Thursday, January 23, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiChút sự thật về DN nhà nước Việt

Chút sự thật về DN nhà nước Việt

Một số tập đoàn, tổng công ty là doanh nghiệp Nhà nước như PVN, VNPT, TKV, Petrolimex… có lợi nhuận cao. Trong khi đó EVN, Vietnam Airlines… vẫn đang lỗ lớn trong 8 tháng đầu năm 2023.

Bức tranh tài chính trái ngược của một số “ông lớn” doanh nghiệp Nhà nước

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết năm 2022, Việt Nam còn khoảng 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và khoảng 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kết quả kinh doanh hợp nhất 8 tháng của 19 tập đoàn, tổng công ty là doanh nghiệp nhà nước cho thấy tổng doanh thu ước đạt 781.973 tỉ đồng (bằng 114% kế hoạch năm và tăng 5% so với cùng kỳ).

Một số doanh nghiệp có tổng doanh thu lớn, như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Các doanh nghiệp có lợi nhuận trước thuế đạt hơn 3.000 tỉ đồng, gồm: PVN, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).

Tổng nộp ngân sách nhà nước ước đạt 50.994 tỉ đồng (bằng 126% kế hoạch năm và bằng 111% so với cùng kỳ). Những doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách nhà nước lớn như Petrolimex, Tổng công ty Lương thực miền Nam, PVN, TKV, SCIC…

Tuy nhiên, cũng có một số doanh nghiệp lỗ nặng như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), lỗ hàng chục nghìn tỉ đồng, Vietnam Airlines lỗ hơn 4.500 tỉ đồng.

Đáng chú ý, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có chuyển biến tích cực so với các năm trước, lợi nhuận trước thuế đạt 143.9 tỉ đồng (bằng 139,6% kế hoạch năm, bằng 193,7% so với cùng kỳ năm 2022).

“Do khó khăn khách quan, một số tập đoàn, tổng công ty có mức lợi nhuận âm, trong đó có những doanh nghiệp có quy mô lớn, có vai trò quan trọng EVN, Vietnam Airlines,…) làm ảnh hưởng không nhỏ tới tổng lợi nhuận chung của tập đoàn, tổng công ty”, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá.

Lý giải khoản lỗ khủng của EVN

Trao đổi với Báo Lao Động về tình hình tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), một đại diện tập đoàn này cho biết, theo số liệu báo cáo tài chính, 8 tháng đầu năm 2023, EVN dự kiến lỗ tới hơn 28.700 tỉ đồng. Như vậy, cùng với số lỗ 26.500 tỉ đồng của năm 2022, tính đến thời điểm hiện tại, công ty mẹ EVN lỗ tổng cộng khoảng trên 55.000 tỉ đồng.

Lý do khiến EVN tiếp tục lỗ lớn trong 8 tháng năm 2023 là do kinh doanh dưới giá vốn; giá nguyên nhiên liệu đầu vào tăng cao trong mấy tháng đầu năm 2023 (mặc dù có giảm so với năm 2022).

Trao đổi với Lao Động, ông Trần Việt Hoà – Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay, diễn biến giá nhiên liệu cho sản xuất điện vẫn còn nhiều bất lợi cho ngành điện mặc dù đã có giảm so với năm 2022 nhưng vẫn giữ giá ở mức cao so với các năm trước đó.

Cụ thể, giá than nhập khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2023 khoảng 210 USD/tấn, thấp hơn bình quân năm 2022 (khoảng 360 USD/tấn), nhưng vẫn cao hơn nhiều so với bình quân các năm 2019 – 2021 (khoảng 92 USD/tấn). Giá dầu HSFO trên thế giới dùng để xác định giá khí thị trường 6 tháng đầu năm 2023 khoảng 423 USD/tấn, thấp hơn năm 2022 (522 USD/tấn), nhưng vẫn cao hơn nhiều so với bình quân các năm 2019 – 2021 (khoảng 344 USD/tấn).

“Việc giá nhiên liệu giữ ở mức cao tiếp tục ảnh hưởng đến chi phí mua điện của năm 2023.

Đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2023 vừa qua thời tiết nắng nóng, phụ tải tăng cao, đồng thời thủy văn gặp nhiều bất lợi, nên sản lượng điện từ các nhà máy thủy điện thấp dẫn đến hệ thống phải huy động tối đa các nhà máy nhiệt điện (than, khí và dầu)”, ông Trần Việt Hoà cho hay.

Nói về các giải pháp giúp EVN có thể tiến tới cân bằng tài chính, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho rằng, thực tế thời gian qua và hiện nay EVN đã tiến hành nhiều giải pháp để góp phần cân bằng tài chính như phát động phong trào tiết kiệm điện trên toàn quốc, giải pháp về tiết kiệm điện.

“Tuy nhiên, những giải pháp nêu trên chỉ mang tính chất hỗ trợ, để đảm bảo cân bằng được tài chính thì quan trọng nhất vẫn là giảm giá nhiên liệu bán cho điện từ các nhà cung cấp trong nước, huy động tối ưu các nguồn phát điện, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và cho phép điều chỉnh giá điện để thu hồi các chi phí chưa được tính đầy đủ vào giá điện”, ông nói.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới