Tại kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khiến cử tọa bất ngờ vì ông lấy hình ảnh hợp tác thân thiện Mỹ-Việt Nam để nói về xu thế hòa bình, họp tác thế giới trong thời đại ngày nay.
Tổng thống Joe Biden mở đầu bài phát biểu bằng việc đề cập trực tiếp chuyến thăm Việt Nam trong hai ngày 10-11/9. Ông nhắc lại những cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo Việt Nam và nói rằng, rất cảm động khi chứng kiến cựu chiến binh hai nước gặp nhau, trao đổi kỷ vật chiến tranh.
Ông chủ Nhà Trắng khẳng định, việc Việt Nam – Mỹ nâng cấp quan hệ song phương lên cấp độ cao nhất là quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện là hướng tới mục tiêu cao cả của thế giới ngày nay vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Xin cảm ơn Hòa bình!
Một trong những bản chất đặc thù nhất của mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam – theo Tổng thống Joe Biden- là khắc phục quá khứ lịch sử để hợp tác. Ông nói: “Đó là thành quả 50 năm làm việc chăm chỉ của cả hai bên để giải quyết những di sản đau thương của chiến tranh và lựa chọn cùng nhau hướng tới hòa bình và một tương lai tốt đẹp hơn”.
Tổng thống Mỹ từng là nhà ngoại giao kỳ cựu, bày tỏ, trong nhiều thập niên qua, không ai có thể tưởng tượng có một ngày người đứng đầu Nhà Trắng đứng cạnh lãnh đạo Việt Nam ở Hà Nội. Hai bên đồng thuận cam kết thúc đẩy quan hệ hợp tác ở mức độ cao nhất. Việt Nam và Mỹ đã ghi dấu mốc lịch sử: từ đối thủ thành đối tác. Thành quả của mối quan hệ Việt Nam – Mỹ chính là câu chuyện thức tỉnh chính trị, là thời sự chung của thế giới ngày nay.
Ông Joe Biden cho rằng, bản chất và định hướng của cấp độ quan hệ đối tác mới giữa hai nước đều tương đồng với chủ đề của khóa họp Đại hội đồng. Chủ đề đó là: Tăng cường tin cậy lẫn nhau và hợp tác với nhau, vì hòa bình, thịnh vượng, tiến bộ và phát triển bền vững.
Nhờ nâng cấp mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ mà hai nước có thể đóng góp tích cực và thiết thực vào việc thúc đẩy công cuộc chung đó. Cách thức hai nước cùng nhau khắc phục lịch sử và thách thức được coi là mô hình, là bằng chứng cho tính khả thi của việc giải quyết mọi vấn đề khó khăn và phức tạp của thế giới.
Tầm nhìn và quyết tâm chính trị của các nhà lãnh đạo Mỹ-Việt Nam thể hiện tính đúng đắn của các định hướng đã được hai bên nhất trí. Nó không chỉ thể hiện sự phát triển trong quan hệ hai nước mà còn phản ánh thành công của Việt Nam về phát triển và hội nhập quốc tế nói chung, cũng như thực hiện những Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, nói riêng.
Thống nhất cao với quan điểm của Tổng thống Mỹ, Cố vấn an ninh quốc gia Sullivan khi tiếp xúc với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, cho rằng, cần khẳng định mạnh mẽ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc hai nước xác lập khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, là vì một tương lai hòa bình, an ninh, thịnh vượng.
Sắp tới hai nước sẽ có lộ trình hiện thực hóa các nội hàm của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, trước mắt sẽ thúc đẩy để Mỹ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Mỹ ủng hộ Việt Nam tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi năng lượng xanh, hợp tác chống biến đổi khí hậu, giáo dục – đào tạo.
Bài phát biểu của Tổng thống Mỹ tại kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc được các vị nguyên thủ các nước hết sức tán đồng. Đây là những minh chứng cụ thể cho một xu thế hòa bình, hợp tác, phát triển. Điều đó, từ lâu các nhà lãnh đạo đã có một chiêm cảm lớn kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Không ai có thể quên, thế kỷ 20 đã xảy ra hai cuộc chiến tranh thế giới, gây hậu quả vô cùng thảm khốc. Ngày nay, nếu chiến tranh thế giới, chiến tranh giữa các nước lớn xảy ra sẽ dẫn tới nguy cơ phá vỡ toàn bộ hạ tầng kinh tế của nhiều nước và nếu trở thành cuộc chiến tranh hạt nhân thì tất cả sẽ bị hủy diệt.
Vì lẽ đó, hòa bình và ổn định là nhu cầu và khát vọng của toàn nhân loại. Phải có hòa bình mới có hợp tác, phát triển và ngược lại, nếu thế giới bình yên, hợp tác và phát triển được đẩy mạnh sẽ củng cố được hòa bình của thế giới.
Khi và chỉ khi sự hợp tác, hội nhập quốc tế đem đến lợi ích giữa các quốc gia thì mọi bất ổn, biến động sẽ được giải quyết một cách thỏa đáng. Hòa bình, hợp tác và phát triển đã và đang là một trong những xu thế khách quan, hết sức quan trọng và tối cần thiết trong quan hệ quốc tế hiện nay.
Đây không chỉ là xu thế mà còn là khát vọng cháy bỏng của toàn nhân loại. Điều mong muốn lớn nhất xu thế này trở thành một giá trị lâu bền. Tuy nhiên, trên thực tế, ở nhiều nơi trên thế giới chưa có hòa bình, bởi vẫn có xung đột vũ trang, chiến tranh cục bộ, như cuộc chiến Nga- Ukraine, như tình hình căng thẳng trên Biển Đông.
Cùng với phát biểu của Tổng thống Mỹ Biden và nhiều cường quốc khác, tiếng nói tại Khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2023 có tên chung: Cảm ơn Hòa bình!
H.Đ