Sáng 20/9/2023, trong khuôn khổ hoạt động của Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78, tại New York, gần 70 quốc gia đã ký kết “Hiệp định về Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia”, còn gọi là Hiệp định về Biển Cả.
Đây là Hiệp định thứ ba được đàm phán và ký kết trong khuôn khổ Công ước Luật biển năm 1982 (UNCLOS). Điều đó tái khẳng định vai trò, tầm quan trọng của UNCLOS văn kiện được coi là “hiến pháp” về biển – cơ sở pháp lý để xử lý, giải quyết mọi hoạt động trên biển và đại dương.
Về nội dung, Hiệp định gồm 17 Chương, 76 Điều, 2 Phụ lục với nội dung chính xoay quanh một số vấn đề gồm: (i) Chia sẻ lợi ích nguồn gien biển; (ii) Thiết lập vùng bảo tồn biển; (iii) Đánh giá tác động môi trường; (iv) Xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ; và (v) Vấn đề chung như cơ chế ra quyết định của Hội nghị các quốc gia thành viên, thành lập, vận hành các cơ quan, thể chế để thực hiện văn kiện, giải quyết tranh chấp, cơ chế tài chính…
Trong thực tế, từng có trường hợp khiến cộng đồng quốc tế thất vọng về tính hiệu lực của UNCLOS. Như việc Trung Quốc – một quốc gia thành viên, nhưng cũng là quốc gia thẳng tay gạt bỏ phán quyết ban hành ngày 12/7/2016 của Tòa trọng tài Thường trực (thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS) về vụ kiện Biển Đông của Philippines đối với Trung Quốc, khi nội dung Phán quyết bác bỏ gần như hoàn toàn yêu sách “đường 9 đoạn” mà Bắc Kinh đưa ra.
Tuy nhiên, ngay cả khi thực hiện hành vi thô thiển đó, Trung Quốc cũng không thể không cảm thấy bẽ mặt. Và điều quan trọng hơn, qua hành vi đó, cộng đồng quốc tế, nhất là những quốc gia còn níu giữ chút niềm tin nhỏ nhoi vào một cường quốc tự tôn, vỗ ngực là “trỗi dậy hòa bình”, thấy rõ hơn, Trung Quốc là như thế nào, hữu pháp hay vô pháp, nói và làm có nhất quán… trong vấn đề Biển Đông.
Thế nên, với việc có tới gần 70 quốc gia tham gia ký kết Hiệp định về Biển Cả, cộng đồng quốc tế có lý do để mà hy vọng việc điều chỉnh việc khai thác, chia sẻ lợi ích và bảo tồn nguồn gien biển tại các vùng biển quốc tế sẽ được cải thiện đáng kể, theo hướng công bằng, trách nhiệm hơn.
Nên nhớ rằng, vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia – nghĩa là thuộc đối tượng điều chỉnh của Hiệp định – chiếm hơn 60% diện tích bề mặt của các đại dương, trong đó, vùng đáy nhiều khu vực có hệ sinh thái đặc biệt giàu có, với nhiều loại gen quý hiếm, có giá trị cao về kinh tế, khoa học.
Với các nước nghèo, sự kiện này càng có ý nghĩa hơn khi lâu nay, hầu như chỉ có các nước phát triển và công ty tư nhân sở hữu công nghệ biển và công nghệ sinh học hàng đầu cùng nguồn tài chính dồi dào, mới có khả năng khảo sát, nghiên cứu, phát triển ứng dụng đem lại lợi nhuận. Nói cách khác, trước khi có Hiệp định về Biển Cả, phần lợi từ việc nghiên cứu, ứng dụng nguồn gien trên phạm vi 60% đại dương bao la cơ bản nằm trong tay các quốc gia giàu có; các nước chưa phát triển biết thế, nhưng phận nghèo đành cắn răng chịu thiệt – Một sự bất công ghê gớm!
Có lẽ vì thế, quá trình thương thảo, đàm phán gặp muôn trùng trở ngại trong suốt hai thập kỷ vừa qua. Trở ngại, dù các quốc gia đều thấy rõ tầm quan trọng của Hiệp định này với biển cả chẳng kém tầm quan trọng của Hiệp ước Montreal cấm các sản phẩm có hại cho tầng ozone, và nhờ đó giúp cho tầng ozone tự phục hồi theo thời gian. Còn bà Rena Lee, Chủ tịch Hội nghị liên Chính phủ, nhấn mạnh: việc xây dựng Hiệp định là “một công cuộc to lớn và có ý nghĩa sống còn”.
Trở ngại trong 15 năm đề xuất ý tưởng, vận động, chuẩn bị đã đành; điều đó vẫn xảy ra với quá trình đàm phán chính thức bắt đầu năm 2018, với sự tham gia của hầu hết các nước thành viên LHQ, kể cả các nước không có biển hoặc không phải là thành viên UNCLOS.
Một trong những cấn cá trong quá trình thương thảo, xây dựng, đặc biệt là với các nước phát triển, là việc quy định nhiều khu bảo tồn biển hơn và bắt buộc các chủ thể có dự án hoạt động trên biển khơi, cho dù là đánh bắt hải sản, vận tải hàng hải, khai thác dưới đáy đại dương, trước hết phải thực hiện các nghiên cứu về tác động môi trường.
Lợi ích chung cho toàn cầu thì ai cũng thấy rõ. Nhưng cái “hại” là qui định đó, nếu vào văn bản chính thức, sẽ hạn chế mục tiêu, tham vọng của các công ty tư nhân chiếm ưu thế về công nghệ, các quốc gia giàu có muốn giàu thêm từ nguồn lợi vô giá và đầy tiềm năng này. Thế nên, quá trình xây dựng Hiệp định luôn gắn với vô vàn lời bàn ra bàn vào; những cuộc vận động hành lang; không loại trừ, cả những cái nắm tay dưới gầm bàn của các quốc gia thân hữu cùng lợi ích, bất chấp những cái nhìn ganh tỵ, xót xa của các nước nghèo.
Liên quan vấn đề này, không ít chuyên gia đã dẫn ra những gì Trung Quốc đã và đang làm ở Biển Đông lâu nay, như khảo sát địa chấn; cải tạo các đá, bãi ngầm đang kiểm soát thành các cứ điểm quân sự phục vụ cho âm mưu hiện thực hóa yêu sách “đường 9 đoạn”. Đồng thời với quá trình đó, không ai dám loại trừ khả năng Trung Quốc đang âm thầm làm những gì dưới đáy biển lâu nay.
Dù sao, sau hành trình gian khó 2 thập kỷ, tới nay Hiệp định cũng đã được gần 70 nước ký, sẽ có hiệu lực sau khi được 60 quốc gia phê chuẩn.
Chỉ có điều, thò bút ký là một chuyện. Thực thi như thế nào, nghiêm túc hay không, các quy định có giá trị pháp lý đến đâu, hiểu thế nào về chúng…, là cả một câu chuyện dài phía trước, trong đó, người lạc quan nhất cũng không dám loại trừ toàn bộ những khó khăn phức tạp, tình huống trớ trêu.
T.V