Friday, November 15, 2024
Trang chủQuân sựPhòng không Moscow lộ "điểm mù" khi nhiều lần để UAV tự...

Phòng không Moscow lộ “điểm mù” khi nhiều lần để UAV tự sát lọt qua?

Chuyên gia nêu lý do khiến Moscow – một trong những thành phố được bảo vệ chặt chẽ hàng đầu thế giới – trở thành mục tiêu tấn công của UAV tự sát trong thời gian qua.

Một hệ thống phòng không của Nga

Trong những tuần gần đây, Nga đã tăng cường nỗ lực phòng không ở thủ đô Moscow. Bộ Quốc phòng Anh cho biết, Moscow đã đưa các tổ hợp phòng không lên trên các tòa nhà cao tầng và gia tăng các biện pháp nhằm đánh chặn UAV tự sát.

Đây được xem là nỗ lực của Nga nhằm đối phó với việc thành phố Moscow nhiều lần trở thành mục tiêu bị tấn công trong thời gian qua bằng UAV tự sát.

Theo các chuyên gia, mặc dù Moscow được phòng vệ rất chặt chẽ, nhưng UAV tự sát giá rẻ đã khai thác được những lỗ hổng, “điểm mù” trong lá chắn này để gây ra thiệt hại cho thành phố thủ đô của Nga.

Một ví dụ cho thấy Moscow được bảo vệ chặt chẽ như thế nào thể hiện tại khu vực Filatov Lug, nằm cách Điện Kremlin hơn 20km.

Tại đây, có một khu vực nằm sâu trong những bức tường cao: 16 hầm chứa tên lửa dưới lòng đất, dùng cho hệ thống phòng thủ chống đạn đạo A-135, bảo vệ thành phố khỏi mối đe dọa về tên lửa

Đây là 1 trong 5 địa điểm như vậy ở Moscow. Mỗi hầm chứa tại Filatov Lug đều chứa một tên lửa 53T6 Amur có khả năng tăng tốc ấn tượng. Khi phóng đi, tên lửa có thể chuyển từ trạng thái đứng yên đến tốc độ Mach 16 (gấp 16 lần tốc độ âm thanh) trong một thời gian ngắn.

Giống một viên đạn, tốc độ phóng quá nhanh hoặc nhanh khiến mắt thường không thể theo kịp.

Hệ thống phòng thủ A135 có cấu tạo rất tinh vi, với một số radar mảng pha để phát hiện, định vị, xác định và theo dõi các mối đe dọa đang lao đến.

Tuy nhiên, A135 lại hiệu quả nhất với tên lửa đạn đạo, kích thước lớn, và không thể đánh chặn UAV tự sát bay ở tầm thấp.

Về mặt lý thuyết, hệ thống phòng không tích hợp của Moscow cũng được trang bị để đối phó với các mối đe dọa kích thước nhỏ. Tập đoàn quân phòng không số 1 vận hành tổ hợp S-50M để bảo vệ thủ đô bằng các radar và tổ hợp tên lửa đất đối không S-400 và S-300PM2.

Vấn đề là UAV theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng đều không xuất hiện trên radar. Các radar uy lực của Nga được thiết kế để đối phó với các máy bay phản lực cỡ lớn và tên lửa hành trình di chuyển với tốc độ cao.

Chúng không được lập trình và cấu tạo để phát hiện ra các mối đe dọa di chuyển chậm, ở độ cao thấp. Trên thực tế, radar phòng không thường bỏ qua các vật thể chuyển động chậm vì cho rằng đây có thể là đàn chim.

Điều này đã tạo ra một “điểm mù” trong hệ thống phòng không của Moscow, theo chuyên trang quân sự 19fortyfive.

Mark Cancian, cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ), lưu ý rằng một phần lý do tại sao máy bay không người lái có thể đến Moscow mà không bị phát hiện là do hệ thống phòng không của Nga chủ yếu tập trung vào việc chống lại các cuộc tấn công bằng vũ khí tinh vi hơn.

Trao đổi với AP, ông cho hay, các lá chắn của Nga tập trung vào việc theo dõi tên lửa, tiêm kích, máy bay ném bom chứ không phải là máy bay không người lái tầm ngắn vì các UAV này có thể bay ở tầm rất thấp.

“Lực lượng phòng không Nga không được thiết kế để đối phó với mối đe dọa kiểu này”, ông nói.

Gần đây, Nga đã tăng cường triển khai các hệ thống phòng không về khu vực Moscow để bảo vệ thành phố quan trọng. Nga cũng tăng cường biện pháp tác chiến điện tử, gây nhiễu để đối phó với UAV tự sát cỡ nhỏ.

Tuy nhiên, điều này có thể đồng nghĩa với việc Nga phải rút bớt hệ thống phòng thủ ở các khu vực khác trong nước, hoặc các khu vực mà Moscow đang kiểm soát ở Ukraine. Điều này có thể khiến Nga lộ thêm “điểm mù” ở các khu vực khác.

Một thách thức nữa với Nga là Ukraine tuyên bố đã chế tạo và thử nghiệm vũ khí tầm xa, bao gồm UAV có tầm tấn công 1.000km. Đây có thể sẽ là mối đe dọa với Nga trong tương lai nếu chiến sự còn tiếp diễn.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới