Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Ông chẳng bà chuộc”

“Ông chẳng bà chuộc”

Việt Nam có thành ngữ “Ông chẳng bà chuộc”, biểu thị sự chủng chẳng không ăn khớp, không hợp nhau về ý nghĩa cũng như việc làm giữa người này và người khác. Thời điểm này, nhiều người sử dụng câu thành ngữ trên để nói về quan hệ giữa ông Biden và ông Tập Cận Bình.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) bắt tay với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Bali (Indonesia) hồi tháng 11-2022.

“Khen cho con mắt tinh đời” của những người trên khi lẩy ra được một câu thành ngữ trong kho thành ngữ phong phú, số lượng cả ngàn vạn câu của người Việt, dùng vào nơi đắc địa. Quan hệ Mỹ – Trung như thế nào, thì quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo hai siêu cường hàng đầu y chang thế. Mà bang giao Mỹ – Trung giai đoạn này được nhận định là xấu tới mức có thể nói là “xuống tới đáy”.

Chuyện bắt đầu từ sự trỗi dậy của Trung Quốc sau thời gian dài “ngủ đông”. “Ngủ đông” là cách nói chỉ một Trung Quốc trước năm 1976, khi chưa cải cách mở cửa. Nghèo thì hèn. Và nghèo thì yếu. Thế nên, dù chủ nghĩa dân tộc cực đoan gắn với tư tưởng đại Hán chưa bao giờ ngừng nghỉ, Trung Quốc khi đó cũng chỉ biết nhắm mắt làm ngơ, để Mỹ làm mưa làm gió.

Những kết quả của việc vận dụng “thuyết con mèo” (“Không cần biết mèo vàng hay mèo đen, chỉ cần bắt được chuột đều là mèo tốt”; nguyên văn “hoàng li hắc li, đắc thử giả hùng” trong tác phẩm “Liêu trai chí dị” của nhà văn Bồ Tùng Linh, đời Thanh -Trung Quốc) của nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, sau 30 năm, Trung Quốc đã thành một siêu cường thách thức vị trí số 1 của Mỹ.

Thậm chí, chính Bắc Kinh, trái với những gì họ huyênh hoang là “cường quốc trỗi dậy hòa bình”, đã gây náo loạn ở nhiều nơi, khiến cộng đồng quốc tế lo ngại và phản đối. Điển hình là những gì họ đã và đang làm ở Biển Đông với yêu sách “đường 9 đoạn” tham lam khiến Biển Đông vốn yên bình thành nơi bão tố trong vài chục năm nay.

Mỹ choàng tỉnh thì đã muộn. Cùng với những ân hận về việc đã chủ quan, tạo điều kiện cho Trung Quốc phát triển, Washington hối hả tung ra các đòn thương mại, công nghệ nhằm vào quốc gia 1,4 tỷ dân. Nhưng một Trung Quốc với quy mô kinh tế 19 nghìn tỷ, một thị trường nội địa khổng lồ, đang nỗ lực vượt Mỹ để có quy mô kinh tế lớn nhất thế giới năm 2030; một Trung Quốc thực sự đã thành một cường quốc công nghệ hàng đầu, đưa được tàu lên vũ trụ; một Trung Quốc đã thành một cường quốc quân sự, sở hữu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa…, đâu có dễ dàng khuất phục. Bắc Kinh tỏ ra lỳ đòn, ăn miếng trả miếng sòng phẳng, khiến ngay cả một tổng thống hung hăng như ông Trump, cuối cùng cũng phải dè chừng.

Tới thời người đàn ông nho nhã Biden kế nhiệm, dù hình thức là tiếp tục, nhưng các động thái đã được tính toán, cân nhắc và thận trọng hơn rất nhiều. Giới chuyên gia nhận định rằng đó là dấu hiệu khôn ngoan, “biết mình biết ta”, vận dụng thuật “cương/nhu” một cách khôn khéo và thuần thục.

Chứng minh cho điều này, nhiều người dẫn ra cái nắm tay nồng ấm, thân mật, gần gũi của ông Biden và ông Tập Cận Bình trong cuộc gặp bên lề Hội nghị G20 tại diễn ra ở Bali, Indonesia ngày 14/11/2022. Bình luận sự kiện này, hãng CNN nhận định: “Thế giới có thể dễ thở hơn một chút sau cuộc gặp của ổng thống Mỹ Joe Biden với Chủ tịch Trung Quốc khi hai bên cùng thống nhất quản lý khác biệt, tránh xung đột, cùng bắt tay giải quyết nhiều vấn đề của thế giới”. Còn Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đã hào hứng nhấn mạnh: “Bất kể những gì xảy ra trước đó, động thái ngồi xuống nói chuyện với nhau giữa các nhà lãnh đạo Trung-Mỹ phát đi một tín hiệu tích cực có thể giúp xoa dịu tình hình căng thẳng”.

“Những gì xảy ra trước đó” là gì? Hẳn phải liệt kê nhiều nhiều, nhưng trong đó không thể không nhắc tới cuộc đấu khẩu nảy lửa giữa ông Tập và ông Biden liên quan chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Mỹ, hồi tháng 9 cùng năm – sự kiện mà ông Tập đe ông Biden là “vượt lằn ranh đỏ”.

Khi sự việc có chiều nguôi ngoai, thì ngày 20/6, trong cuộc vận động gây quỹ tại California, ông Biden làm mọi sự nóng trở lại với lời chỉ đích danh ông Tập Cận Bình là “nhà độc tài”. Câu nói khiến phía Trung Quốc phản pháo dữ dội, cho rằng: phát biểu của ông chủ Nhà Trắng là “khiêu khích chính trị công khai”.

Rồi một lần nữa, sự việc “chùng xuống” khi ông Biden tỏ ra “cầu thị” trong trả lời phóng viên hãng tin Reuters trước chuyến công du Nhật, ngày 17/5 năm nay, rằng ông sẽ nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Dù không cho biết thời gian cụ thể, nhưng bằng thao tác liên kết và suy luận, cánh ký giả quốc tế nhận định ông Biden muốn gặp ông Tập tại Hội nghị Thượng đỉnh G20, khai mạc tại thủ đô New Delhi (Ấn Độ) vào ngày 9/9.

Tuy nhiên, sự cầu thị và thiện chí của ông Biden đã không được đền đáp. Do quan hệ căng thằng Trung Quốc – Ấn Độ, ông Tập Cận Bình đã không tham dự Thượng đỉnh G20, mà cử Thủ tướng Lý Cường tham dự. Thể hiện thái độ, ông chủ Nhà Trắng đã chỉ còn biết than thở “lấy làm tiếc”.

Dù sao, sự tiếc nuối của tổng thống Mỹ trong trong tình huống này, một lần nữa cho thấy thiện chí muốn cải thiện quan hệ bang giao giữa hai nước.

Chẳng biết có phải rưng rưng cảm xúc vì sự “biết điều” của ông Biden hay không, cách đây vài ngày, tại Bắc Kinh, ông chủ Trung Nam Hải Tập Cận Bình đã bắn tiếng rằng: “Nhìn về tương lai, Trung Quốc và Mỹ – với tư cách là hai nước lớn, chịu trách nhiệm quan trọng hơn đối với hòa bình, ổn định và phát triển thế giới”. Như để cho thuyết phục hơn, liền trước đó, ông Tập còn nhấn mạnh: Washington và Bắc Kinh từng cố gắng xây dựng tình bạn “sâu sắc” trong quá khứ.

Thái độ tích cực của hai bên liệu có là một cái gì đó lạc quan cho bang giao Mỹ – Trung?

Câu trả lời, với nhiều người, là: Có thể và mong thế, vì điều đó có lợi cho thế giới.

Nhưng vẫn đề là “vị” (vị trí siêu cường số 1) thì chỉ có một. Trong khi đó, “chung kết” thì những hai: bên thì cố giữ, bên thì đang nỗ lực bằng mọi cách để chiếm đoạt. Do vậy, mong để hai bên không hậm hực, cay cú và hầm hè – khó lắm. Nên cái sự “ông chẳng bà chuộc” giữa ông Tập Cận Bình và ông Biden cũng từ đấy mà ra, và chấm dứt sao được.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới