Các vận động viên wushu đến từ bang Arunachal Pradesh ở phía đông bắc Ấn Độ, khu vực mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ ngày 22.9 cho biết họ đã gửi công hàm phản đối Bắc Kinh sau khi ba vận động viên nước này không thể đến Trung Quốc để tham gia Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) khai mạc tối nay tại thành phố Hàng Châu ở miền đông Trung Quốc, theo báo South China Morning Post.
Ba nữ vận động viên wushu đến từ bang Arunachal Pradesh ở phía đông bắc Ấn Độ, khu vực mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích và gọi là “Tạng Nam” (tức vùng đất phía nam Tây Tạng). Sau khi biết về việc họ không thể đến Hàng Châu, Bộ trưởng Thể thao Ấn Độ Anurag Thakur hôm 22.9 đã hủy chuyến thăm Trung Quốc.
“Chính quyền Trung Quốc, theo cách có chủ đích và có tính toán trước, đã phân biệt đối xử đối với một số vận động viên thể thao Ấn Độ đến từ bang Arunachal Pradesh bằng cách từ chối cấp cho họ thẻ tham dự Đại hội thể thao châu Á lần thứ 19”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi cho biết trong một tuyên bố, theo Nikkei Asia.
Truyền thông Ấn Độ trước đó đưa tin ba vận động viên này đã được ban tổ chức ASIAD lần thứ 19 chấp thuận tham gia sự kiện thể thao được tổ chức tại Hàng Châu (thuộc tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc). Song họ không thể tải xuống thẻ xác nhận dành cho vận động viên, loại giấy tờ cũng có tác dụng như thị thực để nhập cảnh Trung Quốc, từ website chính thức của Trung Quốc.
Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 22.9 cho biết nước này chào đón các vận động viên từ tất cả các quốc gia miễn là họ “sử dụng giấy tờ pháp lý hợp lệ”.
“Chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ công nhận cái gọi là Arunachal Pradesh và khu vực Tạng Nam là một phần lãnh thổ Trung Quốc”, người phát ngôn Mao Ninh nói trong một cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh.
Trong tuyên bố của mình, ông Bagchi khẳng định Arunachal Pradesh “đã, đang và sẽ luôn là một phần không thể tách rời của Ấn Độ”.
Trong khi đó, một quan chức cấp cao của Hội đồng Olympic châu Á (OCA) phủ nhận việc ba vận động viên Ấn Độ bị cấm tham dự sự kiện thể thao, nói rằng họ đã được cấp thị thực để đến Hàng Châu.
“Những vận động viên Ấn Độ này đã có thị thực để vào Trung Quốc. Trung Quốc không từ chối bất kỳ thị thực nào… Nhưng thật không may là những vận động viên này đã không chấp nhận thị thực”, ông Wei Jizhong, phó chủ tịch danh dự trọn đời của OCA, người Trung Quốc, nói với các phóng viên ở Hàng Châu.
Trong các trường hợp trước đây liên quan đến vận động viên Ấn Độ tham dự các sự kiện thể thao ở Trung Quốc, những người có nguồn gốc từ Arunachal Pradesh được cấp “thị thực dán sẵn” trên một tờ giấy riêng để tránh việc đóng dấu lên hộ chiếu do chính phủ Ấn Độ cấp.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ trước đó đã đưa ra cảnh báo đi lại đối với công dân Ấn Độ, cho rằng thị thực dán trên giấy riêng của Trung Quốc không có giá trị tại thời điểm rời khỏi Ấn Độ.
Trung Quốc và Ấn Độ từ lâu đã tranh chấp chủ quyền ở khu vực Arunachal Pradesh, bên cạnh tranh chấp ở một số khu vực khác dọc biên giới.
Trong một thỏa thuận năm 1914, chính quyền địa phương Tây Tạng đã chấp nhận việc phân giới bằng “Đường McMahon”, xác định khu vực nói trên thuộc về Ấn Độ (khi đó vẫn là thuộc địa của Anh). Song chính quyền trung ương Trung Quốc luôn khẳng định Đường McMahon không có giá trị pháp lý.
Tranh chấp vẫn chưa được giải quyết. Năm 1962, khi hai nước xảy ra chiến tranh biên giới, quân đội Trung Quốc chiếm đóng khu vực một thời gian ngắn nhưng đơn phương tuyên bố ngừng bắn và sau đó rút quân.
Đường Kiểm soát Thực tế hiện đóng vai trò là biên giới trên thực địa giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Các cuộc đối đầu và giao tranh giữa hai bên thỉnh thoảng vẫn xảy ra.
Năm 1972, Ấn Độ thành lập Cơ quan Biên giới Đông Bắc tại khu vực và chính thức lập ra bang Arunachal Pradesh vào năm 1987. Bắc Kinh vốn luôn từ chối cấp thị thực cho người cư trú ở khu vực này với lý do họ đang sống trên lãnh thổ Trung Quốc.
T.P