Wednesday, January 22, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTuyên truyền bản đồ “đường chín khúc” phi pháp ra thế giới,...

Tuyên truyền bản đồ “đường chín khúc” phi pháp ra thế giới, không thể coi là việc làm bình thường

Những ngày đầu tháng 7/2023 vừa qua, dư luận Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trong khu vực và thế giới vô cùng phẫn nộ đối với việc xuất hiện bộ phim Barbie trên nền tảng số do Hollywood sản xuất, được Greta Gerwig đạo diễn, cùng với sự tham gia của dàn diễn viên toàn sao, có cả Margot Robbie và Ryan Gosling thủ vai với một số cảnh trong phim thể hiện hình ảnh tấm bản đồ “đường chín khúc” phi pháp của Trung Quốc.

Dựa trên con búp bê nhựa mang tính biểu tượng của Mattel, nhưng do người đóng, bộ phim có vẻ như thu hút được sự chú ý của công chúng trong những tuần trước ngày phát hành nhờ vào chiến lược tiếp thị rầm rộ của hãng phim. Theo dự kiến, phim Barbie sẽ ra rạp tại Việt Nam vào ngày 21/7/2023, cùng thời gian với ở Mỹ và Trung Quốc, nhưng đã bị cấm.

Nguyên nhân phim bị cấm chiếu ở Việt Nam đã được Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng công khai khẳng định ngày 6/7/2023, là do việc quảng bá, sử dụng các sản phẩm, ấn phẩm có thể hiện bản đồ “đường chín khúc” phi pháp của Trung Quốc ở Việt Nam là vi phạm các quy định của Việt Nam và không được chấp nhận. Thế nhưng, phản ứng với tuyên bố trên của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho rằng: “Lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông là rõ ràng và nhất quán. Các nước liên quan không nên gắn vấn đề Biển Đông với các hoạt động trao đổi văn hóa và giao lưu nhân dân bình thường”.

Cần khẳng định rằng, tuyên bố của bà Mao rõ ràng là một sự ngụy biện vì có nhiều bằng chứng cho thấy, Trung Quốc đã có sự phân tích, tính toán kỹ lưỡng, sử dụng nhiều thủ đoạn, biện pháp rất tinh vi, xảo quyệt trong hoạt động tuyên truyền về “đường chín khúc”, nên không thể nói đó là hoạt động bình thường trong giao lưu, trao đổi văn hóa giữa các quốc gia được. Xuất phát bởi những căn cứ sau:

Trước hết, phải thấy rằng, việc tuyên truyền về “đường chín khúc” và tấm bản đồ in hình “đường chín khúc” là một chủ trương và quyết sách chính trị đã được Chính phủ Trung Quốc xác định từ sớm, được thực hiện một cách liên tục và toàn diện.

Năm 2009, lần đầu tiên Bắc Kinh “trình làng” tấm bản đồ có hình ảnh “đường chín khúc” mà dân gian còn gọi là “đường lưỡi bò”, chiếm tới gần 90% diện tích Biển Đông do họ tự nhận. Đi kèm với tấm bản đồ vô lý này là mấy công hàm gửi cho Liên hợp quốc. Song năm 2016, Toà Trọng tài thường trực quốc tế về Luật Biển (PCA) khi xét xử vụ Philippines kiện Trung Quốc về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, đã ra phán quyết cuối cùng rằng, “đường chín khúc” này là phi lý và không có giá trị pháp lý. Mặc dù bị thất bại trên mặt trận pháp lý như vậy, nhưng Trung Quốc vẫn không từ bỏ dã tâm “độc chiếm” Biển Đông.

Họ đã chuyển hướng bằng cách sử dụng các thủ đoạn, biện pháp lắt léo, tinh vi và xảo quyệt khác nhau. Trong đó, ngoài việc tránh nói tới “đường chín khúc” trong các tuyên bố chính thức, Bắc Kinh đã sử dụng rất nhiều cách thức khác nhau để tuyên truyền về “đường chín khúc” không được công nhận của mình. Một mặt, họ sử dụng chiến thuật “vùng xám” trên thực địa để xâm lấn, gây hấn, đe dọa các quốc gia có vùng biển nằm trong phạm vi “đường chín khúc” đầy tai tiếng này. Mặt khác, họ đẩy mạnh triển khai các hoạt động trên mặt trận tuyên truyền, được gọi là “dư luận chiến”, một trong ba bộ phận của cái gọi là “tam chủng chiến pháp” nhằm tuyên truyền về yêu sách phi lý này ra khắp các nước trong khu vực và thế giới. Hơn thế, Trung Quốc còn lợi dụng các nước phương Tây có sự cởi mở hơn về văn hóa để khai thác yếu tố này phục vụ cho hoạt động trên.


Với chủ trương và cách thức mà Bắc Kinh thực hiện trong việc tuyên truyền về “đường chín khúc” ra thế giới như trên đã chứng minh rằng: 1/ “đường chín khúc” mà Trung Quốc tự nhận ở Biển Đông là phi pháp, đã bị tòa án quốc tế thẳng thừng bác bỏ, cộng đồng quốc tế không chấp nhận, nhiều nước đã đồng loạt gửi công hàm lên Liên hợp quốc để phản đối, thế nhưng Trung Quốc vẫn bám lấy nó, tức là bám vào một việc làm sai trái để tìm cách tuyên truyền ra thế giới. Việc làm này rõ ràng đã vi phạm trắng trợn luật pháp và tập quán quốc tế, nên không thể coi đó là hoạt động “bình thường” trong giao lưu, trao đổi văn hóa giữa các nước được. 2/ Điều không bình thường đi cùng với việc làm này của Trung Quốc chính là tần suất tuyên truyền. So với năm năm về trước, việc triển khai “dư luận chiến” về “đường chín khúc” trên Biển Đông thông qua phim ảnh được Trung Quốc thực hiện một cách rầm rộ, khá cấp tập trong thời gian gần đây.

Thứ hai, nhìn từ góc độ văn hóa, hoạt động tuyên truyền về “đường chín khúc” của Trung Quốc không thể nói là bình thường được vì nó đã xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, xúc phạm truyền thống văn hóa, tinh thần yêu nước của nhân dân các nước có liên quan nói chung, của dân tộc Việt Nam nói riêng. Bởi vì, văn hóa, nghệ thuật, trong đó có điện ảnh, truyền hình là một mặt của đời sống xã hội, có mối quan hệ mật thiết với chế độ chính trị. Tác động của văn hóa, nghệ thuật đối với nhận thức của con người là rất lớn. Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất. Thực tế lịch sử cho thấy, sở dĩ trong hơn một ngàn năm Bắc thuộc, Việt Nam không bị đồng hóa là do nhiều yếu tố, trong đó yếu tố căn bản nhất chính là sức mạnh văn hóa của cộng đồng cư dân Việt. Chính người Trung Quốc cũng rất “trăn trở” trước thực tế lịch sử này, họ không hiểu vì sao một đất nước bị Trung Quốc thống trị lâu như thế mà người Việt Nam vẫn không bị đồng hóa. Họ tỏ ra tiếc nuối vì sau hơn 10 thế kỷ từng là quận, huyện của Trung Quốc, từng dùng chữ Hán qua hàng thế hệ người để ghi chép mà rốt cuộc, Việt Nam lại trở thành một quốc gia độc lập, dùng chữ Latin được Việt hóa, để giữ gìn được tiếng nói riêng của mình, và ngày nay là nước rất kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để chống lại những hành vi trái phép, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Có lẽ phần nào đã hiểu được điều đó, nên thời gian gần đây, Trung Quốc đã và đang cấp tập tìm cách cài cắm hình ảnh bản đồ “đường chín khúc” phi pháp trên các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, ứng dụng công nghệ… để tuyên truyền một cách rầm rộ ra bên ngoài. Đây không thể nói là hoạt động “bình thường” như Trung Quốc nói, mà thực sự là việc làm không bình thường, có chủ đích. Bởi việc đưa ra lưu hành một sản phẩm văn hóa có chứa nội dung không được luật pháp quốc tế thừa nhận, lại hàm chứa yếu tố xâm phạm chủ quyền của quốc gia khác, để tuyên truyền ra thế giới, nhất là tại các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông, thì sao có thể nói là bình thường được, mà ngược lại, đó chính là hành động xâm lược bằng “sức mạnh mềm” thì đúng hơn.

Đáng chú ý, câu chuyện Bắc Kinh đưa “đường chín khúc” phi pháp vào các sản phẩm văn hóa, điện ảnh, giải trí… không chỉ “nóng” ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước khác như Nhật Bản, Philippines, thậm chí ở nhiều nước phương Tây. Theo đó, họ đã kết hợp “chiến tranh pháp lý” với “chiến tranh tuyên truyền” một cách rất tinh vi, nhất là qua sách báo, phim ảnh. Việc làm này tưởng chừng như “phi chính trị” nhưng thực chất đó là một phần rất quan trọng trong chiến lược của Trung Quốc nhằm thuyết phục công chúng trong nước và thế giới tin vào sự tồn tại của “đường chín khúc” phi pháp này. Chính vì thế nên không chỉ Việt Nam mà các nước ở khu vực Đông Nam Á, thậm chí tại nhiều nước phương Tây, xu hướng thận trọng, đề phòng, chủ động phát hiện và chống lại hình ảnh “đường chín khúc” ngày càng tăng. Đây là việc làm cần thiết và đúng đắn, nếu không nó sẽ tạo ra những tiền lệ về sau, trở thành một “bằng chứng” đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Cũng cần phải khẳng định, ở Việt Nam, Barbie không phải là bộ phim đầu tiên bị cấm chiếu. Trước đó, Việt Nam đã cấm chiếu một loạt phim Trung Quốc và nước khác trên các nền tảng số vì có xuất hiện hình ảnh “đường chín khúc” phi pháp, tiêu biểu như các phim: Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta (Put your head on my shoulder); Người tuyết bé nhỏ (Everest); Điệp vụ biển đỏ của Trung Quốc năm 2019; phim hoạt hình Abominable của DreamWorks và phim hành động Unchartered của Sony; phim Em là thành trì doanh lũy của anh năm 2021; phim Thợ săn cổ vật (Uncharted) năm 2022.


Thứ ba, một điều không bình thường khác nữa là, Trung Quốc triệt để khai thác công nghệ mới để tuyên truyền về “đường chín khúc” phi pháp nhằm thay đổi nhận thức của công chúng về vấn đề chủ quyền của họ ở Biển Đông. Đây là xu hướng được Trung Quốc thúc đẩy mạnh trong thời gian gần đây. Nếu như khoảng mười năm trước đây, tấm bản đồ “đường chín khúc” chủ yếu xuất hiện trên một số cuốn sách học tiếng Trung Quốc, hay truyện tranh, bản đồ được người Trung Quốc rao bán cho khách du lịch để ai đó vô tình xách tay từ Trung Quốc về hoặc đặt mua, được biếu tặng từ Trung Quốc, thì trong vài năm trở lại đây, Trung Quốc đã tận dụng sự phát triển như vũ bão của các nền tảng số để cài cắm “đường chín khúc” phi pháp vào trong các sản phẩm văn hóa, nhất là trong các bộ phim điện ảnh, truyền hình. “Đường chín khúc” trở thành “ma trận” trong các văn hóa phẩm, sách báo, tạp chí khoa học, du lịch, nghệ thuật… trong đó sản phẩm có sức lan tỏa, tác động mạnh mẽ nhất là phim ảnh. Đáng quan tâm hơn là ngày càng xuất hiện nhiều bộ phim có cài cắm một cách tinh vi hình ảnh “đường chín khúc” phi pháp. Ví dụ: Tháng 6/2015, Trung Quốc phát hành bộ phim “Đạo mộ bút ký” với sự xuất hiện của nhiều diễn viên nổi tiếng. Bộ phim mô tả cuộc khai quật một cổ mộ của một công trình sư đời Minh đặt ở nơi mà Trung Quốc gọi là “Tây Sa” (thực tế là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), gần đảo Vĩnh Hưng (thực tế là đảo Phú Lâm của Việt Nam). Việc làm này không nằm ngoài mục đích muốn người xem, nhất là giới trẻ tin rằng Trung Quốc có chủ quyền lâu đời tại Hoàng Sa. Hay như gần đây trong bộ phim “Hướng gió mà đi” (Flight to you), ra mắt cuối năm 2022, phát trên nền tảng Netflix, ngoài việc đưa hình ảnh bản đồ “đường chín khúc” xuất hiện trong nhiều tập phim, còn có cảnh kèm lời thoại rất ngang ngược: “Rồi sẽ có ngày, tấm bản đồ này đi đến rất nhiều nơi trên thế giới”. Đây rõ ràng là điều cho thấy Trung Quốc đã và đang lợi dụng yếu tố khó kiểm soát của không gian mạng là không biên giới, với sự lan tỏa rất nhanh, để tuyên truyền về “đường chín khúc” phi pháp nhằm thay đổi nhận thức của công chúng về Biển Đông.

Thứ tư, Bắc Kinh lợi dụng thế mạnh về tiềm lực và thị trường của mình để “cưỡng ép” ngành điện ảnh, giải trí thế giới phục vụ cho ý đồ chính trị của họ. Hiện nay, Trung Quốc là thị trường điện ảnh lớn nhất, điểm đến của các hãng phim lớn trên thế giới. Năm 2021, tổng doanh thu phòng vé của nước này đạt 47,3 tỷ NDT (khoảng 7,3 tỷ USD), cao gấp đôi so với doanh thu năm 2020. Trong số các bộ phim có hình ảnh “đường chín khúc” hoặc có cài cắm các thông tin liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông, được chiếu trên các nền tảng số, ngoài các phim do Trung Quốc sản xuất, còn có nhiều bộ phim do Hollywood sản xuất. Thế nhưng, để vào được thị trường Trung Quốc, hãng phim này không tránh khỏi bị gây sức ép từ phía Bắc Kinh. Nhiều bộ phim do Hollywood sản xuất đã phải xóa đi hoặc thêm vào các cảnh dựa trên phản ứng, điều kiện của Trung Quốc, phim Barbie là một ví dụ. Theo đánh giá của Hạ Nghị sĩ Mỹ bang Wisconsin là Mike Gallagher và Hạ Nghị sỹ bang Tennessee là Mark Green, trước áp lực rất lớn từ các nhà kiểm duyệt Trung Quốc, nên bộ phim Barbie buộc phải đưa hình ảnh “đường chín khúc” vào trong một số cảnh phim. Thượng Nghị sĩ Mỹ Ted Cruz còn cho biết: “Từ lâu, Hollywood đã đồng lõa với sự kiểm duyệt và tuyên truyền của Trung Quốc vì lợi nhuận lớn hơn”. Báo chí Mỹ cho biết, tới đây Mỹ sẽ có Đạo luật SCRIPT để cảnh tỉnh các hãng phim Hollywood phải có sự cân nhắc, lựa chọn giữa sự hỗ trợ mà họ cần từ Chính phủ Mỹ và số đô la mà họ muốn từ Trung Quốc.

Không chỉ Hollywood mà nhiều đối tác nước ngoài vào làm ăn ở Trung Quốc cũng chịu cảnh tương tự. Mặc dù Bắc Kinh phê phán các nước ngăn chặn việc tuyên truyền về “đường chín khúc”, nhưng chính họ cũng làm điều tương tự như vậy đối với các đối tác nước ngoài đang làm ăn ở Trung Quốc. Theo đó, Bắc Kinh thường xuyên có động tác trả đũa đối với các tập đoàn, công ty, từ khách sạn cho đến các hãng hàng không mà họ cho rằng có quan điểm xem Đài Loan không phải là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Những công ty, tập đoàn nào bị họ gắn cho quan điểm này nếu không muốn bị loại ra khỏi thị trường rộng lớn và béo bở này thì buộc phải tuân thủ “sửa sai” theo các yêu cầu của Bắc Kinh.

Thứ năm, việc lợi dụng phim ảnh để tuyên truyền về “đường chín khúc” phi pháp của Trung Quốc lại càng không thể nói là hoạt động giao lưu, trao đổi văn hóa bình thường giữa các quốc gia được, bởi vì đây là một phần của chiến lược lâu dài nhằm tạo cho người dân trên thế giới, đặc biệt là ở những khu vực không biết rõ về yêu sách phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, quen thuộc dần với hình ảnh này thông qua tiếp cận với các loại hình truyền thông phổ biến như video, phim ảnh, báo chí… “đường chín khúc” phi pháp sẽ đi vào tiềm thức của công chúng một cách hết sức nhẹ nhàng và dần dần trở thành “thông tin mặc định” trong tâm trí họ. Quá trình này diễn ra âm thầm, từ từ nhưng hệ quả thì rất nguy hại vì nếu không tỉnh táo và có biện pháp ngăn chặn kịp thời từ đầu, sẽ trở thành mặc nhiên. Ngoài ra, “đường chín khúc” thể hiện trên các ấn phẩm khoa học cũng gây ra sự lầm tưởng không đáng có đối với các tạp chí và nhà xuất bản khoa học cũng như giới trí thức trên thế giới do thiếu thông tin hoặc thiếu sự hiểu biết về chính trị, rằng “đường chín khúc” của Trung Quốc ở Biển Đông là hợp pháp. Một bài viết trên trang “Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI)” vào năm 2020 đã dẫn ra khảo sát cho thấy, có 260 bài báo có sử dụng bản đồ “đường chín khúc” trên 20 tạp chí khoa học nổi tiếng của nhiều nhà xuất bản khác nhau, điển hình là Springer’s Nature, Science, Elsevier… Nội dung các bài báo cũng đa dạng, gồm thủy văn học, biến đổi khí hậu, nông nghiệp, khảo cổ, năng lượng, môi trường, quản lý chất thải, sức khỏe… Trên thực tế, số bài báo khoa học được Trung Quốc cài cắm “đường chín khúc” còn nhiều hơn thế. Để làm được những việc này, không thể không nói đến sự hậu thuẫn bằng nguồn lực to lớn về tiền của, vật chất từ Chính phủ Trung Quốc.

Tóm lại, từ sau khi trình lên Liên hợp quốc tấm bản đồ “đường chín khúc” phi pháp đến nay, trên các nền tảng số, Bắc Kinh đang ra sức lan tỏa hình ảnh tấm bản đồ này với tần suất ngày càng cao, tầm bao phủ ngày càng rộng. Tham vọng rõ ràng của họ là nhằm thuyết phục công chúng ở Việt Nam, thế giới và cả công chúng Trung Quốc tin vào sự tồn tại “có lý” của “đường chín khúc” phi pháp trên chứ không phải đó là hoạt động trao đổi văn hóa và giao lưu nhân dân bình thường như tuyên bố của bà Mao Ninh. Nếu như việc truyền bá các loại văn hóa phẩm có “đường chín khúc” với số lượng đủ lớn, tần suất đủ thường xuyên, thời gian đủ dài trong khi sự phản kháng, bác bỏ lại không đủ mạnh mẽ tương ứng và kéo dài thì nhận thức của con người về nó sẽ dần có sự thay đổi. Từ một bản đồ “đường chín khúc” “bất thường” qua nhiều năm, có thể trở thành “bình thường”, được chấp nhận. Ngạn ngữ có câu “im lặng cũng có nghĩa là đồng ý”, luật pháp quốc tế chưa quy định cụ thể khái niệm này. Nhưng theo cách hiểu này, nếu Việt Nam và công luận thế giới không lên tiếng phản bác mạnh mẽ thì với sự lươn lẹo của mình, Trung Quốc sẽ nói rằng họ đã chuyển các sản phẩm có tuyên bố chủ quyền của họ cho các nước khác và các nước đã lưu hành, sử dụng, im lặng. Điều đó có nghĩa là các nước đã ngầm thừa nhận yêu sách của Trung Quốc, vì vậy không có quyền nói ngược lại. Xem ra, câu chuyện cổ “Tăng Sâm giết người” lưu truyền ở Trung Quốc, đang được nước này khai thác triệt để trong chiến dịch truyền thông tuyên truyền về tấm bản đồ “đường chín khúc” phi pháp để hy vọng rằng, đến một ngày nào đó, khi lời nói dối đã đủ lớn và được lặp lại nhiều lần sẽ trở thành sự thật.

Hơn lúc nào hết, Việt Nam cũng như các nước có liên quan đến chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông phải luôn cảnh giác, kiên quyết, kiên trì đấu tranh liên tục, không ngừng nghỉ và phải mạnh mẽ, chủ động đấu tranh hơn nữa để làm thất bại âm mưu, thủ đoạn hết sức nguy hiểm này của Trung Quốc.

Thái Yên

RELATED ARTICLES

Tin mới