Tuesday, November 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHội nghị G20 với những đồng thuận quan trọng

Hội nghị G20 với những đồng thuận quan trọng

Các thành viên G20 đồng ý trao tư cách thành viên thường trực cho Liên minh châu Phi trong khi bản tuyên bố chung đã sớm được công bố.

Hôm qua (9.9), Hội nghị Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã khai mạc ở thủ đô New Delhi (Ấn Độ) với chủ đề “Một trái đất, Một gia đình, Một tương lai”.
Kết nạp Liên minh châu Phi

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho rằng sau đại dịch Covid-19, thế giới phải đối mặt với một thách thức mới về suy giảm niềm tin và thật không may, xung đột đã làm trầm trọng thêm vấn đề này, theo Reuters. “Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng nếu chúng ta có thể đánh bại một đại dịch như Covid-19 thì chúng ta cũng có thể chiến thắng thách thức về sự thiếu hụt niềm tin này”, nhà lãnh đạo tuyên bố.
Ngay trong ngày mở đầu, hội nghị đã đạt được kết quả nổi bật là mở rộng đáng kể quy mô khi chính thức trao tư cách thành viên thường trực cho Liên minh châu Phi (AU). Trước đó, G20 gồm 19 nước thành viên và Liên minh châu Âu (EU), đại diện cho 85% GDP toàn cầu, và Nam Phi là thành viên duy nhất từ châu Phi.
Ấn Độ thay tên nước thành Bharat ?

Một sự việc thu hút sự chú ý trong ngày khai mạc Hội nghị G20 hôm qua là tấm bảng tên trước mặt Thủ tướng Narendra Modi không dùng từ tiếng Anh “India” mà là từ tiếng Phạn “Bharat”.

Theo Bloomberg, Bharat và India là tên chính thức được ấn định trong hiến pháp Ấn Độ và được sử dụng song song với nhau. Tuy nhiên, việc chính quyền Thủ tướng Modi sử dụng từ Bharat thường xuyên hơn trong thời gian gần đây làm dấy lên đồn đoán về việc Ấn Độ có thể đổi tên chính thức. Trong thiệp mời tiệc chiêu đãi các nhà lãnh đạo G20, Tổng thống Droupadi Murmu cũng dùng từ Bharat thay vì India.

Ấn Độ gây tranh cãi khi thay tên nước ‘India’ bằng ‘Bharat’ trên thư mời hội nghị thượng đỉnh G20

Việc kết nạp AU, khu vực với 55 nước thành viên, dân số khoảng 1,4 tỉ người và có GDP 3.000 tỉ USD, sẽ giúp G20 mạnh mẽ hơn và cũng giúp châu Phi có tiếng nói trọng lượng hơn đối với các vấn đề toàn cầu.

Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki Mahamat hoan nghênh việc tham gia G20 và cho rằng quyết định này mang lại một khuôn khổ thuận lợi để AU đóng góp hiệu quả hơn nhằm giúp thế giới giải quyết các thách thức chung.

Trong diễn biến khác, Thủ tướng Modi hôm qua thông qua tuyên bố chung của hội nghị, kêu gọi các nước phải hành động nhất quán với mục đích và nguyên tắc của hiến chương LHQ. “Mọi quốc gia phải tránh đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để tìm cách giành lãnh thổ trước sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền hoặc độc lập chính trị của nước khác”, Hãng tin AP dẫn tuyên bố nêu. Tuyên bố còn bao gồm nội dung về an ninh lương thực và năng lượng, thị trường kinh tế và tài chính, và biến đổi khí hậu.
Con đường thương mại mới

Mặt khác, bên lề Hội nghị G20 hôm qua, Ấn Độ, Mỹ, các nước Trung Đông và EU đã ký biên bản ghi nhớ lịch sử về kế hoạch tham vọng là thiết lập một con đường thương mại mới kết nối châu Âu, Trung Đông và Ấn Độ. Hành lang kinh tế mới này gồm các dự án đường sắt và đường thủy, có tiềm năng gia tăng tốc độ thương mại giữa Ấn Độ với châu Âu lên 40%.

Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết sáng kiến sẽ giúp ích cho dòng chảy năng lượng và thương mại từ Ấn Độ sang vùng Vịnh và đến châu Âu, giảm thời gian vận chuyển, chi phí và nhiên liệu.

Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jon Finer nói rằng thỏa thuận sẽ có lợi cho các nước thu nhập thấp và trung bình trong khu vực, mở ra vai trò quan trọng cho Trung Đông trong dòng chảy thương mại toàn cầu. Ngoài ra, giới quan sát cho rằng thỏa thuận còn là hành động nhằm khắc phục mối quan hệ giữa Mỹ và Ả Rập Xê Út, đồng thời là cầu nối cho việc bình thường hóa quan hệ giữa quốc gia vùng Vịnh với Israel.

RELATED ARTICLES

Tin mới