Wednesday, January 22, 2025
Trang chủQuân sựChiến lược bành trướng quân sự toàn cầu của TQ

Chiến lược bành trướng quân sự toàn cầu của TQ

Các chuyên gia và chính trị gia cho rằng, việc Trung Quốc tiếp quản cảng nước ngoài chỉ là bình phong cho việc bành trướng quân sự trên quy mô toàn cầu. Trong suốt hai thập niên, Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã rót hàng chục tỷ USD vào các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình để tài trợ cho các dự án cảng lớn dưới danh nghĩa phát triển toàn cầu, theo theepochtimes.

Mỹ đã đưa ra nhiều cáo buộc cho rằng Bắc Kinh và Phnom Penh đạt thỏa thuận cho phép Trung Quốc sử dụng căn cứ Ream.

Tuy nhiên, các chuyên gia và nhà lập pháp lo ngại rằng, ĐCSTQ có ý định mở rộng sự hiện diện quân sự trên toàn thế giới bằng cách thiết lập các căn cứ hải quân mới ở nước ngoài tại các cảng thương mại mà họ đã tài trợ và phát triển ở hải ngoại.

Theo một nghiên cứu mới của AidData, một tổ chức tư vấn chuyên phân tích chi tiêu viện trợ của chính phủ cho các dự án phát triển quốc tế, ĐCSTQ đã chi khoảng 30 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng cảng ở nước ngoài kể từ năm 2001.

Việc ĐCSTQ theo đuổi các lựa chọn xây dựng căn cứ mới là một xu hướng đáng lo ngại và đòi hỏi Quốc hội Mỹ phải hành động nhanh chóng để chống lại mối đe dọa do ĐCSTQ theo chủ nghĩa bành trướng gây ra.

Dân biểu Mike Gallagher, Chủ tịch Ủy ban Hạ viện về cạnh tranh chiến lược với ĐCSTQ, cho rằng cách duy nhất để ngăn chặn sự bành trướng như vậy là Mỹ tăng cường đầu tư quân sự và ngoại giao. Ông hy vọng những khoản chi tiêu như vậy ở các nước đối tác sẽ kiềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của ĐCSTQ.

Ông Gallagher nói với Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh rằng: “Việc ĐCSTQ mở rộng sự hiện diện hải quân ở hải ngoại là vấn đề đáng báo động và chúng ta phải ngăn chặn hành động này”.

“Để ngăn chặn những ảnh hưởng xấu và sự xâm lược quân sự của ĐCSTQ, Mỹ phải tăng cường năng lực công nghiệp – quân sự của mình đồng thời tăng cường sự hiện diện ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, mở rộng phát triển và ngoại giao với các đối tác chủ chốt để bảo đảm họ không sa vào bẫy nợ ngoại giao”.

Trung Quốc tìm cách mở rộng sức mạnh quân sự ra toàn cầu

Báo cáo của AidData, “Chăm sóc tham vọng toàn cầu”, phân tích nguồn tài trợ chính thức trong hơn 20 năm của Trung Quốc đối với các dự án cảng quốc tế. Những dự án này được cho là tạo tiền đề cho một căn cứ hải quân mới của ĐCSTQ.

Theo báo cáo, từ năm 2000 đến năm 2023, Bắc Kinh đã chi tới 29,9 tỷ USD cho các khoản vay và trợ cấp cho 123 dự án khác nhau tại 78 cảng ở 46 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Mỗi sáng kiến ​​này đều được Bắc Kinh hoặc các doanh nghiệp nhà nước hỗ trợ trực tiếp.

Điều này có nghĩa là báo cáo thậm chí không đề cập đến khoản chi tiêu tiềm tàng của các công ty ngầm không có quan hệ chính thức với chính phủ, cũng như không tính đến chương trình kết hợp quân sự – dân sự của ĐCSTQ. Các chương trình này đòi hỏi tất cả các tập đoàn tư nhân phải tham gia vào sự hợp nhất quân sự – dân sự.

Các thực thể Trung Quốc tạo ra lợi thế quân sự cho ĐCSTQ.

Ông Crespo, chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Hoa Kỳ, tin rằng nỗ lực to lớn này một phần được thúc đẩy bởi mong muốn của ĐCSTQ là khiến cho Hoa Kỳ bị đe dọa ở bất cứ đâu trên thế giới.

Ông Crespo cảnh báo: “Trung Quốc đang nhanh chóng phát triển một lực lượng hải quân biển xanh, có sức tấn công lớn, có khả năng thách thức [Mỹ] ở phía Tây Thái Bình Dương, đặc biệt là trong cuộc chiến tranh ở Đài Loan”.

“Trung Quốc từ lâu đã muốn khiến cho [Mỹ] cảm thấy như thể có một lực lượng hải quân siêu cường hiện diện ngay trước mắt mình, như thể cho phép nước này đe dọa các tuyến tiếp tế của Hoa Kỳ”.

Hiện tại, ĐCSTQ chỉ công nhận một đồn quân sự ở hải ngoại của họ ở Djibouti, thuộc vùng Sừng châu Phi. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc từ lâu đã thừa nhận mục tiêu toàn cầu lớn hơn đối với quân đội của họ và ám chỉ rằng có thể họ đang xây dựng những căn cứ như vậy.

Năm 2016, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố rằng Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các nước đối tác để xây dựng các cơ sở tương tự như ở Djibouti.

Ấn bản năm 2020 của cuốn “Khoa học Chiến lược Quân sự” của Viện nghiên cứu hàng không vũ trụ Trung Quốc cho biết rằng cần có một mạng lưới các cơ sở hải quân tầm xa mới để mở rộng tầm với của Trung Quốc.

Tài liệu nêu rõ: “Ngoài việc phát triển các tàu hỗ tống quy mô lớn, chúng ta cũng phải ưu tiên xây dựng các điểm tiếp tế toàn diện trên biển đường dài và đa kênh để bảo đảm lực lượng hải quân thực hiện các hoạt động quân sự ở nước ngoài trên đại dương”.

Ông Crespo, người từng làm tùy viên hải quân tại Cơ quan Tình báo Quốc phòng, tuyên bố rằng cần phải có một mạng lưới các địa điểm như vậy để duy trì sự hiện diện quân sự ngày càng tăng trên toàn cầu của Trung Quốc về lâu dài.

Ông Crespo nói: “Để thách thức Hải quân Hoa Kỳ trên toàn cầu, Trung Quốc cần các căn cứ để tái vũ trang, tiếp nhiên liệu, [tiếp tế] và sửa chữa hạm đội đang mở rộng nhanh chóng của mình”.

Tương tự như vậy, phân tích của AidData cũng xét đến các khoản đầu tư ở hải ngoại của ĐCSTQ trong bối cảnh đang diễn ra cuộc giằng co Mỹ – Trung để tranh giành ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu.

Ngược lại với cam kết kiên định của ông Gallagher trong việc đáp ứng sức mạnh ở khắp mọi nơi trên thế giới, nghiên cứu cảnh báo rằng chiến lược như vậy sẽ chỉ làm trầm trọng thêm căng thẳng toàn cầu.

Báo cáo nêu rõ: “Mỹ và các đồng minh phải cảnh giác và phân bổ nguồn lực một cách khôn ngoan, thúc đẩy liên minh và đối tác với các quốc gia đang có ý định xoay trục sang Trung Quốc”.

“Tuy nhiên, các liên minh phương Tây không nên phản ứng thái quá trước những báo cáo hoặc tin đồn về việc Trung Quốc thiết lập căn cứ ở nơi này hay nơi khác”.

“Việc một quốc gia hoặc liên minh phương Tây vội vã thiết lập các căn cứ mới ở nước ngoài như một biện pháp đối trọng có thể mang lại chính xác lý do hoặc sự bảo đảm mà Trung Quốc cần để xây dựng một căn cứ hải quân của riêng mình”.

Dù Hoa Kỳ áp dụng cách tiếp cận nào, thì vẫn chưa rõ căn cứ tiếp theo của ĐCSTQ sẽ được xây dựng ở đâu.

Báo cáo của AidData cho thấy, một số quốc gia là ứng cử viên hàng đầu cho cơ sở hạ tầng quân sự mới của Trung Quốc bằng cách so sánh tổng mức đầu tư vào các dự án cảng riêng lẻ cân nhắc giá trị chiến lược của vị trí địa lý, sức mạnh mối quan hệ của ĐCSTQ với giới tinh hoa địa phương, sự ổn định chính trị trong khu vực và sự liên kết bỏ phiếu của quốc gia sở tại với Trung Quốc trên trường thế giới.

Như vậy, các lựa chọn trải dài từ khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương cho đến Đại Tây Dương, mỗi khu vực đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng biệt

Căn cứ Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương có nhiều tiềm năng nhất

Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có lẽ là nơi hợp lý nhất cho một căn cứ quân sự mới.

ĐCSTQ mong muốn mở rộng phạm vi hoạt động của mình ra ngoài chuỗi đảo đầu tiên, cho phép các tàu thương mại và quân sự của họ có toàn quyền tiếp cận các đại dương. Tương tự như vậy, nước này mong muốn tăng cường kiểm soát các vùng đánh bắt cá và các nguồn tài nguyên có giá trị trên toàn khu vực, từ Biển Đông cho đến Ấn Độ Dương.

Nếu ĐCSTQ muốn khiến Hoa Kỳ và các đồng minh của nước này gặp mối đe dọa trước mắt và giành quyền kiểm soát không giới hạn đối với các tuyến đường thương mại có giá trị nhất thế giới, thì họ cần tăng cường kiểm soát ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Theo ông Sam Kessler, nhà phân tích địa chính trị tại công ty quản lý rủi ro North Star Support Group, việc thiết lập sự hiện diện ở khu vực này là bước đi hợp lý để ĐCSTQ vươn lên vị trí thống trị toàn cầu.

Ông Kessler nói: “Tại thời điểm hiện tại, Bắc Kinh đang tập trung xây dựng các căn cứ hải quân gần khu vực ảnh hưởng của họ hơn là dàn trải trên nhiều châu lục”.

Tương tự, theo báo cáo của AidData, “Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương là những môi trường hàng hải mà Trung Quốc ưu tiên cao nhất”.

Theo nghiên cứu, Hambantota ở Sri Lanka là ứng cử viên sáng giá nhất cho vị trí tiền đồn hải ngoại tiếp theo của Trung Quốc do vị trí chiến lược nằm ngoài khơi của Ấn Độ, sự nổi tiếng của chế độ này trong giới tinh hoa địa phương và thành tích bỏ phiếu phù hợp với lợi ích của ĐCSTQ trên trường quốc tế.

Trên thực tế, ĐCSTQ sở hữu hợp đồng thuê cảng Hambantota trong thời hạn 99 năm.

Hợp đồng thuê được dàn xếp để đổi lấy việc Trung Quốc giảm bớt khoản nợ hơn 1 tỷ USD mà một số nhà quan sát gọi là chính sách ngoại giao “bẫy nợ” của Trung Quốc.

Ông Kessler cũng đồng tình với điều này. Những lợi thế chiến lược và kinh tế của căn cứ Sri Lanka đơn giản là quá “béo bở” và Bắc Kinh khó có thể phớt lờ.

Ông Kessler nói: “Giống như Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, ĐCSTQ yêu cầu một mạng lưới hoặc một lá chắn bảo vệ bao quanh khu vực kiểm soát chính của họ, đó là Trung Quốc đại lục”.

“Các cảng có mức đầu tư cao như Gwadar và Hambantota phục vụ giá trị chiến lược và cho phép ĐCSTQ mở rộng khả năng triển khai sức mạnh của mình trên khắp Ấn Độ Dương, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Trung Đông và cả khu vực Á – Âu”.

Trong hai thập niên qua, Bắc Kinh đã đầu tư hơn 2 tỷ USD vào Cảng Quốc tế Hambantota, biến nơi đây thành điểm nhận đầu tư cảng lớn nhất của ĐCSTQ. Bên cạnh đó ĐCSTQ cũng đã đầu tư hơn 430 triệu USD vào Cảng Colombo lân cận của Sri Lanka, nơi có thể cung cấp và hỗ trợ các cơ sở tương tự. Cả hai đều sẽ cho phép Trung Quốc thống trị các vùng biển với tư cách là đối thủ trực tiếp của Ấn Độ.

Sri Lanka, mặc dù là một lựa chọn hiển nhiên, nhưng không phải là lựa chọn duy nhất. Báo cáo của AidData và ông Kessler nhấn mạnh rằng Bắc Kinh có thể có khả năng lựa chọn Gwadar ở Pakistan và Port Luganville ở Vanuatu, gần Úc.

Để đạt được mục tiêu đó, ĐCSTQ đã đầu tư khoảng 577 triệu USD vào Gwadar và 97 triệu USD vào cảng Luganville, mỗi nơi đều mang lại những lợi ích riêng.

Theo báo cáo, một căn cứ ở Vanuatu sẽ cho phép ĐCSTQ phá vỡ thế kìm kẹp của các lực lượng Hoa Kỳ và đồng minh, trong khi một căn cứ ở Pakistan sẽ củng cố việc mở rộng Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc sang khu vực Trung Đông và trao cho nước này quyền kiểm soát tốt hơn đối với eo biển Hormuz then chốt.

Đáng chú ý, hải quân Pakistan là khách hàng nước ngoài lớn nhất thế giới mua vũ khí Trung Quốc. Như vậy, một căn cứ hải quân ở nước này sẽ tăng cường sự hợp tác quân sự giữa quân đội hai nước và có khả năng thúc đẩy khả năng tương tác giữa các lực lượng giữa hai quốc gia.

Campuchia

Cần phải xem xét những cân nhắc khác liên quan đến khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Cụ thể là sự phát triển quân sự hiện nay có thể làm giảm hoặc tăng cường sự phát triển trong tương lai như thế nào.

“Campuchia với cảng Ream cũng có thể đóng một vai trò trong kịch bản này”, ông Kessler nói, đề cập đến việc ĐCSTQ đang tiếp tục mở rộng căn cứ quân sự Ream ở Campuchia. ĐCSTQ đang xây dựng các cơ sở nước sâu cho căn cứ hải quân lớn nhất Campuchia và có khả năng hưởng lợi từ việc tiếp cận chính cơ sở này.

Báo cáo của AidData nêu rõ: “Mặc dù khoản đầu tư chính thức cho đến nay vẫn còn nhỏ nhưng Ream, Campuchia rất có thể sẽ trở thành một căn cứ của [hải quân Trung Quốc] dưới hình thức này hay hình thức khác”.

Kể từ năm 2019, cộng đồng an ninh quốc gia Mỹ đã cảnh báo rằng Campuchia và Trung Quốc đã viết một hợp đồng bí mật cho phép Trung Quốc tiếp cận quân sự không hạn chế với cảng trên Vịnh Thái Lan sau khi hoàn thành việc mở rộng Ream.

Việc mở rộng và hiện đại hóa căn cứ sẽ tăng kích thước của các tàu phục vụ ở đó lên gấp 5 lần, từ những chiếc có lượng giãn nước 1.000 tấn cho đến những chiếc có lượng giãn nước 5.000 tấn.

Điều đó có nghĩa là cảng vẫn còn quá nhỏ để có thể tiếp nhận các tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường Type 055 mới nhất của Trung Quốc, nhưng nó sẽ có thể tiếp nhận các tàu khu trục nhỏ hơn, bao gồm cả những tàu được trang bị tên lửa chống hạm và hệ thống tác chiến điện tử.

Cảng này nằm ở Biển Đông, nơi Trung Quốc liên tục đưa ra các yêu sách bất hợp pháp nhằm mở rộng lãnh thổ thông qua các “quyền lịch sử” bịa đặt và việc xây dựng các đảo nhân tạo mà nước này tuyên bố là một phần lãnh thổ hợp pháp của mình.

Trung Quốc đã đầu tư 6,9 tỷ USD vào các dự án cảng ở 9 quốc gia Tây Phi: Angola, Cameroon, Bờ Biển Ngà, Guinea Xích Đạo, Ghana, Guinea-Bissau, Mauritania, Nigeria và Sierra Leone.

Theo ông Alexander Wooley, một phóng viên hải quân lâu năm, đồng thời là giám đốc quan hệ đối tác và truyền thông của Dự án AidData, một tổ chức tư vấn chuyên nghiên cứu về đóng góp của chính phủ cho các sáng kiến phát triển, dòng tiền và các nguồn lực khác từ Trung Quốc đến các nước Tây Phi ngụ ý rằng sự bành trướng của ĐCSTQ đang tiến triển tốt đẹp.

Phát biểu tại một sự kiện của The Heritage Foundation vào ngày 15/8, ông Wooley nói: “Trung Quốc sẽ đặt một căn cứ ở đâu đó trong khu vực này. Tuy nhiên, họ không hé lộ đó là quốc gia nào”.

Nhưng có những dấu hiệu và phân tích của AidData chỉ ra rằng, Guinea Xích Đạo và Cameroon có thể là những đối thủ cạnh tranh. Trung Quốc đã đầu tư hơn 659 triệu USD vào Bata, Guinea Xích đạo và hơn 1,3 tỷ USD vào Kribi, Cameroon để cải thiện cảng.

Cả hai địa điểm này sẽ cung cấp cho ĐCSTQ khả năng tiếp cận Vịnh Guinea vô song, củng cố Trung Quốc trở thành quốc gia thu hút đầu tư nước ngoài vào thị trường đang phát triển nhanh chóng của châu Phi, đồng thời mang lại cho ĐCSTQ một chỗ đứng trên Đại Tây Dương.

Báo cáo nêu rõ: “Một căn cứ hải quân của Trung Quốc ở Tây hoặc Trung Phi sẽ đặt Hải quân TQ trong khoảng cách dễ dàng tấn công Hoa Kỳ và các quốc gia thành viên NATO”.

Để đạt được mục tiêu đó, một vị tướng hàng đầu của Mỹ đã tuyên bố vào năm ngoái rằng, Bata dường như là nỗ lực thành công nhất của chế độ này nhằm mở rộng sự hiện diện quân sự ở châu Phi.

Tương tự, Kribi hiện có vùng nước đủ sâu và cảng đủ dài để tiếp nhận các tàu chiến lớn nhất của Trung Quốc.

Ông Kessler cho biết thêm: “Cả cảng Bata và Kribi đều đưa ra những điều kiện hấp dẫn để Bắc Kinh thiết lập căn cứ cũng như mối quan hệ lâu dài với lãnh đạo của họ”.

“Tuy nhiên, mục tiêu chính của ĐCSTQ sẽ luôn là duy trì cũng như mở rộng phạm vi ảnh hưởng của họ. Về căn cứ hải quân, họ có nhiều khả năng xây dựng từ bên trong và sau đó mở rộng ra bên ngoài”.

Cạnh tranh Mỹ – Trung mang tính chất toàn cầu

Theo phân tích của AidData, bất cứ nơi nào Hoa Kỳ biết về các khoản đầu tư của ĐCSTQ, nước này chắc chắn sẽ cố gắng thúc đẩy chính quyền địa phương thực hiện các mục đích riêng của mình.

Những nỗ lực như vậy dường như đang được tiến hành trên toàn thế giới, kể cả ở sân sau của Hoa Kỳ. Ví dụ, chế độ này đã đạt được một thỏa thuận với Cuba để xây dựng một căn cứ gián điệp chỉ cách bờ biển Florida 100 dặm.

Để đạt được mục tiêu đó, ĐCSTQ cần phải thận trọng trong việc duy trì thế trận phòng thủ, đặc biệt nếu họ có ý định xây dựng căn cứ này trước khi xâm chiếm Đài Loan.

Nghiên cứu lưu ý: “Một cảnh báo quan trọng đối với Trung Quốc là hiện tại không có cảng nào nêu trên có thể phòng thủ được về mặt quân sự”, đồng thời cho biết thêm rằng “trong tình huống xung đột, chúng sẽ trở thành mục tiêu có giá trị cao đối với kẻ thù”.

Tuy nhiên, ĐCSTQ đang phải đối mặt với nhiều thách thức. ĐCSTQ thiếu nhiều đồng minh chính thức mà Mỹ có. Điều đó có nghĩa là nước này không thể chỉ mong đợi sự hiện diện quân sự của mình được hoan nghênh ở mọi nơi trên thế giới trừ khi nước này có thể xây dựng các căn cứ riêng để bảo đảm sự bảo vệ bằng vũ lực.

Ông Wooley nói: “Họ không thuộc về một liên minh phòng thủ điển hình như NATO hoặc AUKUS. Vì vậy họ không có mối quan hệ với các quốc gia có sân chơi bình đẳng về mối quan hệ nơi họ có thể đặt tàu của mình như hạm đội Hoa Kỳ ở Napoli chẳng hạn”.

“Nếu họ muốn triển khai tàu xa hơn, họ không có những mối quan hệ như vậy với một đồng minh, với một căn cứ hải quân của quốc gia sở tại. Họ không có nhiều tàu tiếp tế như các lực lượng hải quân hiện đại khác, vì vậy thật hợp lý khi họ tìm một nơi để thành lập căn cứ hải quân”.

Cuối cùng, ông Wooley nói rằng, ĐCSTQ có thể sẽ tiếp tục mở rộng hạm đội hải quân của mình trong thập kỷ tới. Trong khi đó, ưu thế về số lượng sẽ làm tăng nhu cầu về các cơ hội đặt trụ sở mới ở hải ngoại.

Ông Wooley nói: “Tôi nghĩ rằng sự phát triển của hải quân Trung Quốc sẽ tiếp tục trong thập kỷ tới là điều tất yếu”.

Ông lập luận: “Hơi khó để tưởng tượng rằng họ sẽ không có một căn cứ hải quân nào ở hải ngoại ngoài Djibouti”.

Tại Hoa Kỳ, giới lãnh đạo hiện buộc phải ước tính xem căn cứ tiếp theo của Trung Quốc sẽ được xây dựng ở đâu, đồng thời ngăn chặn việc xây dựng căn cứ này.

Vì vậy, ông Kessler cho biết, giới lãnh đạo Hoa Kỳ sẽ cần phải thích ứng – và thích ứng nhanh chóng – với những thay đổi trong tư duy chiến lược và các giải pháp thay thế của Trung Quốc.

Ông Kessler kết luận rằng, Hoa Kỳ và các đồng minh của họ sẽ không chỉ cần bắt kịp mà còn phải điều chỉnh các cách tiếp cận, tư duy, chiến lược và chiến thuật để giảm thiểu hoặc ngăn chặn những mô hình này. Nỗ lực đó sẽ kìm hãm sự bành trướng của ĐCSTQ trong thời gian dài.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới