Bí ẩn xung quanh tung tích của người đứng đầu quân đội Trung Quốc chỉ vài tháng sau khi ông được bổ nhiệm hiện đang làm dấy lên mối lo ngại về số phận của ông cũng như sự ổn định của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc (Li Shangfu), người được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bổ nhiệm vào tháng 3, đã vắng bóng trước công chúng trong 21 ngày. Lần xuất hiện gần đây nhất của ông là vào ngày 29/8, khi ông có bài phát biểu quan trọng với các quan chức quốc phòng châu Phi tại diễn đàn an ninh ở Bắc Kinh.
Theo một loạt nguồn tin trích dẫn từ các quan chức Trung Quốc và Hoa Kỳ, ông Lý đã bị cách chức và có thể đang bị điều tra về tội tham nhũng. Điều này khiến ông trở thành quan chức cấp cao thứ 4 của Trung Quốc bị thất sủng trong vòng chưa đầy một năm trong nhiệm kỳ thứ 3 của ông Tập Cận Bình.
Sự vắng mặt không rõ nguyên nhân của ông Lý xảy ra sau khi ông bất ngờ rút khỏi một cuộc gặp với những người đồng cấp Việt Nam vào tuần trước, tiếp tục mô hình cải tổ đột ngột làm rung chuyển các cấp lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ vào mùa hè này, bao gồm cả việc bất ngờ sa thải cựu Ngoại trưởng Tần Cương.
Là một trong những nhân vật được ông Tập Cận Bình “bảo hộ”, ông Tần Cương đã biến mất khỏi tầm mắt của công chúng trong một tháng sau khi đảm nhận chức vụ Ngoại trưởng được 7 tháng.
Người tiền nhiệm của ông, Vương Nghị, đã đảm nhận chức vụ này mà không có lời giải thích vào tháng 7/2023, trong khi hồ sơ của ông Tần cũng biến mất khỏi trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong một thời gian ngắn.
Tương tự như vậy, ông Tập đã sa thải hai tướng lĩnh phụ trách Lực lượng Tên lửa, kho vũ khí hạt nhân của đất nước và lực lượng tên lửa thông thường vào tháng trước.
Cựu chỉ huy Lực lượng Tên lửa, Tướng Lý Ngọc Siêu (Li Yuchao), cũng đã bỏ lỡ lễ thăng cấp của đơn vị quân đội vào cuối tháng 6. Các nhà quan sát Trung Quốc lâu năm như ông Gordon Chang đã mô tả việc hai quan chức cấp cao bị cách chức như vậy và việc lựa chọn người thay thế họ đến từ bên ngoài nhánh quân đội là một điều bất thường.
Ông Chang, tác giả cuốn “Sự sụp đổ sắp tới của Trung Quốc” nói với The Epoch Times rằng “có điều gì đó đang xảy ra” và ông coi đó là một dấu hiệu của “sự hỗn loạn nội bộ của chính quyền Trung Quốc”.
Ông Chang cho biết, ông Tập có thể “vừa thay đổi quyết định, hoặc có thể kẻ thù của Tập Cận Bình đã loại bỏ một trong những người được ông Tập Cận Bình bổ nhiệm”.
“Trong hệ thống chính trị của ĐCSTQ, trước tiên họ truy lùng cấp dưới, sau đó họ lần theo cấp trên và cuối cùng, vị trí của mục tiêu trở nên không thể trụ vững được”.
‘Dấu hiệu cảnh báo’
Kết nối mọi dữ kiện lại với nhau, Thượng nghị sĩ Marco Rubio coi những diễn biến ở Trung Quốc là một phần trong nỗ lực củng cố quyền kiểm soát của ông Tập.
“Sự biến mất bất ngờ của cựu bộ trưởng quốc phòng của ông Tập Cận Bình, sự thay thế lãnh đạo Lực lượng Tên lửa một cách đột ngột, sự mất tích bí ẩn của các nhà khoa học Trung Quốc giữa đại dịch Covid và sự biến mất của Bộ trưởng Ngoại giao hồi đầu năm nay, là những dấu hiệu cảnh báo về việc ông Tập sẵn sàng đi bao xa để duy trì quyền lực độc tài của mình”, ông nói với The Epoch Times.
“Cuộc thanh trừng của ông Tập sẽ tiếp tục nhắm vào bất kỳ ai mà ông ấy coi là mối đe dọa tiềm tàng”.
Bắc Kinh rất kín tiếng về sự vắng mặt kéo dài của ông Lý.
Hôm thứ Sáu (15/9), khi một phóng viên hỏi về nơi ở của ông Lý và liệu ông có đang bị điều tra hay không, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói rằng bà “không biết về tình huống mà ông đề cập”.
Nhà bình luận chính trị độc lập Thái Thận Khôn (Cai Shenkun) cho hay bà Mao Ninh có thể đã phản ứng tiêu cực nếu không có chuyện gì xảy ra.
“Chẳng phải điều đó sẽ dập tắt những tin đồn một lần và mãi mãi sao?”, ông nói với The Epoch Times.
“Dựa vào phản ứng của bà Mao, nhất định đã xảy ra chuyện gì đó với ông Lý Thượng Phúc. Không còn nghi ngờ gì nữa”.
Nội dung trao đổi đã bị xóa khỏi bản ghi trên trang web của Bộ Ngoại giao. Sự việc tương tự cũng xảy ra vào cuối năm ngoái, sau khi người Trung Quốc đã chán ngấy các biện pháp hạn chế Covid hà khắc của Bắc Kinh và bắt đầu phản đối trên quy mô toàn quốc. Thậm chí, có một số người đã kêu gọi thay đổi chế độ.
Trong một cuộc họp báo vào tháng 11/2022, ông Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào thời điểm đó, đã không nói nên lời khi được hỏi liệu chính quyền có dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát hay không.
Sau một hồi lâu, ông Triệu đã yêu cầu lặp lại câu hỏi và khẳng định câu hỏi này “không phản ánh những gì thực sự đã xảy ra”.
Cuộc đối thoại đó chưa bao giờ được công bố, mặc dù các video đã bị rò rỉ ra ngoài. Đây cũng là một trong những lần xuất hiện trước công chúng cuối cùng của ông Triệu trước khi ông được tái bổ nhiệm với vai trò hậu trường vào tháng 1/2023.
Tuy nhiên, bí ẩn xung quanh những biến động về lãnh đạo cấp cao của chính quyền Trung Quốc không làm Thượng nghị sĩ Marsha Blackburn ngạc nhiên.
Bà Marsha Blackburn nói với The Epoch Times: “Các chế độ độc tài như Trung Quốc duy trì quyền kiểm soát hoàn toàn và toàn diện đối với các phương tiện truyền thông cũng như che đậy sự thật để kiểm soát diễn ngôn của công chúng”.
“Mặc dù tình hình chưa rõ ràng, nhưng chúng tôi biết kế hoạch của Trung Quốc là làm biến mất các nhà lãnh đạo hàng đầu và ông Tập đang phải chịu áp lực rất lớn do tình trạng kinh tế Trung Quốc hiện tại”.
Cùng thời điểm với cuộc cải tổ Lực lượng Tên lửa, truyền thông nhà nước Trung Quốc lần lượt tiết lộ cái chết của hai quan chức quân sự cấp cao, trung tướng Ngô Quốc Hoa (Wu Guohua) – cựu phó chỉ huy Lực lượng Tên lửa, và Vương Thiếu Quân (Wang Shaojun) – vệ sĩ hàng đầu của chế độ này.
Sự chậm trễ kéo dài hàng tháng trong việc đưa ra thông báo về trường hợp của ông Ngô, cũng như sự thiếu rõ ràng xung quanh cả hai trường hợp này, đã làm dấy lên suy đoán rằng cả hai đã tự sát.
Đối với ông Chang, đây không phải là một sự cố cá biệt. Ông nói: “Tất cả họ đều là một phần của cuộc thanh trừng đang diễn ra và chế độ Trung Quốc đang tự hủy hoại chính mình”.
‘Kẻ thù tứ phía’
Ông Chang lập luận, những lo ngại về tình hình bất ổn chính trị có thể đã khiến ông Tập bỏ qua hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi, thay vì muốn làm mất mặt nước chủ nhà hoặc tránh gặp Tổng thống Joe Biden, như một số nhà phân tích đã đề cập.
Ông nói: “Tôi cho rằng nhiều khả năng là ông ấy cảm thấy tình hình ở Bắc Kinh quá biến động và việc ông ấy rời đi là rất nguy hiểm. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn luôn lo ngại về việc bị ám sát, và tôi tin rằng Tập Cận Bình thậm chí còn lo ngại hơn thế”.
Ông Chang lưu ý rằng tất cả những dấu hiệu bất ổn chính trị này đang nổi lên khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba của ông Tập Cận Bình, một thuật ngữ mà “rất nhiều người ở Bắc Kinh nghĩ rằng ông ấy lẽ ra không nên có”.
Ông Thái lặp lại quan điểm của ông Chang, coi cuộc nổi dậy Wagner ở Nga là bằng chứng cho thấy ông Tập đang trong tình trạng cảnh giác cao độ.
Ông nói, để đảm bảo quyền lực của mình, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tạo ra những kẻ thù có ảnh hưởng trong quân đội và giới lãnh đạo cấp cao.
Ông Thái cho hay: “Ông ấy đang trong tình cảnh tứ bề thọ địch. Trong tình thế bất an, một sự cố nhỏ có thể khiến ông Tập phải mở cuộc điều tra bất kỳ ai mà ông cáo buộc không trung thành”.
Trong khi các phương tiện truyền thông dẫn lời các quan chức Mỹ ẩn danh nói rằng họ tin rằng Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đang bị điều tra, thì chính quyền Trung Quốc lại nói rằng họ không hề hay biết về tình trạng của ông Lý.
“Cuối cùng, đây là những vấn đề do chính phủ Trung Quốc quyết định”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết trong cuộc họp báo hôm 15/9 với người đồng cấp Đức Annalena Baerbock, người đã trở thành quan chức cấp cao nhất của Mỹ đến thăm Trung Quốc dưới thời chính quyền ông Biden vào tháng 6.
“Chúng tôi vẫn chuẩn bị đầy đủ, như chúng tôi đã từng làm, để hợp tác với chính phủ Trung Quốc, bất kỳ ai chịu trách nhiệm vào bất kỳ thời điểm nào, giống như tôi đã làm khi đến thăm Bắc Kinh vào đầu mùa hè này. Và chúng tôi kỳ vọng điều đó sẽ tiếp tục bất kể ai nắm giữ chức vụ nào”.
Khi được phóng viên hỏi về vấn đề này hôm 15/9, cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan cũng trả lời tương tự: “Hôm nay tôi không có phát biểu gì về vấn đề đó”.
Lầu Năm Góc đã không trả lời trực tiếp câu hỏi của The Epoch Times, mà nói rằng “Bộ Quốc phòng tiếp tục tin tưởng vào tầm quan trọng của việc duy trì các đường dây liên lạc cởi mở giữa quân đội Hoa Kỳ và quân đội Trung Quốc trên nhiều cấp độ, bao gồm cả các cấp cao nhất”.
Cho đến nay, ông Rahm Emanuel, Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản, là quan chức có lập trường thẳng thắn nhất về chủ đề này.
Ông Rahm Emanuel viết trong một bài đăng trên mạng xã hội vào ngày 15/9: “Như đại thi hào Shakespeare đã viết trong vở Hamlet, ‘Có điều gì đó đang mục nát ở Đan Mạch’”.
Hôm 7/9, ông bình luận trên nền tảng mạng xã hội X: “Đội hình nội các của Chủ tịch Tập bây giờ giống với tác phẩm “And Then There Were None” (tạm dịch: Và rồi chẳng còn ai) của tác giả Agatha Christie”.
“Đội ngũ nội các của Chủ tịch Tập giờ giống tiểu thuyết And Then There Were None của Agatha Christie”, ông viết trên nền tảng mạng xã hội X.
“Đầu tiên, Ngoại trưởng Tần Cương mất tích, sau đó là các chỉ huy Lực lượng Tên lửa mất tích, và bây giờ Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc đã không xuất hiện trước công chúng trong hai tuần. Ai sẽ chiến thắng trong cuộc đua thất nghiệp này? Giới trẻ Trung Quốc hay nội các của ông Tập Cận Bình?”.
Vài ngày sau, khi được hỏi liệu Nhà Trắng có ủng hộ thông điệp của ông Emanuel hay không, Điều phối viên Hội đồng An ninh Quốc gia về Truyền thông Chiến lược John Kirby cho biết ông sẽ “để đại sứ nói chuyện trên tài khoản mạng xã hội của mình”.
“Từ lâu, chúng tôi đã lên tiếng bày tỏ mối quan ngại của mình về một loạt hoạt động đáng lo ngại của Trung Quốc trong khu vực. Và tôi sẽ không nói gì thêm nữa”, ông nói với các phóng viên.
Ông Lý không phải là người duy nhất bị chú ý vì sự vắng mặt bất thường trong tháng này.
Ông Vương Nghị (Wang Yi), nhà ngoại giao cấp cao nhất của Trung Quốc đã trở lại làm ngoại trưởng, đã vắng mặt tại G20.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 15/9 thông báo sẽ cử Phó Chủ tịch nước, ông Hàn Chính sẽ đại diện cho Bắc Kinh tham dự cuộc họp của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc vào tuần tới tại New York.
Tại hội nghị BRICS ở Nam Phi, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã bước vào địa điểm tổ chức hội nghị trong khi trợ lý của ông, được cho là một phiên dịch viên, bị nhân viên an ninh chặn bên ngoài cửa.
Theo học giả Trung Quốc Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing), những sai lầm ngớ ngẩn như vậy chắc chắn đã khiến ông Tập nổi cơn thịnh nộ đối với bộ trưởng ngoại giao, người có thẩm quyền về lịch trình của ông. Theo nguồn tin nội bộ, ông Vương đã bị khiển trách sau chuyến đi của ông Tập tới Nam Phi.
Trong cuộc họp báo ngày 15/9, bà Mao Ninh không xác nhận hay phủ nhận kế hoạch được cho là tới Moscow của ông Vương, mà chỉ nói rằng “Trung Quốc và Nga đã liên lạc chặt chẽ với nhau”.
Ông Chang kết luận: “Không rõ những động thái bí ẩn này sẽ đi đến đâu nhưng chế độ chắc chắn sẽ bị suy yếu. Và nó thậm chí có thể dẫn tới sự sụp đổ của chế độ. Tại thời điểm này, điều đó khó xảy ra nhưng không phải là không thể”.
T.P