Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKhi Giáo hoàng “tham chiến”

Khi Giáo hoàng “tham chiến”

Giáo hoàng “tham chiến” chỉ là một cách nói tu từ, hàm ý đề cập quan điểm, thái độ của Ngài về cuộc chiến khốc liệt đang diễn ra tại Ukraine.

Giáo hoàng Francis của Giáo hội Công giáo La Mã

Phát biểu của Giáo hoàng thường cổ vũ cho hòa bình, lên án chiến tranh, kêu gọi các nước giải quyết xung đột bằng đàm phán và ngoại giao, triển khai hoạt động viện trợ nhân đạo giúp các nạn nhân chiến tranh…

Với Giáo hoàng Francis, vị giáo hoàng thứ 266, đương kim giáo hoàng của Giáo hội Công giáo Rôma, điều đó càng là tất yếu bởi ông nổi tiếng với khẳng định nhiệm vụ của Giáo hội là phải đi vào đời sống để tìm ra những cách chạm được vào lương tâm con người; để con người sống có trách nhiệm hơn, tránh xa điều xấu và cái ác…

Những quan điểm đó từng được thể hiện đậm đặc trong tác phẩm mang tên “Tên Ngài là Thương xót” – cuốn sách có nội dung là cuộc phỏng vấn độc quyền của nhà báo Andrea Tornielli với Ngài, xuất bản cách đây chưa lâu, được nhiều độc giả quan tâm tìm đọc trong sự cảm kích cao độ.

Năm 2015, tại diễn đàn LHQ, tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh, người đứng đầu Vatican, trong một bài phát biểu gây ấn tượng đặc biệt, đã lên án sự độc quyền và bất bình đẳng về xã hội và kinh tế, đồng thời phản đối các cuộc chiến tranh và xung đột tại Ukraine, Syria, Iraq, Libya, Nam Sudan và nhiều nơi ở châu Phi…

Còn nhớ, ngày 25/2/2022, nghĩa là chỉ 5 ngày sau khi cuộc chiến Ukraine nổ ra, Giáo hoàng Francis đã đến đại sứ quán Nga phụ trách quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh để bày tỏ những lo ngại về tình hình đang xảy ra tại Ukraine.

Chỉ diễn ra trong thời gian mươi phút, nhưng cuộc gặp hy hữu này cho thấy mối quan tâm lớn lao cùng sự lo lắng sâu sắc về nỗi thống khổ của người dân đã khiến người đứng đầu Giáo hội sẵn sàng bỏ qua mọi thông lệ. Sau đó, thông qua Quốc vụ khanh Tòa thánh, Giáo hoàng đã chuyển tới hai bên liên quan một thông điệp về việc Ngài, thông qua uy tín cá nhân, với tư cách giáo chủ và nguyên thủ quốc gia, sẵn sàng làm trung gian để đạt được một giải pháp cho hòa bình cho cuộc chiến mới bùng nổ khốc liệt.

Những việc làm kế đó khẳng định sự kiên trì và những nỗ lực vì hòa bình của Giáo hoàng. Ba tuần sau khi xung đột nổ ra, Ngài yêu cầu các nhà ngoại giao Tòa thánh Vatican gửi thông điệp về cuộc gặp tới Tổng thống Nga Vladimir Putin. Hãng Reuters từng đưa tin, ngày 2/10/2022, tại Vatican, Giáo hoàng Francis lần đầu tiên trực tiếp “khẩn cầu” Tổng thống Nga Vladimir Putin chấm dứt “vòng xoáy bạo lực và chết chóc” ở Ukraine, đồng thời, bày tỏ sự lo lắng cuộc khủng hoảng có nguy cơ leo thang sử dụng vũ khí hạt nhân dẫn đến thảm họa cho không chỉ hai bên, mà cho cả nhân loại.

Sang năm 2023, một tháng sau cuộc gặp Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal tại Vatican, ngày 13/5/2023, Giáo hàng đã tiếp kiến riêng Tổng thống Ukraine, ông Volodymir Zelensky, tại Dinh tông tòa (Vatican) trong khoảng 40 phút. Cho dù nội dung không được tiết lộ chính thức, nhưng ai cũng dễ dàng đoán ra, nó không thể nằm ngoài những vấn đề liên quan câu chuyện hòa bình cho Ukraine…

Tuy nhiên, nguyên nhân, động cơ, mục đích cũng những xung đột về điều kiện đưa ra của cả Ukraine và Nga đã khiến những nỗ lực của Giáo hoàng, cũng như của các bên trung gian khác, không có kết quả. Cuộc chiến vẫn tiếp tục với mức độ ngày một nghiêm trọng, khốc liệt hơn; chiến trường thành nơi thử nghiệm những loại vũ khí tối tân nhất của cả hai bên chiến tuyến.

Những người theo sát câu chuyện không khó để nhận ra rằng, đề cao hòa bình, lên án chiến tranh là lập trường của Giáo hoàng Francis, nhưng cùng thời gian, quan điểm của Ngài vận động, chuyển biến. Thay vì một thái độ cân bằng, tránh hiềm khích cho mỗi bên (Ukraine và Nga) trong giai đoạn đầu để Vatican có thể đóng vai trò hòa giải, kiến tạo hòa bình, về sau, khi những nỗ lực làm cầu nối không đạt kết quả, Ngài đã chỉ trích, phê phán thái độ và quy kết trách nhiệm cho Kremlin là bên gây ra cuộc chiến.

Gần đây, ngày 23/9 vừa qua, dù không thể hiện lập trường về việc các quốc gia nên tiếp tục, hay dừng gửi vũ khí đến Ukraine, Giáo hoàng còn mở rộng sự chỉ trích vào cả các quốc gia viện trợ vũ khí của Ukraine trong câu trả lời báo chí: một số quốc gia đang “chơi trò chơi” với Ukraine khi ban đầu cung cấp vũ khí cho Kiev, sau đó lại tính chuyện rút cam kết của mình.

Liên hệ bình luận này với bình luận, cũng của Ngài vào năm ngoái, rằng: việc các quốc gia cung cấp vũ khí cho Ukraine giúp nước này tự vệ là “hợp đạo đức”, mới thấy việc ứng xử với các sự kiện quốc tế trong bối cảnh chính trị phức tạp hiện nay khó khăn biết nhường nào.

Cái khó đó chẳng trừ ai, bất luận người đó là “đời” hay “đạo”, ngay cả khi “đạo” ở vị trí phẩm hàm cao nhất.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới