Tuesday, November 19, 2024
Trang chủNước Việt đẹpHạ Long - Cát Bà được gì sau khi UNESCO vinh danh?

Hạ Long – Cát Bà được gì sau khi UNESCO vinh danh?

Hạ Long – Cát Bà được UNESCO công nhận di sản thiên nhiên thế giới giúp quần thể “nâng lên tầm thế giới” và khai thông tình trạng “ngăn sông cấm chợ” giữa hai khu vực.

Làng chài Cát Bà.

Ủy ban Di sản thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận quần thể vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới hôm 16/9. Theo Cục Di sản Văn hóa, quần thể này được UNESCO công nhận bởi chứa đựng nhiều khu vực có vẻ đẹp thiên nhiên, bao gồm đảo đá vôi có thảm thực vật che phủ và các đỉnh nhọn núi đá vôi nhô lên trên mặt biển cùng với những đặc điểm karst (phong hoá) liên quan như mái vòm và hang động. Cảnh trí ngoạn mục không bị tác động của các đảo có thảm thực vật che phủ, hồ nước mặn, đỉnh nhọn núi đá vôi với vách dựng đứng nhô lên trên biển cũng là một phần lý do.

Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Lê Thị Thu Hiền nhận định Hạ Long – Cát Bà được công nhận di sản thiên nhiên là “sự kiện mang ý nghĩa to lớn”. Sau 8 năm, Việt Nam mới lại có một di sản thế giới được UNESCO công nhận (năm 2015 vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng được công nhận di sản thiên nhiên thế giới lần thứ hai).

Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam nói sự kiện lần này “là niềm vinh dự lớn”, giúp tên tuổi của quần đảo Cát Bà “nâng tầm thế giới”, thu hút thêm nhiều khách quốc tế trong tương lai.

Ông Lê Khắc Nam nói chiến thắng lần này góp phần “nối dài thành tích” mà Hải Phòng đạt được. Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2004, vịnh Lan Hạ được Hiệp hội Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới xếp vào top những vịnh biển đẹp nhất thế giới năm 2020.

Cát Bà vốn là một điểm đến hút khách. Vào các dịp nghỉ lễ dài như 30/4 hay 2/9, ở đây thường có tình trạng tắc đường, kín phòng do khách đổ về quá đông. 4 ngày nghỉ dịp Quốc khánh vừa qua Hải Phòng ước đón 185.000 lượt khách, trong đó khách chủ yếu đổ về Đồ Sơn và Cát Bà, theo Cổng tin tức thành phố Hải Phòng. Năm 2022, Cát Bà đón 2,3 triệu lượt khách trên tổng số 7 triệu lượt của toàn TP Hải Phòng. Tuy nhiên, phần lớn là khách nội địa.

“Khách quốc tế rất thích vịnh Hạ Long. Sau khi Cát Bà trở thành điểm đến di sản thế giới, chắc chắn khách quốc tế đến Hạ Long sẽ ghé tiếp Cát Bà”, ông Nam nói về lợi ích trong tương lai của ngành du lịch Hải Phòng.

Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) Hoàng Nhân Chính nhận định sự kiện Hạ Long – Cát Bà trở thành tài sản chung của thế giới đóng góp, bồi đắp “rất lớn” cho hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam. Theo ông Chính, giờ đây mỗi khi nhắc tới tên các di sản hàng đầu trong nước, chúng ta có Hạ Long – Cát Bà, thương hiệu điểm đến mới.

Trong khảo sát tháng 12/2021 của TAB về nhu cầu và xu hướng khách du lịch thời Covid-19, nghỉ dưỡng biển vẫn là nhu cầu lớn lớn nhất của 64% số người được hỏi. Xu hướng khám phá thiên nhiên (56%) tăng nhiều so với lần khảo sát trước đó. Như vậy, Hạ Long – Cát Bà đáp ứng được cả hai mong đợi của khách là nghỉ dưỡng biển và khám phá thiên nhiên.

“Chắc chắn quần thể di sản này sẽ có sức hút mạnh mẽ vì đáp ứng đúng nhu cầu của khách du lịch”, ông Chính nói.

Đối với những người làm du lịch, đây là cơ hội đa dạng hóa sản phẩm, tăng doanh thu. Ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, doanh nghiệp kinh doanh du thuyền trên vịnh Lan Hạ, nói du khách sẽ được trải nghiệm nhiều hơn, trọn vẹn hơn khi hai điểm đến trở thành di sản kép.

“Sắp tới có nhiều triển lãm, hội chợ du lịch ở nước ngoài, UNESCO công nhận Hạ Long- Cát Bà lần này cùng việc nới rộng visa là hai điều chúng tôi sẽ đề cập khi quảng bá du lịch Việt Nam, trong lúc mùa cao điểm khách nước ngoài đang bắt đầu”, ông Hà nói thêm.

Ông Nguyễn Hồng Nhật, Tổng giám đốc APC Group, đơn vị có một du thuyền cao cấp hoạt động trên vịnh Lan Hạ và hai chiếc trên vịnh Hạ Long, hy vọng việc UNESCO công nhận vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới sẽ giúp các thủ tục hành chính giữa Quảng Ninh và Hải Phòng được khơi thông, tạo động lực phát triển trong tương lai.

Tuy nhiên, ông Hoàng Nhân Chính cho rằng nên sớm tiên lượng chuyện khách đổ xô đến sẽ dẫn đến tình quá tải, ảnh hưởng môi trường. “Chúng ta cần phát triển nhưng cũng cần giữ gìn di sản, tránh để UNESCO thu hồi danh hiệu”, ông Chính nói.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới