Nhiều doanh nghiệp cho biết, khó hoàn thành đơn hàng và bị thua lỗ khi sầu riêng bị ‘thổi giá’, nhiều nông dân hủy cọc để bán cho cò, lái với giá cao hơn.
Thông tin trên được nhiều doanh nghiệp và hợp tác xã phản ánh tại diễn đàn trực tuyến “Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng Việt Nam” sáng 11/9.
Ông Lê Anh Trung, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Vạn Hòa, đơn vị có hệ thống cơ sở đóng gói tại Đăk Lăk lên đến 30.000 m2, công suất hoạt động khoảng 100.000 tấn một năm cho biết, phải bù lỗ vì sầu riêng bị “thổi giá”, nông dân bẻ kèo.
Ông Trung dẫn chứng trước khi sầu riêng vào vụ một tháng, các vùng trồng đã được doanh nghiệp liên kết trước đó nhưng vẫn bị nông dân bẻ cọc vì các cò, lái vào trả giá cao hơn.
“Nếu doanh nghiệp ký kết thu mua với nông dân giá 60.000-80.000 đồng một kg, nhiều cơ sở vãng lai sẵn sàng trả 90.000 đồng, thậm chí 100.000 đồng khiến nông dân bẻ cọc”, ông Trung cho hay.
Theo ông Trung, việc này khiến công ty gặp khó trong hoàn thành đơn hàng cho đối tác, phải bù lỗ sau mỗi chuyến hàng xuất khẩu. Với tình trạng trên, doanh nghiệp càng làm sẽ càng lỗ. Việc duy trì cam kết với các đối tác bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó, trong tương lai, doanh nghiệp sẽ không thể bao tiêu sản phẩm cho người nông dân như đã cam kết.
Đồng cảnh ngộ, ông Nguyễn Hữu Chiến – Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Lập Đông, huyện Krông Buk, tỉnh Đăk Lăk, cho biết đang liên kết với 2 doanh nghiệp xuất khẩu nhưng cũng bị ảnh hưởng khi thương lái, cò ồ ạt xuống các vườn để chốt, cọc gây phân tâm cho người nông dân.
“Việc tranh mua, bán diễn ra thường xuyên. Doanh nghiệp báo giá cho nông dân buổi sáng, đến chiều cơ sở vãng lai tăng thêm hai giá. Thậm chí, họ dòm ngó chọc ngoáy để nông dân bỏ liên kết. Điều này cho thấy các doanh nghiệp trong nước đang ‘đánh nhau’ và tự thua trên sân nhà”, ông Chiến nói.
Ngoài ra, ông này cho biết, còn tình trạng đáng báo động là vùng trồng của các hợp tác xã đều được phía Trung Quốc cấp mã nhưng khi thương lái và cơ sở vãng lai thu mua họ lại sử dụng mã vùng trồng khác để đóng gói.
“Nếu để tình trạng này tiếp diễn, các lô hàng không đáp ứng được quy định của Trung Quốc và làm mất uy tín hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, thậm chí có nguy cơ làm mất thị trường tỷ dân”, ông cảnh báo.
Do đó, ông Chiến đề nghị cơ quan chức năng kiểm soát, giám sát chặt chẽ việc cấp, quản lý mã số vùng trồng. Để tình trạng “tranh mua, tranh bán” chấm dứt ông cho rằng hợp tác xã và doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ hơn. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng cần xây dựng các chế tài để răn đe các cơ sở kinh doanh, đơn vị làm nhiễu loạn thị trường.
Trước những phản ánh của doanh nghiệp, ông Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh dịch tễ và Kiểm dịch động thực vật (SPS Việt Nam) cho rằng Cục Bảo vệ Thực vật cũng đang rà soát, đề nghị các địa phương thu hồi, tạm dừng xuất khẩu những mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trái sầu riêng, vi phạm kiểm dịch.
T.P