Tâm lý sợ sai, sợ chịu trách nhiệm đã lan xuống các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Nhiều vị lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước đã thẳng thắn đề cập như vậy tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước trên phạm vi toàn quốc diễn ra cuối tuần trước.
Họ nói ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đặt mình vào địa vị doanh nghiệp để giải quyết các khó khăn, vượt qua thách thức, thực sự chia sẻ, khích lệ, khuyến khích những người làm đúng, làm tốt và cương quyết xử lý những người vi phạm, nhũng nhiễu, tiêu cực, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm…
Rõ ràng, đó không phải là những lời kêu ca hay phản ánh thực trạng thuần túy. Các phát biểu được giới hạn 7 phút của đại diện một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước tại Hội nghị chứa rất nhiều tâm huyết.
Nhiều doanh nghiệp mong được “7 dám”, gồm dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám vượt qua khó khăn, dám đổi mới sáng tạo, dám vì cái chung.
Nhiều doanh nghiệp mong muốn được chịu trách nhiệm, để thoát ra khỏi tình trạng trì trệ, bởi nếu tình trạng này còn tiếp diễn, sẽ kéo doanh nghiệp nhà nước và nhiều ngành, lĩnh vực đi lùi. Nhiều doanh nghiệp muốn được làm khác nhằm tận dụng thời cơ thị trường để bứt phá, vượt ra ngoài quỹ đạo an toàn, tạo nên giá trị mới trong quá trình phát triển…
Nhiều doanh nghiệp nhà nước cũng đang nhắc đến không gian mới từ mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ vừa được xác lập, cũng như trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam luôn là thành viên tích cực.
Đặc biệt, con số trên 3,8 triệu tỷ đồng tài sản của khu vực doanh nghiệp nhà nước, hoạt động trong các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, sở hữu nhiều thương hiệu tầm khu vực và thế giới… đang được các vị lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước nhắc đến như những động lực của sự sáng tạo, dấn thân, thay vì là sức ép của nhiệm vụ bảo toàn vốn, bị cho là “vòng kim cô” trong cơ chế hoạt động của khu vực doanh nghiệp này.
Rất nhiều ý tưởng cộng hưởng giá trị tài sản này đang được doanh nghiệp đề xuất, gửi tới các bộ, ngành, địa phương.
Có thể thấy, hệ quả của tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm trong đội ngũ công chức đã không dừng lại trong nội bộ các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp chính quyền. Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp nhà nước thừa nhận, nếu cơ chế khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung chưa được thể chế hóa, thì những lấn cấn trong thực thi vẫn còn rất lớn, thậm chí sẽ không thể giải tỏa.
Đặt trong bối cảnh khu vực doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước, sự lấn cấn, chờ đợi của doanh nghiệp nhà nước chắc chắn sẽ kéo theo sự trì trệ của một nguồn lực lớn, của cộng đồng doanh nghiệp cũng như của nền kinh tế.
Nhưng ngay trong ngắn hạn, các doanh nghiệp cũng thấy rõ, thực trạng đang ảnh hưởng rất lớn tới mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2023 cũng như của cả nhiệm kỳ. Đặt rõ thực trạng, xác định mong muốn cũng là cách để doanh nghiệp nhà nước thể hiện trách nhiệm, vai trò và quan trọng là tìm kiếm phương thức để xoay chuyển tình thế.
T.P