Friday, December 20, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiVì sao Toshiba sụp đổ

Vì sao Toshiba sụp đổ

Toshiba, một công ty nổi tiếng của Nhật Bản có lịch sử 148 năm tuổi từng cùng Sharp và Panasonic tạo thành “ba đại gia đồ điện gia dụng” của Nhật Bản, có thể rút khỏi thị trường chứng khoán trong năm nay.

Bán mình, rút khỏi sàn chứng khoán

Tập đoàn Toshiba ngày 21/9 cho biết một tập đoàn tài chính do Đối tác công nghiệp Nhật Bản (JIP) đứng đầu đã hoàn tất mua lại Toshiba, dọn đường cho việc tư nhân hóa và hủy niêm yết của công ty.

Tập đoàn tài chính nói trên, bao gồm hơn 20 công ty Nhật Bản, đã mua lại cổ phần của Toshiba với giá 4.620 yên (khoảng 31,2 USD) mỗi cổ phiếu.

Theo Kyodo News và Associated Press, JIP đã thâu tóm được 78,65% cổ phần từ các cổ đông của Toshiba, vượt qua ngưỡng tối thiểu 66,7% cổ phần nên việc mua lại đã hoàn thành. Liên minh tài chính này sẽ chính thức trở thành công ty mẹ và cổ đông lớn nhất của Toshiba vào ngày 27/9 khi quá trình hạch toán bắt đầu.

Sau khi việc mua lại hoàn tất, Chủ tịch Toshiba Taro Shimada nói: “Tôi vô cùng biết ơn nhiều cổ đông vì họ đã hiểu cho ý tưởng của công ty chúng tôi. Toshiba sẽ tiến một bước lớn hướng tới một tương lai mới với sự hỗ trợ của các cổ đông mới”.

Ông nói, ngay cả sau khi quá trình tư nhân hóa hoàn tất, Toshiba vẫn sẽ “làm điều đúng đắn” để nâng cao giá trị doanh nghiệp.

Năm 2015, Toshiba rơi vào khủng hoảng tài chính sau khi vụ bê bối gian lận kế toán bị phanh phui, công ty rơi vào tình trạng hỗn loạn trong quản lý và vận hành trong suốt một thời gian dài. Trong giai đoạn này, Toshiba đã công bố nhiều thương vụ mua bán sáp nhập và phương án tái cơ cấu nhưng đều thất bại. Một số nhà phân tích cho rằng, việc chậm trễ trong việc hoàn tất phương án tái cơ cấu của Toshiba có liên quan đến việc công ty sở hữu những công nghệ nhạy cảm và các bên liên quan của Nhật Bản đặc biệt thận trọng trong việc lựa chọn nhà đầu tư.

Năm 2017, Toshiba đã thu hút các nguồn vốn bên ngoài để giải quyết tình trạng nợ nần, thiếu vốn và tăng vốn thêm 600 tỉ yen (4,054 tỉ USD), nên tránh được việc bị hủy niêm yết. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng việc các cổ đông nước ngoài tham gia tăng vốn sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của Toshiba.

Toshiba bắt đầu tìm kiếm bên mua lại vào năm 2022 để tách khỏi các nhà đầu tư nước ngoài nói trên. Vào tháng 10 năm đó, hãng đã chọn một tập đoàn tài chính do JIP chủ đạo làm bên ưu tiên mua lại.

Kyodo News đưa tin Toshiba sớm nhất sẽ hủy niêm yết ngay trong năm nay, chấm dứt lịch sử 74 năm niêm yết. Sau khi Toshiba rời khỏi thị trường chứng khoán, hãng sẽ cắt đứt quan hệ với các quỹ nước ngoài đã tham gia vào hoạt động kinh doanh.

Theo Jiemian News, Toshiba được thành lập từ năm 1875, đã có lịch sử 148 năm, từng là biểu tượng cho sức mạnh của ngành công nghiệp chế tạo Nhật Bản, từng cùng với Sharp và Panasonic tạo thành “Big Three” của ngành đồ điện gia dụng Nhật Bản. Phạm vi kinh doanh của công ty bao trùm nhiều lĩnh vực khác nhau như sản xuất, năng lượng hạt nhân, sản xuất điện, chất bán dẫn, thiết bị gia dụng, máy tính, thiết bị gia dụng, xây dựng cơ sở hạ tầng…

Toshiba từng tạo ra nhiều sản phẩm “Nhật Bản đầu tiên”, bao gồm đài radar đầu tiên, tivi bán dẫn đầu tiên, lò vi sóng đầu tiên, điện thoại màn hình màu đầu tiên, máy tính xách tay đầu tiên, đầu đĩa DVD đầu tiên…Vào thời kỳ đỉnh cao, hoạt động kinh doanh thiết bị gia dụng chiếm 1/3 tổng doanh thu của Toshiba.

Trong thời kỳ huy hoàng của mình, Toshiba là một trong ba nhà sản xuất thiết bị y tế lớn nhất toàn cầu, một trong năm nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới, nhà sản xuất điện cơ tổng hợp lớn thứ hai Nhật Bản và là một trong bốn nhà sản xuất năng lượng hạt nhân lớn nhất nước Nhật.

Vũng lầy thua lỗ

Tuy nhiên, bức tường thành cao như vậy đã dần dần bị sụp đổ sau khi bước vào thế kỷ 21.

Nguyên nhân sớm nhất dẫn đến điều này là việc Toshiba mua lại Westinghouse Electric, một nhà sản xuất thiết bị điện hạt nhân hạng nặng toàn cầu của Mỹ vào năm 2006. Vụ giao dịch này tiêu tốn của Toshiba tổng cộng 7 tỉ USD.

Tuy nhiên, chỉ trong vài năm, đã xảy ra “sự cố rò rỉ nhà máy điện hạt nhân” khiến Toshiba bị bóng tối phủ lên. Nhiều đơn đặt hàng đã nhận bị hủy bỏ, Westinghouse Electric rơi vào tình trạng thua lỗ nặng và hiệu quả hoạt động chung của Toshiba cũng bị vạ lây. Năm 2015, Toshiba bị phát hiện làm sai lệch số liệu báo cáo tài chính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh và danh tiếng của công ty. Kể từ đó, việc kinh doanh của Toshiba ngày càng kém đi và nhiều lần rơi vào vũng lầy thua lỗ.

Hệ quả là Toshiba bắt đầu bước vào thời kỳ mạnh tay bán tài sản. Năm 2015, Toshiba bán mảng kinh doanh cảm biến hình ảnh cho Sony; năm 2016, Toshiba bán 80,1% cổ phần ở mảng kinh doanh thiết bị gia dụng và 40 năm quyền sử dụng thương hiệu Toshiba trên toàn cầu cùng hơn 5.000 bằng sáng chế liên quan đến đồ điện gia dụng cho hãng Midea.

Năm 2016, công ty con về thiết bị y tế của Toshiba là “Toshiba Medical Systems” đã được bán cho Canon; năm 2017, Toshiba đã chuyển nhượng 95% cổ phần kinh doanh TV cho Hisense. Năm 2018, một tập đoàn do Bain Capital đứng đầu đã đầu tư 18 tỉ USD mua lại công ty chip nhớ của Toshiba. Cùng năm, Toshiba đã bán 80,1% cổ phần kinh doanh máy tính của mình cho Sharp. Năm 2022, công ty con sản xuất điều hòa không khí của Toshiba là Toshiba Carrier đã được bán cho hãng sản xuất máy điều hòa Carrier Air Conditioning của Mỹ.

Hiện tại, tài sản cốt lõi còn lại của Toshiba bao gồm các mảng kinh doanh năng lượng, giải pháp hệ thống cơ sở hạ tầng, giải pháp kỹ thuật số, nghiệp vụ chất bán dẫn.

Báo cáo tài chính cho thấy từ tháng 4 đến tháng 12 năm 2022, doanh thu của Toshiba là 2,3 nghìn tỉ yên (khoảng 17,3 tỉ USD), lợi nhuận ròng là 84 tỉ yên (khoảng 630 triệu USD) và số lượng nhân viên trên 116.000 người.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới