Việt Nam đang đứng trước cơ hội để trở thành cường quốc sản xuất và xuất khẩu chip trong thập kỷ tới. Nhưng Việt Nam có thể nắm bắt thời cơ này không? Những thuận lợi và khó khăn nào đang đón chờ?
Chiều nay, 10/9, Tổng thống Joe Biden có chuyến thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trong thông cáo về chuyến đi của Tống thống Biden, Nhà Trắng cho biết, ông Biden và lãnh đạo Việt Nam sẽ “tìm kiếm cơ hội thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế tập trung vào công nghệ và sáng tạo của Việt Nam”. Hoa Kỳ ủng hộ và muốn Việt Nam trở thành một quốc gia sản xuất và xuất khẩu chất bán dẫn hàng đầu khu vực và thế giới trong thập kỷ tới.
Điều này cũng từng được bà Janet Yellen – Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ – đưa ra trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 7. Bà Yellen nói rằng trong thập kỷ qua Việt Nam đã nổi lên như một điểm nút quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.
Bà Yellen cho biết Hoa Kỳ đang theo đuổi phương pháp gọi là “friendshoring” nhằm xây dựng chuỗi cung ứng an toàn và tin cậy. Mục đích là để giảm sự tổn thương của nền kinh tế Hoa Kỳ trước những biến động về nguồn cung các hàng hóa quan trọng, như chất bán dẫn.
Bên cạnh việc đẩy mạnh ngành công nghiệp bán dẫn trong nước qua Đạo luật Khoa học và Chip mà Tổng thống Biden đã ký hồi tháng 8/2022, Hoa Kỳ cũng tìm kiếm các quốc gia thân thiện để hỗ trợ ngành công nghiệp sản xuất bán dẫn nhằm đa dạng hóa nguồn cung.
Chip bán dẫn là một loại hàng hóa cực kỳ quan trọng ngày nay. Nó có mặt trong mọi thiết bị từ ô tô, máy bay, điện thoại cho đến máy tính, tivi, tủ lạnh. Nó còn được dùng trong các thiết bị quân sự quốc phòng để bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Một thống kê vào năm 2022 cho thấy số lượng chip xuất xưởng vào năm 2021 trên toàn thế giới là 1,1 tỉ, doanh số đạt 595 tỉ USD. Với con số gần 600 tỉ USD này, quy mô thị trường chip bán dẫn gấp 5 lần thị trường tivi toàn cầu, gấp 6 lần thị trường trường tên lửa và bom hạt nhân, gấp 15 lần thị trường robot.
Các công ty Mỹ dành sự quan tâm lớn tới thị trường Việt Nam
CEO của các công ty bán dẫn và kỹ thuật số hàng đầu Hoa Kỳ dự kiến sẽ tham dự một cuộc họp vào thứ Hai (11/9) tại Hà Nội trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden tới Việt Nam.
Theo một bản danh sách mà Reuters tiết lộ thì các CEO của Google, Intel, Amkor, Marvell, và GlobalFoundries sẽ có mặt tại cuộc họp này. Ngoại trưởng Anthony Blinken cũng sẽ tham dự cùng với các quan chức hàng đầu của Việt Nam.
Trước cuộc họp này, một số công ty bán dẫn Hoa Kỳ đã bắt đầu đặt chân vào Việt Nam. Intel có một nhà máy trị giá 1,5 tỉ USD ở miền Nam Việt Nam hoạt động lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chip và đang tiếp tục có kế hoạch mở rộng nhà máy này. Công ty Amkor Technology đang xây dựng “một nhà máy lớn hiện đại để lắp ráp và thử nghiệm chất bán dẫn” tại một địa phương gần Hà Nội – theo lời Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 7. Công ty thiết kế chip Marvell cho biết họ có kế hoạch xây dựng một trung tâm “đẳng cấp thế giới” tại Việt Nam.
Lắp ráp và thiết kế là những phân khúc mà giới chức Hoa Kỳ cho rằng Việt Nam có thể phát triển nhanh hơn. Chưa rõ trong giai đoạn tới Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực ở công đoạn nào trong chuỗi công đoạn sản xuất chip, bao gồm thiết kế, sản xuất bán dẫn trên wafer đến kiểm tra và đóng gói.
Những khó khăn về nhân lực và công nghệ
Theo thống kê của Bloomberg, trong 7 tháng đầu năm 2023, số lượng chip từ Việt Nam chiếm 10% tổng số chip nhập khẩu vào Mỹ. Riêng trong tháng 2, doanh số chip từ Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ đạt 562,5 triệu USD, tăng khoảng 240,8 triệu USD so với cùng kỳ năm 2022. Về mặt doanh số, Việt Nam đứng thứ 3 châu Á sau Đài Loan và Malaysia về xuất khẩu chip vào Mỹ. Tuy nhiên, đa số lượng chip xuất khẩu là của các doanh nghiệp FDI như Samsung, Intel, Foxconn…
Theo Reuters, tình trạng thiếu kỹ sư về chip, gồm cả kỹ sư phần cứng và phần mềm, có thể tạo ra không ít thách thức để Việt Nam trở thành quốc gia quan trọng trong chuỗi cung ứng chip. Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành, Hội đồng Kinh doanh Mỹ – ASEAN chia sẻ, Việt Nam chỉ có khoảng 5.000 đến 6.000 kỹ sư được đào tạo cho lĩnh vực chip, so với nhu cầu là khoảng 20.000 kỹ sư cho 5 năm tới và 50.000 kỹ sư cho 10 năm tới.
Trong khi việc tạo ra một sản phẩm chip bao gồm nhiều quy trình, thì doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ đảm nhiệm được khâu thiết kế và thử nghiệm. Các khâu quan trọng như sản xuất và xuất khẩu vẫn do các doanh nghiệp FDI đảm nhận. Phần lớn doanh thu rơi vào tay các doanh nghiệp này.
Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cũng chưa nhiều khiến cho việc thiết lập một chuỗi cung ứng nội địa cho sản xuất chip trở nên khó khăn. Số tiền tài trợ cho nghiên cứu và phát triển ở các doanh nghiệp Việt cũng chưa nhiều. Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được cho ngành sản xuất chip đang được đặt ra rất cấp thiết – đây là một bài toán cho các trường Đại học, các cơ sở đào tạo trong nước.
Gần đây, một số nước Nam Á và Đông Nam Á cũng đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực bán dẫn, chẳng hạn như Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan và cả Campuchia.
Malaysia đã biến khu công nghệ Penang trở thành thung lũng Silicon của châu Á. Năm 2022, ngành công nghiệp bán dẫn và điện tử của Malaysia đã trở thành ngành tăng trưởng hàng đầu. Quốc gia này đã phê duyệt 94 dự án đầu tư với tổng trị giá hơn 37 tỉ USD. Hơn 5% chip bán dẫn bán ra trên toàn cầu trong những năm qua thuộc về Malaysia.
Việt Nam có thể trở thành cường quốc sản xuất chip không?
Trả lời phỏng vấn, ông Đỗ Cao Bảo – thành viên Hội đồng quản trị và là một đồng sáng lập Tập đoàn FPT – chia sẻ rằng, ngành công nghiệp chip Việt Nam còn rất nhỏ bé, mới ở giai đoạn khởi động. Hiện tại chủ yếu các doanh nghiệp Việt tham gia ở mảng thiết kế và thử nghiệm, có một vài nhà máy sản xuất chip nhỏ của các doanh nghiệp FDI.
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Cao Bảo, hiện nay FPT đã làm chủ được công đoạn thiết kế, thử nghiệm, đóng gói và thương mại (trực tiếp bán hàng), riêng sản xuất thì thuê nhà máy của Hàn Quốc.
Trước những lo ngại về thiếu hụt nguồn nhân lực, ông Đỗ Cao Bảo nhận xét rằng nếu có thị trường đủ lớn, có đơn đặt hàng từ thị trường nước ngoài, đặc biệt là từ các nước phát triển thì Việt Nam sẽ đào tạo kịp và cung ứng đủ theo nhu cầu.
“Tôi nhớ lại thời 1988-2000, khi FPT bắt đầu xuất khẩu phần mềm, nhân lực phần mềm cũng ít và thiếu như nhân lực chip ngày nay, FPT đã lập đại học FPT để trực tiếp đào tạo nhân lực phần mềm cho việc xuất khẩu phần mềm của chính mình và cho cả thị trường. Tiếp sau FPT, các trường đại học khác cũng vào cuộc và hiện tại Việt Nam chúng ta có cả trăm nghìn nhân lực phần mềm. Nhân lực chip cũng vậy, Đại học FPT đã thành lập khoa chip bán dẫn rồi. Hãy tin vào sự năng động, sáng tạo và năng lực học công nghệ mới của người Việt”, ông Đỗ Cao Bảo nói.
Khi phóng viên đặt vấn đề liệu Việt Nam trong thập kỷ tới có thể trở thành quốc gia sản xuất và xuất khẩu chip hàng đầu thế giới hay không, ông Đỗ Cao Bảo cho rằng vấn đề khó nhất là thị trường và bán hàng.
“Nếu Hoa Kỳ và các cường quốc chip trên thế giới có chiến lược chuyển sản xuất chip sang Việt Nam thì tôi tin rằng trong 10 năm tới, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một quốc gia mạnh trong lĩnh vực chip bán dẫn, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực thiết kế, thử nghiệm và sản xuất chip. Tôi nhắc lại khó nhất là thị trường, là bán hàng, còn những khâu còn lại Việt Nam chúng ta sẽ làm được, tất nhiên cần sự chuyển giao công nghệ và vốn đầu tư cho sản xuất”, ông Bảo nhấn mạnh.
Dẫn lời trên Reuters, ông Hùng Nguyễn – Giám đốc chương trình cấp cao về chuỗi cung ứng tại Đại học RMIT Việt Nam – cho rằng Việt Nam còn có một lợi thế rất lớn để thu hút sự đầu tư của Hoa Kỳ, đó là trữ lượng đất hiếm – nguồn cung cấp nguyên liệu thô cho sản xuất chip. Ước tính Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc.
Ngay trước chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Việt Nam, Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố rằng Tổng thống Biden dự định thảo luận với các nhà lãnh đạo Việt Nam về các chương trình phát triển lực lượng lao động công nghệ cao, có thể mở rộng các sáng kiến đào tạo nguồn nhân lực hiện có.
T.P