Sunday, November 17, 2024
Trang chủPháp luật biểnVăn bản pháp lý quốc tếGiá trị Phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ kiện giữa...

Giá trị Phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ kiện giữa Philippines và TQ về Biển Đông sau 7 năm

Nhân 7 năm ngày Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Philippin và Trung Quốc ra Phán quyết, ngày 12/7/2023, Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Stratbase ADR (ADRi) đã tổ chức hội thảo với chủ đề ”Năm thứ 7 của Chiến thắng tại La Hay (the Hague): Bảo vệ biển Tây Philippines (Biển Đông), Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trật tự quốc tế dự trên luật lệ” để tri ân tới cố Ngoại trưởng Philippin Albert del Rosario – một nhân vật chủ chốt đưa vụ kiện ra  giải quyết tại Tòa Trọng tài và là tấm gương nhắc nhở Philippines không đầu hàng trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục những hành động gia tăng căng thẳng tại khu vực nói chung và Biển Tây Philippines nói riêng.

Sự kiện lần này cũng có sự góp mặt của Đại sứ các nước, các quốc gia như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Pháp, Anh, Ấn Độ; Đại sứ Philippines tại Mỹ, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) và nhiều các học giả từ nhiều nơi trên thế giới.

Mở đầu hội thảo, Giáo sư Victor Andres c. Manhit, Người sáng lập, Giám đốc điều hành ADRi, nhấn mạnh trong những năm qua, an ninh hàng hải đã trở thành mối quan tâm chính ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tranh chấp lãnh thổ, các hành vi trái pháp luật gây mất an toàn hàng hải và các hoạt động phi pháp trong lĩnh vực thủy sản đã ảnh hưởng đến các nỗ lực toàn cầu nhằm thúc đẩy một trật tự hàng hải dựa trên luật lệ. Sự phức tạp ngày càng gia tăng của cấu trúc an ninh khu vực do chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc gây ra cũng đã làm suy yếu năng lực của các quốc gia trong việc quản lý và giải quyết các vấn đề một cách tập thể.

Theo giáo sư Manhit, tuy đã bảy năm kể từ ngày Phán quyết được đưa ra và phần thắng thuộc về Philippines, Philippines vẫn chưa có được sự an tâm về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn ngoan cố từ chối công nhận thẩm quyền của Tòa Trọng tài. Tuy nhiên, ngày 12/7 sẽ luôn là một dấu mốc quan trọng trong cuộc đấu tranh của Philippines do Phán quyết đã tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc cho yêu sách của Philippines tại Biển Đông. Chiến thắng lịch sử này khẳng định lập trường chính nghĩa của Philippines dựa trên luật pháp quốc tế. Bất chấp sự thách thức liên tục từ phía Trung Quốc cũng như sự không coi trọng của chính quyền Tổng thống tiền nhiệm, Philippines phải tái khẳng định tính đây là Phán quyết ’’cuối cùng, mang tính ràng buộc và không thể đảo ngược”

Để khẳng định chiến thắng của mình, Philippines cũng phải đối mặt với những rủi ro địa chính trị và địa kinh tế[1] ảnh hưởng trực tiếp các chính sách của quốc gia và quan hệ quốc tế.

Tuy nhiên Philippines đã và đang nhận được rất nhiều sự ủng hộ đối với Phán quyết của các quốc gia đối tác, bạn bè quốc tế. Chỉ trong năm 2023, các thành viên của Nhóm G7[2] và Đối thoại An ninh bộ Tứ[3] dứt khoát ủng hộ lời kêu gọi của Philippines về một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Giáo sư Manhit khẳng định đây không hề là những thông điệp hỗ trợ trống rỗng mà là sự chân thành của bạn bè và đồng minh của Philippines liên tục được chứng minh thông qua hành động giúp Philippines tăng cường khả năng quốc phòng và an ninh gần đây.

Tất cả những điều trên phù hợp với lời hứa của Tổng thống Marcos, ngay từ đầu nhiệm kỳ của mình, khẳng định sẽ ‘‘không từ bỏ dù chỉ một tấc lãnh thổ” của Cộng hòa Philippines cho bất kỳ thế lực nước ngoài nào. Ông cũng đảm bảo rằng sẽ không để Philippines lệ thuộc vào bất kỳ thế lực bên ngoài nào có thể định hướng hoặc quyết định vận mệnh của Philippines .

Gần đây nhất, Bộ trưởng Quốc phòng mới được bổ nhiệm Gilbert Teodoro cho biết ông muốn hỗ trợ tăng cường khả năng phòng thủ bên ngoài của Philippines, tin rằng điều này có thể được thực hiện mà không phải hy sinh an ninh nội bộ. Bộ trưởng Teodoro đã khẳng định “Lãnh thổ của Philippines là lãnh thổ của Philippines”, “UNCLOS 1982 không thể bị thay đổi theo thời gian, cũng như không thể bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi trong chính quyền”.[4]

Hơn nữa, người dân Philippines đang ngày càng ủng hộ Chính phủ Philippines khẳng định quyền chủ quyền của mình đối với Biển Tây Philippines như quy định trong phán quyết của Tòa Trọng tài. Trong một cuộc khảo sát năm 2016 của Pulse Asia, 84% người Philippines đồng ý với quan điểm này, tỷ lệ này đã tăng lên 89% vào năm 2022. Các quốc gia có cùng quan điểm cũng được người dân Philippines đánh giá cao: 74% đối với Mỹ, 48% đối với Úc, 42% đối với Singapore và 32% đối với Nhật Bản.

Về phía các quốc gia khác, tại Hội thảo, Đại sứ các nước Mỹ, Hàn Quốc, Úc, Nhật Bản, EU, Pháp, Anh, Ấn Độ cũng đã có bài phát biểu với nội dung chính nhấn mạnh sẽ tiếp tục hợp tác với Philippines để đảm bảo Phán quyết trọng tài năm 2016 được “thực hiện đúng” và “tuân thủ đúng”.

Đại sứ Mỹ tại Philippines MaryKay L. Carlson khẳng định luật pháp quốc tế là tinh hoa từ các thỏa thuận và tiêu chuẩn ứng xử điều chỉnh các mối quan hệ giữa các quốc gia có chủ quyền qua nhiều thế kỷ, giúp củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ. Tám năm trước vào ngày 7/7/2015, cố Bộ trưởng Ngoại giao Albert Del Rosario đã trích dẫn câu nói “sức mạnh cân bằng của luật pháp quốc tế cho phép kẻ yếu thách thức kẻ mạnh trên cơ sở bình đẳng, tin tưởng vào niềm tin rằng các nguyên tắc sẽ chiến thắng quyền lực”; luật pháp sẽ chiến thắng vũ lực; và quyền chính đáng sẽ chiếm ưu thế hơn sức mạnh. Cũng như Philippines, Mỹ tin rằng tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, phải tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế.

Phán quyết trọng tài năm 2016 mà Bộ trưởng Del Rosario ủng hộ bắt nguồn từ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ đã mang lại hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho các quốc gia của chúng ta trong nhiều thập kỷ. Công ước Luật biển năm 1982, với các điều khoản được tòa trọng tài áp dụng và chứng minh, là nền tảng cho việc sử dụng các đại dương trên thế giới một cách hòa bình. Đại sứ Carlson khẳng định hòa bình và ổn định ở Biển Đông vô cùng quan trọng với toàn thế giới, bao gồm cả nền kinh tế toàn cầu. Mỹ có lợi ích chiến lược trong việc bảo vệ quyền của tất cả các quốc gia trong lĩnh vực hàng hải, bao gồm quyền của các bên yêu sách ở Biển Đông được thực thi quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, và của tất cả những người sử dụng biển để thực hiện quyền tự do hàng hải và hàng không và các hoạt động sử dụng biển hợp pháp khác.

Các Đại sứ đều có đồng quan điểm về việc Biển Đông đã trở thành một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới. Biển Đông có tổng thương mại hàng năm ước tính hơn 3,000 tỷ đô la Mỹ[5]. Với kết luận của Tòa Trọng tài 2016, Philippines đã có được một Phán quyết cuối cùng có tính ràng buộc về mặt pháp lý xác nhận các quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước này đối với Vùng Đặc quyền Kinh tế và thềm lục địa của mình, xác định các yêu sách hàng hải của CHND Trung Hoa và các hành động nhằm thực thi các yêu sách đó ở Nam Biển Đông trái với luật pháp quốc tế.

Về phía Bộ Ngoại giao Philippines, tại Hội thảo, Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Theresa Lazaro đã có bài phát biểu tham luận, khẳng định tầm quan trọng của Phán quyết, giúp củng cố UNCLOS và các cơ chế giải quyết tranh chấp, giúp giải quyết dứt điểm tình trạng của các quyền lịch sử và quyền lợi hàng hải ở Biển Đông và tuyên bố các yêu sách không có hiệu lực pháp lý vượt quá các quyền được hưởng ngoài các giới hạn địa lý và nội dung do UNCLOS đặt ra. Phán quyết giờ đây là một phần của luật pháp quốc tế.

Ngày 12/7 như một mốc son nhắc nhở Philippines về con đường đã chọn trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Trong quyết định đệ đơn kiện ra trọng tài, Philippines đã chọn con đường dựa trên nguyên tắc, pháp quyền và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Quyết định của Toà án khẳng định tính đúng đắn của quá trình hành động đó. Kể từ đó, Phán quyết đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc vạch ra các con đường và quỹ đạo mới, phản ánh di sản hàng hải phong phú của đất nước và nhân dân Philippines, với niềm tin vững chắc rằng các quyền của Philippines đối với các khu vực tài phán hàng hải của Philippines là không thể tranh cãi.

Trong tuyên bố kỷ niệm 7 năm Phán quyết, Ngoại trưởng Philippines Enrique A. Manalo cũng khẳng định Philippines hoan nghênh ngày càng có nhiều đối tác bày tỏ sự ủng hộ đối với Phán quyết. Philippines rất vinh dự khi Phán quyết là ngọn hải đăng có ánh sáng dẫn đường phục vụ tất cả các quốc gia. Đó là một cột mốc đóng góp cho sự phát triển tiến bộ của luật pháp quốc tế. Phán quyết sẽ tiếp tục soi sáng con đường cho tất cả những ai nỗ lực hướng tới không chỉ giải pháp hòa bình cho các tranh chấp mà còn duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Philippines sẽ tiếp tục biến các kết quả tích cực của Phán quyết thành lợi ích tích cực cho người dân của Philippines để đảm bảo lợi ích hợp pháp của Philippines  trong lĩnh vực hàng hải và thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực của Philippines./.

              

[1] Bao gồm quốc phòng, công nghệ thông tin và truyền thông, cơ sở hạ tầng, y tế, quản trị, du lịch, thương mại và đầu tư, năng lượng, sản xuất và môi trường.

[2] Bao gồm Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý và Nhật Bản

[3] Bao gồm Hoa Kỳ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản

[4]  Filane Mikee Cervantes. PH didn’t surrender “a single inch of territory” in WPS: Locsin, August 31, 2021.

https://www.pna.gov.ph/articles/1152107

[5] Hơn một nửa số tàu chở dầu và các nguyên liệu thô khác của thế giới đi qua Biển Đông, chiếm 12% sản lượng đánh bắt cá toàn cầu, ước tính tạo ra 100 tỷ đô la hàng năm hay 5,5 nghìn tỷ peso, hỗ trợ sinh kế của 3,7 triệu người và nhu cầu ăn uống của hàng triệu người khác. Lưu vực Biển Đông được ước tính chứa 11 tỷ thùng dầu chưa khai thác và 190,000 tỷ feet khối khí đốt tự nhiên. Thêm vào đó Biển Đông còn là một tuyến đường quan trọng đối với các dây cáp ngầm dưới biển và do đó đóng vai trò then chốt đối với luồng dữ liệu an toàn liên tục.

RELATED ARTICLES

Tin mới