Friday, November 1, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiBí mật của rượu Mao Đài

Bí mật của rượu Mao Đài

Đằng sau quốc tuý Mao Đài cũng như câu lạc bộ Mao Đài đặc quyền đầy bí ẩn là những câu chuyện ‘thâm cung bí sử’ về giới tinh hoa ở Trung Quốc.

Rượu Mao Đài dùng trong lễ mừng đám cưới.

Cựu Chủ tịch của nhà sản xuất rượu hàng đầu Trung Quốc, Mao Đài Quý Châu (Kweichow Moutai), gần đây đã bất ngờ qua đời khi đang ở trong tù, và “Câu lạc bộ Mao Đài” có ảnh hưởng một thời đối với giới tinh hoa của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng không còn nữa. Trong khi đó, chính quyền của Tập Cận Bình trong vài năm qua đã tiến hành thanh trừng các thế lực đứng đằng sau rượu Mao Đài.

Mao Đài là một loại rượu không màu của Trung Quốc, được chưng cất từ lúa miến lên men. Nó được sản xuất tại thị trấn Mao Đài thuộc tỉnh Quý Châu của Trung Quốc và đã giành được giải thưởng trong Triển lãm Quốc tế Panama Thái Bình Dương năm 1915.

Mao Đài Quý Châu từng là cổ phiếu có giá trị nhất Trung Quốc. Theo dữ liệu từ ngày 7/1 năm ngoái, giá trị thị trường của Kweichow Moutai là 2,44 nghìn tỷ CNY (nhân dân tệ) (khoảng 382,6 tỷ USD), gấp đôi so với “Ngân hàng Công thương Trung Quốc” xếp thứ hai và gấp ba lần so với “PetroChina” xếp thứ năm”.

Tuy nhiên, cựu Chủ tịch Viên Nhân Quốc (Yuan Renguo) đã đột ngột qua đời trong tù vào ngày 9/9 ở tuổi 67. Các nguồn tin giấu tên cho rằng ông chết vì xuất huyết não nhưng cũng có những suy đoán khác về nguyên nhân cái chết của ông.

Hồ sơ công khai cho thấy ông Viên Nhân Quốc sinh ra ở Quý Châu vào tháng 10/1956 và ông bắt đầu làm việc tại nhà máy chưng cất Mao Đài ở tuổi 19. Ông từng là Chủ tịch của China Kweichow Moutai Distillery (Tập đoàn chưng cất rượu Mao Đài Trung Quốc) (CKMD) trong bảy năm và là Chủ tịch của công ty đại chúng Kweichow Moutai Co., Ltd., (Công ty trách nhiệm hữu hạn Mao Đài Quý Châu) (KMC) trong gần 20 năm.

Vào tháng 5/2018, ông Viên bị cách chức Chủ tịch CKMD và KMC. Vào tháng 5 năm sau, ông bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và bị tước bỏ chức vụ. Vào tháng 9/2021, ông Viên bị kết án tù chung thân vì tội nhận hối lộ.

Vào tháng 3 năm ngoái, tài khoản WeChat chính thức của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trung Quốc tuyên bố rằng trong quá trình điều tra, hơn 40 điều tra viên đã dành “một ngày một đêm” để đếm các sản phẩm vàng, đồng hồ, đồ trang sức, tranh vẽ, ngà voi và các khoản tiền mặt được tìm thấy trong nhà của ông Viên.

Kể từ khi ông Viên sa cơ, Mao Đài Quý Châu đã trải qua thời kỳ biến động đáng kể trong ban lãnh đạo. Chỉ trong một năm, ít nhất 13 giám đốc điều hành cấp cao đã “gặp vấn đề”. Vào tháng 12/2021, Tổng giám đốc Công ty Bán hàng Mao Đài Quý Châu, ông Zeng Xiangbin, “rơi từ một tòa nhà” và qua đời ở tuổi 48.

‘Người mua Mao Đài không uống, người uống Mao Đài không mua’

Mao Đài được coi là “quốc tửu” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Người ta tin rằng vào năm 1949 khi ĐCSTQ giành được quyền lực, Thủ tướng Chu Ân Lai đã đích thân xác nhận nó là rượu dùng trong các bữa tiệc chiêu đãi cấp nhà nước. Kể từ đó, Mao Đài đã mang một biểu tượng chính trị mạnh mẽ. Ở Trung Quốc, việc tiêu thụ Mao Đài đã phát triển trở thành biểu tượng của địa vị và loại rượu này có mối liên hệ phức tạp với tham nhũng và giới tinh hoa chính trị.

Những công dân Trung Quốc bình thường không thể đủ tiền uống rượu Mao Đài. Một chai Mao Đài Phi Tiên (Flying Fairy Moutai) 500ml với nồng độ cồn 53%, được sản xuất năm ngoái, có giá bán lẻ là 1.499 CNY (nhân dân tệ) (khoảng 206 USD). Đó là sản phẩm cấp thấp nhất của thương hiệu. Đối với loại Mao Đài quý hiếm có kích thước tương đương, giá bán lẻ mỗi chai tăng vọt lên 4.599 CNY (khoảng 633 USD). Thậm chí còn có những phiên bản nâng cấp đắt tiền hơn, phiên bản sưu tầm và nhiều dòng Mao Đài khác nhau.

Một câu nói trong dân chúng đã gói gọn thực trạng này: “Người mua Mao Đài không uống, người uống Mao Đài không mua”. Mua Mao Đài thường nhằm mục đích tặng quà, hoặc như một số người nhìn nhận, là để hối lộ.

Chính quyền của ông Tập Cận Bình có thể đã khởi xướng việc thanh lọc Mao Đài Quý Châu từ 5 năm trước.

Trong nội bộ ĐCSTQ, nhiều quan chức tham nhũng được biết đến là người tích trữ Mao Đài. Năm 2018, ông Wang Xiaoguang, cựu Phó tỉnh trưởng Quý Châu, bị phát hiện sở hữu hơn 4.000 chai Mao Đài được giấu trong căn phòng bí mật tại nhà riêng. Vào năm 2012, Tướng Gu Junshan của quân đội ĐCSTQ gặp chuyện và các nhà điều tra đã tịch thu 1.800 thùng Mao Đài từ quê hương của ông. Với mỗi thùng có thể chứa 6 chai, ông Gu được cho là đã tích lũy được hơn 10.000 chai.

Câu lạc bộ Mao Đài bí ẩn

Trong các hệ thống phát xít và toàn trị, các gia đình có thế lực thường kiểm soát các tập đoàn lớn. Vậy giới tinh hoa Trung Quốc đằng sau Mao Đài Quý Châu là những ai?

Trong cuộc cải tổ nhân sự tại Mao Đài Quý Châu, giám đốc độc lập Li Botan đã từ chức vào tháng 12/2020. Ông Li Botan có lý lịch đáng chú ý: ông là con rể của một cựu thành viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương ĐCSTQ, ông Giả Khánh Lâm (Jia Qinglin). Li Botan cũng giữ một vị trí nổi bật là nhân vật nắm quyền kiểm soát của Công ty Đầu tư Zhaode Bắc Kinh và giữ chức Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Văn hóa Rượu Mao Đài Quốc gia Bắc Kinh. “Câu lạc bộ Mao Đài” thường được nhắc đến là đơn vị con của hiệp hội.

Ông Li Botan cũng sở hữu một loạt hoạt động kinh doanh đáng kể nhưng ông nổi tiếng nhất với tư cách là tổng thư ký của “Câu lạc bộ Mao Đài” rất nổi tiếng một thời. Bất chấp tuyên bố của Câu lạc bộ Mao Đài là một tổ chức phi lợi nhuận chuyên quảng bá văn hóa rượu Trung Quốc, trên thực tế, đây là một câu lạc bộ đặc quyền bí ẩn phục vụ giới thượng lưu hàng đầu của ĐCSTQ. Trụ sở chính của nó nằm trong một khu sân trong truyền thống cạnh Quảng trường Thiên An Môn và Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh.

Theo cuốn sách “Red Roulette” của ông Desmond Shum, doanh nhân người Anh và chồng cũ của nữ tỷ phú Trung Quốc Duan Weihong, tư cách thành viên Câu lạc bộ Mao Đài đòi hỏi hàng chục nghìn USD. Tuy nhiên, sự giàu có về tài chính cũng không thể đảm bảo cho việc gia nhập Câu lạc bộ Mao Đài. David (tên tiếng Anh của ông Li Botan) tiến hành một quá trình kiểm tra tư cách và một người phải là người có tầm quan trọng mới được vào.

Tư cách thành viên của Câu lạc bộ Mao Đài nhanh chóng trở thành một trong những địa vị xã hội được săn đón nhiều nhất ở Bắc Kinh, thu hút một số ông trùm hàng đầu của Trung Quốc, bao gồm Chủ tịch Truyền hình Vệ tinh Phoenix Liu Cheong Lok, Chủ tịch doanh nghiệp lớn của nhà nước CITIC Group Kong Dan, và nhà sáng lập gã khổng lồ công nghệ Alibaba Jack Ma.

Thậm chí người ta còn suy đoán rằng cháu trai của ông Giang Trạch Dân có thể là thành viên của Câu lạc bộ Mao Đài. Theo ông Shum, trong một lần đến câu lạc bộ, ông đã gặp một thanh niên tự giới thiệu mình là Alvin, và sau đó người ta tiết lộ rằng người thanh niên ấy chính là cháu trai của ông Giang Trạch Dân, anh Giang Chí Thành. Anh Giang Chí Thành đã thành lập một công ty đầu tư cổ phần tư nhân trị giá hàng tỷ USD ở tuổi đôi mươi.

Chính xác thì điều gì đã lôi kéo rất nhiều thành viên của tầng lớp tinh hoa của ĐCSTQ đến với Câu lạc bộ Mao Đài? “Red Roulette” tiết lộ rằng điểm thu hút chính của ông Li Botan là mối liên hệ với các kênh ngầm của Công ty Mao Đài Quý Châu.

Cuốn sách nhấn mạnh rằng Công ty Mao Đài Quý Châu sẽ phát hành rượu Mao Đài 10 năm tuổi, loại rượu này sẽ ngày càng có giá trị theo thời gian và thường khó tìm thấy trên thị trường. Nhưng hầu hết rượu Mao Đài lâu năm có sẵn để mua đều chứa rất ít hoặc không có rượu cũ chính hãng; ông Li Botan sẽ sử dụng rượu Mao Đài đích thực trong một phần ba đợt phát hành rượu Mao Đài mười năm hàng năm của Công ty Mao Đài.

Cuốn sách cũng mô tả cách ông Li Botan bán rượu Mao Đài 10 năm của mình trong những chai màu đỏ, được giới câu lạc bộ gọi là “tóc đỏ”. Những người trong nhóm hiếm khi mua Mao Đài từ các cửa hàng thông thường do sản phẩm giả tràn lan. Để tiếp cận được “tóc đỏ” quý giá của David, người ta phải tham gia Câu lạc bộ Mao Đài.

“Red Roulette” cũng đi sâu vào lý do ông Li Botan thành lập Câu lạc bộ Mao Đài. Theo cuốn sách, giới tinh hoa của ĐCSTQ thích môi trường riêng tư, nơi người ta có thể thực hiện các giao dịch chính trị và kinh tế mà không ai biết ai là ai hoặc đang thảo luận điều gì. Thứ hai, giới tinh hoa của ĐCSTQ tránh phô trương sự giàu có của mình một cách công khai mà thích làm nổi bật nó một cách kín đáo với những người bạn đáng tin cậy. Thứ ba, trong nhiều trường hợp, lợi ích chính từ các câu lạc bộ đặc quyền là khả năng lợi dụng tài sản của chính phủ để phục vụ lợi ích cá nhân.

Sự sụp đổ của Câu lạc bộ Mao Đài và cuộc tranh giành quyền lực ở Bắc Kinh
Ông Shum cho biết ông tin rằng mối quan hệ của ông Li Botan và Mao Đài Quý Châu được thiết lập nhờ sự giúp đỡ của ông Giả Khánh Lâm.

Trở lại Bắc Kinh, từng có một số câu lạc bộ đặc quyền hàng đầu như “Câu lạc bộ Núi Tây”, “Câu lạc bộ Pangu” và “Câu lạc bộ Trung Quốc”. Tuy nhiên, kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, các câu lạc bộ đặc quyền này đã liên tiếp bị đóng cửa, thanh trừng và những nhân vật chủ chốt của chúng bị điều tra. Nhưng Câu lạc bộ Mao Đài vẫn tiếp tục hoạt động bí mật, cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của những người có tầm ảnh hưởng.

Bố vợ của ông Li Botan, ông Giả Khánh Lâm, là bạn thân tín của ông Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo ĐCSTQ. Trong những năm 1990, khi ông Giả giữ chức Bí thư tỉnh ủy Phúc Kiến, “Vụ buôn lậu Yuanhua” khét tiếng đã xảy ra, liên quan đến hàng lậu trị giá 53 tỷ CNY (6,4 tỷ USD). Vụ án này được coi là vụ án kinh tế lớn đầu tiên của ĐCSTQ kể từ năm 1949, và Thủ tướng lúc đó là Chu Dung Cơ đã thề sẽ “đi đến tận cùng vụ việc”.

Tuy nhiên, ông Giả không những bình yên vô sự mà còn vươn lên vị trí quyền lực trung ương cao nhất. Điều này khiến mọi người nghĩ rằng mối quan hệ của ông Giả và ông Giang Trạch Dân không hề tầm thường.

Tuy nhiên, khi ảnh hưởng của ông Giang Trạch Dân suy yếu và cuối cùng qua đời, Câu lạc bộ Mao Đài không thể thoát khỏi sự sụp đổ. Trụ sở cũ của Câu lạc bộ Mao Đài hiện nay trống rỗng và hiện là “Bảo tàng Mao Đài”, mở cửa cho công chúng.

Sau đây là một lời giải thích tại sao ông Tập Cận Bình nhất quyết đóng cửa các câu lạc bộ đăc quyền này. Doanh nhân Trung Quốc Mạnh Quân, hiện đang cư trú tại Mỹ, tuyên bố trên chương trình truyền hình “Diễn đàn ưu tú” ngày 17/9 rằng kể từ sau những vụ việc liên quan đến biến động chính trị của Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai, ông Tập Cận Bình tin rằng những câu lạc bộ cao cấp này là cơ sở tiềm tàng cho các cuộc tranh giành quyền lực chính trị của giới tinh hoa. Chúng thu hút nhiều phe phái và cá nhân khác nhau có chung lợi ích và mục tiêu. Ông Tập Cận Bình lo ngại nhất về việc các nhóm nhỏ được hình thành trong các câu lạc bộ này, vì chúng có thể trở thành một thế lực thách thức quyền lực của ông.

Câu lạc bộ Mao Đài được chính thức thành lập vào ngày 21/12/2009, tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. Ông Viên Nhân Quốc, Chủ tịch lúc bấy giờ của Mao Đài Quý Châu, giữ chức Phó chủ tịch câu lạc bộ, trong khi ông Li Botan là Tổng thư ký hoặc người kiểm soát sau hậu trường. Nói cách khác, chính ông Viên là người đã hỗ trợ ông Li Botan thành lập Câu lạc bộ Mao Đài.

Nhà bình luận các vấn đề Trung Quốc Chen Weiyu đã gợi ý trong chương trình của mình vào ngày 12/9 rằng cái chết của ông Viên trong thời gian gia đình Giả Khánh Lâm đang bị thanh trừng có thể không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên và không nên loại trừ nó như một phương tiện phòng vệ đối với ông Li Botan.

Ông Chen Weiyu cũng đề cập rằng ông Viên từng giữ chức Chủ tịch Mao Đài Quý Châu trong 20 năm, dưới thời lãnh đạo của Giang Trạch Dân. Ông Viên đã xây dựng mối quan hệ với nhiều nhân vật có ảnh hưởng trong phe Giang. Cái chết của ông chắc chắn đã lấy đi nhiều bí mật.

Rượu Mao Đài ban đầu là một thương hiệu quốc gia đặc biệt có lịch sử lâu đời. Tuy nhiên, sau khi ĐCSTQ nắm quyền, dưới chiêu bài “quan hệ đối tác công tư”, rượu Mao Đài đã bị cưỡng chế chuyển sang “sở hữu nhà nước”. Ba chủ sở hữu nhà máy chưng cất tư nhân ban đầu sản xuất Mao Đài đã phải đối mặt với những số phận đáng tiếc, một người bị xử tử, một người nhận bản án nặng nề và người còn lại “tự nguyện” bán cho chính phủ.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới