Thursday, December 19, 2024
Trang chủBiển nóngCăng thẳng ở khu vực bãi cỏ mây leo thang và toan...

Căng thẳng ở khu vực bãi cỏ mây leo thang và toan tính của Bắc Kinh

Ngày 7/8/2023, chính quyền Manila đã triệu Đại sứ Trung Quốc đến để phản đối vụ tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn chặn và phun vòi rồng vào các tàu tuần duyên Philippines ở khu vực Biển Đông.

Vụ việc xảy ra hôm 5/8 khi lực lượng tuần duyên Philippines hộ tống các tàu chở thực phẩm, nước, nhiên liệu và các vật tư khác cho quân nhân Philippines đóng tại Bãi Cỏ Mây mà Manila khẳng định thuộc chủ quyền của mình, trong vùng quần đảo Trường Sa. Theo thông tin của lực lượng tuần duyên Philippines, Trung Quốc triển khai đến 6 tàu hải cảnh, 3 tàu hải quân và các tàu dân quân biển đến khu vực này. Trung Quốc đã áp dụng chiến thuật cải bắp thông qua việc triển khai 3 lớp, gồm tàu hải cảnh, tàu dân binh và tàu hải quân ở vòng ngoài trong hoạt động gây hấn lần này.

Trước đó, hôm 6/8 lực lượng tuần duyên Philippines đã lên tiếng tố cáo tàu hải cảnh Trung Quốc, lên án mạnh mẽ và coi đây là hành động “quá đáng và gây hấn”. Chỉ 2 tiếng sau thông báo của Philippines, Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng phản đối Trung Quốc, cho rằng hành động của Bắc Kinh đã trực tiếp đe doạ nguyên trạng ở Biển Đông và hoà bình, ổn định trong khu vực. Tuyên bố nhắc lại phán quyết của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc tháng 7/2016 là có tính ràng buộc về mặt pháp lý, theo đó Trung Quốc không có cơ sở yêu sách Bãi Cỏ Mây, khu vực nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế của Philippines; kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết trọng tài cũng như tôn trọng quyền tự do hàng hải. Trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, với tư cách là đồng minh lâu năm của Philippines, Washington khẳng định rằng “một cuộc tấn công vũ trang vào các tàu, máy bay và lực lượng vũ trang của Philippines, bao gồm cả những sự việc liên quan đến tàu tuần tra ở khu vực Biển Đông sẽ khiến kích hoạt cam kết về quốc phòng bảo vệ lẫn nhau của Mỹ theo Điều IV Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines 1951”. Các đồng minh của Mỹ như Anh, Pháp, Đức, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada và Liên minh châu Âu (EU) cũng lên tiếng chỉ trích hành động của Bắc Kinh.

Người phát ngôn của Lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc Gan Yu nói rằng họ chỉ thực hiện các biện pháp kiểm soát cần thiết khi ngăn chặn các tàu của Philippines đi vào “vùng biển của Trung Quốc”, chở theo các vật liệu xây dựng trái phép. Quan chức này tiếp tục khẳng định cái gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi của Bắc Kinh” ở khu vực Trường Sa và vùng nước xung quanh, bao gồm cả Bãi Cỏ Mây (Trung Quốc gọi là Bãi Renai). Tuyên bố của ông Gan Yu trên trang mạng của cơ quan này có đoạn: “Hai tàu tiếp liệu và hai tàu tuần duyên Philippines đã xâm phạm trái phép vùng biển lân cận Bãi Renai (Bãi Cỏ Mây) ở quần đảo Nam Sa (cách Trung Quốc gọi Trường Sa)”; “Phía Trung Quốc kêu gọi Philippines kéo tàu chiến mắc cạn ra khỏi Bãi Cỏ Mây và khôi phục nó về tình trạng ban đầu”.

Đây là chiếc tàu chiến từ thời Chiến tranh thế giới thứ hai được hải quân Philippines mua lại và đổi tên thành BRP Sierra Madre theo tên của dãy núi dài nhất Philippines. Đáp trả việc Trung Quốc chiếm đóng Đá Vành Khăn (năm 1995), Manila đã cố ý cho con tàu này mắc cạn trên Bãi Cỏ Mây (một rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa) vào năm 1999 để khẳng định yêu sách của nước này. Hiện chiếc tàu này là nơi thường trú của binh sĩ Philippines và thường xuyên phải nhận tiếp tế. Bắc Kinh đã hối thúc Manila rút tàu chiến trong khi bảo vệ hành động của lực lượng hải cảnh Trung Quốc là “chuyên nghiệp và có kiềm chế”. Bắc Kinh cáo buộc các tàu Philippines “đã phớt lờ những lời can ngăn và cảnh báo lặp đi lặp lại của Trung Quốc và đã cố gắng chuyển các vật liệu xây dựng được sử dụng để bảo trì và sửa chữa con tàu neo đậu trái phép trên bãi cạn này”; vu cáo Philippines không giữ lời hứa “rõ ràng” về việc trục xuất con tàu.

Ngày 7/8, Ngoại trưởng Philippines đã triệu Đại sứ Trung Quốc Hoàng Khê Liên đến để trao công hàm phản đối bao gồm cả những hình ảnh và video về vụ việc nói trên. Tại cuộc gặp, Ngoại trưởng Philippines đã bác bỏ lời kêu gọi của Trung Quốc về việc rút một tàu chiến “bất hợp pháp” ra khỏi Bãi Cỏ Mây. Manila nhấn mạnh với Bắc Kinh rằng bãi cạn là một phần thầm lục địa của Philippines, cáo buộc lực lượng hải cảnh Trung Quốc thực hiện “các hành động nguy hiểm” cũng như nhắm mục tiêu vào một trong các tàu của họ bằng tia laser.

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr cũng lên tiếng phủ nhận việc Manila có bất kỳ thỏa thuận nào về việc rút tàu chiến ra khỏi Bãi Cỏ Mây. Ông Marcos Jr nhấn mạnh trong một tuyên bố được ghi hình:  “Và để tôi nói thêm, nếu có một thỏa thuận như vậy tồn tại, tôi hủy bỏ thỏa thuận đó ngay bây giờ”. Ông Rommel Ong, một chuyên gia về hàng hải và phó chỉ huy đã nghỉ hưu của hải quân Philippines, nói: “Chúng ta cần tái thiết lập kiểm soát vùng biển quanh bãi cạn (Bãi Cỏ Mây) bởi vì nếu chúng ta không kiểm soát nó, tàu tiếp tế của chúng ta rất dễ bị tổn thương trước các chiến thuật cưỡng ép của họ (Bắc Kinh)”.

Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines (NSC) cùng với quân đội, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines (PCG) và Bộ Ngoại giao Philippines tổ chức cuộc họp báo chung cung cấp các hình ảnh trên thực địa để lên án hành vi của Trung Quốc nhằm thu hút được sự ủng hộ rộng rãi của dư luận quốc tế. Tại cuộc họp báo, Ông Jonathan Malaya, Trợ lý Tổng giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines (NSC), đã nhấn mạnh rằng sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc tại Bãi Cỏ Mây sẽ không ngăn cản được quyết tâm của Philippines trong việc bảo vệ vị thế của mình ở đó, đồng thời tuyên bố: “Chính phủ Philippines sẽ không bao giờ nhất trí một thỏa thuận buộc chúng tôi phải từ bỏ quyền chủ quyền và quyền tài phán của chúng tôi đối với bãi cạn Ayungin (Bãi Cỏ Mây)… Xét tới toàn bộ ý định và mục đích, đó chỉ là trí tưởng tượng của họ”; “Chúng tôi sẽ tiếp tục tiếp tế cho binh lính trên tàu mắc cạn này”. Ông Malaya khẳng định, Philippines “cam kết bảo dưỡng” con tàu bị rỉ sét mắc cạn ở Bãi Cỏ Mây vì “đó là biểu tượng chủ quyền của chúng tôi tại bãi cạn trong khu vực EEZ của Philippines”.

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc ở khu vực Bãi Cỏ Mây, ngày 8/8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilbert Teodoro, trao đổi về diễn biến gần đây tại Bãi Cỏ Mây. Hai bên tái khẳng định cam kết giữ vững trật tự dựa trên luật lệ, trong đó có việc ủng hộ quyền của Philippines trong việc tiến hành các hoạt động hợp pháp trên biển, phù hợp với phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016. Người đứng đầu Lầu Năm Góc nhấn mạnh “bản chất vững chắc của liên minh Mỹ-Philippines”; một lần nữa khẳng định rằng họ có nghĩa vụ phải bảo vệ đồng minh hiệp ước lâu năm của mình nếu các tàu, máy bay công và các lực lượng của Philippines bị tấn công vũ trang, bao gồm cả ở Biển Đông. Cũng trong ngày 8/8, Tư lệnh Hạm đội 7 Mỹ, Phó Đô đốc Karl Thomas đã đến tỉnh Palawan và có cuộc hội đàm với Tư lệnh Bộ chỉ huy miền Tây của Philippines. Giới quan sát nhận định việc Phó Đô đốc Karl Thomas đến Palawan vào thời điểm này thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Philippines trong vụ việc căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh ở khu vực Bãi Cỏ Mây.

Toan tính của Bắc Kinh là gì đằng sau việc tập trung chĩa mũi nhọn gây hấn vào Manila đang được các nhà phân tích mổ xẻ. Các chuyên gia đã chỉ ra những mục tiêu của Trung Quốc khi liên tiếp có các hành động hung hăng đối với Philippines ở Biển Đông trong thời gian gần đây, cụ thể là:

Một là, Trung Quốc muốn thử phản ứng của các Philippines và Mỹ. Sau khi ông Philippines Ferdinand Marcos Jr. trở thành Tổng thống Philippines, chính sách ngoại giao của chính quyền Manila đã có sự thay đổi theo chiều hướng thân với Mỹ nhiều hơn và cứng rắn hơn trên vấn đề Biển Đông. Những diễn biến trong hơn 1 năm qua cho thấy, Philippines chủ động tích cực tăng cường quan hệ đồng minh quân sự với Mỹ nhằm tìm kiếm một sự bảo đảm về an ninh ở Biển Đông. Bắc Kinh một mặt muốn xem giới hạn của Philippines trong các hành động đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông, mặt khác muốn chuyển tới Manila một thông điệp mang tính răn đe: nếu muốn dựa vào Mỹ để đối đầu với Trung Quốc thì sẽ chỉ “chuốc lấy tai họa”. Giới quan sát cho rằng trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung, Philippines là đối tượng mà cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn lôi kéo. Bắc Kinh đang thực hiện chiến thuật “vừa đấm, vừa xoa” đối với Manila, một mặt ve vãn nhưng mặt khác lại đe dọa, uy hiếp để buộc Philippines phải xa rời Mỹ.

Sau một loạt động thái tăng cường mạnh mẽ quan hệ quân sự giữa Mỹ và Philippines từ đầu năm tới nay, Trung Quốc muốn thử phản ứng của Mỹ và thăm dò giới hạn của quan hệ đồng minh Mỹ-Philippi3nes. Bắc Kinh đã nhận được câu trả lời nhanh chóng từ Washington rằng Mỹ sẽ can thiệp nếu Trung Quốc sử dụng vũ lực đối với Philippines.

Hai là, Trung Quốc muốn khẳng định chủ quyền của họ ở Bãi Cỏ Mây bởi rạn san hô này có một vị trí chiến lược ở Biển Đông, từ đây có thể kiểm soát dễ dàng tuyến hàng hải quan trọng qua Biển Đông. Chuyên gia hàng hải Jay Batongbacal từ Đại học Philippines nhận định việc kiểm soát Bãi Cỏ Mây không chỉ mang tính chiến lược đối với Trung Quốc mà còn có thể là “vị trí lý tưởng nữa để xây dựng căn cứ quân sự”.

Với yêu sách “Đường chín đoạn” ở Biển Đông, Trung Quốc đòi hỏi “tất cả những quần đảo hay là đá” trong pham vi “Đường chín đoạn” cho tới tận Bãi Tăng Mẫu đều “thuộc về Trung Quốc”, trong đó có Bãi Cỏ Mây. Bất chấp việc phán quyết năm 2016 đã bác bỏ các yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông và tuyên bố “Đường chín đoạn” là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, Bắc Kinh tiếp tục gia tăng các hoạt động hung hăng thúc đẩy yêu sách phi lý của họ.

Bãi Cỏ Mây là một rạn san hô nằm cách tỉnh Palawan của Philippines 105 hải lý, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines. Tháng 11/2022, Phó Tổng thống Mỹ đã lần đầu tiên tới thăm Palawan. Sau khi Philippines đồng ý cho quân đội Mỹ quyền tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự mới của Philippines hồi đầu tháng 2, trong đó có một căn cứ ở tỉnh Palawan thì Bãi Cỏ Mây lại càng trở nên nhạy cảm đối với Bắc Kinh. Việc Philippines củng cố vị trí chiếm đóng ở Bãi Cỏ Mây sẽ là trở ngại lớn cho việc Trung Quốc thực hiện mục tiêu khống chế độc chiếm Biển Đông. Đây có thể là lý do Bắc Kinh ngăn cản quyết liệt những hoạt động của Philippines liên quan đến khu vực này.

Ba là, qua hành động hung hăng gây sức ép với Philippines, Trung Quốc muốn chuyển tới các nước ven Biển Đông như Việt Nam, Malaysia, Indonesia… một thông điệp răn đe mạnh mẽ “chớ có vào hùa với Philippines xích lại gần Mỹ” và Bắc Kinh sẽ “trừng phạt” bất cứ nước nào ủng hộ Mỹ can dự sâu vào Biển Đông. Giới chuyên gia cho rằng trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng gay gắt, Bắc Kinh lo ngại “một hiệu ứng domino” trong các nước ven Biển Đông theo chân Philippines thắt chặt quan hệ với Mỹ gây bất lợi cho Trung Quốc thực hiện tham vọng ở khu vực. Tuy nhiên, xem ra chiêu bài “rung cây dọa khỉ” của Bắc Kinh đã lỗi thời bởi các nước ven Biển Đông đều đã từng là nạn nhân của những hành vi hiếu chiến của Bắc Kinh, đã nhận thức rõ được bộ mặt thật của Bắc Kinh. Việc làm của Bắc Kinh chỉ càng đẩy các nước này xa rời họ để tìm kiếm sự hợp tác với Mỹ và các nước ngoài khu vực trong các vấn đề an ninh ở Biển Đông.

Mặc dù Bắc Kinh tỏ rõ sự hung hăng trong các hành động bắt nạt Philippines, song giới chuyên gia đều cho rằng Bắc Kinh cũng chỉ dừng lại ở các hành động dưới mức quân sự, Trung Quốc sẽ phải cân nhắc cẩn thận về việc sử dụng vũ lực hoàn toàn để chiếm bãi cạn vì sợ rằng nó sẽ kích hoạt hiệp ước phòng thủ chung giữa Mỹ và Philippines năm 1951. Hành động hung hăng của Bắc Kinh không làm Manila nhụt chí mà khiến Philippines trở nên cứng rắn hơn. Giữa những căng thẳng gia tăng với Trung Quốc ở khu vực Bãi Cỏ Mây, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilbert Teodoro đã gay gắt đáp trả những chỉ trích của Trung Quốc đối với quyết định của chính quyền Ferdinand Marcos Jr cho Lầu Năm Góc quyền tiếp cận thêm các căn cứ quân sự của Philippines. Bộ trưởng Teodoro thẳng thừng tuyên bố: “Đây là lãnh thổ của Philippines, và chúng tôi làm gì ở đây là việc của chúng tôi, miễn là điều đó mang lại lợi ích cho Philippines. Không có quốc gia nào có quyền đặt câu hỏi về những gì chúng tôi đang làm ở đây cả”. Trong khi đó, Phó Đô đốc Jay Tarriela, Phát ngôn viên của lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines, nhấn mạnh: “Nếu bạn là người Philippines, dù là trong chính phủ hay khu vực tư nhân, bất kể quan điểm chính trị của bạn là gì, việc bảo vệ và bào chữa cho hành vi hung hăng của Trung Quốc sẽ bị coi là không yêu nước, và là kẻ phản bội Philippines và người dân của chúng ta”.

RELATED ARTICLES

Tin mới