Friday, December 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLý do nào khiến Tổng thống Nga Putin quyết giữ vững Crimea?

Lý do nào khiến Tổng thống Nga Putin quyết giữ vững Crimea?

Một sĩ quan tình báo cấp cao của Ukraine vừa cho biết, Tổng thống Nga Putin và các lực lượng Nga sẽ làm mọi thứ có thể để giữ vững bán đảo Crimea và có nhiều lý do đằng sau quyết tâm này.

Bán đảo Crimea.

Nhà lãnh đạo Nga quyết giữ vững Crimea vì bán đảo này đóng vai trò then chốt đốt với việc Nga phóng chiếu sức mạnh trong vùng, theo Vadym Skibitsky – Phó Tổng cục trưởng Tình báo quốc phòng Ukraine.

Ông Skibitsky đưa ra nhận định trên tại hội nghị thượng đỉnh Chiến lược châu Âu Yalta (YES) ở Kiev vào hôm 9/9.

Tầm quan trọng chiến lược nhiều mặt của Crimea

Quan chức Skibitsky cho biết, Nga hiện có 423.000 binh lính trên “lãnh thổ Ukraine”, ở những vùng như Đông Donbass, bán đảo Crimea và “hành lang đất” tại miền Nam Ukraine.

Phó Tổng cục trưởng Skibitsky cho rằng bán đảo Crimea chiếm vị trí đặc biệt trong 20% lãnh thổ của Ukraine vẫn bị Nga kiểm soát.

Theo ông Skibitsky, kể từ khi sáp nhập Crimea vào năm 2014, “Nga đã biến bán đảo này thành một căn cứ quân sự mạnh và khôi phục tất cả các cơ sở quân sự của Liên Xô (cũ). Ông Skibitsky cho hay, “Họ làm mọi thứ có thể để duy trì lãnh thổ mà họ mới kiểm soát được: Tỉnh Kherson, tỉnh Zaporizhzhia cũng như duy trì Crimea”.

Sĩ quan tình báo quốc phòng Skibitsky lưu ý rằng Crimea có vị trí địa lý khống chế Biển Đen và phóng chiếu sức mạnh ra Địa Trung Hải.

Ông Skibitsky nhận định tiếp: “Sự hiện diện của Nga ở Syria và các nước châu Phi được hậu thuẫn bằng sự hiện diện của Nga ở Biển Đen, khiến họ có thể cung cấp mọi thứ trong tầm tay cho những gì họ có ở nước ngoài”.

Chiến dịch phản công của Ukraine được thiết kế nhằm đánh từ Zaporizhzhia về phía Nam, tới bờ biển Azov. Nếu thành công, chiến dịch này sẽ cắt đứt hành lang đất nối Crimea với nửa phía Tây của bán đảo Crimea.

Hàng lang đất đó trở nên nổi bật với tư cách một trong các thành tựu lớn nhất của Nga sau 18 tháng xung đột vũ trang với Ukraine.

Nếu để rơi Crimea trở lại quyền kiểm soát của Ukraine, đây sẽ là một tổn thất chính trị lớn đối với ban lãnh đạo Nga, đồng thời sẽ gây nguy hiểm cho các lực lượng Nga đang đóng ở Crimea và tham chiến ở Ukraine. Thách thức này sẽ nổi rõ nếu Ukraine phá hủy được cầu Kerch nối bán đảo Crimea với đất liền Nga.

Trung tâm hậu cần, bàn đạp tấn công

Sĩ quan Skibitsky nói: “Hiện nay, Liên bang Nga đang tích cực sử dụng bán đảo Crimea để tiếp tế cho các đơn vị quân sự của họ ở các tỉnh Kherson và Zaporizhzhia. Các tuyến cung ứng, vận chuyển vũ khí khí tài và binh sĩ của Nga đều đi qua Crimea. Tại Crimea, họ gần đây đã lập ra Tập đoàn quân binh chủng hợp thành số 18, hiện đang tích cực hoạt động trên trục Zaporizhzhia để đẩy lui cuộc phản công của Ukraine”.

Các chiến hạm Nga từ Biển Đen thường đều đặn phóng tên lửa hành trình tới các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine.

Sĩ quan tình báo quốc phòng Skibitsky cho biết: “Mối đe dọa mà Hạm đội Biển Đen tạo ra cho chúng tôi chủ yếu liên quan đến tên lửa hành trình Kalibr. Trong tháng qua, họ đã tích cực sử dụng Crimea để đánh vào các cơ sở cảng của chúng tôi…”.

Vẫn lời Skibitsky: “Chúng tôi có thể dự báo rằng Nga sẽ tiếp tục tập trung nhân lực quân sự và xây dựng lực lượng vũ trang của họ trên bán đảo Crimea và làm mọi thứ để kiểm soát khu vực Biển Đen”.

Trong khi đó, giới lãnh đạo Ukraine đã thể hiện quyết tâm lấy lại bán đảo Crimea và các lãnh thổ khác. Năm ngoái, Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố: “Bắt đầu ở Crimea thì sẽ kết thúc ở Crimea”.

Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, Crimea giữ vị trí đặc biệt trong chính sách của Tổng thống Nga Putin. Vừa rồi Nga đã nhấn mạnh học thuyết hạt nhân của họ cho phép sử dụng thứ vũ khí đặc biệt này nếu “sự tồn tại của nhà nước Nga gặp nguy hiểm”.

Tướng tình báo Ukraine tự tin sẽ chiến thắng trước cuối năm 2024

Mặc dù tình hình quân đội Ukraine gặp nhiều khó khăn, Tổng cục trưởng Tình báo quốc phòng Ukraine, thiếu tướng Kyrylo Budanov vẫn bày tỏ niềm lạc quan đặc biệt tại thượng đỉnh Chiến lược châu Âu Yalta (YES) ở Kiev.

Dù Nga đã điều chính chiến thuật và đã phòng ngự rất hiệu quả ở miền Nam Ukraine, gây nhiều tổn thất cho đối phương, tướng Budanov vẫn cho rằng xung đột quân sự Nga – Ukraine sẽ kết thúc trước cuối năm 2024.

Ông Budanov nói: “Quan điểm của tôi là xung đột này sẽ không dài hạn. Nhận định cá nhân này dựa trên việc phân tích các dữ liệu mà chúng tôi xử lý liên quan đến đối phương. Xét về mặt vật chất, họ không thể kháng cự trong thời gian dài”.

Theo tướng Budanov, chiến dịch ở Đông Nam chỉ là một trục của chiến dịch phản công rộng lớn hơn của Ukraine. “Chúng tôi vẫn đang tiến lên chậm chạp, từ từ nhưng chắc chắn”. Nguyên nhân của sự chậm chạp này, theo tướng Budanov, là do các bãi mìn dày đặc, mạng lưới công sự vững chắc, hỏa lực pháo tập trung và số lượng lớn UAV cảm tử của Nga.

Viên tướng tình báo Ukraine tuyên bố, các vụ tấn công bằng UAV bên trong lãnh thổ Nga sẽ không chấm dứt nếu như Ukraine chưa khôi phục được “biên giới được quốc tế công nhận”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới