt Nam tiếp nhận cái gọi là “phát hiện một số lô hàng của Việt Nam bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật…” do GACC (Trung Quốc) chuyển thông tin.

Nếu không thế, hẳn Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ NN&PTNT của Việt Nam cũng chẳng dám bịa ra danh sách đến “74 mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói thông báo vi phạm lần đầu đề nghị tạm dừng xuất khẩu; có 47 mã số bị đề nghị thu hồi”. Bịa ra để mà thành “củi thúc lò” của ông Nguyễn Phú Trọng à?

Từ sự việc này, thiên hạ đang đồn ầm lên rằng: Chẳng phải bỗng dưng mà có cái sự ách tắc đến vô lý đúng thời điểm này, khiến Cục Bảo vệ thực vật của Việt Nam lo quýnh quáng, cập rập đánh một cái công văn có phần thiếu chặt chẽ. Nguyên nhân nằm ở tính “tiểu khí” của Trung Quốc.

“Tiểu khí” là một cách nói chỉ tính nhỏ nhen, đố kỵ. Bằng vào cách hiểu ấy, có người đoán, do tức tối trước ông Joe Biden hớn hở và tất tả tới Việt Nam để ký với Hà Nội việc nâng tầm bang giao hai nước lên “đối tác chiến lược toàn diện”, ông “hàng xóm phương Bắc” đã chơi cú “kiểm dịch” bất thường và tù mù, không cụ thể, cốt nhằm làm cú dằn mặt.

Nếu có thế thật, thì cũng đâu có lạ. Bởi tiếng là hào sảng thế thôi, nhưng một khi cho là bị ảnh hưởng tới lợi ích, Bắc Kinh vẫn ứng xử theo kiểu “tiểu khí” như thế để giáng đòn kinh tế vào nước láng giềng.

Năm 2012, vì cuộc xung đột chủ quyền ở bãi cạn Scarborough với Philippines, Bắc Kinh chẳng đã dùng “đòn chuối” (hạn chế nhập khẩu chuối) nhằm vào quốc gia Đông Nam Á này đó sao?

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới