Một quan chức Bộ Ngoại giao Ấn Độ ngày 11.9 cho biết nước này sẽ được kết nối theo một hành lang cảng và đường sắt chạy từ Trung Đông đến Nam Á.
Dự án đường sắt và cảng đa quốc gia nói trên được công bố bên lề hội nghị G20 ở New Delhi (Ấn Độ) cuối tuần qua. Với sự tham gia của Mỹ, Ả Rập Xê Út, Ấn Độ, Liên minh châu Âu (EU) và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), dự án này đang được coi là đối trọng với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, theo Reuters.
Đây là một trong những nội dung mà Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã trao đổi trong cuộc hội đàm ngày 11.9, nhân chuyến thăm cấp nhà nước của vị thái tử tại New Delhi. Ngoài ra, hai bên cũng thảo luận về khả năng giao dịch bằng đồng nội tệ và đẩy nhanh các cuộc đàm phán về hiệp định thương mại tự do giữa Ấn Độ và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, tổ chức mà Riyadh là thành viên.
Ông Ausaf Sayeed, quan chức phụ trách các vấn đề về lãnh sự, hộ chiếu – visa và kiều bào tại Bộ Ngoại giao Ấn Độ, cho biết hai nước đã ký 8 thỏa thuận hôm 11.9, bao gồm thỏa thuận nâng cấp quan hệ đối tác về năng lượng hóa thạch thành quan hệ đối tác toàn diện về dự trữ chiến lược, dầu mỏ và năng lượng tái tạo.
Ả Rập Xê Út là một trong những nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu sang Ấn Độ.
Hai nước cũng đồng ý thành lập một nhóm chuyên trách liên hợp để giám sát khoản đầu tư 100 tỉ USD từ Riyadh. Một nửa trong số đó dành cho dự án nhà máy lọc dầu đang bị trì hoãn nằm ở bờ biển phía tây Ấn Độ, theo ông Sayeed.
Nói về sự kết nối giữa Ấn Độ và các nước vùng Vịnh, ông Sayeed cho biết kế hoạch này bao gồm các cảng, đường sắt, đường bộ, cũng như cả mạng lưới điện, khí đốt và cáp quang.
Các lãnh đạo của Ấn Độ và Ả Rập Xê Út cũng đã thảo luận về hợp tác trong lĩnh vực không gian, công nghệ bán dẫn và sản xuất quốc phòng.