Trong những năm đầu thế kỷ 21, quan điểm và hoạt động ngoại giao đa phương của hầu hết các quốc gia trên thế giới, nhất là các siêu cường, đều phong phú, rõ nét và mang tính đặc thù.
Có thể thấy rất rõ, Mỹ đã và đang theo đuổi chủ nghĩa đa phương có lựa chọn, với quan điểm xây dựng một hệ thống đa phương do Mỹ và các nước phương Tây dẫn dắt, từ đó để có thể gây ảnh hưởng lên các quốc gia khác. Ngoại giao đa phương của Mỹ tồn tại cùng ngoại giao song phương và mang tính thực dụng.
Kiên định con đường đó, mới đây, hôm 13/9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố như một phát kiến: Thế giới đang chuyển dịch sang một trật tự ngoại giao mới. Trong trật tự đó, Washington phải đi đầu, vượt qua các mối đe dọa đang ngày càng gia tăng từ Nga và Trung Quốc.
Trong bài phát biểu tại Trường Đại học John Hopkins ở Washington, Ngoại trưởng Mỹ nói: “Một kỷ nguyên đang kết thúc. Một kỷ nguyên mới đang bắt đầu. Những quyết định mà chúng ta đưa ra hôm nay sẽ định hình tương lai của nhiều thập niên tới”.
Ông khẳng định: “Trật tự hậu Chiến tranh Lạnh đã kết thúc”. Và, “nhiều thập niên ổn định địa chính trị tương đối đã đang chuyển biến thành một cuộc cạnh tranh ngày càng gia tăng với các quyền lực độc tài”.
Tuy Nhà Trắng không nói ra nhưng ai cũng hiểu “những quyền lực độc tài” do Nga và Trung Quốc đang nắm. Điều đó thấy rõ qua cuộc chiến Nga – Ukraine. Cuộc chiến kéo dài hơn một năm rưỡi qua là mối đe dọa cấp tính nhất, khẩn cấp nhất đối với trật tự quốc tế. Chiến tranh Nga-Ukraine đã chứng minh rằng một cuộc tấn công vào trật tự quốc tế dù ở bất kỳ đâu đều sẽ gây tổn hại cho người dân trên khắp thế giới.
Còn Trung Quốc thì đang đặt ra thách thức dài hạn lớn nhất với các quốc gia, bởi vì Bắc Kinh đã và đang thực hiện giấc mơ định hình lại trật tự quốc tế, trong đó Trung Quốc là bá chủ. Nước này đang dồn tổng lực phát triển kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để hướng tới mục tiêu đó.
Muốn làm ăn lâu dài và không bị cô lập, Trung Quốc và Nga đang liên minh với nhau thông qua mối quan hệ đối tác “không giới hạn”. Hai cường quốc từng có thời gian ngoảnh mặt, nay đang nắm chặt tay nhau “đóng khung trật tự thế giới hiện hành” .
Tuy nhiên, hệ thống vận hành của thế giới hiện nay được gắn chặt vào các giá trị phổ quát và được ghi trang trọng vào luật pháp quốc tế. Nga và Trung Quốc không dễ áp đặt các lựa chọn của họ cho những nước khác.
Trong khi đó, theo Blinken, Mỹ sẽ lãnh đạo “ở thế mạnh” phần lớn, bởi vì “tính khiêm nhường của mình”. Ông nói: “Chúng tôi biết chúng tôi sẽ phải giành được niềm tin của một số quốc gia và người dân mà trật tự thế giới cũ đã không hiện thực hóa nhiều lời hứa với họ”.
Mỹ đang ở đâu trong trật tự thế giới mới? Điều lo lắng nhất của Washington là Trung Quốc sẽ trở thành bá chủ thế giới vào giữa thế kỷ này. Vì thế, Mỹ lựa chọn phát triển hay cầm chừng, hoặc từ bỏ hoạt động ngoại giao đa phương theo sự tính toán về lợi ích của họ với các thời điểm khác nhau.
Trên thực tế Mỹ có xu hướng áp đặt “luật chơi” để bảo đảm lợi ích quốc gia, song nước này cũng sẵn sàng rời bỏ tổ chức đa phương cũ, khởi xướng thể chế đa phương mới cũng vì lợi ích quốc gia.
Trái lại, Nga chủ trương gắn bó sâu sắc với các nguyên tắc của chủ nghĩa đa phương. Các cơ chế đa phương được Moscow coi như một dạng tập hợp lực lượng để nhằm phục hưng đất nước và ngăn chặn ảnh hưởng của phương Tây. Ngoại giao đa phương của Nga phân tán về chiều rộng từ cấp độ toàn cầu, khu vực tới tiểu khu vực, mang tính lựa chọn.
Ba quan điểm ngoại giao đa phương của Nga là: một, “Lãnh đạo tập thể của những quốc gia hàng đầu” cùng có trách nhiệm giải quyết các vấn đề toàn cầu, khác với quan điểm lãnh đạo của một siêu cường; hai, trong ngoại giao đa phương, chính sách đa phương cần được đàm phán giữa các bên liên quan, không chấp nhận một quyết định nào mà chưa được thông qua; ba, ngoại giao đa phương cần trở thành nền tảng, phản ánh sự phân chia quyền lực trong một thế giới đa cực đang nổi lên, bao gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Bra-xin.
Trung Quốc khẳng định vị thế, sức mạnh và sự dẫn dắt trong nhiều thể chế đa phương qua sự tham gia tích cực vào các cơ chế bằng các sáng kiến đa phương, sự đầu tư và đóng góp, thể hiện sự gánh vác trách nhiệm, tham gia quản trị toàn cầu, nhằm phát huy “sức mạnh mềm”.
Bắc Kinh đã đưa ra chủ thuyết về một thế giới hài hòa, trong đó vai trò của các tổ chức đa phương được đề cao, với mục tiêu “cùng hợp tác để cùng thịnh vượng”, tôn trọng sự đa dạng về văn hóa và hệ thống chính trị, các quốc gia đang phát triển có nhiều quyền quyết định hơn.
Sau Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bắc Kinh tích cực triển khai các hoạt động đa phương, truyền bá những tư tưởng mới, đưa ra thông điệp mới về xây dựng một thế giới hài hòa, dân chủ, kiến tạo một trật tự kinh tế thế giới mới, đặc biệt Trung Quốc nêu quan điểm không tham gia liên minh.
Vậy là quốc gia nào, dù thể chế chính trị khác nhau, cũng chủ trương tôn trọng chủ nghĩa đa phương. Thế nhưng, mục tiêu cao nhất là bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia – dân tộc. Có điều, nhiều khi người ta cố tình quên một điều, lợi ích quốc gia phải dựa trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi.
H.Đ