Trước những diễn biến căng thẳng trên Biển Đông và các hành động o ép của Trung Quốc đối với Philippines như trong giai đoạn vừa qua, Philippines không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải củng cố tiềm lực quốc phòng của mình trong đó có việc mua tên lửa siêu thanh BrahMos của Ấn Độ và mới đây đã quyết định mua chiếc tàu ngầm đầu tiên.
Tập đoàn Hải quân Pháp, một trong những ứng cử viên hàng đầu được chọn, đã đề nghị bán tàu ngầm Scorpene để biến Hải quân Philippines thành một lực lượng quan trọng trong khu vực. Quốc gia Đông Nam Á này cũng nhận được những đề xuất từ DSME của Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga để phát triển tàu ngầm cho Hải quân Philippines. Cùng với kế hoạch mua tàu ngầm, Philippines cũng nghiên cứu khả năng đào tạo lực lượng. Trong một cuộc họp báo nhân lễ kỷ niệm 125 năm thành lập Hải quân Philippines, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã phát biểu: “Hiện có một kế hoạch. Nhưng kế hoạch đó vẫn đang trong quá trình triển khai. Vận hành một tàu ngầm không phải là chuyện nhỏ. Đó là một trách nhiệm và cam kết to lớn do nó đòi hỏi cần có đào tạo chuyên sâu, thiết bị chuyên dụng và các yêu cầu vận hành quan trọng”.
Theo một số nguồn tin, Hải quân Philippines đã gửi quân nhân của họ tới Pháp để được đào tạo theo theo yêu cầu trước khi mua tàu ngầm. Điều này cho thấy Tập đoàn Hải quân Pháp chính là lựa chọn hàng đầu, với mẫu tàu ngầm diesel-điện (SSK) lớp Scorpene được đề xuất. Mẫu tàu ngầm này đã được Brazil, Chile, Ấn Độ và Malaysia lựa chọn. Hải quân Philippines đã bắt đầu phát triển lực lượng tàu ngầm từ năm 2015 khi cử nhân viên sang đào tạo tại cơ sở của Tập đoàn Tư vấn công nghiệp quốc phòng Pháp (Tập đoàn DCI). Một đoàn gồm 31 thủy thủ sẽ được huấn luyện để điều khiển tàu ngầm Scorpene mà Tập đoàn Hải quân Pháp đang đề xuất bán cho Hải quân Philippines. Con tàu này có khả năng hoạt động trên biển trong 80 ngày. Biến thể tàu ngầm này tương tự như những chiếc do Brazil vận hành. Tàu này được trang bị 6 ống phóng ngư lôi và có thể triển khai tổng cộng 18 quả đạn. Tàu còn được trang bị tên lửa chống hạm SM 39 Exocet và ngư lôi hạng nặng F21.
Mặc dù đã có ý định từ lâu, song kế hoạch mua tàu ngầm của Philippines vẫn chưa được thực hiện do ngân sách quốc phòng hạn chế. Ước tính ngân sách để mua 2 tàu ngầm vào khoảng 70-100 tỷ Peso Philippines (1,25-1,8 tỷ USD). Việc mua sắm này là một phần trong kế hoạch hiện đại hóa hải quân Horizon 3 (giai đoạn 2023-2028). Sau khi thỏa thuận được ký kết, sẽ phải mất 5 năm hoặc hơn để chiếc tàu ngầm đầu tiên chính thức gia nhập hạm đội của Philippines. Tập đoàn Hải quân Pháp không đồng ý đóng tàu ở Philippines, song tập đoàn này đề xuất cung cấp khóa đào tạo chuyên sâu kéo dài 4 năm cho các nhân viên của Philippines.
Là nước có tranh chấp lớn thứ 2 với Trung Quốc ở Biển Đông, song so với các nước ven Biển Đông khác như Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Singapore thì Philippines là nước có sức mạnh quân sự kém nhất. Trong khi các nước đó đều có tàu ngầm (Việt Nam có 6 tàu ngầm Kilo; Indonesia có 4 tàu ngầm tấn công diesel-điện; Malaysia có 2 tàu ngầm và đã có kế hoạch mua thêm 2 tàu ngầm; Singapore sở hữu 4 tàu ngầm tấn công diesel-điện, gồm 2 chiếc lớp Challenger, 2 chiếc lớp Archer và đang đặt mua thêm 4 tàu ngầm lớp Invincible của Đức) thì Philippines chưa có tàu ngầm. Hải quân của Philippines không thể so sánh với Hải quân các nước ven Biển Đông khác như Việt Nam, Singapore, Malaysia, Indonesia, do vậy thời gian gần đây Philippines là nước bị Bắc Kinh bắt nạt nhiều nhất.
Trong bối cảnh, Bắc Kinh đang “chĩa mũi dùi” của sự gây hấn hung hăng vào Manila ở Biển Đông do nước này tăng cường quan hệ quân sự mạnh mẽ với Mỹ thì việc chính quyền Tổng thống Marcos Jr. đưa ra quyết định mua sắm tàu ngầm vào thời điểm này là khá hợp lý. Giới chuyên gia cho rằng chiến thuật hiếu chiến của “gã khổng lồ châu Á” cũng đã khiến Marcos Jr. chuyển hướng mạnh sang Mỹ như Bộ Ngoại giao Philippines mới đây cho biết mối quan hệ song phương với Mỹ “hiện đang ở trạng thái rất tốt”; ngoài ra, Manila còn chủ động thúc đẩy quan hệ quốc phòng và an ninh biển với 2 đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Úc.
Trong khi đó, nhà quân sự nhận định cho dù Philippines đã nhận được sự cam kết mạnh hơn về bảo đảm an ninh từ Mỹ ở Biển Đông sau khi Washington công bố “Hướng dẫn phòng thủ song phương” Mỹ – Philippines hồi đầu tháng 5, song nếu Philippines không có một lực lượng quốc phòng, nhất là hải quân đủ mạnh thì Manila cũng khó mà ứng phó được với sự lấn lướt của Bắc Kinh. Đây chính là lý do vì sao Philippines tập trung tăng cường tiềm lực quốc phòng trong thời gian gần đây từ mua tên lửa siêu thanh BrahMos của Ấn Độ đến quyết định mua tàu ngầm đầu tiên.