Vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà được ghi danh vào danh mục Di sản thiên nhiên thế giới đã mở ra cơ hội lớn cho du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Hải Phòng, Quảng Ninh nói riêng.
Những ngọn núi đá vôi nhấp nhô trên mặt biển, bờ cát trắng mịn, những hang động kỳ vĩ, con đường mòn xuyên rừng quốc gia Cát Bà hay làng chài Việt Hải hoang sơ… Một chuyến du lịch trên vịnh Lan Hạ sẽ giúp du khách khám phá phần nào vẻ đẹp và những giá trị của quần đảo Cát Bà. Mới đây vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản thiên nhiên thế giới. Theo các chuyên gia và những người làm du lịch, đây là cơ hội quý giá để quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam nói chung và điểm đến Hải Phòng, Quảng Ninh nói riêng.
Tuy nhiên ông Hoàng Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Hải Phòng cho rằng giữa Cát Bà và Hạ Long hiện có sự chênh lệch trong cả công tác quản lý và việc đầu tư phát triển. Vịnh Hạ Long đã 2 lần được ghi danh vào danh mục Di sản thiên nhiên thế giới và thực tế thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh cũng đã làm khá tốt trong việc quảng bá hình ảnh vịnh Hạ Long cũng như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ du khách tham quan. Theo ông Hoàng Tuấn Anh, khu vực vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà cần có cơ chế quản lý, khai thác phù hợp và đồng bộ, đặc biệt có sự đầu tư hơn nữa từ phía Hải Phòng.
“Sức chứa của Cát Bà hạn chế hơn dẫn đến các công ty lữ hành phải thiết kế các chương trình du lịch làm sao cho thuận tiện, quãng đường đi ngắn nhất, chi phí thuận tiện nhất… Tự thân chúng ta phải có sự chuẩn bị, có thể là đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất hạ tầng, cầu cảng, nơi đón tiếp, thiết kế để đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ. Để làm được việc ấy thì đương nhiên phải có sự đầu tư, đặc biệt là sự quan tâm, tháo gỡ của cơ quan quản lý nhà nước” – ông Hoàng Tuấn Anh cho biết.
Theo thống kê của UBND huyện Cát Hải, từ đầu năm đến nay, lượng khách du lịch đến Cát Bà ước đạt gần 2,5 triệu lượt; trong đó, khách quốc tế ước đạt trên 400.000 lượt. Trên địa bàn huyện hiện có hơn 310 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 6.566 phòng nghỉ, gần 130 tàu chở khách tham quan, lưu trú đang hoạt động trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà.
Hiện nay huyện Cát Hải đang đẩy mạnh công tác quản lý du lịch và đầu tư cơ sở hạ tầng, đưa Cát Bà thành “Điểm hẹn bốn mùa” hấp dẫn du khách. Nhiều doanh nghiệp du lịch tại Cát Bà cũng tranh thủ quảng bá, thiết kế và hoàn thiện sản phẩm du lịch để đón du khách, nhất là khách quốc tế trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Hoàng Ninh – quản lý Văn phòng đại diện CatBa Amazing Travel tại Hải Phòng cho biết ngay sau thông tin về kỳ họp của UNESCO, CatBa Amazing Travel đã bổ sung “Di sản thiên nhiên thế giới” trên các banner quảng cáo du lịch Cát Bà và đẩy mạnh quảng bá trên các nền tảng số, các trang du lịch uy tín trên thế giới. Để phục vụ du khách tốt hơn khi đến với Cát Bà, đơn vị này mong muốn thành phố Hải Phòng và huyện Cát Hải tăng cường đầu tư, khắc phục một số điểm nghẽn của du lịch địa phương.
“Nhược điểm của Cát Bà là giao thông khi đến với đảo. Vào mùa cao điểm, có lúc tắc phà dài hàng cây số. Vì vậy, giao thông vẫn là điều mà Hải Phòng nên đầu tư nhiều hơn. Hạ Long thì có địa hình thuận lợi và có cầu cảng rất thuận tiện, tàu ngủ đêm có thể đón khách ở trên bến, đến một bước chân xuống tàu đêm rồi. Nhưng ở Cát Bà, muốn ra tàu ngủ đêm thì lại phải trung chuyển bằng tender ra tàu to”, ông Nguyễn Hoàng Ninh cho biết.
Với việc được ghi danh Di sản thiên nhiên thế giới, các địa phương Hải Phòng, Quảng Ninh cần biến tiềm năng của vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà thành những sản phẩm du lịch đặc sắc, chuyên biệt; tận dụng cơ hội để quảng bá, phát huy và bảo tồn di sản, góp phần đưa du lịch hai địa phương Hải Phòng, Quảng Ninh bứt phá, tăng trưởng mạnh mẽ.
T.P