Thursday, November 14, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHàng rào nổi - một phương thức mới củng cố yêu sách...

Hàng rào nổi – một phương thức mới củng cố yêu sách chủ quyền phi lý của TQ ở Biển Đông

Ngày 24/9/2023, Chuẩn Đô đốc Jay Tarriel, Người phát ngôn Lực lượng Cảnh sát biển Phi-líp-pin cho biết, Cơ quan quản lý nghề cá và nguồn lợi thủy sản và Lực lượng Cảnh sát biển Phi-líp-pin đã cùng lên tiếng phản đối mạnh mẽ trước việc Hải cảnh Trung Quốc đã cho lắp đặt hệ thống hàng rào nổi ở khu vực Đông Nam của Bãi cạn Scarborough mà nước này gọi là Bãi Bajo de Masinloc.

Việc phía Trung Quốc lắp đặt hệ thống hàng rào nổi với chiều dài khoảng 300m được cho là nhằm ngăn cản ngư dân Phi-lip-pin vào đánh bắt cá ở trong khu vực Bãi cạn và “cướp đoạt các hoạt động mưu sinh và nguồn lợi thủy sản của ngư dân Phi-lip-pin”.

Hoạt động lắp đặt hàng rào nổi này được 3 tàu vận tải của Cảnh sát biển và một số tàu dân binh Trung Quốc tiến hành và được ngư dân và Cảnh sát biển Phi-líp-pin phát hiện ra vào ngày 22/9/2023.

Đây không phải là lần đầu tiên phía Trung Quốc tiến hành dựng hàng rào trên biển ở khu vực Bãi cạn Scarborough nhằm ngăn cản các hoạt động nghề cá của ngư dân Phi-lip-pin.

Hẳn chúng ta còn nhớ sự kiện Trung Quốc chiếm Bãi cạn Scarborough năm 2012. Vào thời điểm đó, tháng 4/2012, trong quá trình tuần tra vùng biển của mình, lực lượng Cảnh sát biển Phi-lip-pin phát hiện khá nhiều tàu cá Trung Quốc tập trung quanh khu vực Bãi cạn và đang tiến hành đánh bắt, khai thác rất nhiều loại thủy sản được liệt vào danh mục các loài cần bảo vệ như trai tai tượng, san hô, cá  mập….Thực hiện quyền chấp pháp của mình, Cảnh sát biển Phi-líp-pin đã cử tàu ra để kiểm tra và bắt giữ các tàu cá Trung Quốc. Tuy nhiên, trong quá trình này, phía Trung Quốc đã cho tàu Cảnh sát biển của mình, lấn lượt về số lượng và quy mô cũng như công suất ra quyết liệt ngăn cản. Tình hình này buộc phía Phi-líp-pin phải cử thêm 01 tàu Hải quân ra hỗ trợ và Trung Quốc đã chớp lấy thời cơ, đẩy cao căng thẳng và đổ lỗi cho Phi-líp-pin là tiến hành các hành động mang tính khiêu khích về mặt quân sự. Khi căng thẳng leo thang, ngoài việc Trung Quốc điều thêm nhiều phương tiện chiến đấu đến thực địa, nước này còn áp dụng nhiều biện pháp trả đũa như hạn chế du khách Trung Quốc đến Phi-lip-pin du lịch, hạn chế việc nhập khẩu chuối và hoa quả từ Phi-líp-pin…Trong bối cảnh đó, Mỹ là người đứng ra làm trung gian hòa giải cho hai bên với việc hai bên sẽ giảm bớt sự hiện diện về mặt quân sự và tàu của lực lượng chấp pháp tại khu vực Bãi cạn Scarborugh. Nghiêm túc thực hiện cam kết, phía Phi-líp-pin cho rút các tàu của mình ra khỏi khu vực và đây chính là cơ hội vàng để Trung Quốc chiếm giữ hoàn toàn Bãi cạn này. Và đây cũng chính là nguyên nhân thúc đẩy phía Phi-lip-pin tiến hành vụ kiện trọng tài Biển Đông chống lại Trung Quốc.

Bãi cạn Scarborough là một rặng san hô vòng gồm nhiều đá ngầm và đá nổi ở khu vực Biển Đông, cách Luzon khoảng 124 hải lý. Năm 2016, trong Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông, liên quan đến vấn đề Bãi cạn Scarborough, Tòa Trọng tài nhấn mạnh “Tòa Trọng tài xem xét quyền đánh cá truyền thống tại bãi Scarborough và kết luận rằng ngư dân từ Philippines, cũng như Trung Quốc và các nước khác, đã đánh cá tại bãi Scarborough từ lâu và có quyền đánh cá truyền thống tại khu vực này. Do bãi cạn Scarborough nổi trên mặt nước lúc thủy triều lên, cấu trúc này có quyền có lãnh hải, vùng nước xung quanh cấu trúc này không tạo thành vùng đặc quyền kinh tế và quyền đánh cá truyền thống không bị mất đi do Công ước. Dù Tòa Trọng tài nhấn mạnh rằng Tòa không quyết định về vấn đề chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough, Tòa xác định rằng Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ tôn trọng quyền đánh cá truyền thống của ngư dân Philippines khi ngăn chặn tiếp cận bãi cạn Scarborough sau tháng 5 năm 2012”.

Lý do Tòa đưa ra phán quyết liên quan đến vấn đề đánh cá của ngư dân Phi-líp-pin tại đây là do sau khi chiếm giữ Bãi cạn Scarborough tháng 5/2012, Trung Quốc đã cho tàu Hải cảnh trực và chăng dây tại lối vào của Bãi cạn khiến ngư dân Phi-lip-pin không thể tiến hành đánh bắt tại khu vực này. Mặc dù Tòa trọng tài ra Phán quyết với nội dung nêu trên, song với chính sách 4 không đối với vụ kiện. Ngư dân Phi-líp-pin không thể vào đánh cá trong khu vực này.

Sau khi Tổng thống Duterte nắm quyền vào năm 2016, với chính sách cải thiện quan hệ với Trung Quốc, ông Duterte có đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc, theo đó ngư dân của Phi-lip-pin tiếp tục được vào đánh cá tại khu vực Bãi cạn Scarborough với một số lượng tàu nhất định. Tuy nhiên, điều này trên thực tế hoàn toàn phụ thuộc vào “thiện chí” của Trung Quốc. Khi quan hệ giữa Trung Quốc- Phi-lip-pin tốt, ngư dân Phi-líp-pin phần nào được thoải mái hơn và ngược lại, khi quan hệ xấu đi, Trung Quốc gia tăng các biện pháp xua đuổi, cản trở ngư dân Phi-lip-pin.

Cũng có nhiều thông tin cho rằng, Trung Quốc cũng có thể tiến hành các hoạt động xây dựng, cải tạo tại Bãi cạn Scarborough tương tự như việc nước này đã xây dựng cải tạo trái phép 7 thực thể ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Rõ ràng hành động chăng dây ở khu vực Bãi cạn Scarborough không phải là lần đầu, song lần này có một số điểm đáng chú ý sau: (i) việc lắp đặt hàng rào nổi sẽ mang tính bền vững và lâu dài hơn trên thực địa. Điều này đồng nghĩa là khả năng mà ngư dân Phi-líp-pin tiếp cận vùng lòng hồ của Bãi cạn để đánh bắt cá sẽ khó khăn hơn và sẽ mất thời gian hơn; (ii) Trung Quốc đang thử một phương thức mới áp đặt yêu sách trên biển. Lâu nay chúng ta vẫn thường nghĩ là ít nước sẽ đặt các hàng rào ranh giới trên biển như việc xác định ranh giới trên đất liền thông qua hàng rào biên giới hoặc cột mốc. Nay với cách làm này, Trung Quốc vừa có thể thử nghiệm, vừa có thể mở rộng để ngăn cản hoạt động của các nước khác ở một số khu vực ở Biển Đông, đặc biệt là ở khu vực Trường Sa; (iii) Việc làm này cũng  là một phương thức mới, không mang tính đối kháng, song có tính răn đe cao trên thực địa. Nếu ngư dân hoặc các lực lượng chức năng Phi-líp-pin tiến hành việc cắt bỏ các hàng rào này dễ bị coi là cớ để Trung Quốc đẩy cao các hoạt động mang tính trấn áp của mình. Trong bối cảnh này, các nước trong và ngoài khu vực Biển Đông cần hết sức cảnh giác, cùng chung nhận thức về mức độ phức tạp và nguy hiểm của các hành động của Trung Quốc để cùng lên tiếng đối phó. Đồng thời, việc chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp ứng phó trên thực địa là hết sức quan trọng

RELATED ARTICLES

Tin mới