Từ đầu năm 2023 đến nay, bên cạnh những hành vi, hoạt động trái với luật pháp quốc tế của Trung Quốc tại Biển Đông nhằm áp đặt “tham vọng” chủ quyền phi lý của họ, giới quan sát không khỏi “dè chừng” khi Mỹ có nhiều động thái và hoạt động rất đáng chú ý ở Biển Đông và các khu vực xung quanh, khiến cho tình hình vùng biển này rất dễ “có bão”.
Philippines được thúc đẩy mạnh mẽ, thông qua việc hai bên đạt được thỏa thuận về việc bổ sung thêm 4 căn cứ quân sự mới ở Philippines; tái khởi động tuần tra chung Mỹ – Phi trên Biển Đông; tổ chức Đối thoại “2+2” Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao để trao đổi về lộ trình Mỹ hoàn thành hỗ trợ an ninh cho Philippines trong 5 đến 10 năm tới; cùng với Philippines tổ chức cuộc tập trận quân sự chung thường niên mang tên “Balikatan” với quy mô chưa từng có; Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thăm Việt Nam… Nhiều người trong giới trên cho rằng, những động thái và hoạt động của Mỹ cho thấy, quan hệ Mỹ – Phi thời kỳ Chiến tranh Lạnh đang quay trở lại với “phiên bản mới”, đồng thời cũng đặt ra cho các nước trong khu vực đứng trước những lo ngại, thách thức không nhỏ trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc để làm sao không rơi vào thế bị “mắc kẹt” giữa hai cường quốc vốn đang có sự cạnh tranh quyết liệt ở Biển Đông, hoặc thế “đối đầu” với một trong hai nước đó.
Trước hết là những động thái và hoạt động đáng chú ý của Mỹ gần đây.
Báo cáo do Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ cập nhật gần đây đã xác định mục tiêu chiến lược vĩ mô của Mỹ ở Biển Đông là: duy trì, củng cố và phát triển cấu trúc an ninh Tây Thái Bình Dương do Mỹ lãnh đạo; duy trì, nâng cấp quan hệ với các đồng minh và đối tác hiệp ước nhằm đảm bảo ưu thế có lợi nhất cho Mỹ trong khu vực, ngăn không để Trung Quốc trở thành bá chủ ở Đông Á.
Thực hiện chiến lược trên, gần đây Mỹ đã triển khai nhiều hoạt động, trong đó có bốn hoạt động được đẩy mạnh hơn và dựa trên tư duy của “Chiến tranh Lạnh”. Đó là:
Thứ nhất, Mỹ đang triển khai xây dựng lại “chuỗi đảo thứ nhất” để “bù đắp” lại những “thiếu sót” của mình tại quần đảo Philippines, nói cách khác là coi trọng hơn vị trí của Philippines trong chiến lược của Mỹ ở Biển Đông. Như đã biết, “chiến lược chuỗi đảo” là “tinh hoa” của chiến lược châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ thời kỳ “Chiến tranh Lạnh”. Chuỗi đảo này kéo dài từ quần đảo Aleut, quần đảo Nhật Bản, quần đảo Kuril đến đảo Đài Loan và đảo Luzon, đảo Mindoro, đảo Palawan và quần đảo Sunda Lớn của Philippines. Tuyến liên kết các đảo này với nhau không chỉ là tuyến phòng thủ quân sự thứ nhất, mà còn tạo điểm tựa quan trọng để Mỹ thực hiện “chiến lược liên hợp” trong kiềm chế các đối thủ cạnh tranh. Kể từ năm 1992, khi Mỹ kết thúc thời gian đồn trú kéo dài hàng thế kỷ tại Philippines, “chiến lược chuỗi đảo” trên mới tạm thời “rệu rã”.
Năm 2014, Mỹ mới tiếp cận trở lại các căn cứ quân sự của Philippines và với những gì Mỹ đang làm hiện nay, cho thấy ý đồ tăng cường liên kết với Philippines trong “chiến lược chuỗi đảo” của Mỹ đang ngày càng lộ rõ. Đặc biệt, trong bối cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine, sự cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung ngày càng gay gắt, thì nhu cầu của Mỹ đối với “chiến lược chuỗi đảo” càng trở nên cấp thiết hơn. Tuy nhiên, sức mạnh quân sự hiện tại của Philippines và sức mạnh của Quân đội Mỹ tại Philippines chưa đáp ứng được kỳ vọng của Mỹ trong việc kiềm chế Trung Quốc. Việc Mỹ được phép sử dụng thêm 4 căn cứ quân sự mới ở những vị trí nhạy cảm trên lãnh thổ Philippines, nhất là 3 căn cứ ở phía Bắc Philippines, có khả năng cho phép Mỹ phối hợp chặt chẽ với các căn cứ khác trong khu vực nếu bị kẻ địch tấn công, càng cho thấy Mỹ đang cố gắng xây dựng lại “chuỗi đảo thứ nhất” bằng cách tập trung vào việc tăng cường hiện diện quân sự ở Philippines và nâng cao năng lực phòng thủ cho quốc đảo Đông Nam Á này.
Thứ hai, sau những “thăng trầm” của quan hệ Mỹ – Phi dưới thời cựu Tổng thống Duteter và xuất phát từ thực tế trên, Mỹ đang ra sức “hàn gắn” lại quan hệ Mỹ – Phi, tiếp tục xu thế hợp tác an ninh quân sự với một số nước trong khu vực, nâng cấp quan hệ song phương giữa Mỹ với Indonesia, Malaysia… lấy việc lôi kéo thêm nhiều đồng minh, đối tác trong khu vực về phía mình để định hình chính sách ở Biển Đông.
Theo một báo cáo do Viện Hudson của Mỹ công bố vào tháng 12/2019, tỷ lệ đồng minh và đối tác cùng “chí hướng” giữa bên thắng và bên thua trong Chiến tranh thế giới thứ nhất là 32/4, trong Chiến tranh thế giới thứ hai là 54/8. Trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ có 54 đồng minh và đối tác, trong khi Liên Xô chỉ có 26. Từ sự tổng kết này, Mỹ xem đó làm bài học để tập hợp lực lượng, xây dựng “phe cánh” mới ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung, Biển Đông nói riêng nhằm kiềm chế, chống lại Trung Quốc. Thực tế cho thấy, từ Chính quyền D.Trump đến Chính quyền J.Biden hiện nay, Mỹ chỉ thay người đứng đầu chứ không thay đổi tư duy. Sau khi ông J.Biden tiếp quản Nhà Trắng vào năm 2021, đích thân Tổng thống, Phó Tổng thống Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ đã thay phiên nhau “hàn gắn” quan hệ Mỹ – Phi; tái khởi động Đối thoại chiến lược Mỹ – Indonesia; kéo dài xu thế tích cực trong hợp tác an ninh quân sự song phương với một số nước ven Biển Đông, cũng như xây dựng liên minh Mỹ – Anh –Australia; đề xuất sáng kiến Đối tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương về nhận thức trong lĩnh vực hàng hải (IPMDA, tháng 5/2023); khởi xướng xây dựng Khuôn khổ đối thoại an ninh Mỹ – Nhật Bản – Philippines…Những hoạt động trên cho thấy, vấn đề “phe cánh hóa” để lôi kéo các nước Đông Nam Á về “phe” mình nhằm kiềm chế Trung Quốc của Mỹ hiện nay còn mạnh mẽ và ráo riết hơn nhiều so với dưới thời Chính quyền D.Trump.
Thứ ba, cùng lúc nâng cấp sức mạnh quân sự truyền thống ở ba khu vực, đó là: Triển khai lực lượng chiến lược và thực thi các “vùng xám” nhằm xây dựng lại ưu thế quân sự tuyệt đối của Mỹ trong khu vực, trong đó trọng tâm là Biển Đông; kết nối Biển Đông với biển Hoa Đông ở phía Bắc; kết nối Biển Đông với Nam Thái Bình Dương ở phía Tây.
Ngay từ đầu thế kỷ 21, giới chiến lược Mỹ bắt đầu thảo luận về “thuyết suy giảm của Mỹ” và “thuyết về mối đe dọa từ Trung Quốc” xét theo góc độ quân sự. Họ cho rằng, ưu thế quân sự toàn diện của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương đang có nguy cơ suy yếu trước những lợi thế “bất đối xứng” được hình thành từ sự phát triển nhanh chóng của Hải quân, Không quân Trung Quốc. Đặc biệt, lực lượng tên lửa và tuyến phòng thủ chuỗi đảo cũng đang đối mặt với nguy cơ bị xuyên thủng.
Dựa trên nhận định, đánh giá đó, giới chiến lược Mỹ đã đưa ra chiến lược thiết lập lại cấu trúc lực lượng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm phát triển lực lượng không quân tầm xa với chủ lực chính là máy bay ném bom tàng hình tầm xa; xóa bỏ các hạn chế của Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung để triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung có tầm bắn 500 – 5.500km ở châu Á – Thái Bình Dương; triển khai lực lượng thủy quân lục chiến và lực lượng tác chiến đổ bộ…Theo chiến lược này, Chính quyền J.Biden bắt đầu triển khai Sáng kiến “răn đe Thái Bình Dương” được ban hành vào tháng 10/2020. Theo đó, hình thành mạng tác chiến linh hoạt, hiệu quả, buộc “đối phương” phải phòng thủ ở nhiều hướng, nhiều khu vực, không có cơ hội dễ dàng tiến công tên lửa tiêu diệt các căn cứ quân sự của Mỹ, mà phải chia thành từng cụm nhỏ di chuyển để giao chiến. Hạm đội Thái Bình Dương được tăng cường hệ thống giám sát, trinh sát và tình báo (SRI) cả trên không, trên biển; thường xuyên tổ chức các cuộc tuần tra của máy bay trinh thám, máy bay ném bom, tàu chiến đấu ở các khu vực biển “nhạy cảm” như Biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan. Bộ Quốc phòng Mỹ đang thiết lập hệ thống hậu cần hiện đại bảo đảm tác chiến ở khu vực, gồm hệ thống vận chuyển vũ khí liên hợp, đảm bảo hậu cần tác chiến cả trên biển và ngầm dưới mặt biển. Bên cạnh đó, Quân đội Mỹ sẽ tăng cường hợp tác với quân đội các nước đồng minh, đối tác trong việc trao đổi, chia sẻ thông tin tình báo, thực hiện các hoạt động giám sát, tuần tra phối hợp trên không, trên biển; tổ chức các cuộc tập trận chung nhằm nâng cao khả năng tác chiến liên hợp ứng phó với tình huống bất ngờ. Mỹ cũng coi trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của các liên minh quân sự đã có; thiết lập cơ chế hợp tác an ninh song phương hoặc đa phương, trong đó chú trọng tận dụng những kẽ hở của cơ chế hợp tác an ninh của ASEAN, coi đây là yếu tố quan trọng để nâng cao khả năng răn đe quân sự của Mỹ ở khu vực.
Trước việc triển khai Sáng kiến “răn đe Thái Bình Dương”, quan chức một số nước coi đây có thể giúp kiềm chế các hành động mà họ cho là ngày càng “ngang ngược” của Trung Quốc ở Biển Đông; cho rằng, việc Mỹ cam kết hiện diện lực lượng quân sự mạnh sẽ là nhân tố quan trọng trong duy trì sự “cân bằng chiến lược”, qua đó góp phần đảm bảo an ninh, ổn định ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung, Biển Đông nói riêng.
Tuy nhiên, chính khách của một số nước lại tỏ ý lo ngại khi quan hệ Mỹ – Trung đang ở mức thấp kỷ lục trong vòng mấy thập kỷ gần đây, đẩy mâu thuẫn đối kháng giữa hai nước diễn ra gay gắt trên nhiều bình diện. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh, “không nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc đã đặt ra thách thức lớn nhất cho Hoa Kỳ so với bất kỳ nước nào”. Còn Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ John Ratcliffe thì công khai tuyên bố, coi Trung Quốc là “mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ hiện nay”. Như vậy, không ai khác mà chính Trung Quốc là quốc gia mà Sáng kiến “răn đe Thái Bình Dương” của Mỹ đang hướng vào, vì thế nó sẽ làm gia tăng nguy cơ xung đột quân sự, đẩy hai siêu cường vào cuộc “Chiến tranh Lạnh mới”, không có lợi cho an ninh, ổn định ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và thế giới nói chung, Biển Đông nói riêng. Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã phản đối mạnh mẽ Sáng kiến này, cho biết nếu Mỹ đẩy mạnh việc triển khai tên lửa tầm trung ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương thì đó là một sự khiêu khích rõ ràng ở “ngưỡng cửa” của Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để chống lại động thái này.
Trở lại với việc Mỹ tiếp cận thêm các căn cứ quân sự mới ở Philippines, cho thấy động thái này chính là để chuẩn bị cho việc điều chỉnh cơ cấu lực lượng quân sự của Mỹ trong khu vực. Một số căn cứ này sẽ tạo khả năng cho Mỹ triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung xung quanh Biển Đông. Cuộc tập trận chung Mỹ – Phi mang tên “Balikatan” năm 2023 với sự có mặt của hệ thống tên lửa phòng không Patriot và hệ thống phóng tên lửa đa năng Hippocampus, chính là nhằm phát đi tín hiệu mạnh mẽ này.
Ngoài ra, Mỹ còn tổ chức Đối thoại “2+2” với Philippines năm 2023 để thảo luận về việc khởi động lại các cuộc tuần tra chung ở Biển Đông, trong đó có mời lực lượng của Nhật Bản và Australia cùng tham gia. Việc Mỹ đề xuất IPMDA và triển khai thường xuyên tàu của Lực lượng bảo vệ bờ biển ở Đông Nam Á và châu Đại Dương, cho thấy sự hiện diện thường xuyên của Lực lượng bảo vệ bờ biển ở khu vực đã bước vào giai đoạn thực chất.
Thứ tư, mở rộng quy mô, tăng tần suất các cuộc tập trận quân sự, duy trì mật độ hành động áp sát, răn đe chiến lược của Quân đội Mỹ ở Biển Đông, đan xen với mô phỏng chiến thuật và chuẩn bị chiến tranh.
Số lượng các cuộc tập trận quân sự do Quân đội Mỹ tiến hành ở Biển Đông đã tăng lên hằng năm, quy mô các cuộc tập trận cũng không ngừng mở rộng. Theo thống kê, số cuộc tập trận quân sự của Mỹ ở Biển Đông và các vùng biển lân cận đã tăng từ 19 cuộc năm 2016, 29 cuộc năm 2017 và 33 cuộc năm 2020, lên 48 cuộc vào năm 2022. Cuộc tập trận chung “Balikatan” năm 2023 kéo dài 18 ngày, có quy mô hơn 17.000 người tham gia đã phá kỷ lục lịch sử.
Tương tự, các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, các lực lượng tàu mặt nước và không quân của Mỹ thường xuyên duy trì các hoạt động áp sát với cường độ cao ở Biển Đông. Hoạt động của tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và đội hình tàu sân bay ở Biển Đông đã đạt tần suất trung bình 1 tàu mỗi tháng, còn hoạt động của máy bay và tàu mặt nước duy trì tần suất trung bình 10 chuyến và 5,5 tàu mỗi ngày.
Các hoạt động của Quân đội Mỹ ở Biển Đông không chỉ nhằm mục đích phô trương lực lượng, thị uy răn đe, mà còn mang ý đồ diễn tập chiến thuật, xây dựng chiến trường. Đặc biệt, các địa điểm của cuộc tập trận chung “Balikatan” năm 2023 đã được tổ chức ở tỉnh Batanes trấn giữ eo biển Bashi, phần phía Bắc của đảo Luzon gần eo biển Đài Loan, tỉnh Palawan đối diện với quần đảo Trường Sa và tỉnh Zambales đối diện với bãi cạn Scarborough và quần đảo Trung Sa, không chỉ để thử phản ứng quân sự và ngoại giao của Trung Quốc, mà còn thể hiện ý đồ tiến hành xây dựng chiến trường bao trùm eo biển phía Nam Đài Loan và Biển Đông, đồng thời lộ rõ ý định phối hợp tập trận chiến thuật của Mỹ, Philippines, Nhật Bản và Australia.
Chủ đề của các cuộc tập trận bao gồm an ninh hàng hải, nhiệm vụ đổ bộ, bắn đạn thật… được gợi ý từ thực tiễn cuộc xung đột Nga – Ukraine. Đặc biệt, Quân đội Mỹ coi an ninh mạng là một chủ đề tập trận quan trọng, thể hiện rõ bản chất cuộc tập trận này là phía Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ giả tưởng, trở thành quy mô mô phỏng thực chiến đối kháng toàn diện trên biển.
Tiếp theo là mối lo ngại và khó khăn, thách thức đặt ra cho các nước Đông Nam Á
Mỹ và Trung Quốc là hai đối tác chiến lược lớn của ASEAN. Tuy nhiên, quan hệ giữa ASEAN và Mỹ rất chồng chéo, phức tạp do một số thành viên ASEAN là đồng minh và đối tác của Mỹ, hơn nữa bản thân ASEAN cũng có sự cạnh tranh địa chính trị với Mỹ. Mặc dù một số nước thành viên ASEAN tạo điều kiện hoặc hỗ trợ cho Mỹ “bố trí tiền trạm” và xây dựng “chiến lược chung” ở Biển Đông, nhưng không có nghĩa là các nước ASEAN chấp nhận sự “dàn xếp” chiến lược mới của Mỹ, vì những chính sách mới mà Mỹ đang triển khai ở khu vực này mang đầy tư duy “Chiến tranh Lạnh”, làm cho các nước ASEAN nói chung, các nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đứng trước nhiều mối lo ngại và thách thức rất lớn, trong đó:
Một là, các cường quốc, cụ thể ở đây là Mỹ và Trung Quốc, vì lợi ích của bản thân, rất dễ hy sinh lợi ích của các nước Đông Nam Á như cái giá phải trả để giành chiến thắng. Thực tế số phận, hoàn cảnh của Ukraine đang diễn ra hiện nay cho thấy nước này “trả giá” đắt như thế nào cho lợi ích của Mỹ và phương Tây đã là “bài học” nóng hổi cho các nước ASEAN, nhất là các nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông khi xây dựng mối quan hệ với hai nước Mỹ và Trung Quốc.
Do có vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng, nên ASEAN luôn là khu vực cạnh tranh không thể bỏ qua của các cường quốc trên thế giới. Điều này vừa tạo cơ hội để các nước ASEAN phát triển, nhưng cũng đồng nghĩa với việc ASEAN dễ bị “mắc kẹt” giữa thế đối đầu của các nước lớn.
Việc Mỹ sử dụng tư duy “Chiến tranh Lạnh” để định hình mối quan hệ tay ba giữa Mỹ – ASEAN – Trung Quốc, hy vọng ASEAN có thể đoàn kết và tham gia “phe” kiềm chế Trung Quốc, đặt ASEAN đóng vai trò tiền tuyến trong “chiến lược chuỗi đảo”, lợi dụng tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông để lôi kéo các nước như Philippines, Malaysia, Indonesia…về “phe” mình là nhằm kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông. Song, vấn đề đặt ra ở đây là Trung Quốc và ASEAN là đối tác thương mại lớn nhất của nhau. Năm 2019, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long từng cho rằng “các nước châu Á – Thái Bình Dương không muốn bị buộc phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc… những nước này không chấp nhận được cái giá phải xa lánh Trung Quốc”. Nhận xét này phản ánh suy nghĩ thực sự của các nước ASEAN. Chính vì lo ngại trở thành nạn nhân của sự cạnh tranh giữa các nước lớn và rút kinh nghiệm từ bài học lịch sử, nên ASEAN đã thực hiện chiến lược “cân bằng” giữa các nước lớn sau “Chiến tranh Lạnh” bằng cách không “chọn bên”. Tuy nhiên, đứng trước sức ép của cả Mỹ và Trung Quốc, việc “cân bằng” giữa Mỹ và Trung Quốc là không dễ đối với khối ASEAN. Còn đối với từng nước ASEAN, việc “cân bằng” lại còn áp lực hơn, nhất là khi các nước lớn ra điều kiện tiên quyết không có lợi cho mình.
Hai là, các nước Đông Nam Á rất lo ngại khu vực này sẽ trở thành “chiến trường” cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn, nhất là cạnh tranh Mỹ – Trung. Ngay cả khi các nước lớn quan tâm đến lợi ích của ASEAN trong cuộc cạnh tranh với nhau, nhưng hầu hết các thành viên vẫn không muốn biến Đông Nam Á thành “chiến trường” của sự cạnh tranh giữa các cường quốc. Mặc dù Singapore là đối tác quan trọng của Mỹ trong ASEAN và có căn cứ quân sự quan trọng ở Biển Đông, nhưng những lo ngại và kháng cự của nước này đối với chiến lược mới của Mỹ là rõ ràng nhất. Tháng 3/2023, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết: “Thế giới không thể chịu đựng được xung đột giữa Trung Quốc và các nước khác trên thế giới, đặc biệt là xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ”. Đây là lần thứ hai trong vòng 5 năm, ông Lý Hiển Long công khai bày tỏ quan ngại về cạnh tranh Trung – Mỹ. Cựu Tổng thống Philippines Duterte gần đây đã có bình luận về thỏa thuận căn cứ quân sự mới giữa Mỹ và Philippines, cho rằng Philippines sẽ trở thành “vũ đài” cho các cuộc chiến tranh của Mỹ.
Ba là, khuôn khổ an ninh khu vực lấy ASEAN làm trung tâm có thể bị phá vỡ, thậm chí tan rã. Từ khi “Chiến tranh Lạnh” kết thúc, việc duy trì “vị thế trung tâm” và khuôn khổ an ninh khu vực do ASEAN dẫn dắt luôn là mục tiêu chiến lược chung của ASEAN. Khuôn khổ an ninh khu vực lấy cơ chế đa phương làm trung tâm như Diễn đàn khu vực ASEAN và Hội nghị Cấp cao Đông Á mặc dù còn có những khiếm khuyết, nhưng vẫn là phương tiện quan trọng để ASEAN thúc đẩy hội nhập chính trị và an ninh, duy trì sự ổn định của môi trường chiến lược xung quanh và tìm kiếm ảnh hưởng.
So với các cơ chế hợp tác an ninh song phương và đa phương hẹp của Mỹ, vai trò của khuôn khổ an ninh khu vực do ASEAN dẫn dắt không chỉ phụ thuộc vào sự điều phối và hòa giải theo “phương thức ASEAN”, mà còn phụ thuộc vào sự đoàn kết của các nước thành viên, sự can thiệp của các nước lớn, cùng 2 yếu tố tự điều chỉnh và chấp nhận của những nước này.
Chủ nghĩa đa phương hẹp do Mỹ đưa ra đòi hỏi Philippines và một số nước trong khu vực phải tham gia khuôn khổ an ninh do Mỹ giữ vai trò chủ đạo, nhưng các nước thành viên ASEAN không thể “bắt cá hai tay” giữa hai cấu trúc an ninh có quan niệm, mục tiêu và phương thức vận hành hoàn toàn khác nhau, chỉ được chọn một bên, điều này khiến hội nhập an ninh của ASEAN đối mặt với nguy cơ bị phá vỡ.
Ngay cả khi tồn tại khả năng có thể tham gia cả hai khuôn khổ an ninh, thì quyền phát ngôn, khả năng phối hợp và ảnh hưởng của ASEAN đối với các vấn đề an ninh khu vực chắc chắn sẽ bị suy yếu, thậm chí bị mất hết do thiếu sự thống nhất giữa các thành viên trong ASEAN.
Bốn là, Biển Đông có vị trí địa chiến lược, kinh tế rất quan trọng đối với sự phát triển các nước trong và ngoài khu vực. Muốn lợi thế này được phát triển, các bên “cùng thắng” thì các nước phải có những hành động thiết thực, đầy trách nhiệm, vượt hẳn lên trên những lợi ích nhỏ hẹp của mình. Thế nhưng, khu vực này có thời điểm trở thành “điểm nóng” của thế giới, nguy cơ xung đột rất có thể xảy ra nếu các bên thiếu kiềm chế, nhất là trong cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc Mỹ – Trung. Chính vì thế, duy trì hòa bình, ổn định khu vực là chủ trương, là “mẫu số chung” và cũng là sự đồng thuận cơ bản giữa các quốc gia thành viên ASEAN trong vấn đề Biển Đông. Theo xu hướng đó, nên dù một số nước thành viên ASEAN có xung đột lợi ích cơ bản với Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng họ vẫn thông qua tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và các cuộc họp về cơ chế tham vấn song phương để quản lý sự khác biệt và tăng cường tin cậy lẫn nhau, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở Biển Đông. Việc làm này được thế giới ủng hộ.
Đối với việc triển khai quân sự và những “can dự” ngoại giao của các nước lớn ngoài khu vực vào Biển Đông, các nước thành viên ASEAN tuy có những phản ứng khác nhau, nhưng hầu hết đều không muốn vì vấn đề này mà Biển Đông chuyển từ trật tự ổn định sang hỗn loạn. Đầu năm 2020, khi Trung Quốc điều tàu khảo sát, được các tàu hải cảnh hộ tống, bám sát tàu khoan West Capella do Công ty dầu khí Petronas của Malaysia vận hành ở gần đảo Borneo trên Biển Đông, Mỹ đã tìm cách can thiệp “cứng” để hỗ trợ Malaysia trong cuộc đối đầu này, nhưng Chính phủ Malaysia ngay lập tức thể hiện quan điểm “từ chối” và nhắc lại nguyên tắc đối thoại và đàm phán để giải quyết các khác biệt trên biển giữa Trung Quốc – Malaysia. Động thái này được dư luận hoan nghênh. Trong khi đó, khi Philippines công bố cụ thể 4 căn cứ quân sự mới Mỹ được phép sử dụng vào ngày 3/4/2023, phía Trung Quốc hôm sau ngay lập tức cáo buộc Mỹ “tiếp tục tăng cường triển khai quân sự trong khu vực” và khẳng định “kết quả chắc chắn sẽ làm gia tăng căng thẳng quân sự, gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định khu vực”. Nói cách khác, việc Mỹ can dự, lôi kéo đồng minh trong khu vực nhằm thực hiện ý đồ riêng ở Biển Đông đang đặt các nước Đông Nam Á, nhất là những nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, trước các thách thức an ninh mới.
Tóm lại, hòa bình, ổn định, hợp tác và cùng phát triển là mong muốn của các quốc gia thành viên ASEAN. Tuy nhiên, bên cạnh các hoạt động trái với luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông, việc Chính quyền Tổng thống J.Biden điều chỉnh chính sách Biển Đông theo hướng tăng cường bố trí, triển khai lực lượng quân sự; lôi kéo các nước phương Tây như Anh, Pháp, Đức cùng nhau hợp tác nhằm chống lại Trung Quốc; ráo riết tiến hành các cuộc “tấn công ngoại giao” vào Đông Nam Á… là những bằng chứng cho thấy, Mỹ đang “tập hợp lực lượng” theo các “nhóm nhỏ” tại Biển Đông. Trung Quốc đương nhiên là phản đối các hành động này và không quên “răn đe” Mỹ rằng, “bất kỳ nỗ lực nào nhằm phá hoại hòa bình và ổn định trong khu vực Biển Đông đều sẽ phải trả giá”. Các nước Đông Nam Á vì thế đang đối mặt và đứng trước nhiều khó khăn, thách thức an ninh không nhỏ do chiến lược cạnh tranh toàn diện, nhất là về an ninh quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc tại Biển Đông hiện nay.
Huy Hoàng