Friday, November 15, 2024
Trang chủQuân sựHải quân Việt Nam nhận 2 tàu săn ngầm tàng hình

Hải quân Việt Nam nhận 2 tàu săn ngầm tàng hình

Theo thông tin từ Quân chủng hải quân, ngày 7/8: Lữ đoàn 171 Bộ Tư lệnh Vùng 2 hải quân đã tổ chức khai mạc Hội thi tàu chính quy mẫu mực – Hội thao huấn luyện tàu mặt nước năm 2023. Chuyện đáng nói là trong dàn tàu mặt nước có mặt tại Quân cảng Lữ đoàn 171, Vùng 2 Hải quân là hai chiếc tàu hộ vệ săn ngầm đề án 159 PTA mang số hiệu 09 và 17 với ngoại hình ra dáng một chiến hạm tàng hình, đẹp thật sự.

Cặp tàu hộ vệ săn ngầm “tàng hình” của Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Cách đây không lâu chúng tôi đã nói về diện mạo mới nức lòng cộng đồng yêu thích kỹ thuật quân sự Việt Nam của tàu hộ vệ săn ngầm 09. Còn hôm nay, chúng ta lại được thấy tiếp diện mạo mới tàng hình hóa của một chiến hạm mới: Tàu hộ vệ săn ngầm 17.

Điều đó có nghĩa là gì? Nghĩa là, nhiều khả năng chúng ta sẽ thực hiện việc cải tiến hiện đại hóa tất cả các tàu săn ngầm đề án 159 PTA có trong biên chế hiện nay. Tôi nghĩ cái khả năng này phải đạt tầm cỡ 70% đến 80% tỷ lệ chính xác bởi đã có hai chiếc được cải tiến rồi, chả có nhẽ ba chiếc còn lại bao gồm các tàu 11, 13 và 15 lại để nguyên như vậy sao?

Về tàu săn ngầm 17, các hình ảnh hiện tại cho thấy cũng như tàu 09, tàu đã được làm lại thành vách thượng tầng và một phần khoang thân tàu với các mặt cắt phẳng được coi là gia tăng đáng kể khả năng tán xạ radar trên mặt biển hay có thể gọi đơn giản là tăng khả năng tàng hình trước hệ thống radar trinh sát mặt nước. Đây là một điểm cải tiến về ngoại hình dễ nhận thấy nhất của tàu 09 và 17 sau hiện đại hóa. Rất tiếc, hiện tại chưa có hình ảnh cụ thể về nội thất bên trong các tàu này nên chưa đánh giá được hết xem liệu chúng ta có thay mới trang thiết bị hay không.

Dù vậy, theo một anh bạn của chúng tôi có chia sẻ, nội thất cabin của tàu được thay đổi khá nhiều. Còn dựa trên thông tin trước đây các tàu săn ngầm PTA nói chung của ta những năm qua cũng đã trải qua một số đợt đại tu sửa chữa lớn, trang bị thêm các hệ thống điện tử kỹ thuật số liên quan tới hệ thống radar trinh sát mặt nước. Ví dụ như việc số hóa các hệ thống hiển thị của radar trinh sát mặt nước MR302 Rootca trên tàu săn ngầm. Tuy nhiên, đối với tàu 17, chúng tôi thấy có một dấu hiệu lạ: dường như chúng ta đã tháo cục ăng-ten của đài trinh sát mặt nước đường không MR302 Rootca, có tầm chính xác tới 278 km. So sánh với ảnh tàu 17 chục trước khi vào nhà máy, chân đỉnh cột buồm còn ăng-ten hình vòng bán nguyệt của hệ thống MR 302 Rootca, hoặc nếu so với tàu 09 đứng cạnh, bạn có thể thấy rõ tàu 17 đã tháo hẳn anten radar MR 302, có một sự khác biệt không hề nhẹ ở đây. Không may, hiện không thấy sự xuất hiện của bất cứ cục anten radar nào khác trên tàu 17. Không rõ có chuyện gì đã xảy ra hay là chúng ta có thể sẽ trang bị một hệ thống radar mới trên tàu 17. Nhưng tại sao không làm ngay mà hiện nay tàu đã về đơn vị trực chiến.

Còn vị trí trên nắp đài chỉ huy vẫn lắp đặt đài điều khiển hỏa lực pháo hạm MR105 dành cho các khẩu pháo AK-726. Đối với vũ khí, cũng như tàu 09, tàu 17 dường như vẫn giữ nguyên cấu hình gốc, bao gồm:

● Hai tổ hợp pháo hải quân AK-726 với cụm nòng kép cỡ 76,2 ly, có khả năng chống mục tiêu mặt nước và trên không ở cự ly tới 15 km.

● Hai bệ phóng ngư lôi PTA 40−159 mỗi bệ, lắp 4 đạn ngư lôi chống ngầm cỡ 400 mm kiểu SET 40, tầm bắn 8 km.

● Hai bệ phóng bom phản lực sản phẩm RBU 6000 với hệ thống điều khiển hỏa lực Bulgaria, cùng với hai ray thả bom chìm chống ngầm cơ số 22 quả.
Đề án cải tiến tàu PTA gần như chưa bao giờ được truyền thông chính thức của quân đội Việt Nam đề cập tới, nên hầu như không thể phán đoán được các hướng phát triển trọng yếu cũng như các mục tiêu của chương trình này. Dù vậy, với việc chúng ta đã cải tiến hai tàu với cấu hình vũ khí nguyên bản, khiến chúng tôi đang nghĩ tới một khả năng rất cao: đó là chúng ta một mặt đầu tư trang bị các tàu chiến tên lửa hiện đại. Mặt khác, vẫn cần tiếp tục duy trì và tăng cường hơn nữa năng lực chống ngầm. Cần phải nhắc nhở rằng các đối tượng tác chiến tại khu vực Biển Đông, ví dụ như Hải quân Trung Quốc, rất mạnh về tàu ngầm. Thậm chí, nếu tính riêng tàu ngầm diesel hiện Hải quân Trung Quốc có trong tài khoản 40 tàu ngầm điện chia ra cho 3 hạm đội thì hạm đội Nam Hải, đặc trách khu vực Biển Đông ít nhất cũng phải 10 đến 15 chiếc tàu ngầm diesel điện, một con số không phải là nhỏ.

Vào ngày 26/10/2006, một tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc bất ngờ nổi lên cách tàu sân bay USS Kitty Hawk của Hải quân Mỹ 9km tại khu vực Biển Hoa Đông. Tiêm kích hạm F/A-18C và máy bay tác chiến điện tử EA-6B đã xác nhận điều này. Mặc dù chiếc tàu ngầm Trung Quốc nổi trong phạm vi tầm bắn của ngư lôi và tên lửa trên tàu chiến Mỹ, nhưng nếu trong một cuộc chiến thực thụ thì xem ra tàu Mỹ đã phải trả giá. Hành động nổi lên của tàu Trung Quốc như một lời khẳng định rằng năng lực tàu ngầm của họ không phải dạng vừa đâu cho nên không thể chủ quan được.

Vì vậy, năng lực chống ngầm đúng là phải được chú trọng chứ không hẳn chỉ thiên về tác chiến chống tàu mặt nước. Xin nhắc nhở lại rằng, những gì mà tàu ngầm Kilo của Việt Nam có thể làm với họ, thì họ cũng có thể làm với ta. Và cũng xin lưu ý rằng Trung Quốc đã nhập khẩu 10 tàu ngầm Kilo 636 trước Việt Nam có mấy năm. Thế nên không tự dưng mà chúng ta lại nỗ lực nghiên cứu thiết kế tàu săn ngầm nội địa thay vì tàu hộ tống tên lửa hay là một lớp tàu hộ vệ đa năng.

Thực sự mà nói, mối đe dọa tàu ngầm trên Biển Đông rất lớn, rất nguy hiểm nếu có xung đột xảy ra. Dù vậy, với thiết kế từ thập niên 60 như tàu săn ngầm Đề Án 159 PTA chúng liệu có còn phù hợp để săn tàu ngầm? Mấy quả ngư lôi 400mm bắn xa không tới 10km thì săn được ai? Đúng là, cả năm tàu hộ vệ săn ngầm Đề Án 159PA của chúng ta đều là hàng viện trợ từ thời Liên Xô. Trong đó, cả hai tàu vừa trải qua cải tiến bao gồm tàu 09 biên chế năm 1977, chuyển giao cho Việt Nam năm 1978 và tàu 17 biên chế năm 1972, chuyển giao cho Việt Nam năm 1984. Các tàu còn lại cũng trong giai đoạn này, thậm chí, tàu 11 và 15 còn bị vỡ bầu Sonar, mất khả năng chống ngầm sau các tai nạn ở Liên Xô trước khi chuyển giao cho Việt Nam.

Về mặt chức năng, cặp tàu này chỉ được coi là dạng tàu tuần tra mà thôi. Dẫu vậy, từng có thông tin về việc chúng ta đã nỗ lực khôi phục chức năng chống ngầm cho các tàu này, nhưng không rõ mọi việc đã đến đâu. Xét về độ cũ, thì đúng là cũ. Tính năng chống ngầm với nguyên bản vũ khí thì cũng là cũ rồi. Vấn đề nằm ở chỗ, ngư lôi có tầm bắn 10 đến 20 km có là ngắn quá không? Tại sao lại ngắn như vậy? Hay là hải quân một số nước được trang bị tên lửa hành trình chống tàu ngầm, nhưng tầm bắn thực tế cũng chỉ khoảng 30-40 km. Tại sao lại ngắn như thế nhỉ? Chúng tôi mới nhớ ra rằng, có lẽ là nhiều người trong chúng ta đã và đang hiểu nhầm về năng lực săn ngầm của không chỉ Việt Nam mà trên toàn thế giới.

Thực ra, cũng như săn máy bay, săn xe tăng, muốn săn được tàu ngầm thì phải phát hiện được tàu ngầm cái đã. Để phát hiện tàu ngầm, sau nhiều năm tìm tòi, hiện nay đã và đang có sự phát triển rộng rãi các tổ hợp định vị thủy âm, gọi tắt là Sonar. Đây là một kỹ thuật sử dụng sự lan truyền âm thanh để tìm đường di chuyển, liên lạc hoặc phát hiện các đối tượng ở trên mặt nước, dưới mặt nước, dưới đáy mặt nước, thậm chí là chìm trong bùn cát. Sự di chuyển của tàu bè, hoạt động của chân vịt, các hoạt động bên trong tàu đều gây ra âm thanh lan truyền trong làn nước. Sonar sẽ tìm mục tiêu thông qua các tín hiệu như vậy. Có thể nói Sonar chính là radar dưới nước, nhưng có một điểm khác biệt rất rõ ràng: Nếu như radar trên mặt nước có thể dò tìm mục tiêu cách hàng trăm km, thì Sonar thực tế cho tới hiện nay, kể cả các công nghệ mới nhất thì phạm vi trinh sát của nó cũng không quá lớn.

Ví dụ như hệ thống Sonar SQS-53C trên các tàu khu trục Arleigh Burke của hải quân Mỹ có tầm trinh sát từ 18 tới 64 km, tùy vào chế độ hoạt động chủ động hoặc bị động, cũng như đối tượng mục tiêu là tàu ngầm hay tàu mặt nước. Thường thì chủ động sẽ ngắn hơn chế độ bị động, cự ly phát hiện tàu ngầm sẽ ngắn hơn cự ly phát hiện tàu mặt nước. Tàu ngầm thường trang bị các biện pháp khử tiếng ồn, cũng như máy bay sử dụng vật liệu tán xạ radar vậy, tất cả đều tìm cách để đối phó với hệ thống phát hiện mục tiêu của đối phương. Do đó, âm thanh mà tàu ngầm tạo ra khi hoạt động thấp hơn nhiều so với các tàu mặt nước thường rất ồn ào với đầy rẫy hoạt động bên ngoài, bên trong. Dĩ nhiên, ngoài ra còn vô số yếu tố khác. Ví dụ, làm thế nào để biết tiếng vọng lại là tàu ngầm đối phương hay tàu ngầm quân ta? Còn liên quan tới cơ sở dữ liệu âm thanh. Nói chung là rất phức tạp. Thôi, chúng ta chỉ nên nói sơ bộ về tầm trinh sát mà thôi.

Hệ thống Sonar DJNME tích hợp trên tàu hộ vệ đề án 22350 thế hệ mới của tàu hải quân Nga, cự ly trinh sát mục tiêu chỉ đâu đó khoảng 9 – 35km. Công nghệ Sonar trên tàu khu trục kiểu 45 hiện đại nhất của hải quân Hoàng gia Anh cũng chỉ có tầm trinh sát tối đa là 29,6 km, công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới đó các bạn.

Với Hải quân Việt Nam, tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 cặp số 2 được trang bị tổ hợp Sonar gắn dưới thân MGK335 M03 RAJA3 là có tầm chính xác khoảng 12 km, góc quét 260 độ. Thế cho nên, loại ngư lôi hạng nặng 533mm trên tàu HQ-015 và HQ-016 với tầm bắn khoảng 15 đến 20km là quá thừa mất rồi, vì tầm chinh xác Sonar là cũng chỉ hơn 10 cây thì ngư lôi như thế là ổn rồi. Tương tự, bảo sao các tàu khu trục của hải quân Mỹ cùng các đồng minh NATO cũng như các đồng minh châu Á bây giờ họ gần như chuẩn hóa về cỡ 324mm với tầm bắn từ 10 đến 20 km.

Đề án Kilo 636 của Nga thiết kế cho Việt Nam được trang bị tổ hợp Sonar MGK-400 có tầm chính xác đối với tàu ngầm là 16km, với tàu mặt nước là 100 km, có thể theo dõi tự động cùng lúc 12 mục tiêu .

Đề án tàu ngầm 039 của Trung Quốc, theo một số nguồn tin, chúng được trang bị Sonar được làm theo kiểu TSM 2233 hoặc TSM 2255 của Pháp có tầm chính xác đâu đó chỉ khoảng 30km, theo dõi cùng lúc 4 đến 12 mục tiêu .

Nhìn chung, dù công nghệ trên thế giới đã có những bước phát triển vượt bậc, thế nhưng việc phát hiện tàu ngầm vẫn luôn được đánh giá là vô cùng khó khăn. Ngược lại, chính tàu ngầm phát hiện tàu mặt nước với tổ hợp Sonar của mình cũng không phải là dễ dàng cho lắm. Do đó, chúng tôi tin rằng, xem ra chúng ta đã có sự cân nhắc trước khi chọn phương án hiện đại hóa tàu hộ vệ săn ngầm đề án 159 PTA.

Không thể không tính tới những khả năng này: đó là về Sonar và bộ vũ khí của các tàu PTA. Ví dụ như tàu 17 ngư lôi SET-40 có tầm bắn 8km, còn bệ phóng bom RBU-6000 có tầm bắn từ 350 tới 1.500 m là những con số cũng không phải là quá tệ. Điều quan trọng nhất, xin nhắc đi nhắc lại, là phải phát hiện được mục tiêu tàu ngầm cái đã rồi hãy nói chuyện khác. Dĩ nhiên trên đây chúng tôi chỉ đang lý giải về câu chuyện phát hiện tàu ngầm.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới