Tuesday, November 19, 2024
Trang chủThâm cung bí sử22 năm chiến tranh Quốc – Cộng

22 năm chiến tranh Quốc – Cộng

Ngày 1/10/1949, đất nước Trung Hoa rộng lớn được nhuộm đỏ. Cuộc nội chiến kéo dài 22 năm kết thúc. Việc chiến thắng ngoạn mục của Đảng Cộng sản Trung Quốc khi yếu thế từ đầu tới cuối nhưng lại đánh bại được đội quân của Thống chế Tưởng Giới Thạch.

Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc chiếm dinh Tổng thống ở Nam Kinh tháng 4 năm 1949

Vậy, tại sao Tưởng lại thất bại?

Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên

Đầu tiên, cuộc chiến từ năm 1945 đến 1949 thực chất chỉ là hồi kết của một hành trình kéo dài 22 năm, kể từ khi Quốc-Cộng phân liệt vào năm 1927. Kể từ đó, phe của Mao đã bị truy sát gắt gao trên khắp các mặt trận. Ngày 19/4/1927, chính phủ do Tưởng Giới Thạch đứng đầu được thành lập tại Nam Kinh. Đến tháng 7/1927, Tưởng đã nắm được toàn bộ chính quyền, chiến tranh Bắc phạt chấm dứt.

Trước tình hình này, những người Cộng sản Trung Quốc rút lui về vùng nông thôn hoạt động bí mật chuẩn bị cho cuộc nổi dậy. Thế nhưng, tất cả đã thất bại khi các lực lượng của họ cướp được chính quyền tại các thành phố nhưng không giữ được lâu do lực lượng quá mỏng. Tính đến thời điểm đó, phe của Mao chỉ có khoảng 90.000 quân. Con số đó quá ít so với lực lượng lên tới gần 2 triệu quân của Quốc dân Đảng, chưa kể xét về trang bị vũ khí Tưởng cũng ăn đứt. Họ bị tấn công và bị dồn tới chân tường, thế nhưng cứ khi nào Tưởng cho rằng sắp thắng lợi, y như rằng lại có một thế lực khác ngăn cản.

Lúc này, phe của Mao đang bị dồn về Giang Tây. Tưởng đang truy sát quyết liệt thì đại chiến Trung Nguyên nổ ra do Phùng Ngọc Tường, Diên Tích Sơn và Uông Tinh Vệ liên kết đánh lại. Tưởng Giới Thạch đã phải tạm thời vây hãm và truy quét nhỏ để dồn quân về đối phó với các phe kia. Điều này giúp cho phe Đảng Cộng sản có thời gian để củng cố lực lượng. Đến khi phe của Tưởng rảnh tay quay sang thì phe của Mao đã cơ bản hồi phục được sức mạnh, đủ khả năng đối chọi với các cuộc truy quét mới của Tưởng. Họ đã phát động các chiến dịch truy quét theo kiểu sóng liên hồi, tức là tấn công liên tục để cho đối thủ không có thời gian hồi phục lực lượng, không kịp rửa tay, thay quần áo. Tổng cộng đã có 5 chiến dịch lớn được mở ra.

Đến năm 1933, quân Quốc dân Đảng đã đổi chiến thuật nhẫn nại xây dựng lại hệ thống đồn bốt bao vây các khu vực căn cứ của Đảng Cộng sản, cắt đứt đường tiếp tế và các nguồn lương thực tới căn cứ Giang Tây. Tháng 10/1934, Hồng quân Trung Quốc đã phải tiến hành cuộc Vạn lý Trường chinh phá vòng vây quân đội Quốc dân Đảng, rút khỏi căn cứ địa, tiến lên phía Bắc. Và tất cả các nỗ lực xây dựng đồn bốt của Tưởng đã trở thành công cốc khi đúng lúc này quân của Trương Quốc Đào nổi lên quấy phá. Tưởng lại phải chuyển bớt quân đi và Mao lại thoát nạn thêm một lần nữa.

Cuộc Trường chinh vĩ đại của Hồng quân kéo dài suốt một năm. Theo Mao Trạch Đông ước tính, họ vượt qua chừng 12.500 km. Hành trình này chỉ chấm dứt khi lực lượng của Mao đến được Thiểm Tây vào tháng 1/1935. Thế nhưng, nếu Mao may mắn tới mức ảo diệu thì Tưởng cũng kiên trì không biết mệt. Cuộc chiến vẫn tiếp tục. Tưởng lại một lần nữa chơi trò sóng liên hồi dồn Mao đến kiệt quệ.

Đến năm 1937, khi phe của Mao bị đẩy tới chân tường, sắp bị tiêu diệt, Tưởng thậm chí còn mặc kệ việc quân Nhật đã chiếm được Bắc Kinh để truy sát phe Mao tới cùng. Thế nhưng, đúng lúc này thì hai tướng dưới trướng là Trương Học Lương và Dương Ngọc Thành đảo chính, bắt giam Tưởng Giới Thạch, buộc ông ta phải liên minh Đảng Cộng sản để chống Nhật. Thậm chí, Tưởng đã suýt chết nếu Chu Ân Lai không thuyết phục được họ. Trương Học Lương và Dương Ngọc Thành đã phóng thích ông ta.

Trong suốt khoảng thời gian liên minh trên danh nghĩa chống Nhật, mối lo lớn nhất của Tưởng vẫn là Mao. Việc Quốc dân Cộng liên minh chỉ tồn tại trên danh nghĩa. Đảng Cộng sản tiến hành chiến tranh du kích chống Nhật nhưng tránh giao chiến lớn do lực lượng của họ quá ít ỏi.

Đồng thời, họ cũng đánh lùi các cuộc tấn công của phe Quốc dân Đảng. Sự hợp tác Quốc-Cộng trong thời gian này chỉ ở mức tối thiểu. Ngay trong Mặt trận Thống nhất Trung Quốc, cả Quốc dân Đảng và Đảng Cộng sản đều tìm cách chiếm ưu thế những lãnh thổ không nằm trong tay quân Nhật. Đương nhiên, truy sát bao năm mà lại hợp tác, tin tưởng nhau hoàn toàn thì thật vô lý.

Tình hình trở nên xấu đi vào cuối năm 1940, đầu năm 1941 khi Đảng Cộng sản và Quốc dân Đảng đang có xung đột lớn. Họ liên tục đụng độ nhau ở An Huy và Giang Tô khiến hàng ngàn quân của hai phe bỏ mạng. Cuộc hợp tác tới đây chấm dứt trong bóng tối khi trên danh nghĩa thì hợp tác nhưng thực ra là vẫn ngầm đánh nhau bên trong cho tới khi quân Nhật đầu hàng vào năm 1945.

Mặc dù chưa đầu hàng hẳn ở Trung Quốc nhưng cả hai bên thì vẫn đã quay sang đánh lẫn nhau nhằm chiếm các thành phố lớn. Cả hai đã bước vào cuộc nội chiến lần thứ hai trên quy mô toàn quốc.

Quốc dân Đảng bắt đầu cuộc chiến này với ưu thế áp đảo toàn diện. Về địa hình và tính chính thống. Quốc dân Đảng có biểu tượng Tôn Trung Sơn trong tay, được coi là quốc phụ của nước Trung Quốc mới. Trung Hoa Dân Quốc khi đó, cũng là chính phủ duy nhất được cộng đồng quốc tế công nhận.

Về nguồn lực, họ được Liên Xô và Mỹ giúp đỡ và viện trợ hàng tỷ đô để chống Nhật trong Thế chiến II, cùng với nguồn tài chính dồi dào từ các thế lực tà phiệt và các gia tộc tỷ phú hùng mạnh nhiều đời. Quân đội Quốc dân Đảng đã chiếm ưu thế lớn về trang bị và hỏa lực so với quân đội của Đảng Cộng sản. Được ủy nhiệm rải rác quân Nhật, Quốc dân Đảng cũng chiếm được phần lớn chiến lợi phẩm của quân Nhật và sau này thì còn được Mỹ giao lại phần lớn quân nhu và vũ khí của Nhật.

Về quân đội, Quốc dân Đảng với sự góp phần của nhiều lực lượng quân phiệt là quân đội thường trực đông thứ hai trên thế giới. Sau chiến tranh Trung-Nhật mặc dù đã bị tổn thất đáng kể do việc chống lại các đơn vị thiện chiến của Nhật nhưng tương quan lực lượng của họ thì vẫn nhỉnh hơn rất nhiều về phía Quốc dân Đảng. Quân đội của Tưởng Giới Thạch vẫn còn trong tay khoảng hơn 5,7 triệu quân, gấp 6 lần con số của Đảng Cộng sản. Vũ khí lại còn có nhiều trang bị hiện đại từ Liên Xô, Mỹ, Nhật trong Thế chiến II.

Năm 1945, Quốc dân Đảng đang kiểm soát hầu hết các thành phố và các khu công nghiệp của Trung Quốc nên có khả năng tuyển quân và sản xuất vũ khí, đạn dược vượt xa so với Đảng Cộng sản. Với các ưu thế áp đảo này, về lý thuyết, Quốc dân Đảng sẽ nhanh chóng giành thắng lợi. Nhưng trên thực tế, chiến cuộc càng kéo dài thì tình thế càng chuyển sang có lợi cho phía Đảng Cộng sản Trung Quốc và cuối cùng thì Quốc dân Đảng đã thất bại.

Vậy thì tại sao nghịch lý này đã xảy ra?

Xói mòn sức mạnh

Đầu tiên, cần xét về tương quan khi đó. Nếu xét về quân số, vũ khí, Quân Tưởng đông gấp 6 lần so với Quân của Mao nhưng thực tế chỉ được cái mã ngoài mạnh, còn bên trong thì mục rỗng. Trong khi Đảng Cộng sản là một phe thống nhất thì Quốc dân Đảng thực chất chỉ là một liên minh lỏng lẻo giữa các quân phiệt. Quay trở lại với thời kỳ trước Bắc phạt, Trung Quốc khi này đang vỡ vụn với 13 thế lực quân phiệt và hàng chục thổ hào địa phương. Bức tranh xã hội khi này là cá lớn nuốt cá bé, giống hệt thời quần hùng các cứ cuối đời Hán.

Khi Tưởng Giới Thạch đem quân kiểm soát Bắc Kinh vào năm 1928, Quốc dân Đảng đã trở thành đại diện hợp pháp của Trung Quốc trên trường quốc tế nhưng thực tế khi đó Tưởng mới chiếm được Bắc Kinh chứ không chiếm được toàn bộ Trung Quốc. Khi đó, các phe phái còn lại chỉ tuyên bố nghe lệnh của ông ta trên danh nghĩa. Còn quân đội rất đông. Khi bước vào chiến tranh với Nhật Bản và nội chiến lần thứ hai. Tình trạng này vẫn như vậy. Con số 5,7 triệu quân ở trên nghe có vẻ nhiều nhưng không hoàn toàn nằm trong tay Tưởng mà là từ các thế lực quân phiệt.

Họ là sự kết hợp của các thành phần vào Đảng để mưu cầu lợi cá nhân, để trả thù quân Nhật. Vì yêu nước, muốn bảo vệ quốc gia trước sự xâm lược của người Nhật, hoặc đơn giản là chỉ vì bị bắt đi lính. Họ không có một lý tưởng rõ ràng và niềm tin chính trị mạnh mẽ như đối phương của họ.

Không những vậy, Tưởng cũng không đi theo con đường của thầy mình. Tôn Trung Sơn từng đề ra: “liên Nga, liên Cộng, phù trợ công nông”. Sự cực đoan của Tưởng Giới Thạch đã tạo cơ sở cho Đảng Cộng sản tuyên truyền rộng rãi tố cáo sự phản bội của ông ta đối với tâm nguyện của Tôn Trung Sơn, phản bội lại sự nghiệp của người thầy. Từ đó, Quốc dân Đảng tuy có được sự ủng hộ lỏng lẻo, đầy vụ lợi từ các nhóm quân phiệt và bang hội giang hồ, song lại đánh mất đi sự ủng hộ quảng đại của quần chúng lương thiện và giới bình dân lao động đông đảo trong xã hội, nhất là lực lượng nông dân ở nông thôn.

Thứ nhất, giới sĩ phu chính thức khoa bảng ở thành thị ít ai biết đến hay chú ý tới Đảng Cộng sản. Nhưng dần về sau, Đảng Cộng Sản bắt đầu dần chiếm được cảm tình và sự ủng hộ rộng rãi của giới trí thức thành thị . Sau khi Tôn Trung Sơn qua đời, Tưởng Giới Thạch chưa bao giờ có đủ tư cách lãnh đạo đối với các thế lực quân phiệt lớn mạnh nhưng hỗn tạp này.

Bản thân Quốc dân Đảng vốn đã là một tập hợp lỏng lẻo những tướng soái quân phiệt chỉ lo vụ lợi, không có lý tưởng sâu đậm. Dù trên danh nghĩa họ là tướng dưới quyền của Tưởng, nhưng thực tế thì ngang hàng, thậm chí còn lấn át. Không những vậy, tuy quân của Đảng Cộng sản chỉ có 900.000 quân, nhưng đó là một đội quân thường trực với hai lực lượng chính là Tân tứ Quân và Bát Lộ Quân. Còn nếu tính cả du kích địa phương và một số lực lượng thân Liên Xô, con số này lên tới gần 3 triệu người và nó dần thu hẹp khoảng cách với phe của Tưởng.

Như vậy, thực chất thì xét về số liệu Tưởng có vẻ mạnh hơn, nhưng nếu phân tích sâu về lực lượng mà ông ta nắm thực sự thì ít hơn rất nhiều.

Thứ hai, đó là sự tham nhũng khủng khiếp của Quốc dân Đảng đã trở thành tiêu chuẩn thước đo cho sự sụp đổ của một chế độ. Ví dụ, các nhà báo Mỹ trong chiến tranh Việt Nam đã từng so sánh chính quyền Sài Gòn đã đi vào vết xe đổ của Tưởng Giới Thạch: các ông tỉnh trưởng chết gục trên đống vàng, các nhóm tư bản trong chính quyền Quốc dân Đảng chiếm lĩnh hầu hết các nhà băng, nhà máy, cơ sở thương mại vốn trước kia do quân Nhật chiếm. Họ cũng tăng cường binh lực, tích trữ vật liệu chiến tranh, chuẩn bị cho cuộc chiến sắp tới với Đảng Cộng sản.

Những hành động chuẩn bị vội vã, khắc nghiệt đó khiến cho đời sống dân chúng trở nên khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao tới 37,5% tại Thượng Hải. Về cơ bản, toàn bộ nền kinh tế khi đó nằm trong tay của 4 dòng họ lớn: họ Tưởng đứng đầu bởi Tưởng Giới Thạch, họ Tống đứng đầu là Tống Tửu Văn, họ Khổng đứng đầu là Khổng Tưởng Hi và họ Trần đứng đầu là Trần Lập Phu. Bốn dòng họ này đã chiếm đoạt hầu hết các ngân hàng, xí nghiệp và của cải. Đến tháng 5/ 1946, bốn họ này đã chiếm trên 80% tổng số tư bản sản nghiệp trong toàn quốc, năm 2/3 số ngân hàng với 2.446/3.489 ngân hàng ở cả nước và số tài sản trị giá 20 tỷ đô theo thời giá lúc bấy giờ.

Sự khó khăn và bất bình đẳng về kinh tế khiến Quốc dân Đảng đánh mất dần sự ủng hộ của dân chúng. Năm 1947, Quốc dân Đảng ban hành một đạo luật buộc tất cả đàn ông có khả năng chiến đấu trong vùng họ kiểm soát đều phải phục vụ trong quân đội. Các viên sĩ quan tham nhũng thường bán cho lái buôn một phần gạo được cung cấp cho đơn vị của mình, khiến gần 1/5 số lính mới đã qua đời vì đói ngay trong thời gian huấn luyện. Do bị đối xử tồi tệ, gần một nửa số lính mới đã trốn khỏi các trại huấn luyện. Tinh thần chiến đấu của binh sĩ cũng xuống rất thấp.

Chẳng mấy ai muốn liều mạng để bảo vệ một chế độ có thể tham nhũng tới mức đó. Kết quả là khi lâm trận, phần lớn binh sĩ Quốc dân Đảng chỉ lo trốn tránh, đảo ngũ, thậm chí là chạy sang đầu hàng đối phương. Với sự thoái hóa biến chất của mình, Quốc dân Đảng không còn thu hút được những hạt nhân tốt và sự ủng hộ rộng rãi trong xã hội Trung Quốc như thời Tôn Trung Sơn nữa. Họ chỉ còn thu hút được những thành phần cơ hội chính trị và quan chức tham nhũng hoặc thông đồng với xã hội đen. Những thành phần này đi theo Quốc dân Đảng chỉ đơn giản là vì mưu lợi cho bản thân, chứ không phải chiến đấu vì lý tưởng cách mạng hay chính nghĩa quốc dân.

Phong trào bỏ Đảng theo Cộng sản lên mạnh mẽ trong nội bộ Trung Hoa Dân Quốc từ quan đến lính, dẫn tới tình trạng đầu hàng, nổi dậy hoặc tự cướp lẫn nhau rồi bỏ trốn ra ngoài, gây nên cuộc khủng hoảng niềm tin to lớn trong Quốc dân Đảng. Thậm chí đến chính Hoa Kỳ còn không đỡ nổi. Họ thà để Trung Quốc Đại Lục bị nhuộm đỏ còn hơn là cứu Tưởng

Tháng 12/1948, phía Mỹ đã kết luận rằng chẳng đáng để cứu chế độ Tưởng Giới Thạch. Đại sứ Mỹ John Leighton Stuart cho rằng Tưởng đã để mất lòng dân và nếu cứ cố duy trì, Mỹ có thể bị tố cáo vi phạm nguyên tắc dân chủ về quyền tự quyết khi giúp đỡ một chế độ độc tài không đại diện cho ý chí của dân chúng.

Ngược lại phía Quốc dân Đảng thì Đảng Cộng sản đang thực hiện rất tốt việc lôi kéo sự ủng hộ của người dân. Đảng Cộng sản đã thi hành chính sách cải cách ruộng đất ở vùng nông thôn. Những nông dân cùng khổ và không có ruộng đất thấy rằng nếu họ chiến đấu cho Đảng Cộng Sản, họ sẽ giành được ruộng đất từ tay của giới địa chủ. Chính sách này khiến cho Đảng Cộng sản Trung Quốc có được sự ủng hộ của nông dân và nguồn nhân lực hùng hậu để sử dụng trong chiến đấu cũng như vận tải tiếp tế. Dù trước đó có bị tổn thất nặng nề trong các chiến dịch quân sự chống Nhật (ví dụ trong chiến dịch Hoài Hải), họ đã có thể huy động được tới 5.430.000 nông dân phục vụ vận tải, giúp họ chiến đấu chống lại quân chính quy Quốc Dân Đảng.

Mặt khác, do những nước cờ đi vào lòng đất của Quốc dân Đảng, nó cũng đã vô tình giúp không ít sức mạnh cho phe của Mao. Khi quân lính thì đổi phe, tướng lĩnh thì thành tay trong. Sau cuộc chiến, thống kê cho thấy hơn 50% vũ khí và nhân sự của Đảng Cộng sản, trong đó có lãnh đạo hay binh lính, đều từng phục vụ trong hàng ngũ Quốc dân Đảng. Trong đó có hơn 20% đảng viên đã từng là đảng viên Quốc dân Đảng hoặc đã từng có thời kỳ có hai thẻ Đảng cùng một lúc.

Điều này cho thấy rằng có rất nhiều lợi thế của Quốc dân Đảng như quân đông, tướng nhiều, vũ khí tốt rốt cuộc lại chuyển sang phục vụ cho Đảng Cộng sản. Đó chính là nhờ chính sách địch vận khéo léo của phe Đảng Cộng sản. Tựu chung lại, nhân tố chủ yếu làm nên thắng lợi cho Đảng Cộng sản là khả năng vận động sự ủng hộ của dân chúng dành cho họ cao hơn hẳn đối thủ. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây là nhân tố quan trọng nhất quyết định sự thành bại cuộc chiến tranh. Còn quân đông, đất rộng chỉ là nhân tố thứ yếu.

Lịch sử Trung Quốc cho thấy lòng dân luôn là nhân tố hàng đầu quyết định thành bại của một triều đại mục nát. Mất lòng dân thì dù quân đông, đất rộng cũng phải sụp đổ và bị thay thế bởi triều đại mới. Cuộc chiến này cũng không ngoại lệ.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới