Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKhi Thủ tướng Manet “tỏ tình”

Khi Thủ tướng Manet “tỏ tình”

Sau vụ được mùa thông tin chuyến thăm Việt Nam cấp nhà nước của tổng thống Mỹ Joe Biden, giới truyền thông quốc tế lại đang bận rộn với chuyến thăm chính thức của tân thủ tướng Campuchia tới Trung Quốc.

Thủ tướng Campuchia Hun Manet (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Đầu tháng 9 này, trong cuộc gặp ông Hun Manet tại Phnom Penh, Trưởng ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Trung Quốc Lưu Kiến Siêu đã hồ hởi bày tỏ sự thịnh tình của Bắc Kinh với Phnom Penh: “Trung Quốc trông đợi chuyến thăm của tân thủ tướng Campuchia”.

Nhiều người còn đoan rằng, sự “tỏ tình” của Bắc Kinh với gương mặt chính trị mới của “xứ xở Chùa Tháp” là ông Hun Manet – thái tử nhà ông Hun Sen – đã được thể hiện ngay sau khi ông Manet được bổ nhiệm làm Thủ tướng, với màn ra mắt của tại Phnom Penh của ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.

Có người bình rằng: Ông Vương chẳng hổ danh “cáo già ngoại giao” khi chọn Phnom Penh là điểm đến đầu tiên vào ngày 12/8, trong chuyến công du 3 nước Đông Nam Á: Campuchia, Singapore và Malaysia. Thời điểm ấy, sự hiện diện của sứ thần Bắc Kinh tại Phnom Penh tiện việc quá đi: vừa tri ân được với ông Hun Sen về những gì ông này đã làm cho Trung Quốc trong gần 40 năm cầm quyền, lại vừa thể hiện được sự quan tâm, ủng hộ với ông Manet – người chỉ mươi hôm nữa sẽ thành Thủ tướng chính thức sau kỳ họp đầu tiên của Quốc hội mới.

Thực ra, chẳng đợi tới các động thái của ông Vương Nghị, ông Lưu Kiến Siêu, thiên hạ cũng biết thừa, Bắc Kinh quan tâm tới Phnom Penh như thế nào. Trong các quốc gia ASEAN, Campuchia được Trung Quốc coi như đối tác tin cậy bậc nhất. Điều đó đã được thử thách và chứng minh nhiều lần.

Như năm 2012 chẳng hạn, là lúc vụ đối đầu nóng bỏng giữa Trung Quốc và Philippines trong khu vực bãi cạn Scaborough phủ bóng đen lên hầu hết các diễn đàn của khu vực. Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN là một diễn đàn lớn; đại diện các quốc gia rất muốn thể hiện, ít nhất thái độ quan ngại trong văn bản về các hành động gây hấn từ các nước lớn trên Biển Đông. Tuy nhiên, việc Campuchia kiên quyết phản đối đã khiến Hội nghị đã không thể ra được tuyên bố chung. Nói cách khác, đa số các quốc gia ASEAN đã thất bại trong việc thuyết phục Campuchia đưa vấn đề Biển Đông vào tuyên bố chung của Hội nghị chỉ vì Phnom Penh tỏ ra quá trung thành với người đàn anh phương Bắc.

Vài năm gần đây, dư luận lại không ngớt eo xèo về việc Campuchia gật đầu cho Bắc Kinh “thầu” quân cảng Ream của họ. Quân cảng Ream có vị trí cực kỳ chiến lược nằm phía Nam xứ Chùa Tháp. Trong bối cảnh căng thẳng hiện nay, có được Ream, Trung Quốc rộng cửa thêm rất nhiều trong mục tiêu bành trướng ra Biển Đông và các đại dương. Cũng vì đó, câu chuyện Ream đã khiến Washington vô cùng cay cú, ném về Phnom Penh vô vàn bực tức.

Trở lại chuyến thăm chính thức Trung Quốc của ông Manet, Bắc Kinh hồ hởi, săn đón đã đành, nhưng ở chiều ngược lại, Phnom Penh hẳn cũng hào hứng không kém. Chẳng thế mà, ngay khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử, tiếp đón ông Vương Nghị tại Phnom Penh, ông Manet đã có những tuyên bố thể hiện quan điểm đối ngoại của chính phủ mới. “Được lời như cởi tấm lòng”, những lời chan chứa tình nghĩa của ông Manet: Campuchia cam kết tiếp tục “quan điểm không thay đổi” của chính phủ đối với chính sách “một Trung Quốc”, và cam kết “thúc đẩy hợp tác giữa hai nước”…, đã khiến Vương Nghị tươi tỉnh hẳn, không còn vẻ cau có, khó chịu như vẫn thấy.

Cần nhớ rằng, trước đó, vào cuối tháng 7, ngay sau khi tuyên bố rút lui khỏi vị trí thủ tướng để tạo điều kiện cho “lớp trẻ” đảm nhiệm, ông Hun Sen – cha của ông Manet – đã “đánh” một lá thư tới các nhà lãnh đạo Trung Nam Hải khẳng định rằng: “Chính sách của chính phủ mới đối với Trung Quốc dựa trên truyền thống, niềm tin và sự hợp tác cùng có lợi sẽ không thay đổi”.

Nói cho cùng, ông Manet không thế không được. Dù trí thức “Tây học”, từng thụ giáo ở Anh, Mỹ; dù thâm tâm có muốn ngả về phương Tây, nhưng ông không thể không thừa nhận thực tế rằng: để Campuchia có được như hôm nay, vai trò của Trung Quốc – đối tác chiến lược toàn diện – là vô cùng lớn. Thời điểm này, và có lẽ, sau này cũng thế, Trung Quốc sẽ vẫn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Campuchia. Năm 2022, đầu tư của Trung Quốc chiếm đến 53,4% tổng vốn đầu tư 4,35 tỷ USD mà quốc gia Đông Nam Á này phê duyệt, nhiều nhất trong lĩnh vực bất động sản, hàng may mặc, du lịch và nông nghiệp, cùng nhiều lĩnh vực khác.

Liên quan vai trò của Trung Quốc tại Campuchia, nhiều người tới nay vẫn cho rằng: không có sự hỗ trợ của Trung Quốc, nước này chẳng thể nào tổ chức thành công vang dội Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2023 (SEA Games 2023). Riêng tổ hợp Thể thao Quốc gia, trong đó có sân vận động khổng lồ, hiện đại, vốn đầu tư tới 160 triệu USD, từ nguồn viện trợ Trung Quốc, và hầu hết các hạng mục quan trọng nhất đều do các công ty Trung Quốc thi công.

Thế nên, việc ông Manet chọn Trung Quốc để thăm chính thức đầu tiên – một động thái “tỏ tình” với quốc gia gần gũi, trên cương vị Thủ tướng từ khi nhậm chức, chẳng có gì lạ. Cái dư luận mong muốn là, thâm tình với Trung Quốc, nhưng ông Manet đừng quên rằng, Campuchia là thành viên của ASEAN, từ đó, mà hành xử cho phải đạo, nhất là trong vấn đề Biển Đông.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới