Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiASEAN tăng cường mua sắm vũ khí

ASEAN tăng cường mua sắm vũ khí

Chi tiêu quân sự của ASEAN đã tăng từ 20,3 tỷ USD năm 2000 lên 43,2 tỷ USD vào năm 2021. Trước đó, trong các năm 2002-2007, con số này chưa đến 30 tỷ USD/năm.

“Bản đồ tiêu chuẩn” thể hiện tham vọng của Trung Quốc

Đó là số liệu vừa công bố của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), về cơ sở dữ liệu Chi tiêu quân sự của các nước trong ASEAN. Ngoài con số có tính khái quát, thông tin còn nêu số liệu mua sắm cụ thể của từng quốc gia.

Trong số các nước ASEAN, trong giai đoạn 2002-2021, Singapore có ngân sách quốc phòng lớn nhất, đạt 11 tỷ USD. Tiếp theo là Indonesia với 8,2 tỷ USD vào năm 2023, thấp hơn một chút so với mức 9,3 tỷ USD của năm 2020. Kể từ năm 2012, Indonesia đã tăng chi tiêu quốc phòng từ 6,5 tỷ USD lên 8,3 tỷ USD vào năm 2013 và duy trì ở mức ổn định…

Do Việt Nam đã ngừng công bố ngân sách quốc phòng từ năm 2018 (khoảng 2,36% của 310 tỷ USD khi đó), nhưng con số ước tính,theo SIPRI, là khoảng 5,5 tỷ USD/năm, cho thấy, nước láng giềng gần gũi nhất của Trung Quốc quan tâm tới việc nâng cao sức mạnh quân sự như thế nào. Nhận định này càng được củng cố thêm khi biết quốc gia 100 triệu dân này lần đầu tiên tổ chức Triển lãm Quốc phòng hồi tháng 12/2022, sự kiện được coi là thành công với sự tham gia của 170 đơn vị từ 30 quốc gia.

Đến như Thái Lan, quốc gia trung lập, không có yêu sách chủ quyền trên Biển Đông, vậy mà năm 2022, Bangkok đã đặt hàng trực thăng trinh sát vũ trang AH-6 của Mỹ và máy bay không người lái Hermes 900 của Israel để hỗ trợ các hoạt động trên biển.

Thực ra, các nước ASEAN tăng cường chi tiêu cho quốc phòng không phải bây giờ mới thành chuyện. Trước một Trung Quốc hung hăng, ngày càng ngang ngược coi Biển Đông như “ao nhà”, các quốc gia liên quan, nhất là những nước thường xuyên bị Trung Quốc gây hấn, uy hiếp ngang ngược và liên tục như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia sao thể “bình chân như vại”.

Sự việc càng nóng lên trước các hành vi của Trung Quốc, như: chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scaborough từ Philippines năm 2012; hạ đặt trái pháp giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam năm 2014; gạt Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế trong vụ kiện của Philippines về vấn đề Biển Đông năm 2016 (trong khi Trung Quốc chính là một thành viên hạ bút ký Công ước này); cho tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tại khu vực bãi Tư Chính năm 2019; cho hơn 200 tàu dân quân biển trá hình tàu cá neo đậu “tránh bão” (!) trong khu vực đá Ba Đầu (tại cụm đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) do Philippines kiểm soát năm 2021….

Năm 2021, từ báo cáo Cán cân sức mạnh quân sự 2021 của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), nhiều chuyên gia quốc tế đã hốt hoảng kêu lên rằng, khu vực ASEAN, máy bay “nhiều như châu chấu”.

Để chứng minh cho sự quan ngại, IISS đưa ra số liệu cụ thể về không quân của các quốc gia. Theo đó, “Việt Nam sở hữu khoảng vài chục máy bay chiến đấu Sukhoi thế hệ thứ tư của Nga”, và nước này “không thể bằng lòng với số lượng máy bay hiện có”; Không quân Hoàng gia Malaysia có 43 máy bay có khả năng chiến đấu – bao gồm các máy bay Sukhoi, F/A-18 Hornet và Hawk MK108, đang nâng cấp các máy bay chiến đấu hiện có, đồng thời, có kế hoạch mua thêm nhiều máy bay chiến đấu đa nhiệm và máy bay chiến đấu hạng nhẹ”; Indonesia có 108 máy bay, nhưng tuyên bố rằng: lượng máy bay trên chưa đủ trước áp lực bảo vệ không phận hiện thời; và nước này đã ký thỏa thuận mua thêm máy bay phản lực T-50 từ Hàn Quốc và mua máy bay chiến đấu Dassault Rafale của Pháp…

Còn Philippines, dù không quân hạn chế hơn nhiều, nhưng nước này từng tuyên bố sẽ hành động để bắt kịp các nước láng giềng…Kiểu cách nói năng đó, chí ít, số “châu chấu” mà Manila vừa lòng cũng phải ngang tầm như Hà Nội.

Câu chuyện tăng chi tiêu quốc phòng, tăng cường quy mô quân sự của các nước ASEAN thời điểm này có cái mới. Nếu trước kia, việc mua sắm có phần thiên về số lượng, giữ quan hệ với các đối tác quân sự truyền thống (với nhiều nước, là Nga), thì nay, bối cảnh mới cùng những gì rút ra từ cuộc chiến Ukraine, các nước ASEAN chú trọng hơn tới chất lượng và mở rộng nguồn cung.

Như Philippines chẳng hạn, dù là nước nghèo, đã mau mắn tiếp cận, trở thành khách hàng đầu tiên mua tên lửa siêu thanh diệt hạm BrahMos từ Ấn Độ. Kế đó, Việt Nam, theo tin rò rỉ, cũng đã đàm phán và có thể mua tới 5 khẩu đội tên lửa loại này với giá khoảng 659 triệu USD. Các chuyên gia phân tích rằng, sau chuyến thăm của ông Biden, với việc nâng cấp quan hệ thành đối tác chiến lược toàn diện vừa qua, kho vũ khí của Việt Nam cũng sẽ thay đổi nhiều về cơ cấu, chủng loại, chất lượng với xuất xứ từ Mỹ.

Một quốc gia không thể không quan tâm tới năng lực quốc phòng, nhất là trong bối cảnh ngày nay. Tuy nhiên, việc tăng chi phí tới mức chóng mặt cho các hợp đồng vũ khí của nhiều nước như một cuộc đua, không chỉ phản ảnh tính phức tạp của tình hình Biển Đông, mà còn nói lên các quốc gia trong ASEAN đang thiếu niềm tin vào triển vọng và khả năng giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông. Niềm tin càng sa sút hơn khi Trung Quốc không những tỏ ra thiếu trách nhiệm trong việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) kể từ năm 2002, mà gần đây còn tung ra cái gọi là “bản đồ tiêu chuẩn” khiến nhiều nước trong khu vực phản ứng.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới