Thursday, December 26, 2024
Trang chủThâm cung bí sửCuộc bạo động này đã thay đổi Tân Cương vĩnh viễn

Cuộc bạo động này đã thay đổi Tân Cương vĩnh viễn

Tại Trung Quốc, khi một sự kiện đạt đến quy mô hoặc tầm quan trọng nhất định, nó sẽ được biết đến đơn giản bằng ngày, tháng của sự kiện biểu thị bằng hai con số: tháng rồi đến ngày. Như vụ thảm sát sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn xảy ra vào ngày 4/6/1989 sẽ được gọi là sự kiện 6-4, hay sự kiện Lục- Tứ; sự kiện Phụng Thiên hay sự kiện Mãn Châu năm 1931, trong tiếng Trung là sự kiện 9-18 (Cửu Thập Bát). Tương tự, chúng ta cũng biết đến phong trào Ngũ Tứ hay sự kiện 4-25 (cuộc đại thỉnh nguyện của Pháp Luân Công ở gần Trung Nam Hải năm 1999). Những tổ hợp số đơn giản này đều gợi lên những tham chiếu cụ thể và bối cảnh lịch sử lâu dài.

Nhiều chiếc xe vẫn còn bốc cháy đến rạng sáng 6-7 trên đường phố Urumqi.

Một sự kiện khác gần đây tại Trung Quốc cũng đã được biểu thị bằng ngày, tháng như vậy. Nó xảy ra vào năm 2009, ngày 5/7 ngày chết chóc, tàn phá và đàn áp tràn ngập thủ phủ Urumqi của Khu tự trị Tân Cương. Phóng viên Tania Branigan của tờ The Guardian đã mô tả cảnh tượng ấy như sau: “Tại thủ phủ Urumqi, các tòa nhà và xe cộ vẫn còn đang cháy âm ỉ ở khu vực xung quanh Chợ Lớn, nơi bạo lực bùng phát. Những vết máu dính khắp đường, cùng với những mảnh kính vỡ và những đôi giày kỳ quái bị chủ nhân của chúng vứt bỏ khi chạy trốn” .

Bối cảnh của sự kiện ngày 5/7, hay sự kiện Thất Ngũ, bắt đầu tại thành phố Thiều Quan, tỉnh Quảng Đông.

Nhiều thế kỷ trước, Thiều Quan từng là địa điểm truyền giáo đầu tiên của dòng Matteo Ricci trên đất liền. Nhưng vào năm 2009, đây là một trong nhiều thành phố công nghiệp nhẹ ven biển của Trung Quốc, đang cần thêm nhiều lao động. Công nhân nhập cư đến Thiều Quan từ khắp đất nước. Mùa xuân năm 2009 có khoảng 800 người Duy Ngô Nhĩ làm việc trong một nhà máy đồ chơi, cùng với khoảng 16.000 người Hán. Câu chuyện quen thuộc một cách đáng buồn, những người Duy Ngô Nhĩ ở Thiều Quan đầu tiên bị xem là kỳ lạ, sau đó là đáng ngờ, và cuối cùng trở thành mối đe dọa. Những lời buộc tội về sự thô lỗ và những lỗi phạm nhỏ nhặt của họ nhanh chóng leo thang.

Vào cuối tháng 6, một bài đăng ẩn danh trên internet cáo buộc 6 người đàn ông Duy Ngô Nhĩ đã cưỡng hiếp hai cô gái Trung Quốc. Những lời buộc tội này đã châm ngòi nổ cho bạo lực. Sáng sớm ngày 26/6, những cuộc tranh cãi và sau đó là ẩu đả đã nổ ra trong ký túc xá của công ty đồ chơi Xuri. Trong báo cáo gửi New York Times, ký giả Andrew Jacobs đã mô tả một trận hỗn chiến kéo dài 4 giờ, trong đó các công nhân người Hán và người Duy Ngô Nhĩ đã dùng bình chữa cháy, đá lát sàn và thanh gác giường để làm vũ khí. Phải mất 400 cảnh sát vũ trang mới có thể chấm dứt được cuộc ẩu đả hỗn loạn. Hai công nhân Duy Ngô Nhĩ đã bị giết và hơn 100 người của cả hai phe bị thương, trong đó một số bị thương nặng .

Thế nhưng, cáo buộc hiếp dâm hóa ra lại là vu khống. Cơ quan điều tra sau đó xác định rằng một nhân viên của Xuri đã bịa đặt tin đồn để trả đũa công ty. Một câu chuyện khác nói rằng tiếng la hét của một người phụ nữ khi vào nhầm phòng ký túc xá của đàn ông Duy Ngô Nhĩ đã được lấy làm bằng cớ cho tin đồn .

Tại Urumqi xa xôi, cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ coi sự kiện Thiều Quan là minh chứng cho một hệ thống buộc người Duy Ngô Nhĩ phải đi làm xa nhà, đôi khi là không tự nguyện, thường là trong bối cảnh điều kiện sống nghèo nàn và lương thấp. Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đặc hữu đối với người Duy Ngô Nhĩ đã khiến bạo lực ở Thiều Quan trở nên cực đoan. Tuy vậy, nó không phải là bất thường. Người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương cáo buộc rằng, chính quyền đã thất bại trong việc bảo vệ công nhân Duy Ngô Nhĩ hay bắt giữ những người Hán liên quan. Các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc và ngược đãi bắt đầu vào tối ngày 5/7, tập trung xung quanh khu vực Chợ Lớn của Urumqi. Mọi chuyện bắt đầu một cách ôn hòa, với lời kêu gọi công lý cho những người Duy Ngô Nhĩ bị giết hại ở Quảng Đông, đồng thời yêu cầu nhà chức trách mở cuộc điều tra toàn diện và minh bạch về vụ việc trên và chấm dứt các hành vi bóc lột .

Nhưng sự kiện đã nhanh chóng biến thành bạo lực. Những gì xảy ra tiếp theo là một trong những biến cố quan trọng nhất trong lịch sử vùng đất Tân Cương. Truyền hình nhà nước Trung Quốc đã phát đi phát lại cảnh đám đông người Duy Ngô Nhĩ tấn công người Hán bằng gậy, dao, rựa và gạch đá. Hàng chục ô tô và xe tải bốc cháy và khoảng 2/3 số thương vong là người Hán. Các báo cáo chính thức của Bắc Kinh cho biết gần 200 người đã chết vào ngày 5/7 và rõ ràng là bạo lực ban đầu, theo Tân Hoa Xã đưa tin, là hành động do người Duy Ngô Nhĩ nhắm vào người Hán. Các nhà chức trách Trung Quốc cho rằng, bạo lực là có tổ chức và đã được xúi giục, chỉ đạo từ nước ngoài do nữ doanh nhân lưu vong Rebiya Kadeer dàn dựng, dù không có bằng chứng. Về đại thể, đây là phiên bản chính thức của sự kiện Thất Ngũ theo truyền thông Trung Quốc: Không hoàn toàn sai, nhưng không phải tất cả đều là sự thật.

Các cuộc biểu tình trở thành bạo lực khủng khiếp đối với cư dân người Hán và tài sản của họ. Một số người Duy Ngô Nhĩ, có thể là vài chục người, cũng đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh trước khi cảnh sát ập vào để vãn hồi trật tự. Câu chuyện này sau đó đã được người Duy Ngô Nhĩ kể lại.

Những ngày sau đó, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Urumqi bắt đầu phản ứng. Cảnh sát có vũ trang, nổ súng và đám đông người Duy Ngô Nhĩ. Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế Giới, mà chính phủ Trung Quốc đổ lỗi cho việc kích động sự kiện, cho rằng có gần 600 người đã chết vào ngày 5/7, gấp nhiều lần phiên bản của truyền thông nhà nước Trung Quốc. Hầu hết trong số đó là người Duy Ngô Nhĩ. Các nhân chứng cho biết đã nghe thấy tiếng súng và nhiều bệnh viện khi ấy đã điều trị thương tích do đạn bắn, cho thấy đây là nạn nhân của cảnh sát vũ trang. Ước tính có khoảng 1.000 cảnh sát đã xuống đường để giải tán cuộc biểu tình.

Chính quyền Bắc Kinh đã sử dụng từ “bạo loạn” để mô tả sự việc. Các cuộc biểu tình ở Urumqi đã thực sự trở nên bạo lực, nhưng nhãn dán này được chính quyền được sử dụng để biện minh cho mức độ phản ứng gần như không giới hạn. Trong những ngày sau đó, các vai trò bị đảo ngược khi cư dân người Hán đi khắp thành phố để tìm kiếm và tấn công người Duy Ngô Nhĩ. Cảnh sát hỗ trợ và đôi khi tham gia vào các cuộc trả thù. Một nhân chứng nói với cây viết Darren Byler của SupChina rằng: “Vào những ngày sau ngày 5/7, hàng trăm người Hán đã đập phá các nhà hàng Duy Ngô Nhĩ. Cảnh sát địa phương mang theo súng ống, nhưng khi thấy người Hán làm việc đó, họ mới quay trở lại trụ sở của mình”. Hàng ngàn người Duy Ngô Nhĩ đã bị cảnh sát bắt giữ. Chính quyền đã giam giữ một số chính thức, những người khác chỉ đơn giản là đã biến mất. Nằm trong số với những người bị bắt có Iham Tohti, người sau này sẽ nhận bản án chung thân vì tội phản quốc.

Kinh ngạc hơn nữa là số người chết có thể xảy ra kể từ khi các báo cáo chính thức ngừng tính sau ngày 5/7. Hầu hết các vụ bạo lực, đặc biệt là bạo lực đối với người Duy Ngô Nhĩ, không được thêm vào. Một trong những người cung cấp thông tin cho ký giả Byler tuyên bố rằng nhiều người đã thiệt mạng. Số người thiệt mạng cao nhất có thể là 7.000 người trong khi chính phủ nói rằng con số này ít hơn 200.

Ngày 5/7/2009, không phải là thời điểm bắt đầu căng thẳng giữa người Duy Ngô Nhĩ với chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng rõ ràng sự kiện đó đã đánh dấu một sự thay đổi vĩnh viễn tại Tân Cương theo chiều hướng ngày càng tiêu cực hơn.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới