Wednesday, January 22, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiQuan hệ đối tác chiến lược toàn cầu Mỹ- Ấn và hệ...

Quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu Mỹ- Ấn và hệ lụy đối với Biển Đông

Từ 21 đến 24/6/2023, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có chuyến thăm chính thức cấp nhà nước đầu tiên tới Mỹ. Ông Modi đã nhiều lần đến Mỹ, song đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Ấn Độ sau 14 năm kể từ chuyến thăm của cựu Thủ tướng Manmohan Singh năm 2009.

Washigton đãi dành sự quan tâm chưa từng có cho của ông Modi trong chuyến thăm lần này với nghi thức ngoại giao cao cấp nhất của Mỹ (ông Biden đã có hai bữa tối với ông Modi – một thân mật và một dạ tiệc). Tổng thống Biden nói khi chào đón Thủ tướng Modi đến Nhà Trắng: “Những thách thức và cơ hội mà thế giới phải đối mặt trong thế kỷ đòi hỏi Ấn Độ và Mỹ phải hợp tác và cùng nhau lãnh đạo, và chúng ta đang làm như vậy”.

Thông điệp trên đã được Tổng thống Biden thể hiện trong suốt chuyến thăm của Thủ tướng Modi ở Mỹ. Giói chuyên gia cho rằng mặc dù giữa Washington và New Delhi còn có những khác biệt trên vấn đề nhân quyền hay quan điểm về cuộc chiến ở Ukraine hiện nay, song Nhà Trắng đã gạt bỏ tất cả những khác biệt đó để trải thảm đỏ đón tiếp ông Modi. Về mặt lễ tân, đáng chú ý, phía Mỹ đã dành cho Thủ tướng Modi ngoại lệ khi mời ông Modi phát biểu trước Quốc hội Mỹ, điều thông thường chỉ được dành cho một nhà lãnh đạo của quốc gia đồng minh khi thăm Mỹ. Qua đó có thể thấy trên thực tế Mỹ đã coi Ấn Độ ngang hàng với các đồng minh quan trọng của mình.

Sau khi Biden và Modi gặp riêng trong hơn 2 giờ, hai bên đã ra Tuyên bố chung khẳng định lại những kết quả đã đạt được trong chuyến thăm lần này tới Mỹ của Thủ tướng Modi. Theo đó, hợp tác công nghệ sẽ đóng vai trò then chốt trong việc củng cố mối quan hệ đối tác giữa hai nước. Tuyên bố chung nêu rõ quan hệ đối tác quốc phòng Mỹ-Ấn Độ đã trở thành một trụ cột của hòa bình và an ninh toàn cầu. Thông qua các cuộc diễn tập quân sự chung, củng cố hợp tác công nghiệp quốc phòng, đối thoại cấp bộ trưởng 2+2, và các cơ chế tham vấn khác, hai nước đã đạt được tiến triển quan trọng trong việc xây dựng một mối quan hệ đối tác quốc phòng tiên tiến và toàn diện qua đó quân đội hai nước đã phối hợp chặt chẽ trong mọi lĩnh vực.

Hai bên đã công bố một loạt các thỏa thuận quan trọng về chất bán dẫn, khoáng sản, công nghệ và thỏa thuận về hợp tác không gian cùng các thỏa thuận về hợp tác và mua sắm quốc phòng. Theo đó, một số thỏa thuận được cho là nhằm mục đích tăng cường hợp tác giữa hai nước trong đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm lệ thuộc vào Trung Quốc. Hợp tác quốc phòng chiếm một vị trí trung tâm trong chuyến thăm của ông Modi tới Mỹ lần này. Hai bên tập trung vào 4 trọng tâm là hợp tác công nghệ quốc phòng, tác chiến trên không và các hệ thống cơ động trên đất liền, tình báo và trinh sát kỹ thuật (ISR), hợp tác nhận biết về lĩnh vực dưới mặt biển (UDA). Mỹ chia sẻ công nghệ các động cơ của GE (General Electric) để sử dụng trong các động cơ máy bay chiến đấu của quân đội Ấn Độ; cũng như hợp tác sản xuất các thiết bị quân sự. Ngoài ta, hai bên đã ký một thỏa thuận được gọi là Sáng kiến về công nghệ trọng yếu và mới nổi. Sau 3 ngày làm việc tại Mỹ, Thủ tướng Modi trở về Ấn Độ với 5 chương trình hợp tác quốc phòng với Mỹ, 7 thoả thuận đầu tư vào Ấn Độ trong các lĩnh vực công nghệ cao và công nghệ không gian, 8 chương trình hợp tác phát triển năng lượng sạch.

Lãnh đạo hai nước khẳng định quyết tâm tăng cường hợp tác an ninh hàng hải, đồng thời hoan nghênh việc thiết lập đối thoại trong những lĩnh vực quốc phòng mới bao gồm vũ trụ và AI. Hai bên đạt nhất trí về việc các tàu của Hải quân Mỹ trong khu vực có thể ghé vào các xưởng đóng tàu của Ấn Độ để “Bảo trì, Sửa chữa và Đại tu” (MRO), nội dung mà Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã trao đổi với người đồng cấp Mỹ Austin trong chuyến thăm New Delhi nhằm đưa Ấn Độ trở thành trung tâm hậu cần quân sự lớn đáp ứng yêu cầu không chỉ cho quân đội Ấn Độ mà còn cả quân đội Mỹ.

Tuyên bố chung nhấn mạnh rằng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ cần phải được tôn trọng trên cơ sở Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, và tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước. Mỹ và Ấn Độ tái khẳng định quyết tâm chống lại mọi nỗ lực nhằm đơn phương phá hoại hệ thống đa phương. Trong bối cảnh đó, hai bên tiếp tục cam kết đối với nghị sự cải cách Liên Hợp Quốc toàn diện bao gồm thông qua việc mở rộng thành viên thường trực và không thường trực của Hội đồng Bảo an. Tổng thống Biden bày tỏ sự ủng hộ Ấn Độ trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an đồng thời hoan nghênh Ấn Độ ứng cử trở thành thành viên không thường trực của tổ chức này, nhiệm kỳ 2028-2029.

Liên quan tới Biển Đông và khu vực, Tổng thống Biden và Thủ tướng Modi cảnh báo về sự gia tăng căng thẳng và các hành động gây mất ổn định ở Biển Hoa Đông và Biển Đông; nhắc lại cam kết đối với một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, bao trùm, hòa bình và thịnh vượng với việc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và luật pháp quốc tế. Hai bên bày tỏ quan ngại đối với các hành động cưỡng ép và căng thẳng gia tăng, đồng thời phản đối mạnh mẽ các hành động gây bất ổn hoặc đơn phương nhằm tìm cách thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt được thể hiện trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS), cũng như duy trì tự do hàng hải và hàng không, giải quyết các thách thức đối với trật tự hàng hải dựa trên luật lệ bao gồm ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau hội đàm, Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh, quan hệ Mỹ – Ấn Độ là mối quan hệ đối tác có ý nghĩa quan trọng nhất thế giới, đang trở nên mạnh mẽ hơn, gần gũi và năng động hơn bất cứ thời điểm nào trong lịch sử. Ông cũng kỳ vọng với chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ, quan hệ hai nước sẽ được nâng lên một tầng nấc mới. Trong khi đó, Thủ tướng Narendra Modi nêu bật những thành tựu trong quan hệ hai nước, đặc biệt là về hợp tác kinh tế, thương mại, an ninh, quốc phòng. Ông khẳng định, các cuộc thảo luận và những quyết định quan trọng mà hai bên đưa ra tại cuộc hội đàm đã thêm một chương mới vào quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu giữa hai nước.

Đánh giá về kết quả chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Modi, giới quan sát nhận định chuyển thăm đã nâng mối quan hệ hợp tác Mỹ – Ấn lên một tầm cao mới, lòng tin và hàm lượng hợp tác chiến lược giữa Mỹ và Ấn Độ đã tăng lên rất mạnh. Kết quả chuyến thăm đã giúp nâng cao khả năng răn đe của Ấn Độ đối với các thách thức ở khu vực. Điều này khiến Ấn Độ có thể chia sẻ gánh nặng với Mỹ ở khu vực, sẵn sàng cùng nhau ngăn chặn các hành vi gây hấn và bảo đảm lợi ích chung ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Mặc dù không nêu đích danh, nhưng rõ ràng là một trong những đối thủ mà cả Mỹ lẫn Ấn Độ đều nhắm vào là Trung Quốc, nước có sức mạnh kinh tế và quân sự đang ngày càng tăng.

Đánh giá về chuyến thăm, Ngoại trưởng Ấn Độ Vinay Kwatra cho biết kết quả chuyến thăm là “thực sự đột phá” và New Delhi tự tin rằng nó sẽ giúp đưa mối quan hệ với Washington lên “tầm cao hơn”. Ông nói với các phóng viên: “Sự phong phú về hình thức và nội dung của chuyến thăm rõ ràng nói với bạn rằng đó là một điểm đặc biệt, mang tính bước ngoặt, đột phá”. Phát biểu trước chuyến thăm, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nhấn mạnh: “Chuyến thăm này không liên quan gì đến Trung Quốc. Nhưng câu hỏi về vai trò của Trung Quốc trong các lĩnh vực quân sự, công nghệ, kinh tế nằm trong chương trình nghị sự”. Ông Michael Kugelman, Giám đốc Viện Nam Á tại Trung tâm Wilson của Mỹ, nói hợp tác quốc phòng giữa hai quốc gia “đã đi qua một chặng đường dài”. Ông nhấn mạnh: “Nếu bạn nhìn vào ghi chép theo dõi gần đây, người ta có thể lập luận rằng cách đối xử mà Mỹ dành cho Ấn Độ không khác với những gì họ làm cho nhiều đồng minh khác của mình”. Vậy yếu tố nào là “chất xúc tác” gắn kết quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ? Chúng ta cùng phân tích.

Về phía Mỹ, trong cuộc cạnh tranh địa chiến lược ở khu vực, chính quyền Biden coi Trung Quốc là đối thủ lâu dài nghiêm trọng và là thách thức lớn nhất với việc Bắc Kinh càng lúc càng đe dọa vai trò lãnh đạo của Washington trên thế giới. Tình thế đó đã thúc đẩy giới lãnh đạo Mỹ củng cố thêm các liên minh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhằm mục tiêu ngăn chặn Trung Quốc. Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là khu vực Mỹ cần đến ảnh hưởng của Ấn Độ hơn bất kỳ nơi nào khác vào lúc này. Mỹ từ lâu đã coi Ấn Độ là đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Đặc biệt, khi Ấn Độ và Trung Quốc gia tăng mâu thuẫn ở khu vực biên giới, đây lại là cơ hội để gia tăng mối quan hệ Mỹ-Ấn và Ấn Độ trở thành bức tường thành cho các quốc gia cam kết chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc.

Các quan chức ở Washington hiểu rõ rằng Ấn Độ sẽ không bao giờ là một đồng minh hiệp ước theo cách của Nhật Bản hay Australia, thế nhưng là nước đông dân nhất thế giới (1,4 tỷ người) và cũng là đối thủ của Trung Quốc, Ấn Độ nghiễm nhiên trở thành đối tác quan trọng nhất của Mỹ trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Ely Ratner nhấn mạnh: “Bạn đã nghe chúng tôi nói rất nhiều về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Một Ấn Độ hùng mạnh và quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa Mỹ và Ấn Độ là trọng tâm để đạt được tầm nhìn đó. Đó là lý do tại sao, mối quan hệ này lại rất quan trọng”. Theo ông Vaïju Naravane, nhà báo Ấn Độ và chuyên gia về các vấn đề chính trị và ngoại giao: “Nhà Trắng muốn xây dựng Ấn Độ thành một bức tường thành chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc và điều đó đòi hỏi phải hiện đại hóa năng lực quân sự của Ấn Độ. Chính vì vậy mà Washington sẵn sàng dành cho New Delhi nhiều ưu đãi trong việc nâng cấp nền quốc phòng Ấn Độ”.

Về phía Ấn Độ, lâu nay đã phải đối mặt với một láng giềng Trung Quốc không ngừng thể hiện tham vọng bá quyền. Giữa hai bên đã từng nổ ra chiến tranh biên giới, một cuộc chiến mà phần thất bại đã nghiêng về phía New Delhi. Không những thế, trong khi tranh chấp biên giới trên bộ giữa hai nước chưa được giải quyết, Ấn Độ trong những năm gần đây lại phải đối phó với một số vụ đụng độ chết người ở biên giới với Trung Quốc trên vùng Himalaya. Mặt khác, vói tham vọng bành trướng trên các đại dương, Trung Quốc đang tìm mọi cách xâm nhập vào Ấn Độ Dương – khu vực lâu nay được coi là sân sau của Ấn Độ. Chính phủ Ấn Độ coi mối quan hệ với Mỹ là hữu ích cho việc ứng phó với các thách thức từ Trung Quốc. Trong bài phát biểu trước trước hai viện Quốc hội Mỹ, Thủ tướng Modi nhấn mạnh quan hệ Mỹ – Ấn hiện nay là mối quan hệ đối tác được xác định của thế kỷ này và rằng ông ủng hộ một “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở và bao trùm”. Phát biểu của ông đã giành được sự tán thưởng từ các nhà lập pháp Mỹ.

Ông Nandan Unnikrishnan, một học giả tại Quỹ Nghiên cứu Quan sát tại New Delhi cho rằng “Ấn Độ nhận thấy mối quan hệ với Mỹ là có ảnh hưởng nhất hiện nay”, một xu hướng mà theo ông “được dẫn dắt bởi sự nổi lên của Trung Quốc”. Hiện dư luận ở Ấn Độ về Trung Quốc ở mức thấp nhất. Cũng giống như Washington áp dụng biện pháp trừng phạt đối với doanh nghiệp Trung Quốc, New Delhi đã cấm TikTok, cùng với hơn 100 ứng dụng của Trung Quốc và cấm các gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei và ZTE tham gia mạng 5G của nước này một cách hiệu quả. Giới quan sát cho rằng với quan điểm “kẻ thù của kẻ thù là bạn” Mỹ và Ấn Độ có lợi ích chung trong việc chống lại Trung Quốc ở khu vực. Đây chính là chất keo dính kết Washington trong bàn cờ chiến lược ở khu vực. Việc tăng cường quan hệ đối tác Mỹ – Ấn sẽ tác động nhiều mặt tới cục diện Biển Đông.

Trước hết, cả Mỹ và Ấn Độ đều có quan điểm về duy trì trật tự dựa trên pháp luật ở Biển Đông, ủng hộ tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông phù hợp với UNCLOS. Cả Mỹ và Ấn Độ đều đã công khai lên tiếng ủng hộ phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông. Do vậy, việc tăng cường hợp tác giữa hai nước sẽ trở thành một yếu tố quan trọng ngăn chặn sự bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Tuyên bố chung trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Modi đã thể hiện rõ quan điểm của hai nước đối với vấn đề Biển Đông. Theo đó, luật pháp quốc tế, nhât là UNCLOS sẽ là nền tảng cho việc giải quyết các tranh chấp.

Hai là, việc siết chặt quan hệ quốc phòng Mỹ-Ấn còn cho phép gia tăng sức mạnh của Nhóm Bộ Tứ, một cơ chế ngày càng quan trọng trong việc duy trì hòa bình và trật tự dựa trên luật lệ ở vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chống lại các hành vi lấn lướt của Bắc Kinh ở khu vực và Biển Đông. Cho đến nay, quan hệ quốc phòng giữa Mỹ với Nhật Bản và Úc đã rất chặt chẽ, trong lúc còn lỏng lẻo với Ấn Độ. Kể từ nay, điểm yếu này đã phần nào được khắc phục. Việc các tàu chiến của Mỹ có thể tiếp cận các cảng biển của Ấn Độ để tiếp nhiên liệu hoặc sửa chữa giúp cho Hải quân Mỹ thuận lợi hơn khi triển khai trong khu vực, bao gồm Biển Đông.

Ba là, lâu nay Ấn Độ có quan hệ tốt với các nước Đông Nam Á, nhất là các nước ven Biển Đông và Hải quân Ấn Độ ít nhạy cảm hơn khi triển khai ở Biển Đông. Việc tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh hàng hải giữa Mỹ và Ấn Độ sẽ tạo điều kiện cho hai nước phối hợp hành động ở Biển Đông, bao gồm các hoạt động diễn tập hay tuần tra chung. Trong bối cảnh Nga đang sa lầy trong cuộc chiến ở Ukraine, một số nước ven Biển Đông có xu hướng chuyển sang mua vũ khí của Ấn Độ để thay thế như Việt Nam, Philippines, Indonesia đã đặt mua tên lửa siêu thanh BrahMos của Ấn Độ…. Việc tăng cường quan hệ quốc phòng Mỹ – Ấn, trong đó việc hợp tác sản xuất vũ khí sẽ giúp cho các nước ven Biển Đông có thể thông qua Ấn Độ để có các vũ khí tiên tiến hiện đại công nghệ Mỹ.

Với Hà Nội lâu nay việc hợp tác quốc phòng hay mua sắm vũ khí Mỹ là một vấn đề rât nhạy cảm. New Dehli có quan hệ mật thiết với Hà Nội trong lĩnh vực quân sự, nhất là giữa hải quân hai nước. Việc thắt chặt hợp tác quốc phòng Mỹ – Ấn giúp cho Việt Nam có thể giải quyết bài toán trang bị vũ khí thiết bị nâng cao khả năng phòng thủ trên biển, giảm sự lệ thuộc vào vũ khí của Nga.+ Tóm lại, việc tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu Mỹ – Ấn là có lợi cho cục diện Biển Đông và các nước ven Biển Đông trong việc đối đầu với sự bành trướng của Trung Quốc bởi nó sẽ trở thành một yếu tố quan trọng ngăn chặn sự hung hăng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh ở khu vực và Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới